Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

CHUYỆN THÁNG MƯỜI HAI

 

Sun, 27/11/2022 - Trầm Thiên Thu

CHUYỆN  THÁNG  MƯỜI  HAI

Chúa Con Giáng Sinh Ban Ơn Cứu Độ

Nhân Loại Mừng Rỡ Nhận Phúc Bình An

Đêm Con Thiên Chúa Giáng Sinh mệnh danh là Đêm An Bình, Đêm An Lành, Đêm Linh Thiêng, Đêm Ánh Sáng, Đêm Mầu Nhiệm. Người ta hân hoan chúc nhau: Giáng Sinh An Lành – Merry Christmas – Noël Joyeux. Bởi vì chúng ta đang có Đấng Emmanuel – Immanuel – Imanu'el (עִמָּנוּאֵל) – Thiên Chúa ở cùng chúng-ta. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao vô song của nhân loại.

Như chúng ta đã biết, ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh được người ta gọi theo Anh ngữ là CHRISTMAS – chữ Christmas tạo nên bởi chữ CHRIST (Đức Kitô) và tiếp vĩ ngữ MAS (lễ). Do đó, Christmas nghĩa là Lễ Giáng Sinh – mặc nhiên hiểu là Chúa Giêsu Giáng Sinh. Tương tự, chúng ta cũng có Candlemas – Lễ Nến (Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, sau Lễ Giáng Sinh 40 ngày).

Thật kỳ lạ, người ta sử dụng thời điểm Chúa Giêsu Giáng Sinh làm “mốc” để tạo dương lịch, gọi là công lịch – lịch chung của mọi người. Tại sao người ta không lấy ngày sinh của Muhammad, Thích Ca Mâu Ni, ... hoặc một nhân vật nào đó làm “mốc” để tạo công lịch? Và rồi cả thế giới đều đồng ý sử dụng ngày Chúa Giáng Sinh làm công lịch vì thấy chuẩn lý. Vì thế, người ta gọi Năm Dương Lịch là “Year of our Lord,” nghĩa là “Năm của Chúa.” Một sự thật minh nhiên tồn tại mà ai cũng đồng ý sử dụng, kể cả những người hiên ngang vỗ ngực xưng danh là “vô thần.” Người ta có dùng lịch này hay lịch nọ, nhưng chỉ được dùng trong lĩnh vực riêng của họ, chứ thế giới không công nhận.

Từ cổ chí kim, trên thế giới này có vị lãnh đạo nào hoặc vị lập đạo nào được cả thế giới đón nhận minh nhiên như vậy? Chắc chắn là KHÔNG. Kitô hữu chúng ta tạ ơn Chúa và hãnh diện đã nhận ra Chúa Giêsu là Ánh Sáng của Thiên Chúa và Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Có lẽ vì thế mà Kitô giáo luôn bị bách hại, giống như Chúa Giêsu đặt vấn đề với người thợ làm vườn nho: “Hay vì thấy tôi TỐT BỤNG mà bạn đâm ra GHEN TỨC?” (Mt 20:15)

Giáng Sinh đến thì năm mới kề cận. Cuộc sống luôn cần bình an. Nhưng sự bình an đích thực chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, và câu đầu tiên của Ngài là một lời chúc: “Bình an cho anh em.” (Ga 20:19; Ga 20:21; Ga 20:26) Điều đó chứng thực rằng sự bình an rất quan trọng. Ở đâu có hòa bình (bình an tâm hồn và xã hội) là có hạnh phúc, ở đâu có chiến tranh là có đau khổ và bất hạnh. Hòa bình cũng liên quan sự tự do. Không có tự do thì không có bình an đích thực.

Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910, Nga) có tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” – War and Peace. Ông là tiểu thuyết gia, triết gia, nhà cải cách giáo dục, nhà tư tưởng đạo đức, người ăn chay, người ủng hộ hòa bình, người theo chủ nghĩa vô chính phủ, là tín đồ Cơ Đốc giáo và là người uy tín của dòng họ Tolstoy. Chủ trương bất bạo động của ông đối với các điều xấu đã ảnh hưởng tới Mahatma Gandhi – vị thánh của dân tộc Ấn Độ. Tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” là tiểu thuyết lịch sử phản ánh một giai đoạn bi tráng của xã hội Nga, từ giới quý tộc đến nông dân, trong thời đại đế Napoléon. Tác phẩm này được nhà xuất bản Russki Vestnik ấn hành lần đầu trong những năm 1865-1869, và đã được đạo diễn King Vidor dựng phim năm 1956. Tác phẩm này được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới.

Khi nói tới Nga, chúng ta nhớ tới cuộc chiến tranh Nga với Ukraine, kẻ châm ngòi là Putin. Thật buồn vì Putin là tín đồ Chính Thống giáo, tin nhận Chúa Giêsu, vậy mà có máu Hêrôđê hiếu chiến và gian xảo. Khi đề cập chiến tranh, người ta thường nghĩ ngay tới bạo động, bạo lực, gươm giáo, bom đạn, súng ống,... Tuy nhiên, chiến tranh không chỉ là chém giết nhau hoặc máu lửa, mà còn các loại chiến tranh khác: Chiến tranh tâm lý, chiến tranh văn hóa, chiến tranh tư tưởng, chiến tranh chính trị, chiến tranh giai cấp, chiến tranh đảng phái, chiến tranh đói nghèo, chiến tranh giới tính, chiến tranh hôn nhân, chiến tranh gia đình, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh tâm linh, chiến tranh nội tâm,...

Chiến tranh có thể xảy ra giữa nước này với nước khác, giữa vùng này với miền khác, giữa nhóm này với nhóm khác, giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, giữa người này với người khác, thậm chí là nội chiến và chiến tranh trong chính con người của mình. Chiến tranh nội tâm là sự giằng co giữa thiện và ác, điều mà Thánh Phaolô đã từng đề cập: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:15) Chiến tranh nội tâm rất khủng khiếp, như tục ngữ Việt Nam nói: “Lo bạc râu, sầu bạc tóc.” Đau khổ khiến người ta tiêu điều, tiều tụy và suy sụp rất mau. Mà đau khổ là hệ lụy của chiến tranh, vì chiến tranh khiến người ta đau khổ nhiều lĩnh vực – cả thể lý và tinh thần.

Vì không hòa hợp mà xảy ra xung khắc, dẫn đến xung đột, chỉ vì “cái tôi” của ai cũng quá to, không ai nhường ai nên chiến tranh xảy ra. Chiến tranh và hòa bình là hai thái cực đối lập. Vì miếng ăn và tư lợi mà người ta tranh giành nhau. Có chiến tranh nên cần hòa bình, có chiến tranh mới biết quý trọng hòa bình – cũng như có đau khổ mới biết quý trọng hạnh phúc. Bình an là điều cần thiết, ai cũng khao khát, vậy mà người ta vẫn gây hấn và hiếu chiến. Chung quy cũng chỉ vì ích kỷ, vì “cái Tôi” quá lớn khiến người ta hóa Tối, cư xử Tồi, rồi phạm Tội. Dù ở bất cứ dạng nào, chiến tranh xảy ra chỉ vì thiếu tình thương, bởi dã tâm của con người mà thôi.

Hòa bình là viên ngọc quý giá. Còn chiến tranh vô cùng khủng khiếp, nó tàn phá mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần. Nếu là người Việt Nam từ 60 tuổi trở lên thì có thể “trực tiếp” biết sự tàn khốc của chiến tranh như thế nào, sự tàn phá cứ âm ỉ và dai dẳng, ảnh hưởng cả tâm lý. Cái chết của người thân bị giết gây ảnh hưởng nặng nề tới ông bà, cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, xóm giềng,... Lệ sầu rơi xuống làm cay mắt và mặn môi, nhưng rồi sẽ khô đi và nguôi ngoai theo thời gian, quan trọng hơn là nó làm “ướt” nhiều thứ khác và hầu như không bao giờ “khô” được. Vết thương thể lý sẽ khỏi, chẳng chóng thì chày, nhưng vết thương tâm lý rất khó lành – đôi khi có thể gây di chứng và trở thành mãn tính. Đau khổ khôn lường!

Nữ tiểu thuyết gia về tội phạm và kịch tác gia Agatha Christie (1890-1976, Anh) nhận định: “Bây giờ người ta kinh hãi nhận ra rằng chiến tranh chẳng giải quyết cái gì cả, thắng một cuộc chiến cũng thảm khốc như thua cuộc.” Người Việt cũng có kinh nghiệm: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ.” Đôi khi người hả hê thắng cuộc lại chính là người thê thảm thua cuộc, người bị coi là thua cuộc lại chính là người thắng cuộc. Chuyện đời lạ thật!

Chứng cớ lịch sử tỏ tường: Chúa Giêsu bị người ta giết chết thê thảm trên Thập Giá, người đời cho là Ngài thua cuộc, nhưng không ngờ Ngại lại dùng chính Thập Giá làm đòn bẩy để chiến thắng hiển hách bằng cách phục sinh vinh quang. Đau khổ không là bất hạnh mà lại là hạnh phúc: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Chắc chắn sau đó là phần thưởng ngọt ngào khôn tả!

Bất bạo động, ôn hòa, hiền lành và khiêm nhường, đó là những thứ tạo nên hòa bình. Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:29-30) Ông John Abbott (1821-1893), thủ tướng thứ ba của Canada, nói: “Chiến tranh là khoa học của sự hủy diệt.” Một định nghĩa thú vị.

Tác giả và diễn giả Deepak Chopra, người Mỹ, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là biến đổi ý thức của mình để bạo lực không còn là cách lựa chọn trong cuộc sống cá nhân, để hiểu rằng một thế giới hòa bình chỉ có thể có được nếu chúng ta coi nhau như những con người hòa bình, từng cá nhân một.” Thi sĩ Ralph Waldo Emerson (1803-1882, Mỹ) xác định: “Chiến thắng đích thực và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, chứ không phải là chiến thắng của chiến tranh.”

Quả thật, không có chiến thắng nào vinh quang bằng chiến thắng của Hòa bình và Công lý, bởi vì đó mới chính là Sự Thật hoàn toàn. Người chiến thắng vẻ vang là chiến thắng của những người biết kiến tạo hòa bình vì danh Chúa: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5:9) Còn nhiều nơi trên thế giới còn đủ dạng chiến tranh, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đặc biệt là các Kitô hữu đang bị bách hại bởi những kẻ dã tâm ngông cuồng thuộc ISIS (Islamic State of Iraq and Syria, Nhà nước Hồi giáo).

Kính mừng Con Chúa Giáng Sinh và đón chào năm mới, nhưng nhiều nơi còn rắc rối, chưa thực sự bình an. Chúng ta thấy có những quốc gia đang hưởng hòa bình về phương diện xã hội, hòa bình theo nghĩa “không có chiến tranh bằng vũ khí,” nhưng thực sự họ chưa có hòa bình đích thực – cả tinh thần và thể lý.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin bình an cho chúng con, giải thoát chúng con khỏi mọi thứ chiến tranh, giúp chúng con kiến tạo hòa bình theo đúng ý Ngài. Xin ban hòa bình cho những nơi bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực, còn bị áp bức và bách hại bằng cách nào đó. Xin giúp chúng con luôn hiệp nhất và hiệp hành để kiến tạo hòa bình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Kính Mừng Chúa Giáng Sinh – 2022

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Uống nước rau trái cố ép giảm cân

 

Thứ bảy, 26/11/2022, VnExpress.net

Uống  nước  rau  trái  cố  ép  giảm  cân

Muốn làm đẹp, nhiều chị em uống nước ép rau, trái cây thay thế bữa ăn để ép cân và thải độc; chuyên gia cảnh báo cách này khiến cơ thể rối loạn vì thiếu dinh dưỡng.

Cách Tết Nguyên đán hai tháng, chị Mai 25 tuổi, ngụ Tân Phú, TP HCM, đặt mục tiêu giảm cân nhanh nhất để có vóc dáng chuẩn mặc đẹp chơi xuân. Chị uống nước ép cần tây uống thay cả ba bữa ăn trong ngày. Vài hôm sau, chị mệt lả, bần thần, tay chân run rẩy. Nghĩ cơ thể chưa quen, Mai thay đổi, chỉ uống nước ép vào bữa sáng, ăn bù vào buổi trưa và tối. Kết quả là vẫn đói, mệt, khó làm việc, thi thoảng thức ăn trào ngược lên họng gây ho, sặc, miệng chua chát.

"Tôi bỏ cuộc sau một tuần vì không đủ sức khỏe làm việc, bao tử luôn trong tình trạng đau thắt", chị Mai nói.

Còn chị Ngân 36 tuổi, ở Gò Vấp, TP HCM, ngày 25/11 nhận kết quả chẩn đoán tiền đái tháo đường do đường huyết tăng. Chị đến viện khám do vùng da khu vực cổ, nách bắt đầu sẫm màu, cơ thể khó chịu, cả ngày mệt mỏi. Bác sĩ cho biết trạng thái trên là do cách giảm cân của Ngân - chỉ uống nước ép trái cây vào bữa sáng và tối - khiến cho lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

 


Chị Ngân cho biết đã uống nước ép trái cây các loại thay bữa ăn hàng ngày gần 10 ngày qua, giảm được 2 kg.

Uống nước ép trái cây thay ăn là lựa chọn để giảm cân đón Tết của nhiều người. Ảnh: Freepik

Nước ép trái cây loại bỏ chất xơ, nhiều đường, nếu dùng thay cơm để giảm cân lâu dài có thể khiến cơ thể tăng đường huyết. Ảnh: Freepik

Tiến sĩ Chu Thị Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), cho biết nhiều người ăn kiêng với nước ép, sinh tố, các loại nước detox vì tính tiện dụng và quan niệm "ăn hoa quả nhiều có lợi cho cơ thể". Thực chất cân nặng sụt giảm nhanh do mọi người uống quá nhiều chất lỏng trong một ngày và cắt giảm đột ngột lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

"Nói cách khác, bản chất của cách giảm cân này là loại bỏ hoặc giảm hầu hết nhóm thực phẩm tạo năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày như thịt, cá, cơm, bánh mì", bà Tuyết lý giải. Hậu quả, cơ thể bị teo cơ, thiếu năng lượng, suy nhược, uể oải. Cơ thể thiếu protein dẫn tới suy giảm đề kháng. Chế độ dinh dưỡng không cân bằng khiến quá trình chuyển hóa và trao đổi chất bị rối loạn, ảnh hưởng hệ nội tiết, tác động chu kỳ kinh nguyệt và tâm sinh lý ở phụ nữ. Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng quá nhiều đồ uống detox, giảm cân, gây mất cân bằng điện giải.

Theo Medical News Today, uống quá nhiều nước ép trái cây có thể mang đến một số rủi ro. Ví dụ, nước ép trái cây chứa nhiều đường và calo, gây ra một số vấn đề như tăng cân, tiểu đường và bệnh tim mạch.

Ăn kiêng, giảm cân bằng cách chỉ uống nước ép trái cây cũng không hiệu quả khi cung cấp cho cơ thể quá nhiều đường nhưng thiếu các chất khác, từ đó gây phản tác dụng. Thực tế, nước trái cây được tạo ra sau khi đã ép bỏ hết chất xơ và nhiều dưỡng chất quan trọng khác, chỉ còn là một ly đường đậm đặc, hoàn toàn thiếu các chất dinh dưỡng hỗ trợ cơ thể trong quá trình tiêu hóa và trao đổi chất.

Nước ép trái cây giàu vitamin nhưng không thể đảm bảo cho cơ thể đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, làm thiếu hụt năng lượng tối thiểu cho các hoạt động khác. "Áp dụng cách này, cân nặng chỉ giảm tạm thời. Khi quay về chế độ ăn uống bình thường, cân nặng sẽ tăng trở lại do cơ thể được cung cấp thêm năng lượng thông qua thức ăn", tiến sĩ Tuyết nói.

Để đạt được hiệu quả giảm cân trước khi Tết đến, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng, khuyên mọi người áp dụng chế độ giảm cân từ tốn. "Đặt mục tiêu giảm dần 0,5-1 kg mỗi tuần là hợp lý và an toàn cho sức khỏe", ông nói.

Theo bác sĩ Sơn, một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc giảm cân hiệu quả, an toàn chính là ăn đủ protein. Protein giúp xây dựng cơ bắp, góp phần đốt cháy chất béo và duy trì khối lượng cơ - điều cần thiết và hữu ích với việc giảm cân. Thay thế chất béo xấu bằng thực phẩm giàu protein cũng là cách giúp duy trì đường cong cơ thể hiệu quả hơn.

Ngoài ra, không nên bỏ quên carbohydrate. Chế độ ăn kiêng không carbohydrate có thể giúp giảm cân nhanh chóng nhưng sẽ làm mất luôn cả đường cong của cơ thể. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm cân hiệu quả là hạn chế đường tinh luyện nhưng không bỏ thực phẩm giàu carbohydrate.

Tránh đồ ăn vặt, thực phẩm, đồ uống giàu calo nhưng ít chất dinh dưỡng như soda, kem, khoai tây chiên, thức ăn nhanh. Đồng thời, tăng cường rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ và các chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể, bác sĩ Sơn nói thêm.

Các chuyên gia khuyến cáo muốn giảm cân cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng cân bằng, nếu không cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động.

9 nguyên nhân gây tiêu chảy vào buổi sáng

 

Thứ ba, 29/11/2022, VnExpress.net

9  nguyên  nhân  gây  tiêu  chảy  vào  buổi
sáng

 

Uống nhiều rượu bia hoặc cà phê trước khi ngủ, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng đường tiêu hóa... dễ gây tiêu chảy vào sáng sớm.

Theo nhịp sinh học, 5-7 giờ sáng là thời gian thải độc của ruột già. Đại tràng co bóp mạnh gấp 3 lần trong giờ đầu tiên sau khi ngủ dậy khiến nhiều người có cảm giác muốn đi đại tiện vào sáng sớm. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là thói quen tốt, không chỉ đào thải chất cặn bã mà còn là tín hiệu tạo cảm giác đói, giúp cơ thể sẵn sàng đón nhận một bữa sáng lành mạnh.

Tuy nhiên, đại tiện vào sáng sớm có thể gây phiền toái, nhất là khi bị tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra thường xuyên còn là dấu hiệu của một số vấn đề về tiêu hóa cần phải điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tiêu chảy vào sáng sớm.

Hội chứng ruột kích thích (đại tràng co thắt)

Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tiêu chảy vào buổi sáng. Do đại tràng người mắc hội chứng ruột kích thích khá nhạy cảm nên thời gian phân nằm lại ruột già ngắn hơn so với người bình thường. Phân chưa được hấp thu hết nước và chất dinh dưỡng đã bị tống xuất ra ngoài ngay nên thường ở dạng lỏng, không thành khuôn. Người bệnh thường đau bụng tiêu chảy vào buổi sáng sau khi ăn, cảm giác đại tiện chưa hết phân.

Nhiễm khuẩn đường ruột

Sử dụng đồ ăn, thức uống bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc ăn phải thức ăn bị biến chất, ôi thiu... ở đêm hôm trước có thể gây đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy vào sáng hôm sau. Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng khi vào cơ thể sẽ giải phóng độc tố, làm tổn thương niêm mạc ruột, gây đau bụng kèm theo đi ngoài

Dị ứng, ngộ độc thực phẩm

Ăn phải thức ăn bị nhiễm độc, tẩm ướp nhiều phụ gia, hóa chất hoặc cơ địa nhạy cảm với một số loại thực phẩm, chẳng hạn sữa bò, hải sản, trứng, lúa mì, đậu nành... có thể gây tiêu chảy sau khi sử dụng. Một số triệu chứng thường gặp là đi ngoài kèm theo mẩn ngứa, nổi mề đay; phù mặt, lưỡi, họng sau khi tiếp xúc với tác nhân từ vài phút tới vài giờ. Các trường hợp tiêu chảy xuất hiện vào buổi sáng thường là do cơ thể đã phản ứng với thực phẩm được ăn từ đêm trước.

Bệnh viêm ruột

Tiêu chảy vào buổi sáng có thể do bệnh viêm ruột như Crohn, viêm loét đại tràng gây nên. Khi bị viêm ruột, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như đau bụng, giảm cân, mệt mỏi, chán ăn...

Uống rượu bia

Uống rượu bia và hút thuốc lá khiến hệ tiêu hóa bị suy yếu, công năng rối loạn. Rượu gây kích ứng đường tiêu hóa, hạn chế khả năng hấp thụ nước của ruột già, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích nhu động ruột khiến các cơ trong đại tràng co bóp thường xuyên, đẩy phân ra ngoài nhanh hơn bình thường, dẫn đến tiêu chảy.

Uống nhiều cà phê trước lúc ngủ

Uống nhiều caffeine có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày và khiến các cơ trong đường tiêu hóa (được gọi là cơ trơn) rơi vào trạng thái thư giãn, gây rối loạn công năng. Do vậy, nếu uống nhiều cà phê trước lúc ngủ, có thể sáng hôm sau bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng đi ngoài.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây tiêu chảy, nhất là kháng sinh. Khi vào trong cơ thể, kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu hóa và đi ngoài phân lỏng.

Mang thai

Phụ nữ mang thai có thể bị tiêu chảy vì nhiều lý do như nhạy cảm với thực phẩm, ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, thay đổi nội tiết tố, thay đổi chế độ ăn uống khiến cơ thể chưa kịp thích nghi.... Đôi khi, tiêu chảy trong ba tháng cuối thai kỳ còn là dấu hiệu cảnh báo quá trình chuyển dạ đang đến gần. Nếu bị tiêu chảy nặng, bà bầu dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Stress

Căng thẳng quá mức có thể dẫn đến tiêu chảy. Khi bị căng thẳng, não gửi tín hiệu đến hệ tiêu hóa thông qua hệ thống thần kinh giao cảm. Lúc này, ruột tiết ra các hormon làm giảm nhu động ruột non và dạ dày nhưng tăng tốc chuyển động của ruột già, kích thích cơ thể đào thải nhanh chất cặn bã. Nếu stress kéo dài, công năng của hệ thống ruột có thể bị rối loạn, gây ra tiêu chảy.

Theo Tiến sĩ Khanh, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà phương pháp điều trị tình trạng tiêu chảy vào sáng sớm cũng khác nhau. Việc điều trị có thể bao gồm kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể để lại biến chứng mất nước, rất nguy hiểm ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ nên cần đặc biệt lưu ý. Nếu tình trạng này kéo dài kèm theo đau bụng, nôn nhiều, mệt mỏi, sụt cân nhanh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

TẨY SẠCH

 

Mon, 28/11/2022 - Trầm Thiên Thu

TẨY  SẠCH

Thể Xác Dơ Cần Mau Mắn Rửa Sạch

Linh Hồn Bẩn Phải Vội Vàng Ăn Năn

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị và mong đợi Chúa Giêsu giáng sinh. Thời gian mong chờ đó có liên quan một người đặc biệt là Gioan Tẩy Giả. Trình thuật Mt 3:1-12 nói về “con người giao thời” đó. Ông là “dấu nối” giữa Tân Ước và Cựu Ước, người “dọn đường” cho Đấng Thiên Sai.

Làm gì cũng phải chuẩn bị, sự kiện càng quan trọng càng phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Cuộc sống có nhiều sự kiện phải chuẩn bị: Lễ, Tết, cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật, dịp kỷ niệm đặc biệt nào đó,...

Trong hoang địa miền Giuđê, ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Kinh Thánh cho biết rằng ông chính là người được ngôn sứ Isaia đã đề cập: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” DỌN và SỬA là hai hành động cần thiết: Dọn là làm cho sạch sẽ, Sửa là làm cho ngay ngắn. Phải dọn trước rồi mới sửa, làm ngược lại là trái khoáy, vô lý.

Người giản dị là người có chiều sâu nội tâm, thần kinh vững mạnh. Ông Gioan là “dị nhân” thứ thiệt, “bụi đời” chính cống, sống rất giản dị: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, thực phẩm là châu chấu và mật ong rừng. Ông có đặc điểm khác người: thật thà và thẳng thắn. Ông nói thật, nói thẳng vì muốn bảo vệ công bình xã hội, luân thường đạo lý nên bị những kẻ mưu ác ghét bỏ, toa rập với nhau lấy thủ cấp của ông. (x. Mt 14:3-11)

Thiên hạ nghe nói có có người tên Gioan rất “bụi đời” nhưng ăn nói lưu loát và phong cách lạ lùng, từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê cùng khắp vùng ven sông Giođan, người ta kéo đến ùn ùn để xem thế nào. Có lẽ mới đầu họ chỉ tò mò theo bản tính hiếu kỳ, nhưng càng nghe càng thấm những lời lẽ chí lý của Gioan. Thế là họ cùng nhau thú tội và xin ông làm phép rửa cho họ tại dòng sông Giođan.

Ông thấy nhiều người Pharisêu và Sađốc đến chịu phép rửa, ông biết họ chỉ giả vờ để mưu mô chuyện khuất tất nên nói thẳng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham.” Nghe “xóc óc” ghê! Thế nhưng phải nói thẳng với họ vì họ giả hình, bề ngoài nhìn hiền như chiên ngoan mà bề trong là con cọp dữ. Mặc dù tự ái lắm, nhưng họ không thể nói gì để phản đối, vả lại ông Gioan “phang” quá đúng rồi.

Thấy họ im lặng, ông Gioan nói rõ luôn: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Ông nói thật, không hề hù dọa, vì đó là cách Thiên Chúa tẩy sạch.

Hôm nay, và ngay bây giờ, lời cảnh báo của ông Gioan nói với nhóm Pharisêu và Sađốc cũng dành cho mỗi chúng ta. Thuận ngôn gây nghịch nhĩ, nhưng thuốc đắng mới đã tật. Phúc cho ai cảm thấy “ngứa tai” và “đắng lòng” khi nghe những lời thật như vậy. Có hồn thì tự liệu lấy!

Tắm gội và tẩy rửa là điều cần thiết, nhất là thời đại ngày nay, ô nhiễm đủ thứ – từ thể lý đến tinh thần, cả ngoài đời và trong đạo. Sống trong môi trường ô nhiễm nặng như Việt Nam hiện nay – mọi nguồn đều ô nhiễm, kể cả ẩm thực – thì càng phải tẩy rửa nhiều. Mùa Vọng là cơ hội thuận tiện, là thời gian tẩy rửa linh hồn để đón Con Chúa giáng sinh, Đấng ở cùng chúng ta, chia vui sẻ buồn và đồng hành với chúng ta.

Cần phải bảo vệ mình khỏi những thứ gây hại, thậm chí là nguy hiểm. Đơn giản nhất là dạng “khẩu trang” được đa số sử dụng khi ra đường. Thể lý đã vậy, tinh thần còn cần được bảo vệ kỹ hơn nữa. Ngày nay có quá nhiều thứ rác rưởi nguy hiểm trên internet, vì “net trắng” thì ít mà “net đen” thì nhiều, kể cả các phần mềm để liên lạc. Facebook được nhiều người “ưa dùng” nhưng lại có quá nhiều mối nguy hiểm. Có những người comment (nhận xét, bình luận) những câu chẳng đâu vào đâu, vu vơ, linh tinh, vớ vẩn. Tất nhiên cũng có những kẻ xấu lợi dụng Facebook để mưu tính những chuyện khuất tất. Đừng nhẹ dạ mà vội tin những gì trên đó!

Ngay cả hình đại diện cũng chưa đáng tin nếu chúng ta không biết họ là ai, vì có những kẻ lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia,” không biết đâu là thật – giả. Cũng có những trang có vẻ “nghiêm túc” nhưng phía sau có thể là một ổ virus độc hại. Những kẻ câu LIKE (thích) là những kẻ tồi tệ, nên block (khóa) họ để tự bảo vệ. Cẩn tắc vô ưu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Thật chí lý với câu nói nghe như vè thế này: “Đừng cãi lý với kẻ say, đừng bắt tay với kẻ xấu, đừng chiến đấu với kẻ liều, đừng nói nhiều với kẻ ngu.” Thật thà thẳng thắn thì tốt. Những kẻ nói ngọt thì chẳng ra gì, người Anh gọi họ là “fair-weather” – tức là những người bạn phù thịnh, ưa nịnh, chỉ chấp nhận quen khi chúng ta có cái gì đó mà họ có thể lợi dụng, nhưng khi chúng ta gặp hoạn nạn thì không thấy mặt họ. Mùa Vọng là mùa tẩy rửa. Bằng cách nào? Tỉnh thức và cầu nguyện.

Trong trình thuật Is 11:1-10, ngôn sứ Isaia mô tả: “Từ gốc tổ Giessê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.” Đó là nói về vị Minh Quân thuộc dòng dõi Đavít.

Với cách nói đơn giản mà thâm thúy, người nông dân Việt Nam ví von: “Nó bé nhưng gié nó to.” Ý nói về những cây lúa tuy nhỏ bé nhưng trổ ra những gié lúa trĩu nặng với những hạt căng mọng. Những thứ nhỏ bé thường là những thứ quan trọng và cần thiết. Chẳng hạn như DNA (deoxyribonucleic acid), dạng chuỗi xoắn đôi quá nhỏ bé, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó lại khả dĩ duy trì sự sống, khỏe hay yếu lệ thuộc vào nó và nó mang tính di truyền. DNA ở người có khoảng 3 ngàn tỷ cặp base – gồm 4 hóa chất: A, G, C, và T (Adenine, Guanine, Cytosine, và Thymine). Chắc chắn chỉ có Thiên Chúa là Đấng sáng tạo điều kỳ diệu đó.

Về thời đại của Thiên Chúa, Kinh Thánh cho biết: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. Đến ngày đó, cội rễ Giessê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.” Đó là sự bình an đích thực, và chỉ có ở Vương Quốc của Thiên Chúa. Hòa bình mà chúng ta hưởng ngày nay không vững bền, đôi khi chỉ là hòa bình ảo, nghĩa là không có chiến tranh súng đạn nhưng vẫn lo sợ đủ thứ, sợ vì nạn ô nhiễm khắp nơi, áp bức tinh vi, lọc lừa bài bản, ngay cả thực phẩm cũng không an toàn thì không thể bình an được!

Bất cứ thời đại nào, người ta chưa được hưởng nền hòa bình đích thực vì chưa có công lý nghiêm minh. Có công lý mới khả dĩ có hòa bình. Thánh Vịnh gia đã từng tha thiết cầu xin: “Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.” (Tv 72:1-2) Vương Triều Thiên Chúa rất tuyệt vời, bởi vì Ngài là Quốc Vương Chân Lý, và Ngài chỉ tuyển trạch các quần thần thực sự có lòng nhân ái: “Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.” (Tv 72:7-8)

Từ ngàn xưa, Kinh Thánh đã nói rất chính xác: “Chính nhân cầm quyền, dân mừng rỡ. Ác nhân cai trị, dân oán than.” (Cn 29:2) Trái ngược với nhân gian, Thiên Chúa là tình yêu, Ngài luôn chạnh lòng trắc ẩn với những kẻ thấp cổ bé miệng: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.” (Tv 72:12-13) Lời hay thì không thật, lời thật thì không hay, thế nên người ta nói rằng “sự thật dễ mất lòng.” Thiên Chúa luôn thẳng thắn, những người ưa lươn lẹo cảm thấy khó chịu và chói tai khi nghe Ngài giáo huấn, nhưng ai chịu nghe thì sẽ được an tâm và sống thanh thản. Quốc Vương Công Lý là Đức Giêsu Kitô, luôn nói thật và nói thẳng. Phải vậy thôi, vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát con người khỏi lầm lạc. (x. Ga 8:32)

Sự thật mãi mãi là sự thật, người ta có cố ý bóp méo cỡ nào cũng không được. Người Việt cũng có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng.” Kinh Thánh minh định: “Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời. Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.” (Tv 72:17) Chắc chắn là vậy.

Từ xưa, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3:4 & 6) Con đường đó chính là lòng dạ con người, là nếp nghĩ và các động thái khúc khuỷu đầy mưu mô thâm độc. Sửa cho “con đường lòng” ngay ngắn là một cách tẩy rửa để tâm hồn trở thành nơi xứng đáng cho Thiên Chúa ngự vào. Dù có thế nào thì cũng đừng tự ái, đừng tuyệt vọng về tình trạng của mình. Đó là điều thực sự rất cần thiết.

Mùa Vọng không chỉ nhắc chúng ta mong chờ Đấng Cứu Thế, mà còn dạy chúng ta duy trì niềm hy vọng. Có “lửa” hy vọng rồi sẽ có thể thắp sáng những thứ khác. Cuộc sống sẽ chấm dứt khi chúng ta KHÔNG mơ ước, hy vọng chấm dứt khi chúng ta KHÔNG tin tưởng, tình yêu cũng chấm dứt khi chúng ta KHÔNG quan tâm lẫn nhau.

Càng biết Kinh Thánh càng thấy kỳ diệu, vì Kinh Thánh là kho tàng vô giá, mọi thứ đều thấy có trong đó. Thánh Phaolô cho biết: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.” (Rm 15:4) Vững lòng trông cậy tức là tiếp tục hy vọng, đó là cửa ngõ dẫn tới những vùng kỳ diệu mà con người chưa bao giờ biết. Ai cũng rất yếu đuối vì là phàm nhân, vấn đề là cố gắng thay đổi hay không. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm nên ông chân thành mong ước: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 15:4-6)

Thánh Phaolô cầu mong như vậy, nhưng chúng ta có nỗ lực thay đổi hay không mới đáng nói. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.” (Rm 15:7-9) “Đón nhận nhau” là một cách phục vụ, là điều cao quý. Chính Chúa Giêsu đã phục vụ và khuyên chúng ta phải phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không hẳn là phục dịch như tôi tớ, mà đơn giản chỉ là yêu thương nhau, thể hiện thiện cảm ngay từ ánh mắt, nhưng phải chân thành chứ không giả vờ!

Lạy Thiên Chúa, thế gian ô nhiễm và lòng chúng con ô uế, xin ban Nguồn Nước Giêsu để tẩy rửa chúng con. Xin giúp chúng con dọn dẹp và uốn thẳng đường lòng và đường đời để xứng đáng cho Ngôi Lời ngự vào. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

9 điều bất lịch sự bạn có thể gây ra với đồng nghiệp

 Thứ hai, 28/11/2022, VnExpress.net

9  điều  bất  lịch  sự  bạn  có  thể  gây  ra  với  đồng  nghiệp

Khi ngồi cạnh một đồng nghiệp ở nơi làm việc, bạn sẽ biết rõ đặc điểm và thói quen của người đó. Không phải tất cả chúng ta đều thích những gì nghe, ngửi và nhìn thấy.

Đi làm khi ốm

Một trong những trường hợp sẽ khiến bạn kém duyên nhất khi đến nơi làm việc là bị ốm. Bởi ho, hắt hơi, chảy nước mũi cả buổi là hiện tượng phổ biến nhiều người gặp phải khi cảm cúm.

"Dù ho bình thường hay là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiệm trọng, hầu hết mọi người đều thấy cực kỳ không thoải mái. Người đi làm khi bị ốm không được đồng nghiệp đánh giá cao sự chăm chỉ mà chỉ thấy họ không tôn trọng sức khỏe và cảm xúc của người khác.

"Khi ai đó ho, hắt hơi bắn cả nước ra ngoài, bạn không thể không khó chịu và muốn rời khỏi chỗ ngồi", Diane Gottsman, chuyên gia nghi thức xã giao (Mỹ), nói.

Để đồ đạc trên bàn người khác

Di chuyển đồ đạc của người khác hay để đồ của mình trong không gian của đồng nghiệp kế bên là hành động bất lịch sự, ít nhiều khiến người kế bên khó chịu, đặc biệt là nếu người đó kỹ tính và gọn gàng.

Ảnh minh họa: Huffpost

Ảnh minh họa: Huffpost

Nghe nhạc mà không đeo tai nghe

Không ai muốn nghe nhạc của bạn, khi cần tập trung cao độ để làm việc. Ngoài ra, không phải ai cũng có cùng sở thích âm nhạc với bạn. Bắt họ nghe thể loại nhạc không thích là cực hình và thô lỗ.

Phát ra tiếng kêu hoặc chia sẻ tin đồn ác ý

"Những âm thanh không mong muốn phát ra từ đồng nghiệp là một trong những lời phàn nàn thường xuyên nhất mà tôi nghe được từ những người làm việc trong văn phòng (cho dù đó là âm nhạc, chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, cuộc gọi điện thoại, cuộc trò chuyện với đồng nghiệp khác hoặc âm thanh cơ thể như nhai hoặc thở nặng nhọc). Âm thanh không mong muốn trong môi trường làm việc có thể khiến bạn khó tập trung vào công việc.

Có nhiều hình thức độc hại hơn khiến đồng nghiệp ngồi bên khó chịu, chẳng hạn buôn chuyện hoặc bắt nạt mọi người.

Bỏ qua người muốn bắt chuyện với bạn

Văn phòng làm việc là một nơi tương tác và có những lúc đồng nghiệp cần giao tiếp với bạn. Nếu âm lượng tai nghe quá lớn, bạn không thể nghe thấy đồng nghiệp.

''Không gì khó chịu hơn là liên tục lặp lại câu hỏi mà người ngồi cạnh không trả lời vì bận đeo tai nghe. Nó làm cho công việc của mọi người khó khăn hơn và thể hiện sự bất lịch sự'', Pattie Ehsaei, chuyên gia ngân hàng cấp cao, Mỹ, nói.

Coi văn phòng chung như nhà bếp

Bất lịch sự nhất mà một người có thể làm là coi không gian làm việc chung như văn phòng/nhà bếp của cá nhân họ.

Anne Genduso, huấn luyện viên nghề nghiệp dẫn ví dụ phổ biến mà dân văn phòng hay phải chịu đựng từ đồng nghiệp là: nghe họp zoom với âm lượng lớn, mở loa to cuộc trò chuyện cá nhân, ăn cá hồi trước bàn máy tính hay để lại vô số bát đĩa tràn ra bàn của đồng nghiệp ngồi cạnh.

Xen vào cuộc trò chuyện riêng của người ngồi cạnh

Nghe thấy đồng nghiệp nói chuyện với người khác với nội dung riêng tư, bạn không nên can thiệp vào.

''Đưa ra ý kiến, lời khuyên dù không được nhờ khi tình cờ nghe thấy câu chuyện của đồng nghiệp kế bên là hành động khiến người đó thấy không được tôn trọng, bực bội và thậm chí xấu hổ'', Myka Meier, người sáng lập trung tâm đào tạo về phép xã giao, nói.

Xịt nhiều nước hoa

Nhiều người bị nhạy cảm với mùi hương và nước hoa. Đặc biệt, nước hoa có mùi quá nổi có thể gây khó chịu, khiến người khác mất tập trung.

Mang năng lượng tiêu cực văn phòng

Không cần phải đeo mặt nạ tươi sáng mỗi ngày, nhưng nếu bạn luôn mang đến hành động, nhận xét và câu chuyện tiêu cực, sẽ khiến đồng nghiệp mệt mỏi, kiệt sức và tạo môi trường làm việc khó chịu.

Nhật Minh (Theo Huffpost)

Dạy trẻ dùng mạng xã hội

 Thứ hai, 28/11/2022, 00:00 (GMT+7)

Dạy  trẻ  dùng  mạng  xã  hội

Võ Nhật Vinh

Võ Nhật Vinh

Tiến sĩ, Chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển

Là nhà nghiên cứu giáo dục và truyền thông khoa học, Hoàng - đồng nghiệp của tôi - rất bối rối trước bài học của cậu con trai lớp 7.

Chương trình học kỳ 1, phần thực hành môn Tin học yêu cầu tạo tài khoản mạng xã hội. Làm theo hướng dẫn trong sách giáo khoa, gồm phần kê khai ngày tháng năm sinh, để tạo tài khoản, cậu bé bị vô hiệu hóa vì chưa đủ 13 tuổi. Hoàng yêu cầu con kể lại sự việc cho cô giáo. Vài hôm sau, cháu tạo tài khoản thành công nhờ được cô hướng dẫn khai man tuổi. Các bạn khác cũng làm theo cách này vì học sinh lớp 7, nếu học đúng tuổi, đều chưa đủ 13 tuổi trong học kỳ 1.

Câu chuyện, cho thấy hai góc nhìn khác nhau - giáo viên và phụ huynh - ở giữa là các em học sinh chưa đủ tuổi sử dụng mạng xã hội, khiến tôi không khỏi ưu tư về vai trò bảo vệ trẻ em khi bước vào không gian Internet.

Các "gã khổng lồ" trên Internet như Google, Facebook hay Twitter đều quy định độ tuổi tối thiểu của người dùng là 13. Con số này được quyết định bởi "Luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em" (COPPA) của Mỹ. Theo đó, trẻ em được định nghĩa là những người dưới 13 tuổi và việc thu thập dữ liệu cá nhân của trẻ bởi các nền tảng trực tuyến phải bị ngăn chặn. Các chuyên gia đang vận động giới công nghệ hỗ trợ để cập nhật COPPA, trong đó có việc tăng độ tuổi tối thiểu của người dùng.

Ở Việt Nam, độ tuổi tối thiểu khi sử dụng các sản phẩm trực tuyến chưa được quy định cụ thể, nhưng trẻ em (người dưới 16 tuổi theo Luật trẻ em 2016) được bảo vệ khi sử dụng không gian mạng (Luật an ninh mạng 2018). Luật trẻ em 2016 cũng bảo vệ thông tin riêng tư của trẻ em. Nói cách khác, người dưới 16 tuổi ở Việt Nam phải được bảo vệ khỏi việc thu thập dữ liệu cá nhân bởi các nền tảng trực tuyến như Google, Facebook, Twitter hay TikTok. Thực tế, các nền tảng này đang có nguồn thu khổng lồ từ việc thu thập thông tin người dùng. Do đó, nếu trẻ em được tự do sử dụng các nền tảng này bằng cách nào đó (như khai man thông tin về tuổi), các em có thể bị thu thập dữ liệu một cách bất hợp pháp và đối diện với nhiều hiểm họa từ mạng xã hội.

Ở góc độ ngành giáo dục, những người soạn sách giáo khoa môn Tin hoc lớp 7 đã rất tiến bộ, cập nhật khi đưa nội dung giảng dạy về mạng xã hội và thông tin Internet vào chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nội dung chi tiết, các tác giả đã quên đặt mình vào vị trí người thụ hưởng (là trẻ em) để có hướng dẫn đúng đắn. Văn hóa sử dụng Internet, sử dụng các công cụ số để truy xuất hay trao đổi thông tin không nhất thiết phải được dạy thông qua việc sử dụng thực tế các nền tảng trực tuyến đại chúng. Ở Pháp, từ lớp 2, trẻ đã được học về cách tạo, bảo mật thông tin và sử dụng tài khoản số thông qua việc sử dụng các nền tảng giáo dục nội bộ của trường để truy xuất thư viện hay bài tập trực tuyến thay vì dùng nền tảng trực tuyến đại chúng của người lớn.

Bên cạnh đó, giáo viên đã quá bám sát sách giáo khoa mà quên mất mình mới là người thầy trực tiếp. Những bất cập trong sách đã không được xử lý kịp thời để bảo vệ học sinh. Thực tế này xuất phát từ việc ngành giáo dục thiếu "sách giáo khoa cho giáo viên" để cập nhật kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng các nền tảng không gian trực tuyến.

Ở góc độ phụ huynh, tôi tự hỏi bao nhiêu bậc cha mẹ có hiểu biết và chính kiến để hướng dẫn con làm những điều trung thực như Hoàng. Rất nhiều người cho con sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm như một món đồ chơi, nên việc bọn trẻ sử dụng thành thạo Facebook, YouTube hay TikTok trước khi được nhà trường dạy là chuyện bình thường. Vì thế, khi giáo viên hướng dẫn học sinh khai man tuổi nhằm tạo tài khoản và sử dụng các nền tảng không gian trực tuyến, phụ huynh cũng xem đó là chuyện bình thường. Tâm lý ngại đụng chạm với giáo viên đang trực tiếp dạy dỗ con mình cũng cản trở những tiếng nói phản đối hành vi đe dọa an toàn cho trẻ trên không gian trực tuyến.

Một ngày nào đó, vì sử dụng dụng mạng xã hội mà trẻ nhận lại vô vàn bình phẩm miệt thị hoặc đối diện với nguy cơ lừa đảo trên mạng, ai sẽ là người gánh chịu?

Tôi hy vọng các cơ quan bảo vệ trẻ em phải hành động, bằng cách phản biện với ngành giáo dục từ bây giờ, thay vì bày tỏ sự đáng tiếc hay rút ra bài học nào đó khi chuyện không may đã xảy ra.

Võ Nhật Vinh

KIỂU MẪU MONG CHỜ VÀ HY VỌNG

Wed, 23/11/2022 -  Trầm Thiên Thu

KIỂU  MẪU  MONG  CHỜ  VÀ  HY  VỌNG

“Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thấy tận đáy lòng.” (1 Sm 16:7)

Thật khó để hy vọng khi trái tim bạn đang chất chứa quá nhiều gánh nặng không thể đếm xuể. Thời điểm này trong năm, mọi hình ảnh trần gian đều nhằm gợi lên những cảm xúc về nỗi nhớ và niềm vui, sự ấm áp và những kỷ niệm khó phai mờ. Đối với nhiều người trong chúng ta, thực tế cuộc sống đã đeo bám chúng ta làm mòn mọi suy nghĩ hoặc cảm giác hy vọng.

Để cử hành lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào thời điểm này trong năm, dĩ nhiên là chủ ý của Giáo Hội. Trong khi chúng ta không nhìn thấy chính mình và Thiên Chúa, có một tia sáng trong trái tim, được phấn chấn bởi biết rằng Đức Mẹ là người duy nhất thụ thai mà vô tội. Không bị lu mờ bởi những cách chúng ta bị đè nén vì tội lỗi xã hội và cá nhân, Đức Maria vẫn là nguồn sảng khoái kỳ lạ đối với chúng ta. Đức Maria là mẹ đối với chúng ta, đặc biệt là trong thời đại khó khăn này.

Thánh Gioan Phaolô II đã viết về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Trái tim Đức Maria hoàn toàn được tiền định để thực hiện Thánh Ý Chúa. Đó là lý do Đức Trinh Nữ Maria là hình mẫu cho sự mong chờ và hy vọng của Kitô hữu… Trong cung lòng Mẹ không có bóng dáng của sự ích kỷ: Mẹ không mong muốn gì cho mình ngoại trừ vinh quang của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của loài người. Đối với Mẹ, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là lý do để hãnh diện, mà là đặc ân để phục vụ toàn bộ sứ mệnh cứu chuộc của Con Mẹ.”

Nhân đức ở đây là sự khiêm nhường. Khi suy niệm về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội, hãy tạ ơn Chúa vì đã tạo ra một phụ nữ hoàn hảo để làm nơi ở của Con Ngài, và cảm ơn Đức Mẹ về lời xin vâng liên tục đối với Chúa, chúng ta có thể tự hỏi mình có hoàn toàn sẵn sàng để thực hiện ý Chúa trong đời mình hay không.

Có lẽ đối với hầu hết chúng ta, hy vọng là điều mong manh ngay bây giờ. Nhưng nó có thể được kích thích theo những cách bất ngờ nhất. Một lần nọ, tại tòa giải tội, một linh mục đã nhiều lần nói với tôi với sự sốt sắng khác thường: “Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần khuấy động ngọn lửa trong trái tim bạn.”

Có sức mạnh to lớn trong sự khiêm nhường để chấp nhận bất cứ điều gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta, như Đức Mẹ đã làm. Hãy nới lỏng sự kiểm soát, chấp nhận và thậm chí đi vào những nghịch lý xung quanh chúng ta, bao gồm cả những nghịch lý làm thất bại kế hoạch mình. Hãy thách thức thế giới bằng cách sống thầm lặng, theo gương Đức Mẹ, về nhân đức gương mẫu trong bất cứ cách nào chúng ta có thể làm.

Tác động sâu sắc nhất mà chúng ta sẽ tạo ra trong cuộc sống của mình là tác động mà chúng ta chưa bao giờ biết đến, hoặc ít nhất là tác động khiến chúng ta bối rối vì chúng ta không thể xác định giá trị của mình nếu không có sự nhân lành và ân sủng của Thiên Chúa.

Hy vọng là gì mà không mong chờ, hăng hái tỉnh thức, chờ đợi với niềm vui? Chúng ta cùng ngắm nhìn Đức Mẹ trong thai kỳ kiên nhẫn của Mẹ, vì chúng ta cũng là những người mang Đức Kitô. Thánh Gioan Phaolô II viết về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Hơn ai hết, Đức Mẹ là người biết rõ cách chăm chú mong chờ Chúa hướng dẫn chúng ta và chỉ cho chúng ta cách làm cho hành trình của chúng ta trở nên sống động và tích cực hơn cho đến Đêm Thánh ở Belem. Với Đức Mẹ, chúng ta dành những tuần này để cầu nguyện và được ngôi sao sáng của Mẹ hướng dẫn, mau mắn thực hiện hành trình tâm linh sẽ giúp chúng ta cử hành mầu nhiệm Nhập Thể với cường độ lớn lao hơn.”

Cuộc lữ hành trần gian mà chúng ta đang đi được thử nghiệm mỗi ngày. Trí óc chúng ta kém cỏi, cơ thể trở nên yếu ớt, và chúng ta dễ dàng trượt khỏi sức mạnh của đức tin đã từng dựa vào sự thoải mái và dễ chịu. Cuộc sống của Đức Mẹ không dễ dàng và thoải mái, nhưng rất kiên cường. Mùa Vọng này, hãy bước đi cùng Đức Mẹ, với lòng mong chờ Chúa Giêsu giáng sinh, bằng cách nào đó làm tăng nhận thức của chúng ta về tất cả những gì tốt đẹp và chân thật.

Chúng ta bị bao quanh bởi những hy vọng vụn vặt ở khắp mọi nơi. Chỉ cần một tiếng thở dài hướng lên trời để Chúa Thánh Thần đốt lại những cục than hồng nguội lạnh trong tâm hồn chúng ta, thì chúng sẽ bùng cháy với tình yêu lớn hơn dành cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Hãy cầu xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta, và chúng ta đi cùng Đức Mẹ trong Mùa Vọng này, để Chúa Thánh Thần có thể khuấy động ngọn lửa trong chúng ta và đánh thức niềm hy vọng mới trong tất cả những gì còn tiếp diễn trong cuộc đời chúng ta.

JEANNIE EWING

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ) 

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Mẹo giúp quần áo nhanh khô, không hôi khi trời mưa

 Thứ năm, 24/11/2022, 14:33 (GMT+7)

Mẹo  giúp  quần  áo  nhanh  khô,  không  hôi  khi  trời  mưa

Trời mưa nhiều, quần áo thiếu nắng dễ bị ẩm ướt, hôi hám do nấm mốc phát triển khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.

Vì vậy vào những ngày mưa, cần ưu tiên làm khô quần áo nhanh chóng bằng những cách dưới đây.

1. Nên sử dụng nước giặt kháng khuẩn

Vi khuẩn có thể sống trên nhiều bề mặt như tay nắm cửa, điện thoại và ngay cả trong quần áo. Mùa mưa, độ ẩm cao là thời điểm thích hợp để vi khuẩn phát triển, gây ra mùi khó chịu cho quần áo, đặc biệt khi chúng bị ẩm.

Bột giặt hay nước giặt thông thường chỉ có tác dụng loại bỏ bụi bẩn. Nếu không kháng khuẩn đúng cách sẽ làm gia tăng vi khuẩn tích tụ trên quần áo. Điều này có thể gây hại cho những người bị bệnh hoặc có vấn đề miễn dịch. Sử dụng loại bột giặt hay nước giặt có khả năng kháng khuẩn là điều cần thiết vào thời điểm này.

2. Kiểm soát số lượng quần áo trong máy giặt

Khối lượng giặt ghi trên máy là khối lượng tối đa đồ giặt khô mà máy có thể giặt trong một lần. Ví dụ, với máy 8,5 kg chỉ được phép giặt tối đa 8,5 kg quần áo khô. Tuy nhiên, chỉ nên cho 70-85% khối lượng quần áo cho phép ghi trên máy nhằm nâng cao hiệu quả giặt giũ cũng như tăng tuổi thọ máy móc. Ví dụ, với máy giặt 7 kg, chỉ nên giặt 5-6 kg/lần.

Nếu máy có quá nhiều quần áo, không gian bị ken chặt, nước giặt có thể không thâm nhập hết vào quần áo bẩn. Rất có thể mùi mồ hôi, dầu mỡ, vết bẩn... không đánh tan hết, dễ sản sinh ra vi khuẩn gây mùi hôi.

3. Tránh phơi quần áo sát vào nhau

Quần áo phơi sát nhau rất lâu khô. Khi phơi, nên duy trì một khoảng cách nhất định, không nên treo sát nhau, để cho gió lùa đều tất cả các móc áo, quần áo sẽ mau khô hơn.

4. Sử dụng quạt điện

Nếu không gian phơi quần áo không đủ, không thể duy trì khoảng cách nhất định để thông gió tốt, nên sử dụng quạt điện. Lực gió càng mạnh, không khí chuyển động càng nhanh, thời gian làm khô quần áo bằng quạt càng được rút ngắn.

Nên treo quần áo đối diện quạt, điều chỉnh mức gió vừa phải, đủ để quần áo khô trong thời gian ngắn nhất mà không bị rơi xuống đất.

5. Phương pháp phơi quần áo hình vòm

Dù trời mưa nhiều hay không, cũng nên áp dụng phương pháp "Phơi quần áo hình vòm" của người Nhật. Theo đó, quần áo dài hơn và khăn tắm được treo ở hai đầu ngoài cùng. Còn vị trí trung tâm treo quần áo ngắn và tất...

Quần áo phơi hình vòm (ngoài cùng tay trái) thường sẽ khô nhanh hơn hai cách phơi còn lại 30 phút. Ảnh: storm.mg

Quần áo phơi hình vòm (ngoài cùng tay trái) thường sẽ khô nhanh hơn hai cách phơi còn lại 30 phút. Ảnh: storm.mg

Cách phơi này sẽ khiến quần áo khô nhanh hơn so với cách phơi lộn xộn hoặc ngoài ngắn, trong dài. Nguyên nhân là do vị trí trung tâm-nơi phơi quần áo ngắn-không gian trống nhiều. Gió được hút nhiều hơn tới khu vực này, mang hơi ẩm đi. Quần áo phơi hình vòm sẽ khô nhanh hơn 30 phút so với các cách phơi khác.

6. Phương pháp phơi nửa dài nửa ngắn

Khi phơi khăn mặt hoặc khăn tắm, không nên phơi đều về hai bên, rất khó để khăn khô vào những ngày ẩm ướt. Cách tốt nhất là phơi một bên dài, một bên ngắn, cố định bằng móc kẹp ở giữa để tránh khăn rơi xuống đất. Tốc độ khô của khăn sẽ cải thiện rất nhiều.

7. Sử dụng báo cũ hút ẩm

Thời tiết xấu phải phơi quần áo trong nhà, nên đặt những tờ báo cũ dưới chỗ phơi quần áo. Báo có khả năng hút ẩm tốt, quần áo vì thế cũng nhanh khô hơn.

Đặt giấy báo cũ dưới quần áo phơi trong nhà cũng khiến quần áo khô nhanh hơn. Ảnh: sina.

Đặt giấy báo cũ dưới quần áo phơi trong nhà cũng khiến quần áo khô nhanh hơn. Ảnh: sina.

8. Tìm vị trí phơi thích hợp trong nhà

Để ngăn quần áo tạo mùi hôi, chúng phải khô hoàn toàn trong 5 giờ sau khi giặt xong.

Nếu trời mưa, không gian tốt nhất để phơi quần áo chính là phòng tắm. Do không gian hẹp, lại có hệ thống thông gió, hút ẩm tốt, phơi quần áo tại phòng tắm sẽ giúp quần áo khô nhanh hơn. Tuy nhiên, phải đảm bảo phòng tắm nhà bạn luôn khô ráo và sạch sẽ, không có mùi hôi khó chịu.

9. Treo cửa sổ không có nghĩa là khô nhanh

Nhiều người nghĩ quần áo phơi sát cửa sổ sẽ nhanh khô hơn. Tuy nhiên nếu phơi quá gần cửa sổ, không khí lưu thông không tốt, thậm chí có thể làm quần áo "nửa khô, nửa ướt".

Muốn quần áo khô nhanh, tốt nhất đặt ở vị trí không khí lưu thông tốt, có thể là trung tâm phòng khách, phòng làm việc hoặc phòng tắm. Nên chú ý độ ẩm từ trên xuống dưới của quần áo. Càng gần mặt đất độ ẩm tích tụ càng nhiều hơn, bởi vậy khi phơi nên treo quần áo lên vị trí cao, tránh trường hợp trên khô mà dưới vẫn ướt.

10. Thay đổi cách phơi quần áo

Túi và phần cạp trên quần jean là hai vị trí lâu khô nhất. Bởi vậy khi phơi quần jean, nên lộn túi quần ra ngoài. Sau đó phơi lộn ngược quần jean để nước trong túi (nếu có) được thoát ra ngoài nhanh chóng.

Trong thời tiết ẩm ướt, áo phông hay áo sơ mi cũng khó khô hoàn toàn. Nếu tình huống này xảy ra, có thể áp dụng cách chế móc treo quần áo như sau:

+ Chuẩn bị một chai nhựa và một chiếc kéo. Vẽ hai đường song song trên chai nhựa.

+ Dùng kéo cắt vào nơi bút đánh dấu trên chai nhựa, nhưng không được cắt đứt.

Móc áo có độ dày bằng một chai nước suối, khi sử dụng làm vật dụng để phơi sẽ khiến quần áo khô nhanh hơn. Ảnh: sina

Móc áo có độ dày bằng một chai nước suối, khi sử dụng làm vật dụng để phơi sẽ khiến quần áo khô nhanh hơn. Ảnh: sina

+ Dùng hai mắc quần áo luồn vào hai vết cắt trên chai nhựa, sẽ có ngay một chiếc móc quần áo mới với độ dày bằng độ dày chai nước.

+ Treo áo phông hoặc áo sơ mi vào chiếc mắc này. Khoảng trống ở giữa mắc áo sẽ làm quần áo nhanh khô hơn.

Trang Vy (Theo storm.mg)