Thứ sáu, 11/11/2022, VnExpress.net
Làm sao để chiều nhưng không làm hư con?
Nếu muốn ngăn chặn hành
vi hư của con, các bậc cha mẹ trước tiên cần phải thay đổi cách nuôi dạy con
cái của mình.
Trẻ hư luôn suy nghĩ và
hành động như thể thế giới xoay quanh chúng. Trẻ quen với việc đạt được những
gì chúng muốn bất cứ khi nào. Trẻ ít thể hiện sự cảm kích hoặc không đánh giá
cao những gì người khác làm cho mình, thậm chí không có suy nghĩ phải đáp lại
điều đó.
Theo chuyên gia nuôi dạy
con cái Amy McCready, người sáng lập trang Giải pháp nuôi dạy con cái tích cực
(Mỹ), trẻ hư cho rằng các quy tắc không áp dụng cho chúng và luôn làm mọi thứ
theo ý mình.
Tất cả mọi đứa trẻ không
phải lúc nào cũng ngoan, cũng có những lúc chúng trở nên hư. Vì vậy, điều quan
trọng là cha mẹ cần phân biệt với việc đôi khi trẻ chệch hướng hay đang biểu hiện
những hành vi hư hỏng một cách nhất quán.
Traci Baxley, huấn luyện
viên nuôi dạy con cái, tác giả cuốn Social Justice Parenting, nói rằng đôi khi
vấn đề của đứa trẻ hư bắt nguồn từ chính thói quen ứng xử và cách tiếp cận của
cha mẹ.
Đương nhiên không bậc cha
mẹ nào muốn con trở thành người hư hỏng nhưng họ có thể nuông chiều con thái
quá vì một lý do nào đó, dẫn đến việc đứa trẻ trở nên hư. Baxley cho rằng, các
bậc cha mẹ sử dụng những hiểu biết hạn chế của mình để dạy con hoặc cố gắng bù
đắp cho con, sau sự thiếu thốn họ từng trải qua thời thơ ấu. Cha mẹ trước hết
là con người với những kinh nghiệm sống và những tổn thương có thể có từ quá khứ,
gây ra một tình yêu sai lầm nhưng có mục đích tốt.
Aliza Pressman, người đồng
sáng lập trung tâm nuôi dạy con cái Mount Sinai cho rằng việc yêu thương một đứa
trẻ không liên quan gì đến việc làm hư chúng. Tuy nhiên, nếu cách cha mẹ thể hiện
tình yêu thương với con là chăm sóc mọi mong muốn và nhu cầu của trẻ mà không dạy
chúng hiểu về những giới hạn, chúng rất có thể trở nên hư. Thay vì thế, cha mẹ
cần sửa đổi các phương pháp nuôi dạy con và giúp chúng thay đổi hành vi của
mình theo hướng tích cực.
Ảnh minh họa: HuffPost
Theo các chuyên gia, để
không chiều hư con, đây là nhưng điều cha mẹ cần làm.
Tự phản
ánh, suy ngẫm
Nên dành thời gian để suy
nghĩ về lý do tại sao bạn đưa ra một số quyết định nuôi dạy con cái bạn đang thực
hiện. Nên tự hỏi bản thân: "Tại sao tôi cần mua sắm quá mức cho con
mình?", "Tại sao tôi cảm thấy quá khó để nói không?".
Theo Baxley, trả lời những
câu hỏi này sẽ giúp bạn có thể kết nối điều gì đó trong quá khứ với các phương
pháp nuôi dạy con hiện tại và tham gia vào các bước nhỏ có chủ đích để thay đổi.
Cần biết rằng điều này có thể khó đối với một số bậc cha mẹ, do nó gợi lại những
ký ức đau buồn từ thời thơ ấu của chính họ.
Khuyến khích
sự tự chủ
Khuyến khích sự tự chủ có
nghĩa là không làm cho con bạn những gì chúng đã có thể tự làm hoặc hướng dẫn
và khuyến khích chúng làm những gì chúng có năng lực thực hiện, dạy và làm mẫu
những thứ chúng chưa sẵn sàng làm, chuyên gia Pressman nói.
Đặt và thực thi
các ranh giới một cách nhất quán
Bạn có thể ghét đặt ra
các giới hạn hoặc nói "Không" với con vì thương trẻ. Tuy nhiên, trẻ
em cần có ranh giới nhất quán, Baxley nói, nếu không chúng sẽ dễ dàng xâm phạm
những quy tắc
Ngoài việc thực thi ranh
giới, cha mẹ nên cho thấy sự đồng cảm. Làm thế nào để làm điều này? Cha mẹ nên
nói: "Mẹ biết con rất buồn khi không có món đồ chơi đó" hoặc "Mẹ
biết con tức giận vì không được đi chơi với bạn"... Tất cả những điều này
chứng tỏ cha mẹ có sự đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với con trong tình huống này
trong khi vẫn thực thi các ranh giới.
Giao việc
nhà cho trẻ
Khi con đã quen với việc
bạn đáp ứng nhu cầu của chúng, không dễ để chúng đáp ứng những mong đợi của bạn.
Do đó, nên giao cho trẻ các nhiệm vụ đi kèm những "phần thưởng" nhỏ,
ví dụ: "Sau khi lau sạch sàn nhà, con sẽ được đọc truyện 30 phút",
"Nếu dọn phòng xong con sẽ được chơi với cún một lúc"...
Tuy nhiên, đừng treo thưởng
cho mọi việc làm của chúng. Thưởng cho con bằng tiền, đồ ăn vặt hoặc đồ chơi để
thúc đẩy chúng làm bài tập về nhà hoặc đánh răng có thể có tác dụng trong thời
điểm đó nhưng không hữu ích lâu dài, bởi trong cuộc sống thực, không phải nhiệm
vụ nào cũng đi kèm giải thưởng.
Đừng giải cứu
con khi chúng sai lầm, thất bại
Cha mẹ có xu hướng muốn
xông vào, sửa chữa mọi thứ thay con, tuy nhiên điều này thường là không cần thiết.
Nên cho phép trẻ em thất bại và chịu hậu quả cho hành động của chúng. Theo
chuyên gia Pressman, nếu trẻ quên bài tập về nhà, hãy cho chúng trải nghiệm cảm
giác đối mặt với giáo viên. Điều đó giúp những đứa trẻ biết cảm giác chịu trách
nhiệm là như thế nào và tìm cách sống có trách nhiệm hơn
Chấp nhận rằng
con sẽ khó chịu với bạn
Có một điều không thể
tránh khỏi là con bạn sẽ có lúc tức giận hoặc thất vọng về bạn. Chúng thậm chí
có thể nói chúng không thích bạn hoặc không cần bạn.
Baxley nói, đừng để hành
vi và lời nói của trẻ quyết định giá trị và ranh giới của gia đình bạn. Theo
chuyên gia, đó là một phần trong quá trình phát triển của trẻ, từ lúc mới biết
đi đến tuổi thiếu niên, chúng sẽ dung hòa giữa hai thái cực là độc lập chăm sóc
bản thân và được cha mẹ yêu thương và nuôi dưỡng. Hãy kiên định với các giá trị
đã thiết lập để trẻ biết tôn chỉ của gia đình là gì và học cách chịu trách nhiệm
về lời nói và hành động của mình.
Đừng làm chúng xấu hổ
Làm cho con cảm thấy xấu
hổ sẽ không có ích cho chúng hoặc cho bạn. Đừng chỉ trích đứa trẻ là hư hỏng
khi hành vi của chúng chưa đúng. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc giúp trẻ
hiểu rằng hành vi của chúng có thể cần một số điều chỉnh, nhưng con là người mà
bạn yêu thương vô điều kiện.
Thùy Linh (Theo Huffpost)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét