Thánh ý Chúa trên mỗi con người - Sóng gió cuộc đời
Thánh ý Chúa trên mỗi con người
SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ
(Lc 1, 57 – 66.80)
Đọc lại cuộc đời của thánh thánh Gioan Tẩy Giả từ lúc sứ thần truyền tin cho ông Dacaria đến ngày cắt bì, đặt tên cho con trẻ là Gioan (x. Lc 1,60), chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, an bài và sắp đặt trên đời chúng ta.
Cuộc đời và ơn gọi của Gioan
“Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, Người đã đặt tên cho tôi”(Is 49,1).
Lời Chúa trích sách tiên tri Isaia trên đây thật đúng với ơn gọi, cuộc đời và sứ mạng của nhân vật trọng đại của Thánh Kinh là Gioan Tẩy Giả, gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trong hàng ngũ các vị đại tiên tri và số những người công chính thì Gioan Tẩy Giả đã được Thiên Chúa quan phòng đặt để đi trước Đấng Thiên Sai, hầu sửa đường trước cho Ngài bằng rao giảng và làm chứng nhân cho Đấng Cứu Thế.
“Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Tha đã thánh hiến ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1,5).
Lời xác nhận trên trong ý nghĩa đầy đủ nhất nói về Chúa Kitô, nhưng trong một ý nghĩa rộng hơn cũng áp dụng vào trường hợp của Vi Tiền Hô đi trước Ngài. Cả hai đều được sinh ra do kết quả sự can thiệp từ Thiên Chúa: một Đấng được sinh ra bởi một Trinh Nữ, Đấng khác sinh ra bởi một bà lão hiếm muộn. Ngay cả khi còn trong lòng mẹ, Gioan đã chỉ điểm cho thấy Đấng sẽ mặc khải cho thế giới về chương trinh yêu thương của Thiên Chúa.
Cuộc đời của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người. “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được Chúa yêu thương và nhậm lời. Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.
Hiện hữu trong sự quan phòng
Giáo lý Hội Thánh dạy: “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Ngài còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích”. Sự gìn giữ, sắp xếp và tác động thúc đẩy các tạo vật để chúng đi đến cùng đích ấy được gọi là việc Thiên Chúa quan phòng. (x. SGLHTCG, số 301). Như vậy, theo Giáo lý của Hội Thánh thì Thiên Chúa không chỉ sáng tạo nên vạn vật rồi bỏ mặc chúng, mà Ngài còn quan tâm chăm sóc và điều hành chúng bằng ý định đầy quyền năng của Chúa.
Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Chúa lưu ý đến từng điều cho con người. Phần ta, ta không thêm được gì cho thân ta, nhưng Chúa quan phòng làm hoàn toàn đầy đủ mọi việc cho ta. Nếu không có Chúa quan phòng, thì mọi sự lo lắng vất vả của chúng ta đều vô ích”.
Thánh Basiliô dùng kiểu nói ví von: “Chúa cho bò ngựa có cỏ, thì lại cho con người có của cải sinh sống. Chúa tạo nên mọi thứ là dự bị cho con người có đủ thức ăn… Không có gì là không có lý do hay tình cờ, nhưng là kết quả của tài khôn ngoan vô cùng”.Thánh Augustinô thì đưa ra một nhận xét chí lý: “Thượng Đế không phải như một kỹ sư xây nhà xong có thể bỏ đấy đi, vì nếu Ngài ngơi tay ra thì tất cả vũ trụ sụp đổ”. Thánh nhân viết tiếp: “Sao tôi lại xin để Chúa ở trong tôi, trong khi tôi không thể tồn tại nếu Chúa không ở trong tôi?” Theo ngài, đúng hơn phải nói: “Tôi không thể tồn tại nếu tôi không ở trong Chúa, mà do đó, nhờ đó và trong đó tất cả mọi vật tồn tại”.
Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa can thiệp cụ thể trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và an bài trong ý định nhiệm mầu cao siêu của Thiên Chúa.
Thánh ý Chúa trên cuộc đời ta
“Từ trong thai mẫu tôi, Chúa là Đấng bảo vệ tôi” (Tvđc).
Hôm nay chúng ta có thể dùng câu của Thánh Vịnh này áp dụng vào chính chúng ta. Thiên Chúa biết và yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta mở mắt chào đời để chiêm ngắm kỳ công của Chúa. Khi sinh ra, mỗi chúng ta nhận được một tên gọi trần gian. Nhưng ngay trước đó, mỗi người đã có một tên thánh : tên mà Thiên Chúa Cha biết và yêu thương từ thuở đời đời cho đến muôn thuở. Điều này đúng mọi người, không trừ một ai. Không ai là người vô danh trước nhan Thiên Chúa! Tất cả đều khác nhau, nhưng có giá trị bình đẳng, và tất cả đều được gọi là con cái của Thiên Chúa.
“Tên nó là Gioan” (Lc 1, 63). Trước sự bỡ ngơ và kinh ngạc của người thân và láng giềng, ông Dacaria xác nhận đây là tên con trai ông, khi ông viết tên đó lên bảng. Chính Thiên Chúa, qua trung gian thiên thần đã đặt tên đó cho Gioan, có nghĩa là: “Thiên Chúa có lòng từ tâm”. Thiên Chúa tốt lành với mọi người: Ngài muốn họ được sống; Ngài muốn họ được cứu chuộc, và trở nên sự chúc phúc cho toàn thể các quốc gia địa cầu. Thiên Chúa thương yêu nhân từ với nhân loại : Ngài hướng dân con cái Ngài trên con đường hành hương về đất hứa nơi mà hòa bình và công chính sẽ ngự trị. Tất cả nhưng điều này đều chứa trong tên của Gioan!
Lạy thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
***********
Sóng gió cuộc đời
SUY NIỆM CHUA NHẬT XII NAM - B
(Mc 4, 35 – 40)
Trong những năm gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều tin làm chấn động cả thế giới : những cơn động đất, sóng thần, bão tố, liên tiếp sảy ra ở nhiều nơi trên thế giới làm chết rất nhiều người, phá hủy bao công trình phúc lợi công cộng. Những trận cuồng phong bão táp chúng ta có thể thấy bằng con mắt giác quan, còn có những trận cuồng phong vô hình đã và đang từng ngày đổ ập vào người ta như trường hợp của ông Gióp người đầy tớ của Thiên Chúa, sóng gió hữu hình đến với các môn đệ Chúa Giêsu, và chắc chắn có sóng gió của đời ta.
Sóng gió đến với ông Gióp
Vì ghen ghét với người tín trung với Thiên Chúa, ma quỷ đã tìm mọi cách để đến gần Thiên Chúa và xin được thử thách ông. Chúa đã cho phép ma quỉ toàn quyền, trừ sức mạnh của thần chết. Thế là bằng mọi cách, ma quỉ đã làm gió làm bão lên đời ông Gióp, khiên ông bị vợ bỏ, con chết, súc vật bị phân tán và ngay cả bản thân ông cũng bị bệnh phong cùi lỡ loét, phải ngồi trên đống phân tro ngoài đồng, còn cái cảnh nào bi đát hơn, chán nản hơn, tuyệt vọng hơn. Ma quỷ đã tấn công ông từ tứ phía, lợi dụng cả bạn bè đến để khích bác, chê bai vì đã dại dột tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong cơn thất vọng, ông cũng đã có lần buông lời than trách. Vì thế, Chúa đã hiện ra trong cơn gió lốc và cật vấn ông : "Khi biển cả vỡ bờ chảy xiết, ai đã dùng cánh cửa mà ngăn" và chỉ một lời Chúa truyền, sóng cồn đã theo đà đứng nguyên tại chỗ (G 38, 1.8 -11). Bằng lời lẽ phân minh, Chúa đã tỏ cho ông Gióp thấy Ngài là Ðấng thống trị địa cầu, phàm ai trông cậy tin tưởng vào Chúa sẽ được Ngài ấp ủ yêu thương.
Sóng cả ba đào tạt thuyền các môn đệ
Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại, Chúa Giêsu truyền các môn đệ rằng : "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ" (Mc 4, 35 ) mà không nói lý do như trong Tin Mừng Matthêu sang bờ bên kia vì "đám đông" (Mt 8, 18). Marcô còn ghi rõ : "Cũng có nhiều thuyền khác theo Người" (Mc 4, 36), nhưng không nói rõ liệu các thuyền kia có đi vào trung tâm của bão lớn hay không ? Chỉ biết rằng " Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước" (Mc 4, 37). Các môn đệ quả thực sợ hãi, sợ chết, có khi sợ Thầy đang ở trong thuyền của họ cũng chết nữa ! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng "Mà Thầy không quan tâm đến sao ?" (Mc 4, 38)
Chúng ta tự hỏi : Chúa Giêsu đã làm gì trong lúc con thuyền vượt biển? Thưa : Người tận dụng thời giờ để nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng không phải là Người vắng mặt. Tư tưởng của Người vượt trên chúng ta qua sự nhập thể làm người.
Sau một ngày giảng dạy, khi chiều đến Chúa Giêsu muốn tránh ra xa đám đông. Mệt mỏi, Người nghỉ ngơi đôi chút. Người ngủ trên chiếc thuyền của các môn đệ, dựa gối vào đàng lái mà ngủ. Chìm vào giấc ngủ, bão tố cuồng phong không thể nào làm người tỉnh giấc. Khiến các môn đệ phải hét vào tai đánh thức Người. Chúng ta đọc được những lời thật lo âu của các môn đệ: "Thưa Thầy, chúng con chết mất" (Mc 4, 38). Người trỗi dậy.
Chúa Giêsu đã thức dậy, can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão : "Hãy im đi, hãy lặng đi" ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hoang mang, sợ hai và lo lắng nữa. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sau đó, Người đã quở các môn đệ rằng : "Sao các con sợ hãi thế, các con không có đức tin ư ?" (Mc 4, 40).
Chúng ta đặt mình vào trong tình huống này, cuồng phong nổi lên, sóng khiến nước ập vào thuyển, trong khi đó Chúa Giêsu vẫn ngủ. Một bên là gió rít sóng gào, bên kia là hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn của Chúa Giêsu. Một bên là các môn đệ chạy lên chạy xuống kêu la hốt hoảng đến mất lòng tin. Bên kia là tư thế nghỉ ngơi bình an hoàn toàn thoải mái ngay ở đàng lái mạn thuyền của Chúa Giêsu. Như thế, ở giữa sức mạnh của phong ba bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành của Chúa Giêsu, vì Người là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn là các môn đệ không được hoảng hốt, kêu la và đánh thức Thầy, với sự hiện diện của Thầy lẽ ra các ông phải yên tâm mới phải. Cứ để biển động, gió gào, sóng thét và nhất là cứ để Chúa Giêsu ngủ trong thuyền của các ông.
Con thuyền Giáo hội, thuyền của đời ta
Trong lịch sử, truyền thống Kitô giáo vẫn nhìn nhận con thuyền tròng trành vì bão tố, một hình ảnh của Giáo hội. Khi Marcô viết Tin Mừng, có lẽ Phêrô đã chịu tử đạo và giáo đoàn Rôma bị bách hại tàn bạo : "Chúng ta hãy sang bờ biên kia" (Mc 5, 35) có ý nghĩa. Mặc dù bão tố, Giáo hội phải sống và phát triển trong thế giới ngoại giáo này và không chỉ trong cộng đoàn Kitô giáo gốc Do thái mà thôi, nhưng còn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, khắp muôn dân trở về với Giáo hội Chúa. Và sự im lặng của Thiên Chúa hiển nhiên có thể làm chúng ta quên đi tình yêu biểu lộ cho nhân loại nơi Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Đời người ai mà chẳng có lúc sóng gió. Có lúc sóng gió tấn công vào chiếc thuyền nhỏ trong thân phận mỏng manh của đời ta. Ðau khổ bệnh tật, thất bại, cô đơn, nghèo đói, hiểu lầm, ghen ghét, tai nạn, rủi ro đó là những bão táp của đưa đẩy cuộc đời. Ðứng trước những cơn phong ba ấy, chúng ta thường hốt hoảng, lo sợ và thậm trí có khi mất niềm tin. Thế nhưng khi nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy đó chính là sứ điệp đầy hy vọng mời gọi ta hãy tin tưởng vào Chúa vì Người là Đấng quyền năng. Không những Chúa có thể dẹp yên sóng gió của biển động, mà còn đem lại sự bình an cho tất cả những ai luôn biết tin tưởng và gắn bó với Chúa. Niềm tin ấy không làm cho đau khổ biến đi. Nhưng sẽ biến đau khổ thành sức mạnh, giúp ta vượt thắng tất cả những thử thách cam go, sóng to, gió cả của cuộc đời. Ðể cuối cùng đạt đến hạng phúc nguồn cứu độ nơi bến bờ quê hương vĩnh cửu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét