Fri, 07/06/2024 - Trầm
Thiên Thu
YÊU NGƯỜI LÂN CẬN
Đức ái là nhân đức đối thần
quan trọng nhất. (1 Cr 13:13) Bởi vì đó là nhân đức đối thần duy nhất còn lại
trên trời. Khi chúng ta trực diện thấy Chúa, chúng ta không còn cần đức tin hoặc
đức cậy (hy vọng), nhưng tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa vẫn còn. Thậm chí
đức ái còn tốt hơn những gì người ta thường nhận thấy, đó là tham gia vào chính
tình yêu của Thiên Chúa đối với chính Ngài.
Trong Tin Mừng theo Thánh
Gioan, Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh
em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15:9) Thiên Chúa
yêu thương chúng ta giống như Thiên Chúa yêu Thiên Chúa. Chúa Kitô dạy chúng ta
phải yêu thương người lân cận như yêu chính mình. (Mc 12:31) Nhưng Đức Kitô,
Người Thầy tốt lành, không yêu cầu chúng ta làm những việc mà chính Ngài chưa
làm trước. Thiên Chúa yêu chúng ta như Ngài yêu chính Ngài, và vì thế Ngài có
thể bảo chúng ta yêu người khác như chúng ta yêu chính mình.
Nhưng Đức Kitô đòi hỏi
chúng ta những điều lớn lao hơn là chỉ yêu thương người khác bằng tình yêu tự
nhiên mà chúng ta dành cho chính mình. Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa
Kitô nói tiếp: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương anh em.” (Ga 15:12) Chúng ta không chỉ phải yêu người khác như
chính mình mà còn phải yêu họ như Chúa yêu họ. Như chúng ta thấy, Thiên Chúa
yêu thương người khác như Ngài yêu chính Ngài. Vì vậy, Tin Mừng đòi hỏi chúng
ta phải yêu thương người khác như chính Thiên Chúa yêu chính Ngài.
Tình yêu mà chúng ta đang
thảo luận là lòng bác ái – đức ái. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng điều tốt
mà chúng ta mong muốn cho người khác bằng tình yêu bác ái là họ được lên Thiên
Đàng – chúng ta muốn người khác được kết hợp mật thiết đời đời với Thiên Chúa.
Vì vậy, tình yêu mà chúng ta phải dành cho người khác đòi hỏi chúng ta phải muốn
họ ở trên Thiên Đàng với chúng ta mãi mãi. Sự tốt lành của Thiên Đàng không chỉ
đơn thuần là sự tốt lành bên ngoài mà chúng ta có thể mong muốn cho người khác,
giống như chiếc bánh. Thay vào đó, về cơ bản đó là sự kết hiệp. Trước hết là sự
kết hiệp giữa con người và Thiên Chúa. Nhưng ngoài ra, vì chúng ta cũng muốn được
lên Thiên Đàng – chúng ta phải yêu thương mình bằng đức ái, nên đó là sự kết hiệp
giữa người khác và chính chúng ta với nhau trong Chúa Kitô. Thiên Chúa kết hiệp
mật thiết với chính Ngài đến nỗi Ngài là Ba Ngôi trong cùng một bản thể. Với đức
ái, chúng ta phải ước ao kết hiệp với người khác dựa trên sự hiệp nhất chung với
Thiên Chúa.
Vì vậy, câu nói phổ biến
“không cần phải thích người lân cận mà chỉ cần yêu thương họ” là rất yếu. Thật
mâu thuẫn khi nói rằng chúng ta muốn có sự kết hiệp mật thiết và vĩnh cửu với
người khác, rằng chúng ta muốn ở với họ mãi mãi để ca tụng Thiên Chúa mà chúng
ta không thích họ. Nhìn từ góc độ khác, Chúa muốn ở bên người đó mãi mãi và
chúng ta cũng phải mong muốn điều tương tự. Vậy thì làm sao chúng ta có thể
nói: “Tôi không cần phải thích bạn” chứ?
Đức ái đòi hỏi chúng ta
phải yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu họ, đó là cách Thiên Chúa yêu
chính Ngài. Một tình yêu mãnh liệt như vậy không từ chối “thích” người khác. Ít
nhất, nếu người đó không “dễ mến” vì họ xấu xa, thì giống như Chúa, chúng ta muốn
người kia từ bỏ tội lỗi của mình để trở nên tốt lành, trở nên “dễ mến” hơn.
Nhưng, giống như tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta không thể đợi cho đến khi
người đó hoàn toàn dễ mến rồi mới bắt đầu yêu thương họ bằng đức ái, trước khi
muốn kết hiệp với họ: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là
những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8)
Đức ái phải thúc đẩy chúng ta yêu thương người khác vì chúng ta đang cố gắng sống
đời đời với họ trên Thiên Đàng.
MATTHEW MCKENN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét