Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

SUY NIỆM ĐẠI LỄ CÁC THÁNH

 

Tue, 31/10/2023 - Lm Nguyễn Văn Độ

Lễ Các Thánh - Ngày Hội Vui


SUY  NIỆM  ĐẠI  LỄ  CÁC  THÁNH

(Mt 5,1-12)

Hôm nay, ngày hội lớn, ngày vui mừng hân hoan của tất cả mọi thành phần con cái trong đại gia đình Giáo hội mừng kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ ở trên Trời, những người đang sống sự sống của Thiên Chúa, những vị đang hưởng phúc vinh quang tràn đầy trước tòa cao sang của Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng.

Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa từ lời kinh, tiếng hát, đến các bài đọc, thánh ca vang lên thánh thót, lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh.

Lời Ca Nhập Lễ đã khơi lên một niềm vui hân hoan bằng những lời hiệu triệu: “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa khi cử hành ngày lễ các Thánh Nam Nữ”. Quả thật, gia đình Hội Thánh hôm nay tràn ngập hân hoan vui mừng : Hội thánh lữ hành tại thế hân hoan ngưỡng vọng về trời cao để dõi mắt chiêm ngưỡng những anh chị em kitô hữu đã hoàn thành cuộc chiến đấu và chiến thắng vinh quang. Các linh hồn trong luyện ngục hân hoan trong niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được đoàn tụ cùng các Thánh trên quê trời. Các Thánh Nam Nữ trên thiên đàng hân hoan vui sướng vì đang được chiêm ngưỡng vinh quang rạng người của Ba Ngôi Thiên Chúa như Kinh Tiền Tụng trong Thánh lễ hôm nay xác quyết : “Hôm nay, nơi thành trì của Thiên Chúa, nơi Giêrusalem trên trời, có đông đảo anh em chúng ta ca tụng Chúa muôn đời”.

Có người cho rằng sự thánh thiện chỉ ưu tiên một số người có chuyên chăm cầu nguyện, là giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục hay tu sĩ nam nữ, hay những người đã sống và thực thi trọn vẹn Điều răn mến Chúa yêu người, những người đã đạt tới đỉnh cao các nhân đức, hoặc là đã trung thành đến chết vì niềm tin, vì tình yêu dâng hiến ; hay là những con người xuất chúng và có thể làm những việc lạ lùng.

Thánh Gioan nhìn thấy: “Số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel” (Kh 7, 4). Tuy nhiên, nếu con số chỉ có thế thôi thì quả là một điều đáng lo sợ, vì người tín hữu như ta, phàm phu tục tử, suốt ngày chật vật với miếng cơm manh áo, thường xuyên đối diện với những nhỏ nhen đời thường…chắc đành “bó tay” trước lời Thiên Chúa mời gọi : “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (Lv 11,44), đâu có hy vọng được vào số những người đó.

Điều làm cho chúng ta vui mừng và phấn khởi trong ngày lễ hôm nay, là Các Thánh là những người trong nhân loại chúng ta, có thể có những người thân của chúng ta, khi còn sống, họ đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ và thăng trầm, nhưng cuối cùng đã được thanh tẩy mình trong máu Con Chiên là Chúa Giêsu, họ đã trở nên tinh tuyền, sạch đẹp và đang hưởng hạnh phúc với Chúa.

Các Thánh không phải các các tiên nữ, hay thiên tử từ Trời mà đến. Không, họ là những con người hoàn toàn như chúng ta là người, thuộc đủ mọi thành phần và mọi tầng lớp trong xã hội kể từ Đức Mẹ, Thánh Giuse, Các Thánh Tổ Tông, Các Thánh Tiên Tri, Các Thánh Tông Đồ, Các Thánh Từ Đạo, Các Thánh Mục Tử, Các Thánh Hiển Tu, Ẩn Tu, Các Thánh Đồng Trinh Thủ Tiết, Các Thánh Nam Nữ, Các Thánh Anh Hài. v.v… Có những vị rõ ràng là thánh, những vị được tôn phong hiển thánh, những vị có tên trong kinh cầu các thánh với đỉnh cao sáng rực. Nhưng cũng nhớ và kính mừng những vị thánh chìm sâu trong lòng đất, trong xác thịt mồ hôi nước mắt của kiếp người, giờ đây trên thiên quốc vui mừng hân hoan tận hưởng phần thưởng trọng đại Chúa dành cho. Há chẳng phải là niềm vui lớn lao và hy vọng của tất cả chúng ta đang sống phận lữ hành tiến về quê trời vinh phúc hay sao?

Vui, vì ai trong chúng ta, dù yếu đuối hay tội lỗi, đều có thể nên trọn lành như lời Chúa Giêsu mời gọi: “Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5, 48).

Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta: hãy cố làm thánh! Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo không ngừng mời gọi chúng ta nên Thánh: “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (Lv 11,44). Thánh Phêrô lặp lại ý muốn của Chúa với chúng ta: “Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (1Pr 1, 16).

Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta con đường nên Thánh bằng Tám Mối Phúc: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai xây dựng hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10). Một mối phúc đặc biệt linh hứng sự chọn lựa đoạn này: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,10).

Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên chúng ta: Đừng sợ nên thánh. Để nên thánh không cần phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một số người. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung. (x. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014).

Các Thánh Nam Nữ của Chúa, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

DẤU TÔI

 

Sun, 29/10/2023 -Trầm Thiên Thu

DẤU  TÔI

 


Mọi sự rắc rối ở đời cũng chỉ tại “cái tôi” mà ra. Nó là bụi tro mà nặng nề, nhỏ nhoi mà cồng kềnh, ngắn gọn mà rườm rà. Trong Anh ngữ, ngôi thứ nhất số ít là I. Nó luôn “viết hoa” dù đứng vị trí nào trong câu, không như các ngôn ngữ khác chỉ viết hoa khi đứng đầu câu. Với Việt ngữ, chữ “tôi” thật thú vị: chữ TÔI thêm dấu sắc thành TỐI, thêm dấu huyền thành TỒI, và thêm dấu nặng thành TỘI. Thêm cái gì cũng xấu, “ớn” thật đấy!

Trình thuật Mt 23:1-12 có lẽ khiến nhiều người “ái ngại” lắm, thậm chí là “khó chịu” – nhất là đối với những người có chức quyền, được ăn trên, ngồi trước – cả đời và đạo: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy.” (Mt 23:2) Ôi, Lời Chúa nói thẳng quá, nói “toạc móng heo” luôn, chẳng nể ai cả. Thầy Giêsu luôn thế đấy! Thuận ngôn nghịch nhĩ, người bất chính sẽ “dị ứng” ngay. Có thể đó là một trong những đoạn Phúc Âm mà người ta “sợ” đọc nhất, nếu có đọc thì chắc chỉ lướt qua, tìm cách nói lái hoặc né tránh.

Chính sự miễn cưỡng là cách tố giác tình trạng lúng túng vì không thành thật. Dễ nói, khó làm. Người ta thường e ngại vì “nói trước, bước không qua.” Theo đạo hoặc theo Chúa cũng đa dạng, một trong các dạng được gọi là “nhãn hiệu.” Chỉ có “cái mác” thôi. Ngày nay, những thứ ghi Made in USA hoặc Made in Japan thì người ta tin tưởng hơn Made in Vietnam, sợ nhất là thấy ghi Made in China, đa số thấy “rùng mình” và tẩy chay ngay. Tốt mã thì rã đám, chẳng quý báu gì!

Thường thì người ta thích “nói suông” hơn “hành động.” Ở đâu đó vẫn có những “siêu nhân,” họ không chỉ nói suông mà còn “chỉ tay năm ngón,” đùn đẩy trách nhiệm, hạt muối cắn đôi nhưng hạt đường ăn cả. Đó là nhóm Biệt Phái mà Chúa Giêsu chỉ trích: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23:4) Họ không muốn nhận trách nhiệm nhưng lại đòi nhiều quyền lợi, mặc dù lời dạy của Chúa Giêsu luôn nóng hổi mang tính thời sự: “Ai làm lớn phải phục vụ.” (x. Mt 20:24-28; Mc 10:40-45) Và đặc biệt hơn: “Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23:11)

Cũng theo chiều hướng đó, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau.” (Gl 6:2) Người ta không muốn nhắc tới điều đó. Đôi khi Chúa bị oan, vì người ta cứ lợi dụng lòng tốt của Ngài, có khi người ta còn dám nhân danh Chúa mà đàn áp người khác. Và người ta thường nói: “Cờ đến tay ai, người đó phất.”

Chúa Giêsu “mách nước” đối xử với người có chức có quyền, muốn chứng tỏ mình tốt lành: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì ĐỪNG có làm theo, vì họ NÓI MÀ KHÔNG LÀM.” (Mt 23:3) Rất nhiều khi chúng ta tỏ ra nghiêm túc, nói chuyện đạo đức, đi tới nơi này nơi nọ để làm việc từ thiện bằng vài bao quần áo cũ, vài thùng mì ăn liền, cho người ta ít tiền, dăm ba đồ lặt vặt,… và thế là tưởng mình “tốt lành” lắm, nhưng thực chất chưa chắc vì thấy chính Chúa nơi những con người nghèo khổ, những con người sa cơ lỡ vận kia, có thể chỉ là dạng mà Chúa Giêsu vạch trần: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy.” (Mt 23:4-7)

Đồ từ thiện đó chưa chắc là do mình hy sinh, đôi khi chỉ là đồ thừa, phế phẩm, thay vì vứt đi thì đem “tặng” rồi nói là “làm từ thiện.” Như vậy có phải là bác ái đúng nghĩa? May ra thì chỉ ở mức bố thí hoặc công bằng. Mẹ Thánh Teresa Calcutta đưa ra nguyên tắc sống yêu thương: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau.” Như vậy mới thực sự là bác ái đúng như Chúa dạy. Không hề đơn giản như chúng ta tưởng đâu. Khó lắm!

Thánh Phaolô phân tích: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.” (Rm 12:9-11) Thật độc đáo khi người Pháp nói: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối kẻ khác.” Người ta giả hình vì trọng bề ngoài và ảo tưởng, hãy coi chừng, vì “ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết thì là lừa gạt chính mình.” (Gl 6:3) Đúng vậy, “con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng.” (Lc 16:8)

Chúng ta chê chế độ phong kiến vì cứ phải “kính, bẩm, thưa, trình,” nhưng ai dám “nói thẳng, nói thật,” không luồn cúi, thì bị ghét, bị xa lánh. Ngày nay người ta còn “tinh vi” hơn nhiều. Ai dám “chạm” vào cái ghế của người khác thì “có chuyện” ngay. Chuyện đời xưa nay vẫn thế, và chuyện nhà đạo cũng chẳng khác gì. Phe cánh ở đâu cũng có. Chúa Giêsu nói nhiều điều khiến người ta “khó lọt tai” vì Ngài nói thẳng và nói thật.

Thật vậy, Ngài không bao giờ vòng vo tam quốc, bất cứ ai không sống thật đều bị Ngài chê trách: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” (Lc 11:44) Người ta giết Chúa Giêsu chỉ vì Ngài dám nói thẳng, dám có ý kiến, dám trách mắng, dám “chạm” vào chỗ “nhạy cảm” của những “người lớn” – những “kẻ cả” vừa có chức vừa có quyền. Ai hành động như Ngài thì chắc chắn cũng bị ghét.

Vậy thì có nên sống thật? Đó là nỗi băn khoăn không của riêng ai. Chắc chắn là rất nên sống thật, nhưng có dám sống thật hay không mới là vấn đề. Quả thật, sự can đảm và thái độ dứt khoát là điều rất cần thiết. Đó cũng chính là một cách “từ bỏ mình” để thi hành ý Chúa vậy!

Thánh Phaolô nói: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Do đó, người ta luôn phải biết trách mình, vì đó là trách nhiệm. Có sai lầm nên có khiển trách. Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa rất nhiều lần khiển trách người ta, bất kể người đó là ai. Người phục thiện thì quyết tâm sửa đổi – như dân thành Ninivê; còn người cố chấp thì khó chịu, tức giận, và tìm cách “bịt miệng” ai dám chỉ ra sai lầm của họ – như nhóm Sađốc và Pharisêu. Thành thật không dễ, vì tự ái là “cái tôi” khó thuần hóa. Không chỉ thành thật với người khác, mà còn phải thành thật với chính mình.

Sống thật là điều rất khó, không đơn giản chút nào. Người ta phải thực sự can đảm mới có thể sống thật với một lương tâm chân chính. Trong cuộc sống, mỗi khi muốn “chứng tỏ” mình để người khác tin mình, người ta thường nói: “Tôi không như người ta đâu, tôi thật lòng lắm, hiền lắm, chịu đựng lắm,...” Tuy nhiên, khi người ta “nói thật” như vậy lại chính là lúc người ta giả dối – với người khác và với mình. Đó là dạng Biệt Phái tân thời. Vì ảo tưởng mà người ta giả dối, là ảo tưởng, Thánh Phaolô gọi là “lừa gạt chính mình.” (Gl 6:3)

Sự thật đối lập với sự dối trá. Đối với những điều xấu xa, bê bối, lén lút,... Thánh Phaolô nói thẳng thắn, nghiêm túc: “ĐỪNG cộng tác vào NHỮNG VIỆC VÔ ÍCH của con cái bóng tối, PHẢI VẠCH TRẦN những việc ấy ra mới đúng.” (Ep 5:11) Một câu với hai mệnh lệnh. Có lẽ đây là một trong các câu Kinh Thánh khiến người ta không muốn thấy hoặc nghe vì “dị ứng” lắm!

Thiên Chúa rạch ròi tuyên phán: “Chính Ta là Đức Vua cao cả, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.” (Ml 1:14b) Giống như một phương trình phải có hai vế cân đối, Thiên Chúa tiếp tục đưa ra vế thứ hai là một lời cảnh báo: “Nếu các ngươi KHÔNG nghe và KHÔNG lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa, Ta sẽ biến PHÚC LÀNH của các ngươi thành TAI HỌA. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai họa, vì các ngươi CHẲNG lưu tâm gì cả.” (Ml 2:2) Đây không là lời hù dọa, mà là sự công bằng, là sự thật minh nhiên. Và dĩ nhiên cũng là lời trách móc nặng nề vậy!

Thiên Chúa biết rõ lòng ai thế nào, sống giả dối hoặc chân thật, nhất là đối với những người có chức, có quyền. Ngài thấu suốt mọi sự, (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20) Ngài không thể làm ngơ: “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã hủy hoại giao ước với Lêvi. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật. Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?” (Ml 2:8-10)

Một điều nguy hại là định kiến, thiên vị hoặc phe cánh, đó là “độc tố” của cuộc sống, nhất là trong đời sống tôn giáo. Đó là dạng “ngôn hành bất nhất” – nói một đường làm một nẻo, hoặc nói hay mà làm dở, thậm chí ra lệnh cho người khác làm chứ mình không muốn đụng tay. Đó là tình trạng tệ hại vẫn thấy xảy ra nhiều nơi. Vậy thì sao? Những người như vậy là kiêu ngạo, ỷ thế cậy quyền, cố ý quên rằng “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Vì thế, họ tự mãn và tự đắc. Thánh Vịnh gia biết mình là ai nên đã khiêm nhường: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu. Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.” (Tv 131:1-2) Lời Thánh Vịnh nói lên tinh thần thơ ấu tâm linh mà Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã áp dụng tuyệt đối. Sống đơn sơ như trẻ em là khôn ngoan, là chân thật.

Thánh Phaolô cầu chúc với tâm tình đó: “Xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh.” (Ep 1:17-18) Ước gì chúng ta được như lời cầu chúc này!

Thánh Phaolô là một tông đồ, có cả chức và quyền, nhưng không tự cho mình cái quyền được tôn trọng: “Trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Kitô. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.” (1 Tx 2:7-9) Thánh Phaolô là kinh sĩ giỏi giang chứ không là “tay ngang,” thế nhưng đáng khâm phục vì ông khiêm nhường.

Còn chúng ta? Dĩ nhiên vẫn có những người biết “vì người khác,” nhưng cũng không thiếu những người thích dùng quyền bính, thích chứng tỏ mình, thích áp đặt người khác, nói năng ngang ngược. Danh họa Leonardo da Vinci (1452-1519, Ý), một thiên tài nổi tiếng với bích họa “Last Supper” (Bữa Tiệc Ly) và “Mona Lisa” (có nụ cười bí ẩn) nói: “Một chút TRI THỨC ÍT ỎI khiến người ta KIÊU NGẠO, nhưng KIẾN THỨC PHONG PHÚ khiến người ta KHIÊM TỐN. Những bông lúa lép thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất.” Lời nhận định thật chí lý và thấm thía.

Ai đã đọc bài “Cầu Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay” thì cảm thấy sợ, vì ĐGM G.B. Bùi Tuần nói: “Kinh nghiệm cho tôi thấy những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. CÓ MỘT SỐ ÍT NGƯỜI ĐƯỢC LÃNH NHẬN CHỨC THÁNH, DO TRANH ĐẤU, DO VẬN ĐỘNG, DO MƯU LƯỢC. Có nghĩa là đã CÓ SỰ LỪA DỐI TRONG VIỆC TRỞ THÀNH MỤC TỬ. Mục tử giả bị Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng chiên một cách đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi là kẻ làm thuê. (x. Ga 10:12) Nghĩa là họ cũng CÓ SỰ LỪA DỐI TRONG TRÁCH NHIỆM, một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà theo Chúa.” Than ôi! Thánh Phaolô minh định: “Chính Satan cũng ĐỘI LỐT thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ ĐỘI LỐT người phục vụ sự công chính.” (2 Cr 11:14-15) Đáng sợ quá, vì càng đến “vạch cuối cùng” của trần thế thì càng thấy sự dữ hoành hành dữ dội khắp nơi. (x. 2 Tx 2:7)

Thánh Phaolô chia sẻ chân thành: “Về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1 Tx 2:13) Ước gì điều này là thực tế minh nhiên trong các cộng đoàn Kitô hữu. Để xứng danh là Kitô hữu không hề đơn giản, bởi vì phải CÓ THẬT chứ không thể CÓ GIẢ, mặc dù người ta thích cái giả hơn cái thật, nhất là trong xã hội ngày nay.

Lạy Thiên Chúa toàn tri và toàn năng, xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ, đừng sửa trị con lúc nổi lôi đình, (Tv 6:2; Tv 38:2) nhưng xin trách mắng con theo lượng từ bi của Ngài để con được nên người, và xin xót thương con là kẻ tội lỗi. (Lc 18:13) Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

CUỘC VƯỢT QUA

 

Sat, 28/10/2023 - Trầm Thiên Thu

CUỘC  VƯỢT  QUA

Đời Tục Lụy Mau Qua Như Sương Sớm

Kiếp Con Người Vụt Mất Tựa Bóng Câu

Kn 2:4-5 đã xác định điều đó. Thiên Chúa đã ấn định rồi: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3:19) Không gì vĩnh tồn, con người cũng không thể sống đời được: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Vấn đề “chịu phán xét” là điều đáng quan ngại nhất, vì đó là chuyện đời đời chứ không phải tạm thời một khoảng thời gian.

Con người ngày nay văn minh và tiến bộ, chế tạo nhiều chất giúp con người trẻ hóa và làm chậm quá trình lão hóa, nhưng vẫn đành thúc thủ trước Tử Thần, vì “không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết.” (Kn 2:1) Con người “là bụi đất rồi sẽ về bụi đất” (St 3:19) đúng quy trình. Thiên Chúa đã “tạo ra con người bằng đất sét, rồi lại đưa họ trở về cát bụi.” (G 10:9) Một quy trình và một cuộc vượt qua theo định luật muôn thuở, Ngài bắt phàm nhân trở về cát bụi vì Ngài đã phán: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3)

Con người là khách hành hương miệt mài lữ hành về Trời, cuộc đời là cuộc vượt qua “con sông đời” từ bờ Sinh sang bờ Tử. Con chó chết thì hết chuyện, con người chết không bao giờ hết chuyện. Tiếng xấu hay tiếng tốt sẽ còn mãi. Người ta nói: “Sống khôn, chết thiêng.” Đúng vậy, nhưng phàm nhân yếu đuối lắm, thế nên phải cầu xin Chúa giúp: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế.” (Tv 39:5) Biết Chúa để biết mình, biết mình để nỗ lực vươn lên không ngừng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12)

Ngôn ngữ thật độc đáo khi dùng từ “vượt qua” – pass over. Vấn đề quan trọng là ai cũng phải “vượt” (pass) nhưng có “qua” (over) hay không lại là chuyện khác. Trong thi phẩm “Quá Linh Đinh Dương,” Văn Thiên Tường nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử – Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” (Đời người từ xưa ai mà không chết, Cần để lại lòng son soi sử xanh.) Đó là người biết sống – sống khôn, và họ “thiêng” lắm.

Ai cũng biết rằng sự sống rất đặc biệt do Thiên Chúa tạo nên. Sự sống mạnh mẽ mà yếu đuối, lâu dài mà ngắn ngủi, khó giữ và dễ mất. Con người mang “thân phận bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về.” (Tv 78:39) Thật vậy, “kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103:15-16) Thật thê thảm!

Chỉ có Thiên Chúa mới tạo ra sự sống, con người không thể làm được. Người ta có thể chế tạo trứng nhưng trứng đó không thể nở thành sinh vật. Người ta có thể giết chết nhưng không thể làm cho hồi sinh. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đó, Ngài là “Đấng cầm quyền sinh tử.” (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13; Tb 13:2; x. Tv 30:4)

Cuộc sống có liên quan các động thái, do đó cũng có liên quan tội lỗi. Tư tưởng dẫn tới hành động, hành động dẫn tới thói quen, thói quen dẫn tới số phận – gọi là định mệnh. Cái người ta cho là đơn giản là lời nói, vì lời nói theo gió bay, nhưng không phải vậy, vì Chúa Giêsu đã cho biết: “Đến Ngày Phán Xét, người ta sẽ PHẢI trả lời về MỌI ĐIỀU VÔ ÍCH mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:36-37) Rõ ràng không đơn giản như chúng ta tưởng đâu, đúng như người ta nhận định: “Nói nhiều thì sai nhiều, nói ít thì sai ít, không nói thì không sai.”

Cuộc sống đời này và đời sau hoàn toàn tách rời, khác nhau, nhưng có liên đới với nhau: Sống sao thì chết vậy. Giữa Phúc và Họa chỉ là một lằn ranh mong manh. Cụ Nguyễn Du xác định: “Rõ ràng hoa rụng, hương bay – Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.” (Truyện Kiều, câu 2997-2998) Người đời mà còn biết chắc như vậy đó. Thế thì tuyệt đối chắc chắn có Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục. Đó là công bình và công lý của Thiên Chúa.

Được vào Thiên Đàng là mục đích của mọi tín nhân, những người tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Vào Luyện Ngục là “xui” một chút nhưng vẫn “hên,” vì thời gian “tạm giam” sẽ hết và cũng được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa. Nhưng phải đứng bên Dê thì hết đường binh rồi, (x. Mt 25:31-46) và tất nhiên chịu chung số phận đau khổ với “ông nhà giàu” mãi mãi mà thôi. (x. Lc 16:19-31)

Mỗi người chỉ có một cuộc đời, chỉ một lần sống rồi một lần chết, thế nên không thể rút kinh nghiệm. Chúng ta nghe nói tới “vòng luân hồi.” Điều đó chỉ là ảo tưởng, hão huyền. Tuy nhiên, điều đó cho thấy rằng người ta vẫn rất sợ “quả báo” và sợ khổ ở kiếp khác. Nếu thực sự có “vòng luân hồi” thì con người chẳng cần phải cố gắng chịu khổ chi cho cực thân, cứ hưởng thụ và xả láng, nghĩa là không cần phải “vác thập giá” như Chúa dạy.

Nếu có “vòng luân hồi” thì người ta vẫn có thể rút kinh nghiệm, bởi vì chết một cuộc đời này thì chúng ta lại có kiếp sống khác, dù kiếp khác có thể là một con vật, dù là một con rệp hay một con bọ mà người ta ghét nhất, thậm chí chỉ là đóa phù dung hay cỏ dại. Nghĩa là người ta được “chuyển kiếp,” sống lại lần nữa rồi tái sống lại lần nữa. Cứ thế và cứ thế... Chẳng có gì phải lo lắng, sợ hãi. Nhưng không bao giờ có chuyện hoang đường đó!

Chắc chắn người ta chỉ có một lần sống trên đời này mà thôi. Kiếp sau là vĩnh hằng, là đời đời – một là huy hoàng, hai là khốn nạn. Đôi nơi cách biệt, người bên này không thể qua bên kia, hoặc ngược lại. (x. Lc 16:19-31) Vì thế, người ta mới phải hoán cải để hoàn thiện, nỗ lực vươn lên và sống tốt để hy vọng được trường sinh bất tử trên Thiên Quốc. Hãy ghi nhớ và điều chắc chắn này: KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI. Đừng ảo tưởng, đừng tự lừa dối mình và lừa dối người khác!

Mùa cầu hồn nhắc nhở về sự chết – và có liên quan những thứ khác nữa. Rồi ai cũng một lần “đối diện” Tử Thần. Thánh Phanxicô Assisi gọi sự chết là “Chị” chứ không gọi là “Anh.” Có nghĩa là Chị Chết hiền từ và dịu dàng thục nữ chứ không có dáng vẻ dữ tợn với lưỡi hái như người ta tưởng tượng vẽ ra.

Chuyện liên quan là Nhang, Đèn, Kèn và Hoa. Chẳng là gì đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay. Tất cả cũng chỉ là “lát mặt” người sống mà thôi. Người chết là người hoàn toàn “bó tay” – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Điều có ích lợi và cần thiết cho người chết là Kinh Nguyện và Thánh Lễ, là sự hy sinh của người sống dành cho họ.

Nói về Luyện Ngục, Thánh nữ Catarina Genoa (1447-1510) cho biết: “Thiên Chúa toàn năng tinh khiết đến nỗi nếu người ta ý thức được dấu vết của sự bất toàn, và cũng hiểu rằng Luyện Hình được ấn định để loại bỏ sự khiếm khuyết đó, thì linh hồn vào nơi thanh tẩy này vui mừng đón nhận Lòng Thương Xót cao cả của Thiên Chúa. Nỗi đau khổ tồi tệ nhất của các linh hồn nơi Luyện Hình là đã phạm tội chống lại Sự Tốt Lành của Thiên Chúa và chưa hoàn thiện ở đời này.” Đó là điều giúp chúng ta ý thức về chính mình để có thể cố gắng hết sức trong thời gian còn tại thế, hy vọng không phải qua “phòng tạm giam” Luyện Ngục.

Ngày xưa, ông Bilơam hy vọng điều này: “Ước chi tôi được chết cái chết của người công chính, và tôi được mãn phần như họ.” (Ds 23:10b) Và chắc hẳn đó cũng là ước vọng cháy bỏng của mỗi Kitô hữu.

Lạy Thiên Chúa nhân lành, chính trực và công bình, xin thương tha án phạt cho các linh hồn nơi Luyện Ngục và cho họ về hưởng Thánh Nhan Ngài. Xin giúp chúng con ý thức sống tích cực suốt đời này. Xin các linh hồn Xin nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Cầu Hồn – 2023

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Nên kết hôn vì yêu hay tiền bạc?

 

Thứ năm, 26/10/2023, VnExpress.net

Nên  kết  hôn  vì  yêu  hay  tiền  bạc?

Tình yêu và tiền bạc đều quan trọng khi một người phải ra quyết định kết hôn nhưng nếu bạn đời tương lai chỉ có một trong hai thứ, chọn "cưới vì yêu" sẽ an toàn hơn.

Kể cả khi bạn không muốn thừa nhận, thực tế chỉ ra là chúng ta thường bị thu hút bởi những người giàu có có với hy vọng tương lai của mình được đảm bảo.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiền đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn bạn đời. Một khảo sát nghiên cứu do hãng tài chính Mỹ Merrill Lynch thực hiện năm 2020 cho thấy, khi ra quyết định kết hôn 56% người Mỹ nói rằng họ thích một đối tác mang lại sự đảm bảo về tài chính hơn một đối tác chỉ cho họ cảm giác "yêu say đắm" (44%).

Trong một khảo sát của tờ Forbes, khi được hỏi giữa tình yêu và tiền bạc, cái gì quan trọng hơn, 91% phụ nữ độc thân nói rằng sẽ kết hôn vì tình yêu chứ không "bán linh hồn để lấy của cải". Điều này cho thấy đa số phụ nữ coi trọng tình yêu hơn tiền bạc, trừ khi khả năng tài chính của bạn đời tương lai ở dưới một ngưỡng nhất định.

Nhưng đó chỉ là câu trả lời dựa trên những giả định của khảo sát. Các nhà nghiên cứu về hôn nhân - gia đình Mỹ đã nhận thấy khi đối mặt với thực tế, hầu hết mọi người đều sẵn sàng thỏa hiệp, tức sẵn sàng bỏ qua một đối tác thuần yêu đương để chọn cưới người có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Cho đến nay, những cuộc tranh cãi giữa hai luồng quan điểm "cưới vì yêu" hay "cưới vì tiền" vẫn chưa ngã ngũ nhưng có một số điểm cả hai bên đều nhất trí là: Tiền không mua được tình yêu nhưng tiền bạc giúp tăng cơ hội tìm thấy tình yêu; Tình yêu không có tiền bạc hỗ trợ sẽ ngày càng giảm sút; Bạn đời không phải là công cụ để một ai đó đạt tới thành công, cả hai phải là đối tác đồng hành cùng nhau trọn đời.

Theo nhà tâm lý học Mark Travers, chuyên gia của tờ Psychology Today, khi bị buộc phải chọn tiền bạc hay tình yêu để kết hôn, mọi người nên lưu ý những điều sau.

Hôn nhân là một hành trình lâu dài

Khi phải lựa chọn giữa một đối tác có khả năng tài chính và một đối tác chỉ có sự chân thành (tình cảm) bạn nên ưu tiên cưới người yêu mình. Thực tế đã chứng minh, bạn đời có tiền giúp cuộc sống của chúng ta ít đau khổ, giảm sự vất vả nhưng không giúp chúng ta hạnh phúc hơn.

Hôn nhân sẽ đi cùng chúng ta cả đời chứ không chỉ một vài ngày nên đích đến phải là hạnh phúc chứ không phải sự dễ chịu ngắn hạn.

Hôn nhân hạnh phúc mang lại lợi ích cao nhất

Sẽ là khôn ngoan khi bạn ở trong một mối quan hệ mà cả hai cùng cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và có thể khơi gợi những cảm xúc tích cực cho nhau. Điều này có mối tương quan chặt chẽ với việc tạo ra của cải. Nói cách khác, nếu bạn có hôn nhân hạnh phúc, nhiều khả năng vấn đề tài chính sẽ được giải quyết.

Sự ổn định tài chính có liên quan đến sức khỏe và cảm xúc nhưng việc kết hôn chỉ vì bạn đời giàu có có thể dẫn đến các vấn đề về mối quan hệ, bất hạnh hoặc lo lắng.

Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh, một nhu cầu khác nhau nên sẽ không có câu trả lời nào (chọn tiền bạc hay tình yêu) thỏa mãn tất cả. Do đó mỗi người có thể tự mình xem xét mức độ, ý nghĩa của những đặc điểm tích cực và tiêu cực của đối tác để chọn lựa phù hợp.

Cần lưu ý, khi một người đang yêu, tiền bạc ít quan trọng. Tuy nhiên, khi một người thiếu tiền cho những nhu cầu cơ bản, tình yêu thường gặp nhiều rủi ro hơn.

Thùy Linh (Theo Psychology Today)

Cách thở 4-7-8 giúp bạn ngon giấc thế nào


  • ĐÔI BỜ

     

    Thu, 26/10/2023 - Trầm Thiên Thu

    ĐÔI BỜ

    Ngước Lên Xin Chư Thánh Thương Nhân Thế

    Nhìn Xuống Nguyện Các Hồn Thoát Luyện Hình

    Tháng Mười Một lại về. Tiếng chuông cầu hồn vang vọng. Tháng này thể hiện rõ nét tính thông công: Giáo Hội lữ hành kính mừng Giáo Hội khải hoàn và hiệp nguyện cho Giáo Hội đau khổ.

    Là những người thuộc Giáo Hội Chiến Đấu, Giáo Hội Lữ Hành, tín nhân mừng kính chư thánh thuộc Giáo Hội Khải Hoàn, những người đã được hưởng Phúc Trường Sinh. Giáo Hội muốn chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn nơi Luyện Ngục – các vị thánh tương lai, vì chắc chắn họ sẽ được hưởng phúc trường sinh, trong đó có những người thân thiết của chúng ta. Họ được vào Thiên Đàng sớm hay muộn là nhờ chúng ta, vì lúc này họ đành thúc thủ, không thể làm gì cho họ được nữa.

    Các linh hồn nơi Luyện Ngục đang khắc khoải chờ những “giọt nước mát” nhỏ xuống từ những tín nhân còn sống. Đó không chỉ là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, mà còn là dịp đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt dịp thể hiện đức ái. Thánh Tôma Aquinô nói: “Trong tất cả lời cầu nguyện, lời cầu nguyện xứng đáng nhất được Thiên Chúa chấp nhận là lời cầu nguyện cho người đã qua đời, bởi vì lời cầu nguyện đó hàm chứa tất cả đức ái, cả thể lý và tinh thần.”

    1. NGƯỚC NHÌN TRỜI CAO

    Thánh Phaolô nói: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4:5-6) Giáo Hội duy nhất nhưng có ba thành phần: các thánh, các linh hồn nơi Luyện Ngục, và những người đang lữ hành trần gian.

    Thị kiến được Tông Đồ Gioan kể: “Tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả, rằng: ‘Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta.’ Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Israel.” (Kh 7:2-4) Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người.

    Rồi Thánh Gioan cho biết: “Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.’ Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: ‘Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời. Amen’.” (Kh 7:9-12)

    Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi Thánh Gioan: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” (Kh 7:9-13) Thánh Gioan trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó.” Vị ấy bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi TRẢI QUA CƠN THỬ THÁCH LỚN LAO. Họ đã GIẶT SẠCH và TẨY TRẮNG áo mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7:13-14) Sinh thời, các thánh đã chịu trăm cay ngàn đắng nhưng vẫn kiên tâm bền chí, đặc biệt là các ngài được “tẩy trắng” trong Bửu Huyết Cứu Độ của Đức Kitô. Thật tuyệt vời!

    Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài, là Đấng toàn năng và cực thánh. Chỉ có những ai “tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24:4) mới được lên núi Chúa và được ở trong đền thánh của Ngài. Họ sẽ “được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.” (Tv 24:5) Và đó mới là “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.” (Tv 24:6)

    Các thánh đã quyết tâm thực hành Thánh Luật tới cùng, tới khi tắt thở. Chắc chắn các ngài đã cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình yêu, của lòng Chúa thương xót. Chúng ta đã biết Chúa, được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng là những người “trở về từ cõi chết,” được tắm gội trong suối Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta phải cố gắng noi gương các thánh, bởi vì “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” (1 Ga 3:1) Như trong mơ, mà thật như vậy!

    Thiên Đàng là cõi phúc, không phải là cõi thiên thai mà Lưu Nguyễn lạc vào xưa kia hoặc như những cõi bồng lai tiên cảnh trong truyện cổ tích, mà là Nước Trời – Vương Quốc của Thiên Chúa. Trình thuật Mt 5:1-12 là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do Chúa Giêsu soạn thảo, ngắn gọn nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và đầy đủ nhất.

    1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.

    2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

    3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

    4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

    5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

    6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

    7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HÒA BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

    8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

    Chẳng văn hoa bóng bẩy, không cầu kỳ, lời lẽ bình dị, ai nghe cũng hiểu. Chúa Giêsu nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:11-12) Các thánh đã anh dũng chiến đấu không hề nao núng, ngoan cường tới cùng, mỗi người mỗi vẻ, nên đã đạt được Ơn Cứu Độ.

    2. CÚI NHÌN VỰC SÂU

    Luyện Ngục có thật. Thánh Tôma Aquinô cho biết: “Những người từ chối có Luyện Ngục là chống lại công lý của Thiên Chúa.” Hỏa Ngục cũng có thật. Thánh Faustina cho biết: “Đa số các linh hồn ở Hỏa Ngục là những người không tín có Hỏa Ngục.”

    Quên người đã chết là bắt họ chết thêm lần nữa. Hoa tím Forget-Me-Not có ý nghĩa về sự chung thủy trong tình yêu đôi lứa, nó vẫn mang những ý nghĩa khác. Với người Công giáo, Lưu Ly Thảo cũng đang nhắc nhở về lời kêu cứu khẩn khoản của các linh hồn nơi Luyện Ngục: “Xin đừng quên tôi!” Đức ái dạy chúng ta phải nhớ tới họ.

    Thánh Gioan Tông đồ cho biết thị kiến: “Tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa.” (Kh 20:12-15)

    Các linh hồn nơi Luyện Ngục đã được cấp Visa-Sự-Sống, chỉ còn chờ ngày “bay” về Thiên Đàng thôi. Khi cầu nguyện cho các linh hồn cũng là cầu nguyện cho chính chúng ta: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” (Thánh Phanxicô Assisi) Tuy nhiên, dù các linh hồn không thể tự “cải thiện” mức án, nhưng họ vẫn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Hy vọng chúng ta cũng được “phân loại” là “chiên” và được nghe Chúa nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ.” (Ga 11:25-26)

    Thiên Chúa muốn mọi người được vĩnh sinh vinh quang với Ngài trên Thiên quốc, Ngài ý thức mọi người, không phân biệt ai và không muốn ai phải mất Ngài. Vô tri bất mộ – không biết không thích. Biết rồi thích. Thích rồi mến. Mến rồi yêu. Yêu rồi mê. Mê rồi say. Say rồi can đảm. Thánh Phaolô đã theo “chuỗi hệ lụy” đó, thế nên ngài phải nói ra: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Israel sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Giacóp. Đó sẽ là giao ước của Ta với chúng, khi Ta xóa bỏ tội lỗi chúng.” (Rm 11:25-27)

    Thiên Chúa kêu gọi chúng ta theo Ngài, để Ngài trao ban hạnh phúc trường sinh. Ngài là Đấng trung tín tuyệt đối: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý.” (Rm 11:28-29) Thật vậy, Thánh Vịnh gia đặt giả thuyết: “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3) Đó là giả thuyết, không là sự thật, bởi vì “Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.” (Tv 130:4)

    Những người vô thần bảo “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ,” Karl Marx còn nỗ lực triệt tiêu niềm tin tôn giáo. Không thấy Chúa sao vẫn muốn triệt? Thiên Chúa là Sự Sống mà họ lại muốn hủy diệt sự sống. Phải chăng họ tự mâu thuẫn? Gương Saolê còn đó! Cũng vậy, người ta công khai nhận mình theo chủ nghĩa duy vật mà sao vẫn thắp nhang khấn vái người chết? Lại tự mâu thuẫn! Thế thì duy vật là “cái hộp” đựng “duy tâm” bên trong.

    Với tình yêu lớn lao, Thánh Faustina tâm sự: “Tôi bị thiêu đốt trong lòng bằng lửa YÊU MẾN CHÚA và MUỐN CỨU CÁC LINH HỒN mà tôi cảm thấy mình bị thiêu đốt. Tôi sẽ chiến đấu với ma quỷ bằng vũ khí Lòng Chúa Thương Xót. TÔI KHAO KHÁT CHÁY BỎNG LÀ CỨU CÁC LINH HỒN. Tôi đi xuyên qua sức mạnh và hơi thở của thế giới và mạo hiểm đến nỗi các biên giới và các vùng đất hoang vu nhất để cứu các linh hồn. Tôi làm điều này bằng cách CẦU NGUYỆN và HY SINH.” (Nhật Ký, số 754)

    Có Thiên Chúa là có tất cả. Ước gì mọi người đều xác định như Thánh Tôma Aquinô thế này: “Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi.” Đó là phần thưởng cao quý nhất, tuyệt vời nhất, và cũng chính là khao khát cháy bỏng của những ai tin vào Đức Giêsu Kitô.

    Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết noi gương các thánh mà trung kiên làm chứng về Chúa cho tới chết, xin Ngài thương xót cho các linh hồn về hưởng phúc trường sinh bên Ngài. Xin chư thánh nâng đỡ để chúng con đủ sức theo bước các ngài, và xin các linh hồn nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

    TRẦM THIÊN THU

    Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

    TRUYỀN THÔNG???

    Sun, 22/10/2023 - Huệ Minh

    TRUYỀN  THÔNG???

    Chả phải cái gì ta thấy trước mắt nó là sự thật ! Có khi chình ình trước mắt chúng ta nhưng nó không như chúng ta thấy và chúng ta nghĩ.

    Truyền thông cũng vậy! Không đơn giản để nắm bắt điều mà mình thấy mình nghe. Đơn giản là chưa chắc nó thật dù thấy nó thật và đẹp nữa.

    Ngày nào cũng vậy, ai nào đó lướt qua vài trang báo, newfeed mạng xã hội, để tìm kiếm những tin tức mới. Người ta bình luận gì thêm về cô người mẫu vừa bị bắt? Thị trường xe cộ có sản phẩm nào ra mắt? Tình hình chiến sự trên thế giới hay thông tin an ninh trật tự đó đây có gì gay cấn hơn không? … Một số kẻ sẽ lợi dụng tâm lý đám đông để thả thính nhằm thu hút sự quan tâm cho bộ phim mới của họ. Họ tự tạo ra các tình huống tranh cãi. Khen cũng tốt mà chê cũng tốt, miễn bán được vé. Kiểu gì mà cứ nổi lên trên mạng, được biết đến nhiều là được.

    Nhiều và nhiều người bị cuốn theo “thánh khóc”. Diễn viên mà ! Họ diễn và nhằm mục đích thu hút lượt xem. Thế là coi như nhiều người dính vào cái bẫy của truyền thông. Đua nhau vào xem và đua nhau vào ... chửi.

    Trong khi đó, chuyện cần lo không lo, chuyện cần làm không làm đó là lo và làm sao để cho gia đình được ấm no và hạnh phúc. Truyền thông đã kéo người ta đi xa quá để rồi không bận tâm lo cho chuyện mình và gia đình mình nữa mà đi lo ba cái chuyện đâu đâu.

    Thử hỏi cái cô gì đó bị bắt có ảnh hưởng gì đến đời của mình không ? Ấy vậy mà người ta chạy theo truyền thông đó. Các trang mạng truyền nhau tin về những người cả đời mình cũng không hề gặp mặt.

    Trong thị trường báo chí, bán chạy nhất là những ấn phẩm “lá cải”. Có những tờ tràn ngập thông tin cướp, giết, hiếp, xe cán chó, chó cắn xe… Một số tòa soạn khác lại đi sâu vào đời tư người nổi tiếng. Để câu view, họ đưa cả những tình tiết linh tinh, xàm xí, không đáng nói lên báo. Nó hoàn toàn vô bổ.

    Thế giới thật ngưỡng mộ những kiểu bài báo như thế này. Chắc chắn họ không dám nghĩ và viết như thế.

    Cạnh đó, có những trang mang tên Công Giáo nhưng thật sự chẳng có Công Giáo tí nào cả. Có những trang xào nấu thông tin và đặt những tiêu đề rất hot. Và như thế là họ đã thu hút số lượng độc giả không hề nhỏ. Chính vì đánh vào lòng hiếu kỳ của nhiều người nên họ đã vui vẻ trục lợi mà không bị ai nhắc nhở. Tiếc thay những người đó lại là người Công Giáo.

    Rồi cũng vì hiếu kỳ và cả tin, nhiều người đã chạy theo và nghe theo nhóm người lập ra những trang đứng tên linh mục, tu sĩ và cả giám mục và đức ông để bán thuốc và chữa bệnh. Họ lập ra những trang rất quy mô và hoành tráng để chiêu dụ những người nhẹ dạ. Và dĩ nhiên là họ lừa được rất nhiều người vì ai ai cũng tin khi nhà tu khám chữa bệnh.

    Thời đại của truyền thông để rồi cần tỉnh táo, biện phân để tham gia truyền thông. Nếu không tỉnh táo thì sẽ sập bẫy của truyền thông thôi.

    Người tham gia truyền thông cần biết về đạo đức truyền thông. Chả phải cứ cái gì cũng like hay share cả.

    Có những thông tin từ vài năm trước hay thông tin sai sự thật nhưng người ta cứ vui vẻ share. Thật đáng tiếc cho những trường hợp như vậy. Có những số phone xem chừng ra cá nhân và riêng tư nhưng người ta vui vẻ “thảy” lên mạng để rồi chủ nhân những số đó vô cùng khó chịu và bị phiền hà.

    Khi gõ bàn phím, khi bấm phím điện thoại thì ta hết sức cẩn trọng vì một cái nhấn của ta có khi là vô cùng thiệt hại.

     

      

    Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

    Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình

     

    Thu, 19/10/2023 -  Lm Nguyễn Văn Độ

    Thế  giới  đang  khát  Tin  Mừng  Hoà  Bình

    SUY NIỆM KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

    (Is2, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Mc 16, 15-20)

    Khánh Nhật Truyền giáo lần thứ 97 được cử hành vào ngày 22/10/2023, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra ở Rôma. Tại Gaza, ngày 07/10, Hamas đã châm ngòi cuộc chiến bắn hại bao người vô tội Israel. Cuộc giao tranh giữa hai bên tính đến ngày 17/10 đã khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng, ít nhất 16.000 người bị thương, trong khi cuộc chiến do Nga khai mào tại Ucraina vẫn chưa chấm dứt. Những gì xảy ra trên thế giới cho thấy nhân loại đang khát Tin Mừng Hoà Bình.

    Lòng bừng cháy và chân tiến bước

    Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 có chủ đề là: "Lòng bừng cháy" và "chân tiến bước" (Lc, 24, 13-35), thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Phanxicô mời gọi các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, trong tinh thần hiệp hành truyền giáo, hãy ra đi với « lòng bừng cháy » và « chân tiến bước » như hai môn đệ trên đường về Emmaüs để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô phục sinh. Ngài khẳng định : "Sự cấp thiết hoạt động truyền giáo của Giáo hội dĩ nhiên bao hàm một sự cộng tác ngày càng chặt chẽ giữa mọi phần tử trên mọi cấp độ. Ðây là mục tiêu chính yếu của hành trình Thượng Hội đồng Giám mục mà Giáo hội đang thi hành, với ba từ chủ chốt là "Hiệp thông, tham gia, sứ mạng"… Tiến trình này là lên đường như các môn đệ trên đường Emmaus, lắng nghe Chúa Phục Sinh, Ðấng luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và Bẻ Bánh cho chúng ta, để chúng ta có thể thi hành sứ mạng của Chúa trong thế giới với sức mạnh của Thánh Linh".

    Ðức Thánh Cha nhấn mạnh : "Ngày nay cũng như bấy giờ, Chúa Phục Sinh ở gần các môn đệ thừa sai và tiến bước cạnh họ, nhất là khi họ cảm thấy mất hướng đi, nản chí, sợ hãi trước mầu nhiệm sự ác vây bủa và muốn bóp nghẹt họ. Vì thế, "Chúng ta đừng để mình bị cướp hy vọng!"

    Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ, làm cho tâm hồn họ nồng cháy. "Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống, Lời duy nhất có thể làm nồng cháy, soi sáng và biến đổi con tim". Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha nói đến hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu trong lúc Ngài Bẻ Bánh. Chúa Giêsu trong Thánh Thể là tột đỉnh và là nguồn mạch sứ mạng truyền giáo.

    Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng nguyên việc bẻ bánh vật chất chia sẻ với những người đói, nhân danh Chúa Kitô, đã là một hành vi truyền giáo theo tinh thần Kitô giáo. Huống chi việc Bẻ Bánh Thánh Thể, chính Chúa Kitô, càng là hoạt động truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo hội".

    Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình

    « Hình ảnh « chân tiến bước » một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng « tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao » (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).

    Lấy hình ảnh hai môn đệ Emmaus sau khi nhận ra Chúa đã mau mắn lên đường, và hân hoan kể lại Chúa Kitô Phục Sinh, chia sẻ với những người khác niềm vui được gặp Chúa áp dụng với thế giới hôm nay, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Hình ảnh "Những bước chân đi" một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị ngàn đời của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại... loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận bờ cõi trái đất. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân loại, bị thương tổn vì bao nhiêu bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần Tin mừng hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô" (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).

    Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 65 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”. Ngài viết: “Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Hòa Bình, 2022).

    Cầu nguyện cho hòa bình

    Trong tuần qua, tên lửa và bom đạn đã đánh vào dân thường, người già, trẻ em và các bà mẹ đang mang thai ở Israel và Palestin. Khát vọng hòa bình là tâm tình của hết mọi người trên toàn thế giới, không riêng Ucraina, Israel, Palestin. Bởi lẽ tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, vì thế phải cùng chèo chống để vượt qua sóng gió.

    Cầu nguyện để biết nhìn cuộc chiến hiện nay bằng cặp mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi mọi người. Nhận ra Chúa nơi đứa trẻ đã chết trong vòng tay người mẹ. Nhận ra Chúa nơi những chiến binh được gửi ra tiền tuyến. Nhận ra Chúa cả nơi người lính trang bị vũ khí nhân danh thập giá của Chúa.

    Cầu nguyện là đối diện với thực tại bi thảm của chiến tranh và thúc đẩy hướng giải quyết hòa bình : “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

    Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Maria, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình xin Chúa Cha ban trợ giúp thế đang khát khao Tin Mừng Hoà Bình hơn bao giờ hết.

    Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế Mẹ ơi! Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.

    Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

    Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

     

    Thu, 19/10/2023 - Đinh Văn Tiến Hùng

    · Động vật tiêu biểu trong THÁNH KINH

    St 9, 1-13

    " Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất".

    Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: "Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất".

    + Trong Phúc Âm Cựu và Tân Ước, các nhà nghiên cứu tìm thấy có hàng trăm loài vật khác nhau:

     Từ những chú Chiên Cừu ngơ ngác vây quanh máng cỏ Giáng Sinh, đến những chị Thỏ đôi mắt long lanh cùng nhiều trái trứng sắc mầu trong mùa Phục Sinh- Từ những con Bò béo tròn nằm thảnh thơi trong hang đá, đến vài con Dê thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng mừng vui…

    Đó là chưa kể các quái thú như thần thoại trong Khải Huyền hay trong Thần Khúc Hỏa Ngục của Dante Alighheri, ta cũng gặp nhiều quái vật như trong Khải Huyền đã gơi ý cho ông. Tất cả đan quyện tính chất và săc màu khác nhau. Các nhà thần học đã nghiên cứu nhận thấy có cả trăm loài vật trong Thánh Kinh, nhưng bài viết chỉ đề cập đến số động vật biểu tượng quen thuộc có thật trong đời sống con người xưa và nay.

    *Trích sách Tiên tri Isaia. (Is.11: 1-10)

    Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa….

    Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan.

    Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác.

    Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng.

    Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy.

    Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.

    Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.

    -         Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

     Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

    -         Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương.

    Ngày ấy gốc Giê-sê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân.

    Các dân sẽ khẩn cầu Ngài và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

    1-   Chim Bồ Câu.

    Trong Sáng Thế, trận Đại Hồng Thủy xảy ra 40 đêm ngày, mưa trút nước dâng ngập trái đất, Noe vâng theo lời Chúa đưa gia đình và một số con vật lên tàu đã được cứu thoát.

    Sau 40 ngày ông thả Chim Bồ Câu thấy bay trở về ngậm cành Oliu biết rằng nước đã rút. Ông cho gia đình và các con vật lên mặt đất - Từ đó Bồ Câu ngậm cành Oliu mang biểu tượn: Cánh chim Hòa bình.

    Bồ Câu là loại hiền lành, trong sáng, đem niềm Tin yêu và Hy vọng của Chúa Thánh Thần.

    Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa trên sông Jodan, Chúa Thánh Thần lấy hình Chim Bồ Câu ngự trên Ngài và có tiếng từ trời phán rằng: “Này là con Ta yêu dấu! Ngươi đẹp lòng Ta mọi đàng.”

    2-RẮN - Chính là Satan, dối trá, lường gạt, quỉ quyệt.

    “Miệng người ác như rắn độc.Lạy Chúa xin cứu con khỏi kẻ bạo tàn. Lòng chúng bày chước độc mưu thâm.Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn.Miệng phun nọc đôc như rắn hổ mang.” (Tv.140: 2-4)

    -Nguyên tổ Ađam-Evà bất tuân lệnh Chúa, nghe lời dụ dỗ quỉ Sa-tan dưới hình

    Con Rắn nên bị trục xuất khỏi vườn Địa đàng và Chúa phán bảo con Rắn rằng: “Ngươi sẽ đi bằng bụng và ăn bụi đất trong suốt cuộc đời.”

    -Vua Pharaon ngăn cản không cho dân Do Thái trở về quê hương, nên Aharon ném gậy hóa Rắn để khuất phục lòng cao ngạo nhà vua.

    -Dân Do Thái sống giữa sa mạc hoang vu bị Rắn độc căn chết, Chúa truyền dạy Môsê đúc con

    Rắn đồng treo lên, hễ ai nhìn vào sẽ khỏi chết. Đó là hình ảnh Chúa chịu chết trên thập giá để cứu chuộc loài người.

    3-Bò

    -Bò được nói đến sớm nhất trong sách Dân số và gần gũi thân mật trong dịp lễ Giáng Sinh.

    -Trong khi tổ phụ Abraham chờ 40 ngày dưới chân núi Sinai, dân chúng đã đúc ngẫu tượng Bò vàng để thờ, bị Abraham nổi giân đập vỡ.

    -Giuse giải mộng cho vua Ai Cập về 7 con Bò ốm nuốt 7 con Bò mập và khuyên vua tích trữ lương thực trong 7 năm được mùa cho 7 năm đói kém.

    4-Dê

    -Vây quanh máng cỏ Giáng Sinh thở hơi sưởi ấm Hài Nhi đêm đông giá buốt.

    -Dê còn là vật hiến tế: tạ tội và gánh tội.

    Trong Lê Vi ký kể truyện người Do Thái bắt con Dê đuổi vào sa mạc để gánh mọi tội thay cho họ. Đây là hình ảnh chính Chúa Giê-su vô tội đã phải gánh lấy tội loài người như tiên tri Isaia loan báo: “Người này đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình.“

    5-Chiên

    *Kinh Agnus Dei – Chiên Thiên Chúa.

    Kinh Chiên Thiên Chúa (Tên khác: Lạy Chiên Thiên Chúa ( Agnus Dei) được hát hoặc đọc trong Thánh lễ khi chủ tế bẻ bánh và bỏ vào chén rượu. Trong khi làm nghi thức này, có thể lặp lại kinh này bao nhiêu lần cũng được, miễn là luôn luôn phải kết thúc bằng câu: "Xin ban bình an cho chúng con".

    Kinh Chiên Thiên Chúa là một luật buộc, do ca đoàn hay ca viên xướng được cộng đoàn hát theo; hay ít nhất phải được đọc to tiếng. Sự cầu xin này đồng hành với việc bẻ bánh nên vì lẽ này mà có thể hát đi hát lại khi cần thiết cho tới lúc kết thúc, lời hát kết với cụm từ 'dona nobis pacem' (xin ban bình an cho chúng con)".

    Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.

    Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.

    Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin ban bình an cho chúng con

    -Chiên là biểu tượng của 12 Tông đồ khi Chúa truyền dạy hẫy chăn dắt đoàn chiên.

    -Abraham- Isaác-Jacóp- Môsê- Đavít đều xuất thân là những kẻ chăn Cừu hay chăn Chiên.

    -Chúa Giê-su xưng mình là Chủ Chiên và gọi các Kitô hữu là Đàn Chiên.

    -Khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Simon con ông Giona con có yêu mến Thầy Không Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biểt con yêu mến Thầy.”Chúa nói với ông:“Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”

    -Chiên Cừu luôn góp mặt nơi hang đá Giáng Sinh.

    -Jacóp gặp nàng Rachel chăn Cừu và dệt áo lông trườu đã cảm mến lấy nàng làm vợ.

    6-Gà

    -Chúa Giê-su đã tiên báo cho Phê-rô trước khi Gà gáy ông đã chối Chúa 3 lần

    Người bảo Phêrô “Nội đêm nay Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy 3 lần.” (Mt.26)

    -Phúc Âm nhất lãm của 3 Thánh sử Mátthêu-Lucas –Máccô đều xem Chúa như gà ấp ủ đàn con dưới cánh để che chở kẻ thù khỏi hãm hại. (Mt.23: 37)

    -Thánh Giáo Hoàng Gregorio I tuyên bố Gà trống là biểu tượng Ki-tô giáo.

    7-Cá

    -Biểu tượng của Đức Ki-tô. Xuất hiện đầu TK.5 do những chữ đầu Hy Lạp ghép thành ICHTHYS:

    I (Jesus)- CH (Christos)- TH (Theous) - Y (hyios)- S (Soter) nghĩa là :

    Giêsu - Kitô - Thiên Chúa - Con - Đấng Cứu Thế

    -Cá còn là biểu tượng Bí Tích Thánh thể và biểu tượng Phục Sinh.

    -Cá là thực phẩm cho người như Chúa đã làm phép lạ thuyền đầy cá của các tông đồ.

    -Cũng là hình ảnh tượng trưng cho các tông đồ Andrê và Phêrô xuất thân là ngư phủ.

    -Tổng lãnh thiên thần Raphaen thường được vẽ với con cá trong tay, được đem về chữa cho Tôbia khổi mù.

    -Tiên tri Gio-na nằm trong bụng cá suốt 3 ngày đêm, chính là sự tiên báo Chúa chết 3 ngày sau sống lại.

    -Chúa hóa bánh và cá 2 lần nuôi dân khi người ta đến rất đông nghe Ngài giảng dạy vì Ngài thương cảm: Lần 1 nuôi 5000 người với 5 con cá nhỏ. Lần 2 cho 4000 người và vài con cá nhỏ

    8-Thỏ

    -Nguồn gốc phát hiện những chú Thỏ ngộ nghĩnh xinh đẹp tại Lễ hội Eastre của người Anglo-Saxon cổ xưa theo truyền thống đón mừng Mùa Xuân Eastre chính là lễ Phục sinh ngày nay (Easter)

    -Thỏ con vật dễ thương với những quả trứng mịm màng dùng trang trí trong mùa Phục sinh nhiều màu sắc trên quà tặng, bánh kẹo.

    9-Ngựa

    -Nhanh nhẹn, deo dai, từ ngựa hoang dễ thuần thục thành gia súc đa dụng.

     -Trong phim Ben-Hur dựng từ Thánh Kinh những chiến mã oanh liệt lướt như gió kéo chiến xa.

    -Ngựa hoang thường khó trị, vô kỷ luật, kiêu ngạo đứng đầu 7 mối tội

    10-Chó

    Chó nhà nuôi thuần thục trung thành, thông báo nguy hiểm hay bảo vệ chủ trước đối phương.

    Chó sói hung dữ dễ tấn công, săn mồi theo bày đàn.

    Trong Phúc Âm Chúa xưng là Chủ chiên nhân lành luôn bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của đàn sói dữ.

    Phúc Âm: Ga 10, 11-18

    “Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

    11-Lừa     

    - Phúc Âm 4 Thánh Sử đều nói đến con Lừa trong Chúa Nhật Lễ Lá Chúa Giê-su cỡi Lừa vào thành Jerusalem, Chúa nói với tông đồ : ‘Hãy nói với con gái Sion rằng : Vua các ngươi đang ngự đến, khiêm tốn ngồi trên lưng Lừa con, con của con Lừa mẹ.” (Mt.21 : 5)

    - Con lừa liên tưởng đến Hòa bình- Trong khi con ngựa nghĩ tới Chiến tranh.

    12- Sư tử   

    -Biểu tượng sức mạnh uy quyền- Thánh Kinh nói đến Sư tử nhiều lần. Sức mạnh vượt hơn cácLoài khác và luôn ở thế tấn công không lùi bước.                        

    -Sư tử có cánh là biểu tượng của Thánh sử Máccô.

    -Sam son-Đavit- Bênagia có sức mạnh giết cả Sư tử.

    -Trong Khải Huyền ngôn sứ Exechel thị kiến quái thú có 4 mặt : người- bò rừng-Sư tử và phượng hoàng.

    - Bài trích sách Sáng Thế.

    Ngày ấy, Giacóp triệu tập con cái lại và nói rằng: "Hỡi con cái Giacóp, hãy hợp lại và nghe cha đây. Hỡi nhà Israel, hãy nghe lời cha của các con. Giuđa, anh em con sẽ ca tụng con. Bàn tay con sẽ đè trên ót quân thù; con cái của cha con sẽ phục lạy con. Giuđa là sư tử con, hỡi con của cha, con đã chồm lên bắt mồi, con đã nằm xuống nghỉ ngơi, như giống sư tử đực, tựa nòi sư tử cái, ai dám khiêu khích nó? Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, gậy chỉ huy không rời khỏi chân nó, cho đến lúc Ðấng thiên sai ngự đến, là Ðấng chư dân đợi trông".

    *Kết

    Bài viết chỉ trưng dẫn 12 con vật tiêu biểu ta quen thuộc trong số hàng trăm loài vật các nhà biên khảo đã tìm thấy trong Kinh Thánh như nói trên, với mục đích để tim hiểu mỗi loài Thiên Chúa tạo dựng đều mưu ích cho loài người và tôn vinh quyền năng Ngài.

    Riêng những quái thú xuất hiện trong sách Khải Huyền mang tính cách huyền nhiệm, người viết xin để các nhà thần học sẽ có cao kiến sâu sắc hơn.

    Mong thông cảm những điều thiếu sót!

    Đinh văn Tiến Hùng