Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A

 

Tue, 03/10/2023 -  Lm Phạm Hồng Thái

 

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A

 

          Cây nho, vườn nho cũng như Con chiên và đàn chiên là những hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống của người Do thái. Hôm nay Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn Vườn nho và những tá điền gian ác. Dụ ngôn này có âm hưởng từ Bài Ca Vườn Nho Israel của ngôn sứ Isaia nhưng hơn thế qua dụ ngôn này Chúa Giêsu  còn phác họa lịch sử Ơn Cứu độ cho nhân loại nữa.

       Vườn Nho này là của Chúa, cây nho cũng là do Chúa trồng và trước khi giao cho các tá điền, Thiên Chúa đã đầu tư vào vườn nho này rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần qua việc chăm sóc và còn sai các đầy tớ tới qua ba đợt: Đợt thứ nhất Chúa sai các đầy tớ tới để nhận hoa lợi Vườn Nho nhưng các tá điền đã không nộp mà còn đánh người nầy, ném đá người kia, giết chết người nọ. Điều này chỉ các ngôn sứ được Chúa sai đến với dân Israel nhưng các thủ lãnh đã không đón nhận, không nghe lời các ngôn sứ thay mặt Chúa nói cho họ mà lại còn bách hại họ.

 Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn: Chúa sai thêm một đợt nữa với con số ngôn sứ nhiều hơn đợt trước và cũng bị các tá điền là những  thủ lãnh Do thái đối xử tàn tệ như vậy.

Đợt thứ ba Thiên Chúa đánh liều sai chính người con trai duy nhất đến với họ  nghĩ rằng họ sẽ kiêng nể Người Con đó. Nhưng dã tâm của các tá điền là những thủ lãnh Do Thái muốn chiếm đoạt Vườn Nho, muốn cướp quyền Thiên Chúa nên họ còn ra tay nặng hơn: Đó là họ bắt người Con, đánh đập, lôi ra ngoài Vườn nho và giết đi! Những lời này ám chỉ việc Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa bị các thủ lãnh Do thái lên án tử và đóng đinh vào thập giá ở ngoài thành Giêrusalem.

        Nhưng Thiên Chúa quyền năng đã lật ngược thế cờ như tiên báo của Thánh vịnh 118: “Phiến đá mà các người thợ xây loại bỏ đã trở nên đá góc tường”. Giáo hội sơ khai hiểu câu Thánh vịnh này nói về sự tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu đem lại chiến thắng và khai sinh ra Dân mới là Hội thánh làm ứng nhiệm lời tiên tri trong dụ ngôn này: “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho một dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”

         Chúng ta hiểu Dân tộc khác đây chính là Hội thánh do Chúa Giêsu lập khi Chúa nói với ông Phêrô: “Con là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Mt 16,18)”.  Để rồi trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28,19)”.  Ở đây Chúa Giêsu nhấn mạnh Dân mới này biết làm cho trổ sinh hoa trái. Quả thế Hội thánh Chúa qua hơn hai mươi thế kỷ đã lan tràn khắp muôn dân và đã sinh ra được nhiều hoa trái là các linh hồn cho Nước Chúa; nhưng ta đặt câu hỏi không biết Hội Thánh đã sinh được hoa trái như lòng Chúa mong đợi chưa, vì thế toàn thể Hội Thánh cũng như mỗi người chúng ta là phần tử của Hội thánh phải phấn đấu trổ sinh hoa trái nhiều hơn như lòng Chúa mong ước.

          Đức Giáo hoàng Fanxicô thúc dục chúng ta hãy đi tới những vùng ngoại biên để gặp gỡ những anh em chưa nhận biết Chúa và đem tình yêu Chúa đến cho họ. Mỗi người hãy tự vấn lương tâm mình đã thực hiện điều này chưa, có chèo ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá như Chúa nói với các tông đồ không?

          Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho: kinh nghiệm trồng nho cho biết cây nho cần được cắt tỉa vì như người trong nghề thường nói: “giảm đâm cành, giảm mọc lá sẽ tăng hoa trái”; Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa cắt tỉa qua những hi sinh và vất vả chúng ta chịu khi trung thành với lời Chúa, phải luôn nhớ điều Chúa cảnh báo: “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để giao cho dân tộc khác biết làm trổ sinh hoa trái”: Nếu ta không biết dùng ơn Chúa ban, Chúa sẽ cất đi và ban cho kẻ khác. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu tự ví Chúa là cây nho và môn đệ Chúa là cành. Cành phải kết hợp với cây thì mới sinh nhiều hoa trái. Vậy trong đời sống người Kitô hữu, chúng ta phải luôn gắn bó với Chúa bằng đức tin và cầu nguyện.

Câu chuyện: Nước Pháp trong cuộc cách mạng vào năm 1789: Những kẻ khởi xướng cho cuộc cách mạng này đã bài xích Giáo hội, chối bỏ Thiên Chúa, coi lý trí là thần tượng tuyệt đối có thể giải quyết được mọi vấn đề. Thế nhưng hậu quả mà cuộc cách mạng này đã đem lại như thế nào thì lịch sử đã cho chúng ta thấy: máy chém mọc lên ở khắp nơi, rồi cướp của, giết người xảy ra ở khắp chốn, đến nỗi chịu không nổi cảnh tượng hỗn độn vô trật tự ấy, Robespierre đã phải truyền dán trên khắp các ngả đường những tấm bích chương với hàng chữ: “Nhân dân Pháp tin vào Thiên Chúa”. Quả thực, khốn cho ngươi, nếu ngươi giơ chân đạp mũi nhọn.

Trường hợp thứ hai là của Voltaire. Suốt đời, ông đã tìm cách hạ bệ Thiên Chúa và Giáo hội. Chính ông vào năm 1753 đã viết: “Thiên Chúa phải về hưu vì đã hết thời”. Đúng hai mươi năm sau, nghĩa là vào năm 1773 ông đã chết một cách thê thảm, tru tréo như một con chó dại, đến nỗi bà giúp việc phải thốt lên: “Nếu quỉ có thể chết, thì cũng không chết một cách dữ tợn hơn Voltaire”. Thiên Chúa vẫn còn mãi, nhưng khốn cho ngươi, nếu ngươi giơ chân đạp mũi nhọn!

Chúng ta nguyện trung thành với Chúa, tích cực làm cho Vườn Nho Chúa trổ sinh nhiều hoa trái để chúng ta được hưởng những thành quả đó và chính Thiên Chúa cũng sẽ ban thưởng cho chúng ta. Amen

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét