Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Xây dựng một gia đình tràn đầy hy vọng

 

Fri, 13/10/2023 -  Lại Thế Lãng

Xây  dựng  một  gia  đình  tràn  đầy  hy  vọng

Tác giả: Dan Almeter – Lại Thế Lãng chuyển ngữ

“Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng!” Bạn bè của chúng tôi, Bill và Cynthia, đã khóc vì sung sướng khi họ chia sẻ một số tin tức đáng chú ý về gia đình với vợ chồng tôi. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau nhiều điều trong nhiều năm - chúng tôi là hàng xóm và là đồng đạo, và con cái chúng tôi đều học cùng một trường Kitô giáo.

Nhưng đã lâu rồi, tin tức của bạn chúng tôi không mấy tốt đẹp. Bất chấp những nỗ lực hết mình, con cái của họ vẫn bị cuốn vào cuộc sống hoang dại với tiệc tùng, ma túy và xa rời đức tin.

​ Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của Bill và Cynthia. Có lúc, họ tâm sự họ đứng trên bờ vực tuyệt vọng. Nhưng họ có niềm hy vọng mãnh liệt nơi Thiên Chúa, được xây dựng trên cả cuộc đời tin cậy Ngài trong lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Niềm hy vọng này đã giúp họ đi tới - và khiến họ tiếp tục cầu nguyện cho con cái mình, bất kể chuyện gì xảy ra.

Rồi đến sự ngạc nhiên đã biến những giọt nước mắt đau buồn của họ thành những giọt nước mắt vui mừng. Một trong những người con trai của họ, Larry, đã có một trải nghiệm hối cải sâu sắc—ngay giữa một buổi hòa nhạc rock, khi mọi người đều đang say sưa! Giống như đứa con hoang đàng, anh đã tỉnh ngộ và trở về nhà.

Cảm nghiệm của Larry về Chúa sâu sắc đến mức anh tiếp tục hướng dẫn và củng cố bảy anh chị em của mình để có được trải nghiệm đức tin sâu sắc hơn. Không chỉ vậy, anh còn tích cực tham gia vào giáo xứ của mình và hiện đang giúp tổ chức các sự kiện nơi rất nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm cá nhân về Chúa Kitô.

​ Hy Vọng Làm Được Gì. Câu chuyện đầy kịch tính của Larry—câu chuyện mà rất nhiều bậc cha mẹ khác mơ ước—là một nguồn khích lệ lớn lao để tiếp tục cầu nguyện cho những người chúng ta yêu thương. Nhưng trước hết, nó mời gọi chúng ta suy ngẫm về niềm hy vọng, nhân đức truyền cảm hứng cho lời cầu nguyện kiên trì này.

​Hy vọng là một trong ba nhân đức thần học. Giống như đức tin và tình yêu, nó hướng tới Thiên Chúa và mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Niềm hy vọng soi sáng cho chúng ta thấy và tìm kiếm Nước Trời là hạnh phúc của mình. Nó dạy chúng ta làm việc một cách tự tin hướng tới sự ân thưởng này –bằng cách đặt niềm tin vào ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải vào nỗ lực của chính chúng ta (xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1817-1821; 2090-2092).

Niềm hy vọng có liên quan đến sự cứu rỗi của chính chúng ta. Tôi muốn nói, đức tin là tin rằng Chúa có thể làm được điều đó; hy vọng là tin rằng Chúa có thể làm điều đó cho tôi. Nếu muốn được cứu, tôi phải đặt hy vọng vào Chúa và kiên trì đến cùng. Hy vọng bảo đảm với tôi rằng Chúa sẽ ban cho tôi mọi sự giúp đỡ tôi cần.

Ngoài ra, niềm hy vọng thúc đẩy chúng ta cầu nguyện cho sự cứu rỗi của người khác. Tất nhiên, chúng ta không thể khiến họ hy vọng vào Chúa và chấp nhận sự giúp đỡ mà Ngài đưa ra. Nhưng niềm hy vọng củng cố lòng tin cậy của chúng ta vào Thiên Chúa, “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4). Khi lớn lên trong niềm hy vọng, chúng ta tập trung sự chú ý vào ân sủng, lòng thương xót và quyền năng của Ngài hơn là vào những trở ngại. Sau đó, giống như Cynthia và Bill, chúng ta tiếp tục cầu nguyện.

Quyết định tin tưởng. Chúng ta sẽ nghĩ gì về một cây phong ngừng phát triển ở độ cao 3 feet, hay một đứa trẻ mà quá trình học tập chưa bao giờ phát triển qua cấp lớp một? Theo bản năng, chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn. Chúng ta có cảnh giác về sự thiếu tăng trưởng trong đời sống tâm linh của mình không? Nếu chúng ta thường cảm thấy tràn ngập nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc cảm giác chán nản và vô vọng, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần lớn lên trong niềm hy vọng.

​Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta nuôi dưỡng nhân đức này được Chúa Thánh Thần gieo vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta khi chúng ta chịu phép rửa. Nếu không được chăm sóc, nó vẫn không hoạt động hoặc bị lùn đi. Nhưng với một chút chú ý từ phía chúng ta, Thiên Chúa sẽ làm cho niềm hy vọng của chúng ta trưởng thành trọn vẹn, để nó sinh hoa trái can đảm, bình an và vui mừng, ngay cả trong những thử thách lớn lao. Dù chúng ta ở đâu trong tiến trình kéo dài suốt đời này, chúng ta đều có thể làm điều gì đó để lớn lên trong niềm hy vọng. Chỉ có một điều, chúng ta có thể đổi mới quyết tâm tin cậy Chúa.

Hy Vọng Không Bao Giờ Thất Vọng. Đối với nhiều người trong chúng ta, việc già đi mang lại những thách thức đặc biệt cho niềm tin. Có lẽ chúng ta bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, thất vọng vì ước mơ của mình không thành hiện thực như chúng ta mong đợi. Chúng ta có thể gặp khó khăn trong hôn nhân và với con cái. Nếu độc thân, chúng ta có thể phải vật lộn với nỗi cô đơn gặm nhấm. Những nỗi đau buồn khác đến với chúng ta—cái chết, bệnh tật, những mối quan hệ tan vỡ, sự vỡ mộng với nhiều thành viên khác nhau trong Hội thánh.

Tôi đã trải qua một trong những thời kỳ xám xịt này khoảng mười năm trước. Trong công việc của một cố vấn chuyên nghiệp, đôi khi tôi cảm thấy bất lực và tuyệt vọng trước những khó khăn mà nhiều người đến với tôi phải đối mặt. Ngoài ra, tôi còn phải đối mặt với thực tế là phải từ bỏ một số ước mơ nghề nghiệp của mình. Ở nhà, vợ chồng tôi hàng ngày phải đấu tranh với một trong những đứa con trai của chúng tôi mắc chứng tự kỷ. Với sáu đứa con và ngân sách eo hẹp, tôi cảm thấy căng thẳng và choáng ngợp. Chúa dường như ở rất xa.

Chính ân sủng của Chúa và sự hỗ trợ của những người bạn Kiô giáo đã giúp tôi tìm ra lối thoát. Sự khích lệ của họ đã thôi thúc tôi nắm lấy một đoạn Kinh thánh đã giúp tôi vượt qua thời kỳ khó khăn trước đó: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong” (Gr 17:7-8).

Tôi đã vươn rễ và dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm Chúa. Khi làm vậy, tôi bắt đầu khao khát Ngài hơn bao giờ hết. Đời sống cầu nguyện của tôi đã đi từ một dòng nước nhỏ giọt đến một dòng thác tình yêu cuồng nhiệt! Thật la khac biệt! Tôi muốn dành thời gian với Chúa—không phải vì những gì tôi có thể đạt được, mà chỉ đơn giản là để bày tỏ tình yêu của tôi với Ngài.

Kể từ đó, nhiều tình huống tôi phải đối mặt đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng sự thay đổi lớn nhất chính là sự thay đổi diễn ra bên trong tôi. Cùng với niềm hy vọng mới, tôi nhận được niềm vui và sự bình an không bao giờ rời xa. Giờ đây tôi có thể dễ dàng vui mừng hơn và nhìn thấy bàn tay Chúa hành động, ngay cả khi hoàn cảnh có vẻ ảm đạm.

​Con Cái và Hy vọng. Niềm hy vọng lớn lên khi chúng ta dành thời gian với Chúa, suy ngẫm lời Ngài và để Ngài biến đổi chúng ta. Khi tôi nhận ra điều này cho chính mình, tôi đã tìm cách khuyến khích các con tôi đi trên con đường riêng của chúng để có được niềm hy vọng sâu sắc hơn.

Với tư cách là một gia đình, chúng tôi lần hạt Mân Côi, tham dự Thánh lễ hàng ngày và đến tòa giải tội theo định kỳ. Để khuyến khích thời gian yên tĩnh một mình với Chúa, tôi mời những đứa trẻ lớn hơn đi cùng khi tôi đến nhà thờ để cầu nguyện trong một giờ.

​ Những cuộc tĩnh tâm là yếu tố then chốt trong đời sống tinh thần của gia đình tôi. Có một ân sủng đến từ việc bỏ lại đằng sau những lo toan hằng ngày để lắng nghe Chúa trong thinh lặng và cô tịch. Một lần nọ, khi các con chúng tôi còn nhỏ và vợ tôi cảm thấy khó cầu nguyện, tôi đã thuyết phục cô ấy đi tĩnh tâm cuối tuần. Vợ tôi trở về với tâm trạng vui mừng, vô cùng xúc động khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha. Đó là nguồn hy vọng vào thời điểm mà thói quen hàng ngày đã khiến vợ tôi suy sụp.

Các khóa tĩnh tâm cũng giúp con cái chúng tôi nuôi dưỡng mối quan hệ với Chúa và lớn lên trong niềm hy vọng. Khi các con trai của chúng tôi học cấp hai, thỉnh thoảng tôi bắt đầu đưa chúng đi tĩnh tâm. Bây giờ chúng thường tổ chức các khóa tĩnh tâm và mời tôi đi cùng. Trên thực tế, chúng tôi có truyền thống dành những ngày cuối tuần đầu năm mới để cùng nhau tĩnh tâm tại một tu viện dòng Xitô cách nhà khoảng ba giờ đồng hồ.

​Những Kiểu Mẫu Của Hy Vọng. Khi xem xét mối liên hệ giữa niềm hy vọng và lời cầu nguyện, tôi nghĩ đến Simêon và Anna. Họ nhận ra Đấng Mêsia đã hứa trong một hài nhi được đem vào Đền thờ (Lc 2:25-38). Họ đã bước vào tuổi già nhưng niềm hy vọng của họ vẫn còn trẻ và mạnh mẽ.

Đây không phải là một thành tựu nhỏ! Viết về hai người trong Kinh thánh này, Cha. J. Augustine DiNoia nhận xét rằng “kinh nghiệm không dạy hy vọng; thường thì nó dạy điều ngược lại.” Hãy nghĩ về những gì Anna và Simêon đã chứng kiến trong cuộc đời của họ: đau buồn, tàn ác, ích kỷ, bất lương, các nhà lãnh đạo chính trị tham nhũng, đấu tranh tôn giáo nội bộ. Những trải nghiệm như vậy không nhất thiết khiến hy vọng lớn lên. Nhiều người khi về già tỏ ra cay đắng, hoài nghi và bị nỗi sợ hãi chi phối.

Nhưng Anna và Simêon đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những điều mang lại hy vọng. Simêon suy ngẫm và nghiên cứu Kinh thánh; Anna không ngừng cầu nguyện và ăn chay. Không còn nghi ngờ gì nữa, hai vị thánh này hàng ngày cầu thay cho dân chúng, các linh mục và các nhà lãnh đạo của họ. Có lẽ hoàn cảnh không thay đổi nhiều như họ mong muốn. Nhưng nhờ dành thời gian với Chúa, chính họ đã được biến đổi và được bảo vệ khỏi sự tuyệt vọng. Và khi một niềm hy vọng mới lớn lao lóe lên nơi con người Chúa Giêsu, họ đã có mặt để chào đón Người.

Chúng ta hãy noi gương Anna và Simêon. Chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn cho Chúa, nuôi dưỡng niềm hy vọng trong bản thân và gia đình, đồng thời chống lại mọi cám dỗ dẫn đến tuyệt vọng. Xin Thiên Chúa của niềm hy vọng đổ đầy niềm vui và bình an trong đức tin của chúng ta, để chúng ta có thể tràn đầy hy vọng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Rm 15:13).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét