Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

CÓ THỂ DẠY ĐẠO ĐỨC?

 

Thu, 05/10/2023 - Trầm Thiên Thu

CÓ  THỂ  DẠY  ĐẠO  ĐỨC?

Chữ đạo đức (ethics) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại ēthikós (ἠθικός), nghĩa là “liên quan tính cách của một người,” chữ gốc êthos (ἦθος) nghĩa là “tính cách, bản chất đạo đức.” Chữ này chuyển sang La ngữ là ethica, sau đó chuyển sang Pháp ngữ là éthique.

Khi tôi hỏi liệu đạo đức có thể được dạy hay không, ý tôi là có ai đó đứng trước mặt bạn và phát biểu, giống như trong lớp học. Chẳng hạn có người nói về đức tính can đảm. Người ấy định nghĩa lòng can đảm, nhấn mạnh rằng lòng can đảm là đứng vững giữa những nỗi sợ hãi hợp lý, chứ không phải khi không có nỗi sợ hãi. Người ấy phân biệt lòng dũng cảm với những đặc điểm có thể trông giống như lòng dũng cảm nhưng không phải là lòng dũng cảm, và đưa ra những tấm gương về lòng dũng cảm.

Người ấy có truyền lại lòng can đảm cho những người lắng nghe người ấy? Rõ ràng là không. Những người nghe người ấy sẽ không thể can đảm hơn chút nào khi nghe người ấy nói. Tuy nhiên, lòng can đảm có lẽ là đức tính quyết định nhất. Không ai làm điều đúng đắn dưới áp lực mà không có lòng can đảm.

Có người đã từng định nghĩa Thuyết Nhất Thể (Unitarianism) như chiếc giường lông để đỡ những người theo Kitô giáo bị sa ngã. Tôi đã tự hỏi liệu ý tưởng cho rằng đạo đức có thể được dạy trong lớp học có giống nhau hay không. Ngày nay có người nói: “Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa mà là Thầy dạy đạo đức vĩ đại.” Ôi, nếu đạo đức không thể được dạy thì Chúa Giêsu chẳng có gì để làm.

Kết quả là chúng ta tuyệt vọng bám chặt vào khả năng dạy dỗ đạo đức nếu chúng ta “theo truyền thống Kitô giáo” nhưng không thực sự tin vào những Kitô hữu. Tất cả các khóa học về đạo đức trong các trường đại học Kitô giáo (phương pháp đạo đức, các loại lý thuyết đạo đức) đều phát sinh sau khi các tổ chức đó bị tục hóa.

Bạn nói: “Nhưng Bài Giảng Trên Núi là gì nếu không dạy về đạo đức? Chúa Giêsu dạy đạo đức; do đó đạo đức có thể được dạy. Hơn nữa, chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta nên tự mình dạy đạo đức.” Tôi có thể lưu ý sự khác biệt của Bài Giảng Trên Núi với bài giảng trong lớp học?

Trước tiên, nó được dạy “bởi một người có thẩm quyền,” nghĩa là bởi một người có thể coi Mười Điều Răn là “những gì đã nói từ xa xưa… nhưng tôi nói với các bạn.” Ngược lại, một người hướng dẫn đạo đức như vậy không có bất kỳ quyền hạn nào. Họ không phải là cha hay mẹ, ở cương vị phụ huynh, hoặc dựa vào thẩm quyền của Giáo hội hay Chúa Kitô – với tư cách là người hướng dẫn.

Thứ hai, mục đích là kêu gọi sự ăn năn, đón nhận Nước Thiên Chúa, chịu phép rửa và gia nhập cộng đồng. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4:17) Nhưng mục đích của việc giảng dạy trong lớp học là để một cá nhân chỉ biết điều gì đó. Bất cứ điều gì tôi biết, ma quỷ cũng có thể biết.

Thứ ba, mọi câu trong Bài Giảng Trên Núi đều giả định sự hiện diện của Chúa Cha và kêu cầu Ngài là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo.” (Mt 6:6) Đây không phải là sự phân tích hay giải thích, mà là kêu gọi hoặc suy niệm, trong đó người nghe được mời gọi tự xét mình và cầu nguyện.

Thứ tư, nó được đưa ra trong một dân tộc và truyền thống đã tồn tại, kéo dài 1.500 năm trước lời kêu gọi của Ápram. Nhưng việc giảng dạy trên lớp bắt đầu từ đầu. Một người hướng dẫn thậm chí còn được coi là có tay nghề cao hơn nếu họ đặt ra ngay từ đầu tất cả những tiền đề họ cần, để khóa học của họ không phụ thuộc vào gì khác ngoài chính nó.

Mặc dù vậy, Chúa không hề cho rằng cuối cùng Ngài đã làm cho ai trở nên tốt hơn. Ngài nói: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.” (Mt 7:24) Nghĩa là việc đó tùy chúng ta. Có lẽ không ai nghe những lời đó sẽ “làm được.” Ngay cả kẻ ngốc cũng đã “nghe” Bài Giảng Trên Núi và có thể đạt điểm 100% trong một câu đố ngắn về bài giảng đó.

Thậm chí chúng ta còn chưa đề cập quyền năng thực sự của Chúa Giêsu được truyền đạt. Đối với một số người nghe, rõ ràng Ngài là nguồn ân sủng. Sau khi giảng dạy, Ngài đang từ trên núi xuống, có một người phong hủi đến gần và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8:2) Chưa có sinh viên nào nói những điều như thế này với một giảng viên đạo đức khi vừa rời khỏi giảng đường. Bằng cấp học thuật không đem lại sức mạnh siêu nhiên. Bài giảng sâu sắc nhất hàm ý không có ân sủng nào.

Vì vậy, bất cứ điều gì Chúa Giêsu làm trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài không phải là “dạy đạo đức.” Ngài không đóng vai một Người Thầy đạo đức vĩ đại, mà thực sự là Thiên Chúa. Vì vậy, cách duy nhất để bắt chước Ngài là chỉ cho người khác biết Ngài. Chúng ta không thể bắt chước thẩm quyền của Thiên Chúa nhưng phải quảng bá điều đó.

Socrates thường nói rằng sự khôn ngoan duy nhất của ông là ông biết mình thiếu khôn ngoan. Có vẻ như mâu thuẫn nhưng không phải vậy. Ý của ông là trí tuệ thực sự thuộc về các vị thần – điều mà với tư cách là một người phàm, ông biết mình thiếu – nhưng dù sao thì cũng có một loại trí tuệ của con người để nhận ra sự thiếu khôn ngoan của mình, do đó phải khiêm tốn phụ thuộc vào các thần linh. Một người thầy dạy đạo đức Socrates ngày nay cũng có thể nói rằng lời dạy duy nhất của ông là ông không thể dạy đạo đức.

Tất nhiên, một mối lo lắng khác là nếu chúng ta bám chặt vào ý tưởng rằng đạo đức có thể được dạy, thì chúng ta thường quy giản đạo đức xuống mức thừa nhận là đã được dạy, và chúng ta có xu hướng chấp nhận bất cứ điều gì gắn liền với cách xây dựng sai lầm này.

Cách để iểu điều khiến chúng ta ngày nay khó chịu về “thành phần ưu tú” như những cây trồng trong nhà kính được trồng dựa trên giả định rằng đạo đức có thể được dạy. Giả sử đạo đức có thể được giảng dạy và giảng dạy trong các cơ sở thế tục. Khi đó thể chế càng tốt thì con người càng tốt. Và có đạo đức là có chính kiến.

Không cần phải phục vụ trong quân đội, hoặc trung thành dù tốt hay xấu, hoặc nuôi dạy con cái, hoặc làm những công việc khiêm tốn (không cần công trạng) để trở thành người tốt. Nghiên cứu và làm việc trong phòng thí nghiệm là đủ. Tất nhiên không cần trông cậy Chúa hoặc coi Chúa là tốt lành. Thế thì truyền thống vô nghĩa.

Cuối cùng, không có cái gọi là tội lỗi hay ma quỷ, thì chúng ta không cần ân sủng. Nhưng đâu phải là như vậy!

MICHAEL PAKALUK

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét