Wed, 15/11/2023 - Lm Phan v
NHỚ NGÀY THANH TOÁN SỔ SÁCH
Thánh Máctinô Porres (1579-1639, mừng
ngày 3-11) là con của một hiệp sĩ Tây Ban Nha với một nàng hầu lai da đen người
Pérou. Máctinô trải qua thuở thiếu thời trong sự hất hủi của mọi người vì thân
phận con hoang và vì màu da đen đúa. Lúc 15 tuổi, cậu nhập dòng Đa-minh như một
trợ sĩ. Thầy rất đạo đức và thích làm những việc khiêm tốn đến độ được biệt
danh là “thầy chổi”. Nhờ biết cạo gió, Máctinô đã giữ chức y tá của nhà dòng.
Thầy phụ trách công việc với một đức nhẫn nại vô bờ và bác ái cao độ. Có lần thấy
một bệnh nhân giận dữ với mình, thầy đã êm ái nói với anh ta: “Anh giận phải lẽ
lắm, nhưng cơn giận có thể khiến bệnh tình của anh thêm nặng. Hãy dùng món ăn
anh thích này đi và để tôi thoa bóp chân cho anh nhé!” Thầy vừa làm việc vừa lần
hạt Mân côi, thức đêm để cầu nguyện rồi ngủ trên cái cáng dùng khiêng xác chết.
Được tu viện giao nhiệm vụ phát của bố thí, thầy làm mọi cách để cứu giúp những
kẻ nghèo, đôi lúc còn nhịn ăn để cho họ. Có lần tu viện mắc nợ, Máctinô đã đề
nghị cha bề trên bán mình đi để trang trải. Máctinô cũng đã từ chối không lãnh
chức vụ Linh mục để có thể tiếp tục làm đầy tớ mọi người. Ngày nay, Máctinô là
một trong những vị thánh được bình dân yêu mến cầu khẩn nhất từ Đông sang Tây,
từ Âu sang Á.
1. Sự tín nhiệm vô cùng của Chủ:
tình yêu.
Dụ ngôn “các yến bạc” mà câu chuyện
thánh Máctinô đã minh họa, là dụ ngôn cuối cùng trong ba dụ ngôn “cánh chung”
được Mát-thêu gộp chung quanh chủ đề “Thời cùng tận”. Thời gian của lịch sử con
người, mà sẽ có lúc chấm dứt, là thời gian “Chủ vắng mặt” : nhân loại bị thử
thách, y như các tôi tớ được chủ trao phó lắm trách nhiệm nặng nề. Vâng, cuộc sống
của chúng ta diễn ra trong khung cảnh một Thiên Chúa có vẻ vắng mặt và như thể
“rút lui” để thụ tạo Người có sáng kiến. Điều đó chứng tỏ một niềm tin tưởng
mênh mông và kính trọng khôn tả. Người giao cho chúng ta : “kẻ thì năm yến, kẻ
hai yến, kẻ một yến”. Vào thời Đức Giê-su, một “yến” là một thỏi bạc hay vàng
trị giá sáu ngàn quan tiền. Thành thử một yến thôi cũng đủ là một gia tài nhỏ :
tương đương với tiền công sáu ngàn ngày làm việc (x. Mt 20,2). “Chủ giao phó
cho họ của cải mình!”: ở thế gian này, chúng ta phải quản lý các của cải không
thuộc chúng ta, nhưng thuộc Đấng Sáng Tạo. Như thế, ý nghĩa sâu sa của dụ ngôn
trước hết chẳng phải là sử dụng đúng các “năng khiếu cá nhân” (dẫu áp dụng luân
lý này có thể có ích). Đây đặc biệt nói về việc chúng ta tích cực cộng tác vào
Nước Thiên Chúa : Người đã giao phó cho ta Vương quốc Người, tài sản Người, những
hồng ân phải làm cho sinh lợi…
Và thế là hai người trước đã làm lợi
gấp đôi số yến bạc nhận được, riêng anh cuối cùng thì đào lỗ mà chôn… Phải chống
lại cám dỗ muốn so sánh mình với người. Đây không nói đến các yến bạc của ai
khác, nhưng đến trách nhiệm của riêng tôi, đến Nước Trời đã được giao phó cho
tôi, dĩ nhiên qua các “hồng ân tôi đã nhận lãnh”. Ai nấy đều có vị trí và trách
nhiệm “của mình” : “Có nhưng ân huệ khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí… Người
thì được ban ơn nói lời khôn ngoan... kẻ khác được ban ơn nói lời hiểu biết...
người thì được ơn phân định các thần khí… Các bộ phận của thân thể tuy nhiều,
nhưng vẫn là một thân thể” (1Cr 12,4-12). Đến điểm suy niệm này, tôi nên tự hỏi
đâu là vai trò duy nhất của tôi, đâu là các yến bạc mà chỉ mình tôi có thể làm
cho sinh lợi. Trước mắt Thiên Chúa, không ai có thể thay thế tôi trong nhiệm vụ
vốn là của tôi, với những khả năng, đức tính, ơn huệ Người đã ban tặng. Phải
chăng tôi sẽ “làm lợi” chúng như các tôi tớ tốt lành, như thánh Máctinô, kẻ mà
xét theo loài người thì quả là được giao quá ít ỏi, nhưng đã làm lợi biết bao
nhiêu, hay tôi đem “chôn vùi” chúng như tên đầy tớ xấu?
“Sau một thời gian lâu dài…”. Thời
gian Chủ vắng mặt thì lâu. Đó là thời gian thử thách lòng trung tín và không dễ
chịu đựng. Đẩy cho tới cùng, ta có thể tưởng tượng rằng Thiên Chúa “thôi trở lại”,
Người “đã chết”, không hiện hữu; ta có thể bắt đầu tổ chức tất cả đời mình “như
thể chẳng hề có Thiên Chúa”. Đó đã là ý nghĩa của nhiều dụ ngôn khác trong Mt
(24,37-44; 24.46-51; 25,1-13). Nhưng “…ông chủ các đầy tớ trở về và yêu cầu họ
thanh toán sổ sách”. Đức Giê-su lại bảo chúng ta chớ nên ngủ trong ảo tưởng
“Thiên Chúa vô hữu”. Dù muốn hay không muốn, điều ấy đâu tùy thuộc chúng ta !
Ngoài ra, chẳng có gì tồi tệ hơn là “vô trách nhiệm”. Thiên Chúa tôn vinh chúng
ta khi đòi chúng ta “thanh toán sổ sách”, như đối với những kẻ trưởng thành đầy
ý thức trách nhiệm. Và thế là người được giao năm yến đến trình bày công việc lẫn
thành quả của mình, sau đó tới lượt người được giao hai yến. Văn phong cố ý
long trọng. Đây không phải là một ông chủ bình thường : người ta gọi ông là
“Chúa”… và, vì thời gian quản lý đã chấm dứt, nên các tôi tớ được cho vào “hưởng
niềm vui của Chủ mình” như các trinh nữ khôn trong dụ ngôn trước được đi vào
phòng tiệc cưới “với Chú rể”.
2. Thái độ nghi ngờ của đầy tớ: tội lỗi.
Nhưng chúng ta chờ phần tiếp giai
thoại. Với một nghệ thuật kể chuyện sành sỏi, Đức Giê-su kéo dài sự mong ngóng.
Người lặp lại cũng một chuyện đối với hai tôi tớ đầu. Óc tò mò của thính giả bị
kích thích : người ta chờ đợi… Cái gì sắp xảy đến với tôi tớ thứ ba mà ta biết
là đã đem “chôn” yến bạc của ông chủ ? Dẫu sao thì hắn cũng phải phép, đúng luật:
xem ra không thể quở trách hắn được điều gì ; đã chẳng trộm yến bạc giao nhận,
hắn lại còn tuyệt đối “bảo tồn” nó. Tuy nhiên, trước đó hắn đã thưa với chủ:
“Thưa ông, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không
vãi”. Theo Đức Giê-su, tội xấu xa nhất chính là chỗ đó: xuyên tạc hình ảnh
Thiên Chúa, xem Người như một bạo vương khó gần và nguy hiểm! Tất cả mối tương
quan với Thiên Chúa bị sai lệch khi ta khởi sự nghi ngờ Người: đấy đã là cám dỗ
lớn lao con rắn từng gợi lên cho hai ông bà nguyên tổ (x. St 3,1-5). Cám dỗ căn
bản của chúng ta cũng là thế: không coi Thiên Chúa như một “người cha” đầy tình
yêu, như một vì Thiên Chúa “giao ước”… nhưng như một kẻ cạnh tranh đáng kinh
hãi, chỉ biết nghĩ đến mình và sợ con người được hạnh phúc ! Làm sao chúng ta
có thể đi đến một biếm họa như thế, trái với tất cả mạc khải Thánh Kinh như vậy?
“Vì thế tôi đâm sợ, mới đem chôn dấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn
nguyên đây này!” Vâng, đúng là hoàn toàn bất biết mối tương quan đích thực nối
kết Thiên Chúa với con người. Như thế, tên đầy tớ này đã không bị kết án vì từ
chối phục vụ hay vì bê trễ biếng nhác, nhưng vì đã có về Thiên Chúa một ý tưởng
hoàn toàn trái ngược với bản chất đích thực của Người: y “đâm sợ” Thiên Chúa…
nên đã tự đặt “trong quan hệ phải phép tối thiểu” với Người. Y rất giống đám
“thợ giờ thứ nhất” tố cáo gia chủ bất công (x. Mt 20,12… hay giống “đứa con cả”
tự thấy phải lẽ với cha mình (x. Lc 15,29-30). Tôi, tôi chính trực, còn Ngài
thì không! Cuối cùng, con người “đầy sợ hãi” ấy thiếu cái chủ yếu: y không yêu
chủ, cho dẫu tự phụ đã phải phép về phía mình. Chúng ta nhận ra đó là thái độ của
Biệt phái (Pha-ri-sêu) và kinh sư.
Nhưng chớ quên: Đức Giê-su không xử
phạt những con người. Kết án Biệt phái thì quá dễ! Điều Đức Giê-su muốn loại bỏ,
đó là một thái độ đối với Thiên Chúa vốn luôn có thể là thái độ của chúng ta.
Chúng ta có thể tìm sự an ninh của mình trước hết, ngay cả khi giữ Lề luật tỉ mỉ,
như tên đầy tớ tưởng mình phải phép vì đã giao lại cho chủ cũng số tiền đã nhận.
Tuy nhiên y đã gây thất vọng cho chủ vốn trông đợi y hết sức nhiều. Ông đã mong
chờ một sự dấn thân mạo hiểm đối với bản thân ông: ông đã chờ mong “đức tin”, đức
tin liều lĩnh! Chúng ta phải quan tâm đến các quyền lợi của Thiên Chúa, đặt cược
tất cả cuộc sống chúng ta cho Người, giúp của cải Người sinh lợi.
Chôn vùi các yến bạc của ta, đó là
ám ảnh chuyện an toàn và tránh né mạo hiểm. “Đức tin” là việc hoàn toàn khác!
Tin Mừng muốn được rắc gieo, tung vãi. Làm môn đệ Đức Giê-su, đó là “khiến Nước
Trời đã giao được sinh lợi”. Ai chỉ nghĩ tới chuyện “bảo tồn” cái đã nhận là
làm cho nó ra cằn cỗi. Tin Mừng đã chẳng được ban cho ta để “giữ” nó như một thứ
kho tàng vô ích: chúng ta có trách nhiệm làm cho nó sinh hoa kết quả… vì Ông Chủ,
một ngày nào đó về lại, sẽ đòi chúng ta thanh toán sổ sách. Khi “đi xa”, Đức
Giê-su đã giao cho ta trách nhiệm vốn là của Người: làm cho Vương quốc Thiên
Chúa trị đến. Nếu không chu toàn, ta phải hoàn toàn gánh chịu hình phạt được
trình bày với những kiểu nói khuôn đúc cuối dụ ngôn. Tính cách nghiêm trọng của
các đe dọa này là do cái được mất rất to lớn. Ai nấy tạo nên cuộc phán xét cho
riêng mình. Không người nào có thể viện cớ để chẳng “trả lại” gì cho Thiên Chúa
cả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét