HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH
YÊU CỦA THẦY
1. Những khi phải phấn đấu với những cơn đau, tôi thường cầu
nguyện rất nhiều. Trong thời gian gần đây và
chính lúc này, những cơn đau tăng mạnh cả về thân xác lẫn về tâm hồn, tôi càng
cầu nguyện nhiều hơn.
Bằng nhiều cách, Chúa nói vào sâu thẳm lòng tôi: “Con hãy ở
lại”. Tôi xin Chúa thương dạy bảo thêm điều Chúa đã bắt đầu dạy bảo. Không
phải đợi lâu, tôi được Chúa đưa lòng trí tôi nhớ lại lời Chúa nói với các môn đệ
trong bữa Tiệc Ly: “Các con hãy ở
lại trong tình yêu của Thầy”
(Ga 15,9).
2. Tôi cảm tạ Chúa và thực
hành điều Chúa dạy. Tôi tin Chúa đang hiện diện trong tôi. Tôi hồi tâm trong
thinh lặng. Trong thinh lặng tôi tập trung vào Chúa. Tôi bước xuống khỏi chiếc
xe vô hình đang chở lòng tôi đi nơi này nơi nọ. Tôi ở lại bên Chúa. Chỉ còn
Chúa và tôi.
Tôi lẵng lẽ tin vào
Chúa. Chúa mở lòng trí tôi: Tôi nhận ra một cách sâu sắc Chúa là tình yêu,
một tình yêu hiền lành, khiêm nhường, giàu lòng thương xót.
3. Trong thinh lặng sâu thẳm, tôi được tình yêu Chúa cho tôi nhận
ra dung mạo thực của tôi: Tôi chẳng là gì, tôi chẳng đáng gì. Hơn thế, tôi
còn là kẻ tội lỗi, hèn hạ, yếu đuối, cực kỳ bé nhỏ.
Càng nhìn rõ mình là
như thế, tôi càng bám vào Chúa mà nói: “Lạy Chúa, xin thương xót con”.
Trong lời xin thương xót con, có những tâm tình cảm tạ, phó thác và
khát khao thực thi ý Chúa.
4. Cứ thế, tôi ở lại trong tình yêu của Chúa. Dần
dần tình yêu Chúa cho tôi nhận ra thánh ý Chúa. Bằng cách tình yêu Chúa đốt lên
trong tôi những khát vọng rất cụ thể hợp với Phúc Âm. Thí dụ: Khao khát
được Chúa tha tội, được Chúa cứu khỏi lửa hoả ngục, được đưa mọi linh hồn lên
thiên đàng.
Với khao khát đó, trí
khôn tôi được mở rộng ra, được sáng thêm do đức tin, để phân biệt được những gì
Chúa muốn tôi cần thực hiện lúc này ở chính chốn này, và những gì Chúa muốn tôi
cần phải tránh, cho dù coi như đạo đức.
5. Xin nói ngay là Chúa
muốn tôi bước theo Chúa trên con đường thánh giá, để tới Phục Sinh. Tôi phải
hết sức từ bỏ mình, rất mực yêu thương, và khiêm nhường tột độ. Phải coi sự
được thông phần vào thánh giá Chúa là một vinh dự.
6. Ở lại trong tình yêu của Chúa, tôi được Chúa biến
đổi nên kẻ cộng tác với Chúa. Nhưng dù được Chúa biến đổi, tôi vẫn là kẻ cộng
tác tự do. Chúa vẫn cho trí khôn tôi có khả năng phát triển một cách tự do.
Phải chăm chỉ học hành, siêng năng nghiên cứu. Nhờ đó tôi hy vọng được cộng tác
với ơn Chúa như một người có lý trí được đào tạo tốt.
7. Cũng vậy, dù được Chúa
biến đổi, ý chí của tôi vẫn được tự do phát triển. Phải tập luyện chuyên cần,
biết phấn đấu chọn điều tốt, tránh điều xấu. Nhờ vậy, tôi hy vọng được cộng tác
với ơn Chúa, như một người có ý chí được tập luyện kỹ.
8. Nói như vậy là để xác định sự tôi ở lại trong tình yêu của
Chúa, không phải một cách thụ động máy móc, mà với một cách tự do có trách
nhiệm. Nghĩa là tôi phải phấn đấu.
9. Đó là những sự thực không những đúng triết học, mà cũng
đúng với Phúc Âm. Tôi xem lại dụ ngôn những nén bạc (Mt 25,14-30).
Ông chủ sắp đi xa, liền
gọi đầy tớ của mình đến, mà trao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này 5
nén bạc, người kia 2 nén bạc, người khác nữa một nén bạc.
Khi trở về, ông gọi 3 người đầy tớ đó đến.
Người thứ nhất dùng vốn ông chủ trao để buôn bán làm lời được 5 nén khác. Chủ
khen anh. Người thứ hai cũng dùng 2 nén chủ trao và sinh lời thêm 2 nén khác.
Chủ khen anh. Còn người thứ ba đem chôn nén chủ trao, trả lại cho chủ y nguyên
nén đó. Chủ phạt anh.
10. Với dụ ngôn trên đây,
Chúa dạy tôi là, để cộng tác với Chúa, tôi phải phấn đấu bằng trí khôn và ý chí
của mình được đào tạo cẩn thận, biết suy tính, cân nhắc, chứ không phải cứ ỷ
lại vào ơn Chúa như một dụng cụ chết.
11. Tới đây, tôi nhận ra
rằng: Tôi phải luôn luôn ở lại trong tình yêu của Chúa. Nhưng đồng
thời một cách nào đó tôi cũng ra đi, để đến những nơi Chúa sai tôi đến. Ra
đi, mà vẫn ở lại. Ở lại, mà vẫn ra đi.
Chẳng hạn, chính lúc
này, tôi đang ở lại trong tình yêu của Chúa một cách sâu xa. Nhưng tôi
vẫn dùng chia sẻ và lời cầu nguyện của tôi để ra đi tới các nơi gần xa
một cách có trách nhiệm.
Ở lại, tôi vẫn phải phấn đấu
với những đau đớn. Nhưng đau đớn ấy được hoà vào đau đớn của Chúa Giêsu, nhờ đó
mà trở thành êm dịu.
Ra đi¸tôi có thể gặp được
những niềm vui để trở thành tự đắc. Nhưng tôi sẽ không tránh được đau đớn, nếu
tôi thực sự muốn từ bỏ mình, để cộng tác vào công trình cứu chuộc của Chúa qua
mầu nhiệm thánh giá. Đau đớn ấy là lành mạnh.
12. Được ở lại và
ra đi như thế, tôi tham dự vào một cuộc chiến giữa các lực lượng của
Satan và các lực lượng của Thiên Chúa. Satan dẫn đến những chiến thắng bề
ngoài, hào nhoáng, nhưng tạm bợ phù du. Còn Chúa dẫn đến những chiến thắng bên
trong, bền vững đời đời, cho dù phải trải qua những đớn đau coi như những thất
bại.
13. Qua những cái nhìn trên đây, tôi xác tín điều này: Ở
lại trong tình yêu của Chúa là điều phải thực hiện thường xuyên, từng giờ từng
phút. Để rồi, nếu phải ra đi, thì chính nhờ sự ở lại trong tình yêu của Chúa,
mà những ra đi mới được thực hiện đúng theo ý Chúa.
Điều xác tín trên đây
đang đem lại cho tôi những hy vọng và những lo âu cho Hội Thánh Việt Nam của
tôi hiện nay.
14. Tôi hy vọng rất nhiều,
khi thấy nhiều phong trào đạo đức hiện nay đang chú trọng đến việc ở lại trong
tình yêu của Chúa, và có những ra đi mang theo sự gắn bó mật thiết với Chúa.
Tôi lo ngại rất nhiều,
khi thấy không ít người môn đệ Chúa hiện nay ham ra đi một cách thường xuyên
theo ý riêng, mà ít để ý đến việc ở lại trong tình yêu của Chúa.
Nếu phong trào ra đi
như thế tiếp tục lan rộng, thì tôi có lý để lo sợ, Chúa Giêsu có lúc sẽ nhìn
vào một số nơi tại Hội Thánh của ta, mà khóc, như xưa Người đã khóc thương
thành Giêrusalem: “Vì sẽ không
còn hòn đá nào trên hòn đá nào, bởi ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi
được Thiên Chúa viếng thăm”
(Lc 19,44).
Lạy Mẹ Maria, xin xót
thương con. Con tin tất cả những gì Chúa đang dạy con đều dẫn con tới hạnh phúc
bình an trong Chúa. Con tha thiết nài xin Mẹ ban cho con ơn luôn biết ở lại
trong tình yêu của Chúa, theo gương của Mẹ.
Long Xuyên, ngày 25 tháng 3 năm 2014
Đức
Giám mục GB Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét