Đôi chút tâm
sự về lòng
thương xót
Chúa trong đời tôi
NHÂN CHÚA NHẬT VỀ LÒNG
THƯƠNG XÓT CHÚA
1. “Thiên Chúa giàu lòng
thương xót” (Ep 2, 4). Người đã đến với tôi. Người đến rất nhiều lần, dưới
nhiều hình thức. Hình thức quen thuộc nhất là qua những con người sống dứt lìa
cái tôi ích kỷ, để dấn thân lo cho người khác khỏi sự dữ, được sự lành. Họ có
cái tâm sáng.
2. Những người này cũng rất khác nhau. Nhưng họ có một nét chung
này là giống Đức Mẹ Maria ở sự nhận biết mình thấp hèn, thế mà lại được Chúa
xót thương đoái nhìn.
Như Đức Mẹ đã xác nhận về mình: “Chúa là Đấng Cứu Độ đã đoái nhìn đến phận nữ tỳ của Chúa” (Lc1,47- 48), họ cố gắng sống khiêm
nhường, nghèo khó, ở đời sống bề ngoài và ở nội tâm bên trong. Họ sống một đời
sống mới là bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương đầy hy sinh để cứ
chuộc con người.
3. Theo gương Đức Mẹ, họ đón nhận lòng thương xót Chúa đến với
họ. Đón nhận bằng việc ca tụng Chúa, theo gương Đức Mẹ. “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46).
Đón nhận còn là “Xin vâng”
(Lc 1, 38).
Xin vâng là lên đường “Mẹ
Maria vội vã lên đường” (Lc1,39).
4. Cùng với Mẹ, họ lên đường,
. lên đường làm việc bác
ái, như Đức Mẹ xưa chia sẻ với Bà Isave
. lên đường, đến với
những người nghèo khổ, để chịu khổ như họ, như Đức Mẹ xưa tại hang Belem.
. lên đường, đến với
những người tội lỗi, chịu khổ nạn, giữa những tội nhân, như Đức Mẹ xưa dưới
chân thánh giá tại núi Golgotha.
Tất cả mọi người lên đường đều để làm chứng rằng: Chúa xót thương
con người, nhất là những kẻ khốn cùng.
5. Trên suốt con đường đời dài gần chín chục năm của tôi, tôi đã
gặp được nhiều con người như thế. Họ là những cá nhân. Họ là những nhóm nhỏ. Họ
là những cộng đoàn.
Một điều quan trọng họ đã dạy tôi là, muốn bước theo Chúa Giêsu
để làm chứng cho lòng thương xót Chúa, thì phải rất cụ thể và rất quảng đại.
Người đói thì hãy cho ăn. Kẻ khát thì hãy cho uống. Người bơ vơ thì hãy tiếp
rước. Người rách rưới thì hãy cho mặc. Người đau yếu thì hãy thăm nom. Trong
bài nói về cuộc Phán Xét chung, Chúa Giêsu cho biết Người sẽ phán xét từng
người về những việc cụ thể như thế (x. Mt 25, 31-48)
6. Trong lần đầu tiên được bái kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô
II, tôi trình bày với Ngài về giáo phận Long Xuyên của tôi là một giáo phận bé
nhỏ, xa xôi, nghèo túng, nhưng lòng đạo sốt sắng, siêng năng đi lễ, đọc kinh
Mân Côi mỗi ngày. Ngài lắng nghe tất cả. Nhưng Ngài quan tâm nhiều hơn đến việc
Hội Thánh địa phương lo cho người nghèo một cách cụ thể trong những hoàn cảnh
cụ thể. Lo cho người nghèo, theo Ngài, không phải chỉ là làm những việc từ
thiện như một bổn phận xã hội, mà còn là làm những việc bác ái mang chiều kích
thiêng liêng của Phúc Âm. Ngài không dạy tôi phải làm gì. Nhưng Ngài rất lắng
nghe, khi tôi trình với Ngài là tôi sống phần nào theo tinh thần Anh Charles de
Foucauld, bởi vì tôi quen nhiều người trong nhóm Jesus- Caritas và các
chị Tiểu Muội.
7. Tôi nhận ra lòng thương xót Chúa đã đến với tôi qua Đức Thánh
Cha Gioan Phaolô II, khi Ngài giúp tôi biết có những phân định đúng về sự lo
cho người nghèo trong thời điểm cụ thể và địa điểm cụ thể mà tôi đang phục vụ.
Như thế mới làm chứng được cho Lòng Thương Xót Chúa.
8. Và như vậy, tôi hiểu việc rao giảng Lòng Thương Xót Chúa phải
thực hiên bằng việc làm chứng hơn là bằng lý thuyết.
Dưới đây là một điều rất mới, tôi xin làm chứng về lòng thương
xót Chúa.
Mấy ngày vừa qua, tức ba ngày Tuần Thánh, tôi bị đau khác
thường. Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình khó nghèo tột độ: Nghèo về sức khỏe,
nghèo về những liên đới, nghèo về khả năng chịu đựng, nghèo về những ơn an ủi
thiêng liêng. Trong tình trạng khó nghèo như tột độ đó, tôi cầu nguyện với Đức
Mẹ Maria. Đức Mẹ soi sáng cho tôi thấy tôi đang sống tinh thần nghèo khó một
cách đặc biệt. Tôi nên dâng tình trạng nghèo khó một mình đang chịu cho Chúa,
để cầu nguyện cho những người nghèo khó đủ loại, nhất là cho loại người nghèo
khó về thiếu niềm tin. Thiếu niềm tin vào Chúa, đó là cảnh nghèo thê thảm nhất
hiện nay.
9. Với sự chỉ dẫn trên đây của Mẹ Maria, tôi cảm thấy Lòng
Thương Xót Chúa đang đến với tôi. Thế là tôi được an tâm với thực tế hiện giờ
của tôi. Thực tế hiện giờ là tôi rất nghèo về nhiều phương diện. Nhưng thực tế
đó lại được Đức Mẹ gọi là tinh thần nghèo khó có khả năng làm chứng cho Lòng
Thương Xót Chúa. Nghĩa là tôi đang sống rất nghèo, nhưng lại vẫn có thể lo cho
một số loại người nghèo bằng lời cầu nguyện và của lễ hy sinh nơi chính bản
thân mình.
10. Điều làm tôi hứng khởi để lên đường, khi phải nằm trên
giường phấn đấu với những cơn đau, là nhận thức rằng việc tôi cứu người nghèo
là cứu chính linh hồn tôi.
Xác tín điều đó, tôi tha thiết xin Lòng Thương Xót Chúa giúp tôi
luôn biết tỉnh thức và phấn đấu, để tôi thực sự sống tinh thần nghèo khó và
thực sự lo cho người nghèo, để làm chứng cho Lòng Thương Xót chúa. Nhờ vậy, mà
người ta sẽ tin vào những người có trách nhiệm trong Hội Thánh. Nếu không, cơn
khủng hoảng mất niềm tin vào cơ chế Hội Thánh hiện nay càng sẽ thêm trầm trọng.
Sống tinh thần nghèo khó và lo cho người nghèo, để làm chứng cho
Chúa giàu lòng thương xót, đó là một thách đố đang đặt ra cho các môn đệ Chúa
tại Việt Nam.
Một lần nữa, tôi nhớ về những người đã đem đến cho tôi lòng xót
thương của Chúa. Họ đến đúng những lúc tôi cần được xót thương. Tôi cảm thấy
được vơi đi những sợ hãi và đau đớn, nhờ chính con người của họ. Tôi nhận được
niềm tin và hy vọng, nhờ cách họ xót thương tôi.
Lạy Chúa là tình yêu cứu độ giàu lòng thương xót, xin thương
giúp con được luôn thuộc về Chúa, và luôn tìm thực thi ý Chúa.
Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa ở Chúa.
Long Xuyên, ngày 21 tháng 4 năm 2014
ĐGM. GB. Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét