VỀ HƯU - VỀ HƯU -
VỀ HƯU - VỀ HƯU
(Bác sĩ Nguyễn Ý Đức)
“Tôi nghỉ hưu trong việc làm chứ không về hưu
trong cuộc sống”
(VÔ DANH)
Việt Nam Tự Điển định nghĩa hưu trí là hồi
hưu hay về hưu, thôi việc khi đúng hạn hay đúng tuổi theo quy chế và mỗi
tháng hay mỗi ba tháng được lãnh một phần lương để dưỡng già.
Tự điển American Heritage định nghĩa hưu trí
(Retire) là rời khỏi nghề nghiệp hay đời sống công cộng để sống nhàn rỗi
(leisure) với lợi tức, tiền tiết kiệm hay tiền hưu của mình.
Định nghĩa gọn, ngắn nhưng có nhiều điều cần
được giải thích rõ ràng hơn, trước khi quyết định rời bỏ công việc. Vì nghỉ
việc, về hưu là điều mà người công, tư chức nào cũng phải nghĩ đến ít nhất một
lần trong cuộc đời.
1-
Cảm nghĩ về sự nghỉ hưu
Có ý kiến cho rằng nghỉ hưu là cần thiết và là
phần thưởng sau nhiều năm làm việc khó nhọc.
Có người cho rằng đây là một cuộc nghỉ hè bất
tận và không gián đoạn. Ta tự do quyết định và kiểm soát cách sử dụng thời giờ
trong ngày. Ngủ dậy giờ nào cũng được. Không còn sáng thứ hai đầu tuần uể oải
chẳng muốn đi làm.
Sáng ra, uống ly cà phê, vào giường nằm đọc tờ
báo từ trang nhất tới trang cuối. La cà ở các trung tâm thương mại vào lúc vắng
người. Đi du lịch, thăm viếng bạn bè gần xa. Làm những việc mà trước đây muốn
làm nhưng không có thời giờ.
Đồng thời cũng để vui hưởng cuộc đời khi còn
sức khỏe, kẻo mai mốt chống gậy run rẩy đi chơi hoặc phải nhờ vợ con xốc nách
dìu đi thăm danh lam thắng cảnh thì cũng chẳng vui gì.
Cũng có ý kiến dè dặt, cho rằng “điên à, về hưu thì chỉ chết sớm”.
Với những vị này, thời gian nghỉ hưu sẽ kéo
dài vô vị và tẻ nhạt. Trước đây, đến sở đều đặn mỗi ngày, dù trong lòng vui hay
buồn, thời gian nó qua mau. Bây giờ dư ra mỗi tuần hơn 60 giờ, làm gì cho hết.
Không nhẽ hết rửa xe rồi lại lau nhà. Coi chừng kẻo lại mắc chứng buồn phiền,
đau ốm.
Thống kê cho hay số người không làm việc,
không có sinh hoạt gì, tự tử bốn lần cao hơn ở các nhóm khác, vì trầm cảm, căng
thẳng thần kinh do quá nhàn rỗi gây ra.
Nghỉ hưu mà không có sinh hoạt, chương trình
thì nào có khác gì người thất nghiệp, và đã được xếp loại vào một trong chín
nguyên nhân gây căng thẳng tâm thần trong đời sống. Nhất là đối với người đã
giữ chức vụ cao, quan trọng thì khi về hưu cảm thấy như mình rơi vào khoảng
không: mất uy quyền, địa vị trong xã hội, không còn là một thành phần của guồng
máy lãnh đạo, bị lãng quên. Nếu không có một chương trình sống thì những người
này dễ rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm, rất trầm trọng ngay trong năm vừa
mới về hưu và là môi trường màu mỡ cho bệnh tật tới thăm.
Ý kiến khác lại cho rằng về hưu là một quan
niệm không thực tế, hoang tưởng, ít người thực hiện được. Một trong những lý do
chính là khi hoàn toàn nghỉ việc ở tuổi 65, khoảng 80% dân hưu sẽ bị thiếu hụt
về tài chính. Trung bình, ta cần 70-80% lợi tức lúc đi làm để đủ chi dùng khi
về hưu và sống thêm 15 hay 20 năm nữa.
Họ cũng cho là công thức: thanh thiếu niên đi
học để có kiến thức, trung niên đi làm, lập gia đình, nuôi con; già về hưu
hưởng nhàn, cần được xét lại. Nó không giúp cho kinh tế quốc gia, là nguy cơ
làm ngắn tuổi thọ, và làm thất thoát tài năng kinh nghiệm.
Khi một người tiếp tục đi làm thì sẽ có thêm
tiền đóng vào quỹ hưu bổng, thay vì rút ra; sẽ tăng lợi tức ở tổng số người cao
tuổi; số người nhận an sinh xã hội và hưu bổng sẽ giảm đi.
Về mặt tâm lý, người cao tuổi đi làm cảm thấy
hãnh diện là còn hữu dụng cho xã hội. Về tuổi thọ, thì dân vùng Capcase được
tiếng là thọ lâu, họ không hoàn toàn nghỉ việc, trừ khi bị bất lực thể chất.
Thống kê cho biết, người có nghề chuyên môn ít
về hưu nhất, tiếp đến lớp lao động trí thức, thợ có tay nghề, rồi lớp lao động
chân tay, không nghề chuyên môn.
Những năm gần đây, khuynh hướng của nhiều
người là về hưu đợt một, đợt hai rồi vĩnh viễn.
Sẽ có người nghỉ từ việc căn bản đã đeo đuổi
gần suốt cuộc đời, để chuyển sang một công việc khác: việc trước đây muốn làm
mà không có thì giờ, việc mới học do tiến bộ của kỹ thuật, khoa học. Họ có thể
làm bán thời gian, làm việc tại nhà, làm theo giờ uyển chuyển, làm theo lối khế
ước lãnh tiền theo dịch vụ, làm chung dịch vụ với người khác.
Cũng có người nghỉ phép định kỳ ở công việc
chính để đi du lịch, học hỏi kiến thức mới, dung hòa được giữa làm việc và giải
trí, nhàn rỗi.
2- Những sửa soạn trước khi
về hưu
Khi đã quyết định về hưu thì phải sửa soạn cho
chu đáo, nếu không hưu sẽ trở thành một nếp sống với nhiều căng thẳng vì ta sẽ
chuyển từ giai đoạn năng động, có trật tự, đầy đủ vật chất, sang thời kỳ ngược
lại: Nhiều thời gian nhàn rỗi, lợi tức giảm, liên lạc ít, trách nhiệm trong xã
hội xuống dưới mức trung bình.
Theo ý kiến chung, có 4 vấn đề ta cần cân nhắc
kỹ càng: Ổn định tài chính, duy trì sức khỏe, đặt mục tiêu cuộc sống và sắp xếp
nơi ở.
Xin lần lượt tìm hiểu từng tiết mục qua kinh
nghiệm của các nhà chuyên môn.
a- Ổn định tài chính.
Đây là điểm then chốt vì tài chính có thăng
bằng thì mọi sắp xếp khác mới hanh thông. Phải có một kế hoạch cho nhu cầu vật
chất của giai đoạn về già, không cần cao lắm, nhưng khi thiếu, nó sẽ là một
thảm họa cho đời sống tâm thần, thể xác, đồng thời sẽ gây ra nhiều xáo trộn
trong gia đình.
b- Duy trì sức
khỏe.
Ngoại trừ khi mới sinh ra, ta trông cậy ở cha
mẹ trong vấn đề duy trì sức khỏe và đời sống, dịch vụ này là việc ta phải tự
thực hiện trong suốt cuộc đời, nhất là khi về già.
Hãy đừng để cho mình trở nên một gánh nặng cho
người thân yêu vì sự đau ốm của mình.
Không phung phí sức khỏe, ăn uống cân bằng
dinh dưỡng, tập luyện cơ thể, giữ vững triết lý sống, tránh những thói quen gây
hại, quan tâm đến vấn đề y tế
c- Mục tiêu đời sống.
Khi về hưu, ta sẽ có 60 giờ trống mỗi tuần,
nên cần thiết lập một chương trình với mục đích, ý nghĩa cho khoảng trống đó.
Có những mục giải trí, những việc làm tình
nguyện, những sinh hoạt cộng đồng.
Có những khóa học ngắn hạn với nhiều chương
trình hợp với tuổi già.
Tiêu dùng thời gian trống đó một cách hợp lý,
không phí phạm. Thích nghi với thì giờ của người bạn đời. Vui hưởng tuổi già
với con cháu.
d- Sắp xếp nơi ở.
Khi tính đến việc về hưu là vợ chồng đã phải
suy nghĩ coi xem ở lại căn nhà hiện tại hoặc dọn đi nơi khác, mà dọn thì dọn đi
đâu?
Khi xưa, tam tứ đại đồng đường, con cháu không
cùng nhà cũng cùng tỉnh, vui buồn có nhau.
Nay vì công việc, sinh kế, con cái mỗi đứa một
nơi, thế là bố mẹ chỉ lăm le là khi về hưu, ta sẽ dọn về ở gần chúng nó. Tình
cảm người mình đối với gia đình, ruột thịt sao mà sâu đậm.
Nhưng trước khi dừng lại ở quyết định này, ta
cũng nên nghĩ là liệu sống chung có thích hợp với lối sống của vợ chồng mình
không; mình giúp chúng baby sitting bầy cháu nhưng cách mình nuôi có trái ngược
với cách mà chúng được học qua sách vở, nhà trường?
Hơn nữa, các con còn trẻ, ngộ nhỡ vài năm nữa,
vì công ăn việc làm, chúng di chuyển đi nới khác, thì mình sẽ ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Tác giả: Câu Chuyện Thầy
Lang, Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét