Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

May 4, 2014 - Chúa nhật III Phục Sinh năm A ...

May 4, 2014 - Chúa  nhật  III  Phục  Sinh  năm  A
 Trên  đường  Emmau
Các Bạn thân mến,
ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan XXIII  và Gioan Phaolô II lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các Hồng Y, Giám Mục, Linh mục, giáo dân đến từ các nước, và truyền thông báo chí toàn cầu, cùng sự theo dõi gián tiếp trên màn hình địa phương của dân chúng toàn thế giới vào chúa nhật 27-4-2014, một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội Công giáo.
ROME, 26 tháng 4, 2014 (Zenit.org) – Công thức phong thánh sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên đọc, để đáp ứng với ba yêu cầu (dấu chỉ của sự long trọng của hành vi, trong khi một yêu cầu giản dị cũng đủ cho các vụ phong chân phước) của Đức Hồng Y Angelo Amato, giám quản Bộ Nguyên Nhân Phong Thánh, vào đầu Thánh Lễ ngày 27 tháng 4 này, là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, ấn định quyền hành đòi hỏi cho việc phong thánh: là uy quyền của Chúa Ki-tô, uy quyền của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và của chính Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha sẽ tuyên đọc bằng tiếng La Tinh như sau “nhân danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và bất khả phân ly”:
"Ad honorem Sanctæ et Individuæ Trinitatis,
ad exaltationem fidei catholicæ
et vitæ christianæ incrementum,
auctoritate Domini nostri Iesu Christi,
beatorum Apostolorum Petri et Pauli ac Nostra,
matura deliberatione præhabitaet divina ope sæpius implorata,
ac de plurimorum fratrum Nostrorum consilio,
Beatos
Ioannem XXIII
et Ioannem Paulum II
Sanctos esse decernimus et definimus,
ac Sanctorum catalogo adscribimus,
statuentes eos in universa Ecclesia
inter Sanctos pia devotione recoli debere.
In nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti."
Có thể được phiên dịch như sau:
“Nhân danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và bất khả phân ly,
để tán dương đức tin Công Giáo và sự phát triển của đời sống Kitô,
bởi uy quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của các Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và của chúng tôi,
sau khi đã suy nghĩ rất lâu, và đã kêu cầu rất nhiều lần sự trợ giúp thiêng liêng của Thiên Chúa và sau khi đã lắng nghe ý kiến của rất nhiều bạn hữu, chúng tôi tuyên bố và xác định các chân phước sau đây là thánh.
Các Chân Phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, và chúng tôi sẽ ghi hai vị vào Sổ Các Thánh, và chúng tôi khẳng định là hai vị sẽ được tôn vinh với lòng sùng mộ và tôn kính giữa các Thánh trong Giáo Hội hoàn vũ Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Cử tọa sẽ đáp ba lần "Amen!"
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được ghi sổ trong danh sách các vị tử đạo Rôma ngày 22 tháng 10, ngày kỷ niệm giáo triều của ngài được khai mạc, năm 1978, và Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ngày 3 tháng 6, ngày kỷ niệm ngài “sanh vào Thiên Đàng”, năm 1963. Tuy nhiên, đôi khi, tại Rôma, ngài được tôn kính trong niên lịch địa phương vào ngày kỷ niệm khai mạc Công Đồng Vatican II là ngày 11 tháng 10, 1962
Trở lại Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, cho chúng ta biết chi tiết, ý nghĩa về câu chuyện Chúa Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường đi đến làng Emmau:
  1.    Khi cặp mắt bị che khuất:
   -      Sau cuộc tử nạn của Đức Giesu, các môn đệ rất hoang mang, một số quá thất vọng, đành trở về quê quán. Như hai môn đệ trên đường đến làng Emmau, vừa đi vừa trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xẩy ra cho Đức Giesu và nhóm môn đệ của Ngài.
   -      Bao nhiêu băn khoăn thắc mắc được nêu ra mà không tìm được một lời giải đáp.
   -      Khi đó Đức Giesu phục sinh tiến lại gần rồi cùng đi với hai ông, nhưng không ai nhận ra Ngài.
        Đức Giesu hỏi họ:"Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?"
   -      Họ đáp lời cách buồn rầu với ý như trách móc, rồi hỏi ngược trở lại Ngài.
   -     "Chuyện ông Giesu Nadaret. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập gía…"
   -      Họ tiếp tục nói về những hy vọng của họ cũng như chuyện mấy bà cùng mấy ông trong họ ra mộ Ngài, chỉ thấy ngôi mộ trống và thiên thần nói Ngài đã sống lại, "còn chính Người thì họ không thấy!"
   -      Bấy giờ Đức Giesu mới quở trách hai ông tội dại dột, chậm tin.
   -      Ngài còn giải thích cho hai ông tất cả những gì đã liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh.
   -      Đúng thật không một ai thấy Đức Giesu khi Ngài phục sinh.  Nhưng nhiều người đã thấy Đấng phục sinh, đó là bà Madalenna, ông Phero, ông Gioan…
   -      Còn hai môn đệ này, một là Cleopat và một có lẽ là chính tác gỉa, Luca nói rõ rằng:"Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản không nhận ra Ngài."
   -      Sự chán nản, buồn rầu, lo lắng, thiếu tin, đã che mắt hai ông, khiến các ông đi bên cạnh Chúa, trò chuyện với Ngài mà cũng chẳng nhận ra Ngài.
   -      Niềm hy vọng 1ớn lao:"Chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel" đã tan tành.
   -      Lúc ấy Chúa vẫn đi bên cạnh, giảng giải cho các ông hiểu về con đường Ngài phải đi, mà tai mắt các ông cũng không mở ra được!
   -     Đức Giesu không quở trách vì họ không nhận ra lời của Ngài, của các bạn Ngài, hoặc lời của thiên sứ; họ bị trách vì đã không tin Kinh Thánh Cựu Ước.
   -      Không tin vì chậm hiểu, hiểu sai, nên lòng họ bối rối thất vọng. Mặc dù Đức Giesu đã ở giữa họ ba năm trời, trực tiếp giảng dạy và loan báo trước mọi sự cho họ, họ cũng chưa tin, mà họ chỉ nhận có một phần, phần hợp với sở thích, thành kiến của họ.
   -      Họ chỉ muốn thấy Đấng Cứu Thế được vinh hiển, mà không thấy Ngài phải chịu khổ hình trước khi được vinh quang.
   -      Ngày nay con người cũng vẫn thế, cũng vì dại khờ, chậm tin, chậm hiểu và hiểu sai Kinh Thánh nên thường bị bối rối, thất vọng, vấp ngã khi có những bất trắc xẩy ra.
   -      Chẳng khác nào cặp mắt bị che khuất, bị phủ mờ nên không nhìn thấy những việc làm của Đấng phục sinh, của các môn đệ Ngài, thậm chí Ngài ở ngay bẻn cạnh, chúng ta cũng không nhìn thấy.
   -      Xin lòng thương xót Chúa luôn mở mắt cho chúng ta nhận biết Ngài.
  2.    Có Chúa đồng hành:
   -      Không chỉ câu chuyện hai môn đệ bối rối thất vọng cùng đi trên đường đến Emmau mới được Chúa phục sinh đồng hành.
   -      Mà những câu chuyện của các Thánh, cùng nhiều câu chuyện khác chúng ta được nghe đã cho chúng ta tin chắc rằng thực tế trong cuộc lữ hành ở trần gian của mọi người, Chúa phục sinh đều luôn đi bên cạnh.
   -     Hãy nhớ lại khi Đức Giesu công bố luật lệ của Ngài, Ngài đã mở đầu bằng Tám Mối Phúc Lành, mà phúc cuối cùng là:" Phúc cho ai bị bắt bớ vì sự công chính."
   -      Ngài cũng không quên khai triển phúc ấy và tiếp tục kêu mời những người theo Ngài, phục vụ Ngài, thêm tin tưởng và quyết tâm hy sinh mọi thứ vì Ngài.
   -      Ngài mời gọi những ai theo Ngài hãy đi trên con đường Ngài đã đi, hãy trả đến cái gía cuối cùng là hy sinh từ bỏ mạng sống mình.
   -      Và kèm theo lời mời ấy là lời hứa trọng đại và quí báu như gieo một mùa gặt được lợi gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần...
   -       Ngài còn qủa quyết:"Thầy sẽ ở lại với các con hằng ngày cho đến tận thế."
   -      Nhìn vào gương các Thánh, là những người đã theo Chúa, tin lời Ngài, bằng lòng mất mọi quyền lợi, song chẳng ai than vãn hối tiếc, mà còn lấy làm hãnh diện vui mừng khoe về tất cả các phúc hạnh vô gía Chúa ban cho, ngay cả khi đang còn sống ở đời này.
   -      Biết trước như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ tuyệt vọng, sẽ can đảm chấp nhận đau khổ, kiên nhẫn đấu tranh, sẵn sàng dâng hiến cũng như tránh được nhiều quyến rũ, cạm bẫy để không suy yếu, không vấp ngã.
   -       Nếu có sai trái, lỗi lầm thì với niềm tin, sự xác thật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta sẽ nhanh chóng chỗi dậy.
   -      Biết như vậy còn là biết một nguyên tắc bất di bất dịch: đau đớn phai đi trước, vinh hiển mới đến sau; thập gía phải đi trước, mão triều thiên mới theo sau.
   -     Nhưng không khi nào chúng ta bị cô đơn, không bao giờ phải chiến đấu một mình, lúc nào cũng có Chúa đồng hành với chúng ta trong mỗi bước đường đời, dù chúng ta có nhận ra Ngài hay không.
 3.   Hãy mở cửa lòng!
     -      Khi thấy gần đến làng Emmau của hai ông, Đức Giesu tỏ ra muốn đi xa hơn.  Thấy vậy, họ cố mời Ngài ở lại:”Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn."
     -     Lời mời chân thành tha thiết đã được Ngài bằng lòng.
     -     Và khi đồng bàn, họ đã nhận ra những thói quen của Ngài trước khi Ngài dùng bữa.
     -   "Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất."
     -      Thật rõ rằng nếu hai môn đệ không tha thiết mời Chúa ở lại thì họ không được đồng bàn với Ngài, và hơn nữa, mất cơ hội qúi báu là được nhìn thấy Chúa đã sống lại thật.
     -      Sự việc phải mời Chúa mới ở lại với chúng ta là một điều ngại ngùng đối với mọi người.
     -      Tuy nhiên hãy nhớ lại những lời Chúa đã nói là Ngài luôn đứng ngoài cửa, gõ cửa, chờ chúng ta mở, mời Ngài vào nhà của mình. Chúa chỉ muốn và chờ có thế.
     -      Bởi Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, không bao giờ Ngài tự phá cửa mà vào. Dù biết rằng sự hiện diện của Ngài là cần thiết hữu ích cho chúng ta.
     -      Câu chuyện còn cho chúng ta hiểu Chúa sẵn sàng đến với chúng ta trong mọi tình huống, nhất là giờ phút chúng ta hoang mang đau buồn, để thăm viếng, nâng đỡ, dạy bảo và sưởi ấm tâm lòng chúng ta.
     -      Thật thế, trong suốt cuộc đồng hành, hai môn đệ không nhận ra Chúa, nhưng lòng các ông cũng đã thay đổi, trở nên vui vẻ và đầy hy vọng khi được nghe Ngài nói:"Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bùng cháy lên sao?"
     -      Không có câu chuyện nào cảm kích, thuyết phục hơn bằng câu chuyện này, cho chúng ta thấy sự thật Chúa phục sinh luôn luôn đi bên cạnh chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế, đó là điều chúng ta cần ghi nhớ để vững tâm bước đi cùng Ngài.
     -      Tuy nhiên chúng ta cần phải sống mãi trong Chúa Cứu Thế, duy trì mối giao hảo hạnh phúc với Ngài, để trân trọng, vui mừng đón chào Ngài, mời Ngài vào và ở lại tâm lòng chúng ta mãi mãi.
     -      Chúng ta sẽ được thấy và sống với chính Đấng phục sinh, Ngài sẽ tiếp tục dạy bảo, hướng dẫn và ban ơn phúc cho chúng ta biết phải tiếp tục sống như thế nào, làm gì để đón tiếp Ngài, cũng như tăng cường lòng Tin Cậy Mến nơi Đấng phục sinh cho chúng ta.

 Lạy Đức Giesu phục sinh, chúng con thật hạnh phúc vì luôn được sống trong sự hiện diện của Ngài, dù đi mãi đâu, chân trời góc biển nào, cũng được Thần Trí Ngài bao phủ, Thánh Nhan Ngài hiện diện và bàn tay Ngài dẫn đưa.
Xin luôn dạy và nhắc nhở chúng con biết đón mời Ngài, biết giữ chân Ngài bên cạnh để chúng con không phải tìm kiếm Ngài mỗi khi có những bất ổn, chán nản hoang mang, đau khổ, sợ hãi, vất vả lo toan…
Hầu chúng con được bình an, được tin vào Ngài đang sống, đang đến và đang ở rất gần bên, để thương yêu chúng con. Vì Đức Giesu phục sinh. Amen
Thân mến,
duyenky





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét