Mon, 11/03/2024 - 23:15
ĐỐI THOẠI MÙA CHAY
Kinh Thánh dạy gì về Nước Thiên Chúa? Nước Trời đã được thành lập chưa, hay là sẽ đến vào một thời điểm nào đó trong tương lai?
Qua nhiều thời đại, Vương Quốc và Vương Quyền của Đức Kitô đã bị hiểu lầm, xuyên tạc và áp dụng sai. Người Do Thái vào thời Chúa Giêsu đã từ chối Ngài: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1:11) Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chủ tọa phiên tòa xét xử Ngài, tổng trấn Phongxiô Philatô lại bối rối về công việc và vai trò của Chúa Giêsu.
Philatô hỏi: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” (Ga 18:33) Chúa Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18:36)
Người Do Thái đang hy vọng có một Đấng Mêsia để tái lập vương quốc Israel về địa lý. Khi họ thấy đó không phải là mục đích của Ngài, họ lo lắng về địa vị của mình. Người La Mã sợ Ngài là mối đe dọa cho quyền lực của họ, thế nên họ đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng kế hoạch họ loại bỏ Chúa Giêsu cũng phù hợp với kế hoạch vĩnh hằng của Thiên Chúa để thiết lập Vương Quốc của Ngài.
Điều bị hiểu lầm lúc đó thì hôm nay cũng bị bỏ qua. Đức Kitô là Vua cai trị Vương Quốc của Ngài. Ở đây và bây giờ, không phải vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2)
Chúa Giêsu cũng bắt đầu sứ vụ và rao giảng rằng “Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4:17) Sau đó, Ngài tuyên bố “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.” (Mc 9:1)
Sau này sứ đồ Phaolô làm chứng về sự hiện hữu của Nước Thiên Chúa, (Cv 28:23) rằng “được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển” (Dt 12:28) rằng Chúa Giêsu Kitô “đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái,” (Cl 1:13) rằng Chúa Giêsu Kitô hiện đang trị vì với tư cách là “Vua các vua, Chúa các chúa.” (1 Tm 6:15) Và đến ngày tận thế, Ngài sẽ “trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” (1 Cr 15:24)
Vương Quốc chỉ đơn giản là ẩn dụ cho Giáo Hội – dân được Thiên Chúa kêu gọi. Chúa Giêsu nói về điều đó theo cách mà Ngài nói với Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16:18-19) Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, (Cv 2) Phêrô rao giảng Tin Mừng bài đầu tiên và mở cửa cho mọi người vào Giáo Hội – Nước Thiên Chúa.
Điều đó có ý nghĩa gì với tất cả chúng ta? Khi Chúa Giêsu nói “Nước tôi không thuộc về thế gian này” là Ngài nói về Vương Quốc thiêng liêng, không được thành lập trên các nguyên tắc trần tục. Bản chất của Nước Trời không phải là xác thịt. Mục đích của Nước Trời không phải là thế tục. Phương tiện, phương pháp và thông điệp của Nước Trời cũng không mang tính chính trị. Mọi điều về Vương Quốc của Đức Kitô đều thuộc về tâm linh.
Các Giáo Hội địa phương ngày nay thường quên mất sứ vụ của mình, từ bỏ sứ vụ và tham gia vào mục vụ xa lạ với mục đích thực sự của Vương Quốc Thiên Chúa. Tin Mừng cứu độ là trọng tâm chính của Nước Trời. Những linh hồn đang tìm kiếm và nhận được Nước Trời sẽ được “tái sinh bởi nước và Thánh Thần” và trở thành công dân của Nước Trời, như Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô. (Ga 3:1-8)
Câu lạc bộ đồng quê và không khí lễ hội của nhiều nhà thờ hiện đại không phù hợp với bản chất tâm linh của Vương quốc. Kinh Thánh nói: “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)
Với tư cách là công dân Nước Trời, chúng ta được khuyên hãy coi mình như những người hành hương và người xa lạ ở nước ngoài. Chúng ta là công dân Nước Trời, vì “quê hương chúng ta ở trên trời.” (Pl 3:20) Vì vậy, nơi cư trú của chúng ta phải thể hiện nét đặc trưng bởi sự thánh thiện, tư cách của chúng ta phải đáng tôn trọng, những ham muốn của chúng ta phải được thúc đẩy bởi tinh thần chứ không phải xác thịt: “Anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn.” (1 Pr 2:11)
Cũng nên nhớ rằng trong bầu khí phân cực về chính trị của chúng ta, hy vọng của thế giới không đặt vào chính trị gia, đảng phái chính trị hoặc sự vĩ đại của Hoa Kỳ, mà ở trong Chúa Giêsu Kitô, Ngài hướng dẫn tội nhân trở thành công dân Nước Trời.
Lời bài thánh ca của Albert E. Brumley thách thức tất cả chúng ta: “Thế gian này không phải là nhà của tôi, tôi chỉ là một kẻ đi ngang qua. Kho báu của tôi được cất giữ ở một nơi nào đó ngoài trời xanh, các thiên thần vẫy gọi tôi từ cửa Thiên Đàng đang rộng mở, và tôi không còn cảm thấy như ở nhà trên thế gian này nữa.”
KEN WELIEVER
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét