Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

SUY NIỆM LỜI CHÚA (Mc 14, 1-15, 47) C.N LỄ LÁ NĂM B

 

Suy Niệm Lời Chúa (Mc 14, 1-15, 47) C.N Lễ Lá Năm B

Sat, 23/03/2024 - Lm Nguyễn Ngọc Nga

SUY NIỆM LỜI CHÚA (Mc 14, 1-15, 47) C.N LỄ LÁ NĂM B

+/ Bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 14, 1-15, 47). Như các thánh ký khác, thánh Mác-cô dành một vị thế quan trọng cho bài trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta có bằng chứng cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã hiểu rằng: biến cố đồi Can-vê không là một tình tiết xấu hổ và nhục nhã mà biến cố Phục Sinh đến để tẩy xóa đi, nhưng trái lại là tuyệt đỉnh công trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, là nơi Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng cứu độ. Các Ki-tô hữu tiên khởi đảm nhận sự thách đố của Thập Giá, bất chấp Thập Giá gây nên sự kỳ chướng đối với dân ngoại. Thánh Mác-cô đặc biệt dọi chiếu sự mâu thuẩn của những hoàn cảnh: dù bị nhạo báng, nhục mạ, bị kết án khổ hình ô nhục, nhưng Đức Giê-su vẫn khẳng định quyền năng và tính siêu việt của Ngài với một phẩm chất cao vời.

+/ CUỘC TỬ NẠN VÀ MAI TÁNG là phần cao điểm của bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Trong phần này, thánh Mác-cô kể cho chúng ta bốn sự cố: Đức Giê-su chịu sỉ nhục, Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá, Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá, và sau cùng, Chúa Giê-su chịu mai táng.

1- ĐỨC GIÊ-SU CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ. Câu chuyện khổ nạn được kể một cách đơn giản và không nhấn mạnh quá nhiều trên những chi tiết về những đau khổ thể lý của Đức Giê-su (dù những chi tiết nầy chắc chắn là một phần của đoạn văn này). Bài trình thuật nhấn mạnh rằng cuộc tử nạn của Đức Giê-su đã xảy ra phù hợp với Cựu Ước, mà không giảm nhẹ sự thù hận khôn nguôi mà các đối thủ của Đức Giê-su phô bày.

- Việc thi hành án tử xảy ra ở ngoài thành thánh. Lãnh địa Giê-ru-sa-lem được xem là vùng đất thánh, vì thế, không thể nào bị ố nhiễm bởi xác chết của tội nhân được. Nơi hành quyết được thánh Mác-cô nêu tên bằng những từ không thể nào quên được. Địa danh này quy chiếu đến hình dáng và cách sử dụng của nó. Tên gọi “Gôn-gô-tha” có nghĩa là “Sọ” vì một gò đất trọc lóc không có cây cối. Trên ngọn đồi này người ta đã chôn sẵn các cột thẳng đứng. người ta chỉ việc kéo thi thể của tử tội lên. Sau vài giờ, tử tội sẽ chết do mòn mỏi và nghẹt thở từ từ.

- “Giờ thứ ba”: Chỉ duy có thánh sử Mác-cô ghi lại chính xác giờ Chúa Giê-su chịu đóng đinh; đóng đinh vào giờ thứ ba, tức là vào lúc chín giờ sáng; trời đất tối tăm lúc giữa trưa, và Chúa Giê-su chết vào giờ thứ chín, tức vào lúc ba giờ chiều. Thời biểu này lập lại thời biểu của một phụng vụ. Việc đóng đinh phù hợp chính xác với nhịp độ cứ ba giờ một, các tín đồ Do-thái cầu nguyện một lần ở Đền Thờ, và các Ki-tô hữu sơ khai cũng đã lập lại y hệt như thế.

- “Vua Dân Do thái”: Lời buộc tội chính thức này đã được nêu lên rồi trong phiên tòa trước tổng trấn Phi-la-tô tương phản với hai lời buộc tội được nêu lên trong phiên tòa trước Thượng Hội Đồng. Lời buộc tội chính thức xem ra phản ảnh hoàn cảnh lịch sử, theo đó Đức Giê-su bị hành hình bởi chính quyền Rô-ma, vì Ngài tự nhận mình là vua Do-thái. Như ở 15, 16-20, sự châm biếm chính là từ viễn cảnh của Mác-cô Đức Giê-su là vua dân Do thái.

2 - ĐỨC GIÊ-SU CHỊU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ. Cuộc tử nạn của Đức Giê-su đã xảy ra theo ý muốn của Thiên Chúa được mặc khải trong Cựu Ước. Việc bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai và lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng đem lại cho cuộc tử nạn của Đức Giê-su một chiều kích sâu xa liên quan đến dân Cựu Ước và sứ mạng cho lương dân.

- “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở”: Một cái chết đột ngột và dữ dội. Thanh ký không nhấn mạnh lâu trên cái chết của Đức Giê-su. Bản văn không kể cho chúng ta nội dung tiếng kêu lớn tiếng này. Quả thật, Mác-cô thật quá ngắn gọn khi thuật lại giờ phút quan trọng này. Điều ông cho là quan trọng hơn hết, chính là ý nghĩa sâu xa nơi cái chết của Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su vừa mới tắt thở, thánh Mác-cô dẫn chứng hai sự kiện, cả hai đều phong phú về ý nghĩa và bổ túc cho nhau:

Sự kiện thứ nhất: “Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống”: Tác giả không xác định bức màn nào, hoặc bức màn cửa được giăng trong tiền sảnh hay bức màn phân cách nơi thánh với nơi cực thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà vị thượng tế mới có thể bước vào, một năm một lần, để thực thi nghi thức Xá Tội. Dù bức màn nào bị xé ra làm hai, ý nghĩa vẫn như nhau: “con đường đến với Thiên Chúa từ nay rộng mở cho tất cả mọi người”. Như vậy, việc Thiên Chúa tuyển chọn không còn đặc quyền đặc lợi của riêng dân Ít-ra-en nữa. Cái chết của Đức Giê-su trên thập giá trương rộng ra cho hết mọi người, như Tin Mừng nói: “Khi nào bị giương lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng ta”. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, đã không còn đóng vai trò của mình nữa; Đền Thờ thực sự của Thiên Chúa sẽ là “Thân Thể Phục Sinh” của Đức Giê-su, như chính Ngài đã công bố.

– Sự kiện thứ hai: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Ngài tắt thở như vậy liền nói: ‘Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa’”. Viên đại đội trưởng Rô-ma đã nghe nhiều lần nhiều giọng nói ở giữa đám đông: “Người này tự xưng mình là Con Thiên Chúa”. Ông lập lại diễn ngữ này, dù không hiểu hết mức độ của nó, nhưng bị thuyết phục, bởi vì những gì ông chứng kiến cho thấy tội nhân này là một người công chính đặc biệt. Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng là “dấu chỉ tiên báo cuộc hoán cải của thế giới lương dân”. Đây là lời chứng đầu tiên về ơn cứu độ phổ quát mà việc bức màn trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi đã loan báo. Chính ở nơi lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng này, Mác-cô đã dẫn dắt độc giả tới đỉnh cao của Tin Mừng mà ông viết. Với lời tuyên tín của viên đại đội trưởng ngoại giáo này, bước quyết định đã được hoàn tất rằng: Chúa Giê-su là “Con Thiên Chúa”. Đó cũng tựa như tiếng nói từ trời cao Chúa Cha phán bảo vào lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa. Đó cũng là mong ước của Chúa Giê-su khi Ngài xua đuổi những con buôn ra khỏi Đền Thờ: “Hết thảy mọi dân nước” đều có thể tự do đến với Thiên Chúa. Điều này đã hiện thực nơi việc lương gia nhập Giáo Hội, dưới ánh sáng Chúa Giê-su Phục Sinh.

+/ Bài tường thuật của Mác-cô, như bài tường thuật của các thánh ký khác, được diễn tả một cách rất đơn giản. Không một chi tiết bi thương nào được thêm vào cho bài tường thuật đơn giản này; những sự kiện tự nó đủ để nảy sinh tình cảm. Ba tấn thảm kịch được chồng chéo nhau trong cuộc thương khó của Đức Giê-su: -Tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối; -Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người; -Tấn thảm kịch của tội lỗi.

1. Tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối. Đức Giê-su đã công bố sứ điệp một cách khó khăn, tuy nhiên không nhượng bộ và thỏa hiệp. Ngài đã lật đổ những ý tưởng cố hữu, kết án thái độ câu nệ luật và thói giả hình. Sự ghen tuông, rồi sự thù hận liên kết với nhau tấn công Ngài. Những vị lãnh đạo tôn giáo Ít-ra-en đã từ chối nhận ra ở nơi Ngài Đấng Mê-si-a vì Ngài không đáp ứng đúng hình ảnh mà họ tự tạo nên. Việc họ quyết tâm thua đủ với Ngài đã dẫn đến cái chết, nhưng không đến cái chết như họ nghĩ tưởng: Đức Giê-su đã chiến thắng cái chết, nhưng Ít-ra-en với tư cách dân thừa hưởng Lời Hứa, không còn hiện hữu nữa.

2. Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người. Khi đón nhận kiếp người, Đức Giê-su chấp nhận thân phận “sinh ly tử biệt”. Vì thế, Ngài muốn đảm nhận cái chết trong tất cả sự khiếp sợ cùng với những đau khổ của nó. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho Ngài phải chịu khổ hình tàn bạo nhất được sử dụng vào thời Ngài. Số phận này nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã muốn chia sẻ số phận của những kẻ bị tra tấn, bị khổ hình, những người chết vì đạo, để tất cả những ai phải chết trong những khốn khổ thậm tệ nhất, và tất cả những ai phải chịu đau đớn về thể xác cũng như luân lý, gặp thấy trong cuộc thương khó của Ngài niềm an ủi tuyệt vời. Chúng ta nên lưu ý rằng ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ở đó có sự sung mãn: sự sung mãn của sự sống, sự sung mãn của những điều thiện hảo, sự sung mãn của ân sủng.

3. Tấm thảm kịch của tội lỗi. Đức Giê-su đã giải thích rõ cái chết của Ngài. Tuy nhiên, điều này chẳng là gì cả nếu chúng ta không để mình vào trong mầu nhiệm này: Mầu nhiệm của “ơn Cứu Chuộc”. Thiên Chúa chan chứa tình yêu, đấng đã không muốn con người một mình gánh chịu những hậu quả của tội lỗi mình. Ngài đã sai Con Một Ngài để chia sẻ tận mức gánh nặng tội lỗi và xóa đi những vết nhơ của chúng ta. Đó là lý do tại sao Thập Giá là “vinh quang” của Thiên Chúa như thánh Gioan phát biểu.

+/ Sau hết, chúng ta hãy nghe lời bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục, Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta, là bảo đảm cho chúng ta được vinh quang và là bài học dạy chúng ta biết kiên nhẫn:…Ai dám hồ nghi Người sẽ không ban sự sống của Người cho các thánh, một khi Người đã ban tặng cho họ cả cái chết của Người? Tại sao con người mỏng giòn lại do dự không chịu tin rằng một ngày kia, người ta sẽ được sống với Thiên Chúa?...Vậy chẳng những chúng ta không được hổ thẹn vì cái chết của Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà lại phải hết sức tin tưởng, hết sức tự hào. Thật thế, khi đón nhận từ phía chúng ta sự chết mà Người thấy nơi chúng ta, thì Người đã bảo đảm chắc chắn sẽ ban cho chúng ta sự sống mà tự mình chúng ta không thể có được…Amen.

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét