Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Có nên uống nước ngọt để giải rượu?

 

Chủ nhật, 31/3/2024, VnExpress.net

Có nên uống nước ngọt để giải rượu?

Sau uống rượu, tôi có thể uống thêm nước ngọt để giảm bớt lượng cồn trong người, giảm đau đầu, chóng mặt? (Thục Anh, 28 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

Rượu làm giảm lượng glucose trong máu dẫn tới chóng mặt. Uống nhiều rượu bia dẫn tới đi tiểu nhiều hơn bình thường, dẫn tới mất nước, biểu hiện khát nước, nhức đầu...

Cồn làm giảm lượng vitamin nhóm B từ đó giảm khả năng cơ thể chuyển hóa và đào thải cồn.

Thực tế, đường tự nhiên trong mật ong, trái cây có thể giúp loại bỏ cồn khỏi cơ thể nhanh chóng. Bạn nên ăn xoài, nho, cam, lê, chuối. Dưa hấu giúp bù nước cho cơ thể sau khi uống nhiều rượu. Chuối chứa nhiều carbohydrate, tránh bị rỗng dạ dày, giúp tăng lượng glucose trong máu, giàu kali.

Tuy nhiên, bạn không nên uống nước ngọt để giải rượu, do carbon dioxide trong nước ngọt có gas thúc đẩy rượu bia thấm nhanh vào niêm mạc dạ dày hơn bình thường, gây say, mệt mỏi, nhức đầu hơn. Uống trà và cà phê cũng sẽ khiến cơ thể phải làm việc nhiều gấp đôi để đào thải cả hai.

Để giảm say rượu, bạn nên ăn trước, trong và sau khi uống rượu, giúp giữ lượng glucose máu ổn định, cân bằng, vì thiếu glucose máu dẫn tới đau đầu, do làm giảm tích tụ acid máu.

Nên uống nước trước và trong khi uống rượu. Bổ sung nước trắng, nước dừa, đồ uống có tính kiềm kèm điện giải như kali, magie để trung hòa cồn. Có thể ăn một chút bánh mì nướng, bánh quy giòn, nước sốt táo để cung cấp năng lượng.

Người bình thường không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét