Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

NĂM MỚI VÀ ...

NĂM  MỚI   NHỮNG  RA  ĐI  MỚI 
ĐGM GB Bùi Tuần- tinvui@dmin 


1. Từ ít tháng nay, tôi hay cầu xin Chúa ban cho tôi được ơn ra đi bình an trong ơn nghĩa Chúa.
Có một lúc, Chúa cho tôi thấy ý Chúa là thế này: Ra đi bình an trong ơn nghĩa Chúa là một hạnh phúc Chúa sẽ ban cho những kẻ tin theo Chúa biết cầu xin với Chúa.
Nhưng, điều mà các môn đệ Chúa cần cầu xin hơn, đó là biết ra đi hằng ngày trong suốt cuộc sống của mình.
Vâng ý Chúa, tôi cầu xin điều Chúa soi sáng cho tôi cầu xin, để trong năm mới này, tôi và các môn đệ Chúa biết ra đi trong chính cuộc sống của mình.
Dưới đây là những ra đi, mà Chúa muốn.
2. Hãy ra đi như thánh Phanxicô Assisi.
Thánh Phanxicô Assisi đã ra khỏi cuộc sống tiền của và quyền chức, để đi vào cuộc sống khó nghèo, hèn mọn.
Trong cuộc ra đi này, thánh Phanxicô Assisi đã làm chứng điều thánh Gioan tông đồ đã khuyên: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian, thì kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, và thói cậy mình có của, tất cả  những cái đó đều không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian. Mà thế gian thì đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,15-17).
Ngoài ra, cuộc ra đi của thánh Phanxicô Assisi cũng làm cho ngài trở nên bạn hữu thân thiết của những người nghèo khổ. Nhờ được ngài yêu thương gần gũi, những kẻ nghèo khổ cảm được mình được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ. Họ càng được an ủi, khi, qua sự thân thương của thánh Phanxicô, họ cảm thấy trong họ vẫn còn một cái gì cao quý trước mặt Chúa. Từ đó, lương tâm của họ được đổi mới, sẵn sàng đón nhận Nước Trời.
Như vậy, ra đi của thánh Phanxicô là một chuyến đi của tình yêu cứu độ, rất đẹp lòng Chúa.
3. Cũng hãy ra đi như thánh Phanxicô Xavie.
Thánh Phanxicô Xavie đã bỏ cuộc sống an ổn và nơi ở ổn định, để đi đến những nơi xa lạ và những người nghèo túng, đem Tin Mừng đến những nơi và những người nghèo khổ.
Tin Mừng, mà ngài rao giảng cho họ đã rất đơn sơ, dễ hiểu. Tin Mừng là Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống, để đồng hành với họ, để thương yêu họ, để cứu họ. Giáo lý mà thánh Phanxicô Xavie dạy họ chỉ tóm tắt vào mến Chúa yêu người, như Chúa Giêsu đã dạy.
Khi thánh Phanxicô đến với những người gọi là ngoại đạo, tại những vùng đất xa lạ nghèo khó, ngài nhận thấy Chúa Thánh Thần đã tới đó từ lâu rồi. Bằng chứng là những nơi đó và những người ở đó đã sống theo một số điều thiện.
Mặc dầu gặp khó khăn, thánh Phanxicô Xaviê đã có thể nói như thánh Phaolô:“Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô” (Rm 16,25).
Sự ra đi của thánh Phanxicô Xaviê là một chuyến đi đầy ơn Chúa.
4. Cũng hãy ra đi như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Ngài đã bỏ một cuộc sống với tình yêu chân thành đối với nhiều ưu đãi, để đi vào một cuộc sống đón nhận tình yêu đối với thánh giá Chúa Giêsu.
Quả thực, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã có một cuộc sống nhiều năm với những hoạt động tưng bừng cho nhiều công trình lừng lẫy, trong những điều kiện ưu đãi. Nhưng rồi sau đó, Chúa đã bắt ngài phải bỏ lại tất cả, để đi vào một cuộc sống đón nhận những bất ngờ đau đớn tập trung vào tình yêu thánh giá. Qua kinh nghiệm, ngài đã xác tín: Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu trên thánh giá mới có thể đổi mới được các tâm hồn, đưa họ về với Chúa. Càng về cuối đời, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận càng có thể nói như thánh Phaolô: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác, ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thánh giá” (1Cr 2,2).
Sự ra đi của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đúng là một hồng ân Chúa ban cho ngài, cho tôi và cho Hội Thánh.
5. Cũng hãy ra đi như cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.
Ngài đã bỏ ý định sống cho riêng mình, để đi  vào ý định sống cho giáo dân và chết thay cho giáo dân.
Giáo dân của ngài đều là những người nghèo. Ngài chia sẻ cảnh nghèo với giáo dân. Ngài cứu giáo dân nghèo của ngài bằng những phương tiện vật chất và những phương tiện tinh thần. Sau cùng, ngài đã cứu đoàn chiên ngài bằng cách chết thay cho họ. Đi vào con đường chết thay cho đoàn chiên, cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã bước theo Chúa Giêsu một cách cụ thể và quảng đại.
Với quyết tâm chết thay cho đoàn chiên, cha đã làm chứng về lời Chúa Giêsu đã phán xưa, trước khi Chúa bước vào cuộc tử nạn. “Không tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Sự cha Phanxicô chết thay cho đoàn chiên đã và đang là một lời rao giảng Tin Mừng sáng giá nhất hiện nay tại Việt Nam. Đúng là một ra đi đầy ơn Chúa.
6. Cũng hãy ra đi như Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxicô ra khỏi cung điện, để đi ở trong nhà trọ Martha. Với sự ra đi đó, ngài muốn đổi mới Hội Thánh, bằng cách chọn một cuộc sống giản dị hơn, khó nghèo hơn, gần gũi với những người nghèo hơn.
Với sự ra đi của ngài như hiện nay, người ta có quyền nghĩ rằng: Đức Phanxicô đang muốn làm chứng về Chúa Giêsu theo hình ảnh đã được thánh Phaolô phác hoạ trong thư gởi tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).
Sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đang là một bài giảng gây chấn động khắp thế giới. Sự ra đi đó đúng là một sức mạnh có đầy ơn Chúa, để đổi mới Hội Thánh.
7. Với những ra đi trên đây, Chúa cho tôi thấy là chính  những ra đi như thế đang làm nên Mùa Xuân cho Hội Thánh toàn cầu nói chung và cho Hội Thánh tại Việt Nam nói riêng.
Điều quan trọng nên biết, là những người ra đi như thế đều đã gặp được Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô luôn ở trong họ. Họ có đời sống nội tâm phong phú.
8. Tôi có cảm tưởng là năm 2014 trùng với năm Con Ngựa sẽ có nhiều biến động và biến loạn dưới nhiều hình thức. Sẽ có nhiều cuộc ra đi. Không phải ra đi nào cũng tốt. Nên tôi tha thiết cầu xin Chúa ban cho chúng ta được luôn khiêm nhường và can đảm, biết dấn thân vào những cuộc ra đi thánh thiện như những ra đi trình bày ở trên. Ra đi như thế là để chứng minh đời ta có một chiều kích thiêng liêng sẽ đem lại hạnh phúc đích thực cho  mình, cho quê hương và cho mọi người.
9. Thiết tưởng hình ảnh Hội Thánh Việt Nam cần được đổi mới. Hình ảnh các môn đệ Chúa tại Việt Nam càng rất cần được đổi mới. Đổi mới bằng cuộc sống tự nguyện nghèo, lo cho người nghèo, dám hy sinh, đến chết thay cho người nghèo, dâng mình làm của lễ tình yêu trên thánh giá để cứu chuộc người nghèo khổ. Hình ảnh đó muốn nói cho Quê Hương Việt Nam yêu dấu điều  này: Cái thiếu hụt trầm trọng hiện nay không phải là kinh tế nhưng là đạo đức.
10. Thánh giá trên các thánh đường thực là đáng kính. Nhưng thánh giá trong cuộc đời những người nghèo khổ còn đáng kính hơn. Vì thế, nếu một ngày nào đó, thánh giá trên thánh đường bị hạ xuống, chỉ còn thánh giá trong những cuộc đời nghèo khổ, thì các môn đệ Chúa vẫn tìm được một cách ra đi hợp ý Chúa có sức cứu độ. Ra đi hợp ý Chúa nhất chính là cầu nguyện trên thánh giá.
Xin thân ái cầu chúc anh chị em một Năm Mới có những ra đi đầy ơn Chúa.
Xin cũng thương cầu nguyện cho tôi là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử.
Long Xuyên, ngày 14 tháng 01 năm 2014




Feb 2, 2014 - Chúa nhật 4...

Feb 2, 2014 - Chúa  nhật  4  thường  niên  năm  A
ĐỨC  MẸ  DÂNG  CHÚA  GIÊSU  VÀO  ĐỀN  THÁNH

  
I. LỊCH SỬ NGÀY LỄ: 
Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy” (tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria). Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Rôma. Nội dung Thánh lễ được triển khai theo đoạn Phúc âm thánh Luca 2, 22-40.
 Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mê-si bước vào Đền thờ và gặp dân Thiên Chúa của Cựu ước qua ông Simêon và bà tiên tri Anna; Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: thanh tẩy theo luật Do thái (Lv 12).
Khi du nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Thánh Cha Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế, từ thế kỷ thứ VIII, thánh lễ được gọi là Lễ Nến.  Trong cuộc rước nến này, Đức Thánh Cha và cả đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím, ám chỉ sự chưa thanh tẩy của Đức Maria khi lên Giêrusalem; khi đoàn đồng tế đến đại thánh đường Đức Bà Cả, liền thay phẩm phục trắng, chỉ sự tinh tuyền đã được thanh tẩy của Đức Maria.
Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, ngay cả trong phụng vụ Rôma, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa, hơn là Đức Mẹ  dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
 Thánh lễ này chấm dứt chu kỳ Giáng Sinh ( Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh, tập 1, tr 68).
 II. Ý NGHĨA NGÀY LỄ:
1.    Theo tập tục của luật Maisen:  
Bài Tin mừng cho thấy Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn những tập tục của luật Maisen liên quan đến việc hạ sinh Đức Giêsu. Luật Maisen qui định tất cả các trẻ nam đều phải cắt bì và đặt tên vào ngày thứ 8 sau khi chào đời (x. Lv 12,3; Lc 1,59-60; 2,21).
 Khi được một tháng tuổi, trẻ phải được đưa tới Đền thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng – dù là người hay là thú vật – đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Người, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa (x. Xh 13, 2.12-13; Ds 18,15-16).
 Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non như Đức Maria đã làm (x. Lv 5,7; 12,8).
Mặc dù biết Đức Giêsu con của mình, là Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc.  Đó là một gương mẫu cho chúng ta.
Sách Xuất hành qui định: “Giavê phán cùng Maisen rằng: Hãy hiến thánh cho Ta mọi con đầu lòng: vật gì bất cứ, khi thông dạ mẹ, thì thuộc về Ta”. Điều luật này tưởng nhớ sự kiện Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Vì thế, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải dành riêng cho Người. Tuy nhiên, sau khi việc phụng tự được dành riêng cho chi tộc Lêvi, thì con trai đầu lòng thuộc các chi tộc khác không phải lo việc phụng tự nữa.
 Nhưng để tỏ ra chúng vẫn thuộc sở hữu của Thiên Chúa, nên người ta thực hiện một nghi thức chuộc lại. Sách luật qui định con dân Israel phải hiến dâng một lễ vật tượng trưng để chuộc lại con trai.
      2. Đức Maria dâng con theo lề luật:
 Theo luật Maisen cũng là tục lệ của người Do thái, những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày bà mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế.
 Vậy sau khi Chúa Giêsu sinh ra được 40 ngày, Đức Maria đem con lên Đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo luật Do thái. Mẹ Ngài hoàn toàn thanh sạch, không cần phải giữ luật ấy, nhưng Mẹ cũng thi hành đầy đủ lễ nghi, trước là vâng theo ý Chúa, sau là để người ta khỏi sai lầm mắc phải.
 Hôm ấy, ông già Simêon là người hằng mong đợi được trông thấy Đấng Cứu Thế, lên Đền thờ cũng là ngày cha mẹ dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền thờ. Vừa trông thấy Hài Nhi, được ơn trên soi sáng chỉ dẫn, ông rất vui mừng, vội đưa tay ẵm kính Hài Nhi và chúc tụng Thiên Chúa:”Lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,29-32).
 Hai Ông Bà thấy và nghe như thế thì lấy làm lạ, chưa kịp hỏi han gì thì cụ già Simêon nhìn lên Đức Mẹ mà thưa:”Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người ta chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc 2,34-35).
 Đồng thời, nữ tiên tri Anna trông thấy Chúa Hài Nhi, bà cũng nói lên lời chúc tụng Thiên Chúa và nói lại cho người ta biết rằng chính Ngài là Vị Cứu Thế muôn dân đang chờ đợi.
 Mặc dầu biết Đức Giêsu, con mình, là Con Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc. Và sau cùng, để chuộc lại con mình, hai Ông Bà vì nghèo nàn chỉ dâng lên Thiên Chúa một đôi chim gáy với tất cả tấm lòng thành.
      3.  Lễ hôm nay cũng là Lễ Nến:   
Khi lễ này được du nhập vào phụng vụ Rôma, Đức Thánh Cha Sergiô I lại thêm vào nghi thức rước nến, vì vậy lễ dâng Chúa Giêsu vào Dền thờ hôm nay cũng được gọi là Lễ Nến, vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân.
 Chính cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Thánh Xôprôniô, Giám mục Giêrusalem đã nói:”Đây là ý nghĩa của mầu nhiệm:  chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay, chúng ta hăm hở đi tới, mang theo đèn sáng để nói lên rằng  ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng nhau ra đón Chúa. Người là Ánh Sáng thật đã đến, Ánh Sáng chiếu soi mọi người sinh ra trên thế gian. Vậy, thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh sáng và hãy tỏa sáng” (Kinh Sách, các bài đọc ngày 02.02).
 Cuộc rước trong phụng vụ hôm nay nói lên đời sống của mỗi tín hữu phải giãi chiếu ánh sáng cho người khác. Chúa Kitô là ánh sáng cho trần gian.“Ánh Sáng” là một từ thường được dùng để chỉ về sự sống và chân lý. Thiếu ánh sáng là cô đơn, nghi nan và lầm lạc. Chúa Kitô là Sự Sống cho thế gian và cho mọi người, là Ánh Sáng chiếu soi, là Chân Lý giải thoát, là tình Yêu viên mãn… Mỗi khi cầm nến đi trong đoàn kiệu, chúng ta thông phần vào ánh sáng của Chúa Kitô.
 III. BƯỚC THEO MẸ MARIA:
 Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết theo gương Mẹ để biết khiêm nhường phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.
 Trước hết, Lễ này dạy chúng ta bài học khiêm nhường vâng giữ luật Chúa và Hội thánh. Thật ra luật Cựu ước không buộc Đức Maria và Chúa Giêsu, vì Đức Maria không thụ thai cách bình thường như người đời. Ngài mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, nên Ngài không bị ô uế theo luật Maisen và không buộc phải thanh tẩy.
 Đức Giêsu cũng không buộc phải được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật dạy, vì rồi đây chính Ngài sẽ bị sát tế và dâng hiến lên Chúa Cha trên thánh giá để làm của lễ chuộc tội loài người. Việc hiến dâng các trẻ em Do thái theo luật Maisen chỉ là hình bóng việc tự hiến của Ngài mà thôi. Thế nhưng chỉ vì khiêm tốn vâng phục mà Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn luật Cựu ước cho Chúa Giêsu để nêu gương cho chúng ta.
Thứ đến, Đức Maria sẵn lòng dâng hiến Con mình cho Thiên Chúa. Qua đó, Mẹ lặp lại lời Fiat, và một lần nữa, trao phó trọn đời mình cho Thiên Chúa an bài sử dụng. Chúa Giêsu được hiến dâng lên Chúa Cha trên tay của Mẹ Maria. Đây là cuộc hiến dâng đặc biệt nhất tại Đền thờ, và không bao giờ được lặp lại. Hơn ba mươi năm sau, Chúa Giêsu đã dâng chính thân Người, nhưng ngoài thành, ở trên đồi Calvê.
 Mẹ Maria đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời để Chúa sử dụng trong cuộc việc cứu chuộc loài người. Mẹ không từ chối Chúa một sự gì. Tiếng Fiat luôn chiếm hữu tâm trí Mẹ để mọi việc được diễn tiến theo thánh ý Chúa, cho dù thân xác Ngài phải bị hao mòn.
 Truyện : Ngụ ngôn về cây bút chì.
 Người thợ làm bút chì nâng niu sản phẩm của mình trước khi cho nó vào hộp. Ông nói với bút chì: “Có 5 điều mày cần phải nhớ trước khi tao để mày bước vào thế giới hỗn độn ngoài kia. Lúc nào mày cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều ấy, khi đó, mày mới trở nên một cây bút chì đẹp nhất, hiểu không ?
 Thứ nhất, mày luôn có thể tạo ra những thứ rất vĩ đại, nhưng chỉ khi nào mày nằm trong tay một ai đó.
 Thứ hai, mày phải liên tục chịu đựng những sự gọt giũa rất đau đớn, nhưng hãy nhớ, tất cả đau đớn ấy chẳng qua để làm cho mày đẹp hơn mà thôi.
Tiếp theo, mày phải nhớ lúc nào  mày cũng có thể sửa chữa những lỗi mà mày ghi ra.
Và một điều nữa, hãy biết phần quan trọng nhất trên cơ thể của mày chính là phần ruột, phần bên trong chứ không phải là lớp vỏ ngoài.
 Cuối cùng, mày, bút chì, phải để lại vết chì của mày trên bất cứ bề mặt nào mà mày được sử dụng để viết, và phải liên tục viết, bất kể chuyện khó khăn gì, được không ?
Cây bút chì hiểu rõ những lời người thợ nói và nó tự hứa sẽ nhớ tất cả những điều ấy, và rồi, nó vào nằm trong hộp để bước ra thế giới với những mục đích riêng mà nó đã định.
 Qua câu truện ngụ nôn về cây bút chì, bạn hãy thử đặt chính bạn vào vị trí cây bút chì xem. Lúc nào bạn cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều này, khi đó, bạn sẽ trở thành một con người vĩ đại cho mà xem. 
Bạn hãy cố thực hành:
 Thứ nhất, bạn có thể làm nên những chuyện vĩ đại, nhưng chỉ khi nào bạn biết đặt mình vào  trong vòng tay của Thiên Chúa, hãy để cho mọi người được sử dụng những món quà mà Thiên Chúa ban cho bạn.
Thứ hai, bạn sẽ phải liên tục nếm trải những đau đớn và thất bại trong cuộc sống, nhưng có trải qua ngần ấy đau khổ, bạn mới có thể mạnh mẽ hơn được.
 Cũng cần phải nhớ lúc nào bạn cũng có thể khắc phục những sai lầm trong quá khứ.
 Tiếp theo đó, bạn phải biết phần quan trọng nhất của cơ thể bạn không phải là ngoại hình mà là tấm lòng bên trong của bạn
 Còn điều cuối cùng, trên mọi nẻo đường mà bạn đi qua, bạn hãy để lại những dấu ấn riêng của bạn và trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng phải hoàn thành nhiệm vụ của minh.
 Hãy làm theo ngụ ngôn về bút chì, nó sẽ giúp cho bạn cảm thấy bạn đúng là một con người đặc biệt và chỉ có bạn mới có thể hoàn thành được những trách nhiệm mà ngay từ khi sinh ra, bạn đã được giao phó.
 Đừng bao giờ để mình bi quan và cũng đừng bao giờ cho rằng cuộc đời bạn thật tầm thường và rằng bạn không thể thay đổi bất cứ thứ già cả.
 Trong Thánh Lễ hôm nay, cùng với lễ dâng trọn hảo là chính Chúa Giêsu, được Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng trong Đền thờ, chúng ta cũng xin hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc sống của chúng ta làm lễ dâng lên Thiên Chúa. Xin Ngài chúc phúc và hướng dẫn đường đời chúng ta trong thánh ý Ngài, hầu cả cuộc sống chúng ta trở nên lễ dâng tình yêu trong Tình Yêu Thiên Chúa.
Lm Giuse Đinh lập Liễm (Giáo xứ Kim phát - Đà lạt)


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

RƯỢU XUÂN...

RƯỢU  XUÂN  NÊN  UỐNG  VỪA  THÔI


  Đón Tết Mừng Xuân là phải có ăn có uống. Vì thế dân gian ta mới gọi là ĂN TẾT. Mà không phải chỉ ăn một bữa, hai bữa nhưng “chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”. Nhiều địa phương còn ăn Tết cả tháng, vì “Tháng Giêng là tháng Ăn- Chơi”. Giầu thì mổ trâu mổ bò, nghèo thì cũng làm thịt con gà, chung nhau con heo. Rồi nấu nướng, giã giò, gói bánh chưng, bánh tét, ăn uống linh đình.
Uống đây không phải là nước cam nước chanh, nước ngọt mà còn là uống rượu. Vì “phi tửu bất thành yến”. Phải có vài ly rượu đưa cay cho món tiết canh lòng lợn, miếng thịt quay vàng óng thơm ngon. Người ta nâng ly chúc nhau Thọ tựa Nam sơn, Phúc như Bắc hải, giầu có bằng năm bằng mười năm ngoái…
Uống rượu vẫn được coi như là một cái thú. Có người nhâm nhi một chút rượu để thưởng thức cái hương thơm của rượu, cái vị cay cay của rượu, cái cảm giác kích thích của tửu tinh.
Uống rượu mà có thêm bạn đồng ẩm thì tiệc rượu càng vui.
Nhưng kìa sao mọi sự đang diễn ra êm đềm thân mật, đột nhiên lời qua tiếng lại, một người to tiếng, cà khịa khích bác người kia. Rồi cãi nhau, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ẩu đả. Người ta đã quá chén, không kiểm soát được mình vì ma men đã làm chủ con người. Người ta đã say vì rượu tràn ngập cơ thể. Ấy là chưa kể, nếu tiếp tục “rượu vào, lời ra” thì sẽ đưa tới bê tha nghiện ngập, mất phẩm giá con người mà còn mang thêm bệnh hoạn. 
Nhân dịp Tân Xuân sắp đến, lang tôi xin cùng quý thân hữu tìm hiểu lại lợi hại của cái món “Nước Tinh Thần” này. Để cùng trọn vẹn vui những ngày Xuân.
Vì ngoài vai trò khiêm nhường trong dinh dưỡng, ẩm thực, rượu được y khoa tây phương coi như một loại thuốc. Với Đông Y thì “Tửu vi bách dược chi trưởng”, rượu đứng đầu trăm loại thuốc.
Khi hấp thụ vào cơ thể, thuốc hoặc rượu sẽ tạo ra một số thay đổi vừa tốt vừa xấu cho các chức năng của tấm thân đáng quý này. Khi uống vừa phải, các thay đổi xấu có thể trở lại bình thường, nhứng quá nhiều thỉ rượu lại có hại.

 Tác dụng tốt của rượu
Đông, Tây y học đã đồng ý với nhau là rượu có một số tác dụng tốt cho cơ thể, NẾU được dùng vừa phải.
Danh y Lý Thời Trân của Trung Hoa từ xưa đã có nhận định: “Uống ít rượu sẽ làm khí huyết lưu thông; uống nhiều sẽ làm hại tinh thần, làm tổn thương bao tử và kích thích hỏa tà”.
Các nhà dinh dưỡng y học thời nay thì nhấn mạnh ở chữ moderation, vừa phải cũng như đừng tự tạo ra thói quen uống rượu, đừng uống vì bị ép nài (Tủu bất khả ép). Vừa phải là khoảng 350 cc bia, 150 cc vang và 50cc rượu mạnh, hai lần một ngày cho nam giới. Nữ giới thì một lần thôi vì lá gan quý bà tuy “mưu lược đánh ghen” thì hay nhưng không “xử lý” được lượng rượu lớn. Cũng nên để ý tới độ cồn của rượu: trên 5% là mạnh rồi đấy và phải cẩn thận.


1- Kích thích khẩu vị
Các nhà y học đều có ý kiến là quý vị tuổi cao, người đang phục hồi bệnh có thể dùng một chút rượu khai vị để ăn ngon miệng. Một chút rượu sẽ kích thích nụ nếm ở lưỡi, tăng nước miếng và dịch vị bao tử, giúp cho sự tiêu hóa thực phẩm dễ dàng. Một chút rượu cũng tăng cảm giác đói, khiến ta ăn nhiều hơn.
2- Rượu với trái tim
Đây là vấn đề được nghiên cứu, tranh luận  rất nhiều với nhiều ý kiến thuận nghịch.
Nghiên cứu vào tháng 11 năm 2009 của nữ bác sĩ Larraitz Arriola, Tây Ban Nha, cho hay dùng rượu đều đặn có thể giảm 1/3 rủi ro mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên tác giả cũng vội vàng nhấn mạnh rằng bà không khuyên mọi người bắt đầu uống rượu vì khi lạm dụng, rượu đã gây ra cả triệu tử vong. Và nếu có uống thì nên uống vừa phải kèm theo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động mỗi ngày.
Vì có quá nhiều ý kiến tương tự, Hội Tim Hoa Kỳ cũng miễn cưỡng nói rằng dùng rượu vừa phải có thể có tác dụng tốt cho bệnh tim.
3- Rượu với stroke
Nhiều nghiên cứu nói rằng dùng rượu vừa phải có thể giảm rủi ro stroke gây ra do xuất huyết não. Rượu có tác dụng tăng choledterol lành HDL, giảm sự kết tụ của tiểu cầu.
Hội Tai Biến Não Hoa kỳ nhận định: “Uống hai lượng rượu mỗi ngày có thể giảm quá nửa rủi ro stroke, nhưng uống trên số lượng này lại tăng rủi ro stroke gấp ba lần cộng thêm bệnh gan và các tai nạn khác. Tốt hơn là nếu chưa uống thì đừng bắt đầu uống”.
4- Rượu với khả năng nhận thức
Tập san Y học New England Journal of Medicine, 2005, có đăng kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard về sự uống rượu ỡ quý lão phu nhân từ 70-81 tuổi. Những vị nào uống một lượng nhỏ rượu mỗi ngày thì ít bị hư hao nhận thức hơn là nữ nhân không uống.
Nhưng uống quá nhiều thì bị suy giảm khả năng học hỏi, cất giữ và nhớ lại sự việc.
5- Rượu xoa dịu tâm trạng
Một chút rượu có thể làm giảm sự bồn chồn, lo lắng hoặc tạo một cảm giác thân thiện giữa con người với con người. Cho nên trong những bữa ăn giao tế, một ly rượu là vật xúc tác tốt đưa đẩy cho việc thảo luận công kia việc nọ. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng:
“ Rượu lạt uống lắm cũng say;
 Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”

Tác dụng xấu của nhiều rượu
Chẳng phải thiên kiến, hẹp hòi nhưng tác hại của tiêu thụ quá nhiều rượu đã được nhìn thấy và nghiên cứu y khoa học chứng minh.
- Theo Viện Nghiên Cứu Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều bằng chứng là nghiện rượu tăng rủi ro ung thư miệng, cuống họng, thanh quản và thực quản. Rượu cũng tăng rủi ro ung thư phổi nếu kèm theo với hút thuốc lá.  Đôi khi rượu gây ung thư gan, đại tràng, nhũ hoa.
- Như đã trình bày ở trên, một chút rượu có thể tốt cho tim, nhưng liên tục nhiều “chút, chút” lại gây tổn thương cho trái tim nhỏ bé, đưa tới cao huyết áp, giãn yếu cơ tim, suy tim rồi tai biến não. Uống nhiều rượu cũng tăng chất béo triglyceride trong huyết quản.
- Gan có nhiệm vụ chuyển hóa rượu để loại ra khỏi cơ thể. Tiêu thụ nhiều rượu khiến cho gan suy yếu, tổn thương, đưa tới các bệnh như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ cứng gan rồi ung thư gan.
- Uống nhiều rượu đưa đến nguy cơ suy dinh dưỡng. Lý do là  rượu chỉ cung cấp một số năng lượng còn chất dinh dưỡng lại rất ít. Uống một lon bia có thể giúp ăn ngon  hơn, nhưng uống dăm lon là no bụng, dạ dầy không còn chỗ cho thực phẩm.  Ngoài ra, nếu uống rượu nhiều, đi tiểu nhiều, lại thêm ói mửa tiêu chẩy mất hết sinh tố, khoáng chất. Thế là thiếu dinh dưỡng với nhiều hậu quả khôn lường.
- Tiêu thụ nhiều rượu khiến phản ứng thần kinh chậm lại, kém tập trung và giảm khả năng phán xét. Uống thêm, người tiêu thụ trở nên hung bạo, gây gổ, mất tự chủ. Hậu quả là đả thương, tai nạn xe cộ, tử vong…
- Nhiều rượu cũng đưa tới nghiện ngập, viêm loét dạ dày, giảm khả năng tình dục, rối loạn dây thần kinh ngoại vi, thay đổi chức năng trí tuệ, thiếu máu, khuyết tật trẻ sơ sinh khi mẹ có thai lại uống rượu, mệt mỏi sau say sưa, béo bụng…
Kết luận
Ở đời, xét cho cùng lý, thì mọi sự đều phúc đấy, họa đấy, tùy theo sự khôn khéo lựa chọn, quyết định của con người.
Bia rượu có cả từ nhiều ngàn năm. Người uống cũng nhiều mà người không cũng chẳng ít. Hậu quả tốt cũng có, mà xấu đếm cũng chẳng xuể.
Nhà dinh dưỡng lão thành Từ Giấy đã ví tâm trạng người uống rượu với mấy con thú vật. Uống vừa phải thì hớn hở như con công, thêm chút nữa thì cho là khỏe như sư tử, thêm vài ly thì huyên náo như con khỉ để rồi tới khi say thì nằm gục ngủ khì như con heo. Uống như vậy thì đâu có ích gì.
Cho nên, nếu biết cân nhắc, lấy sự chừng mực, điều độ và có giới hạn làm kim chỉ nam, thì chắc là sẽ “phúc sẽ nhiều hơn họa” và cuộc đời chắc sẽ nhiều mùa Xuân bình an. Bằng như ngược lại, sử dụng bừa bãi, không kiềm chế thì chắc chắn không bao lâu sẽ dẫn đến cảnh “họa vô đơn chí”, mà cuộc đời vì thế cũng vui ít, buồn nhiều, bệnh tật cũng vô số kể.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Tác giả:  Câu Chuyện Thầy Lang, Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức