NĂM NGỌ BÀN VỀ NGỰA
(Thứ bảy 11/01/2014 )
Chuyện phiếm của Gã Siêu.
Nhìn vào những tấm lịch, ắt hẳn mọi người đều
thấy năm 2014 được gọi là năm Giáp Ngọ, cầm tinh con ngựa. Vì thế, gã xin
bàn về con vật thân thương vừa mới được lên ngôi này.
Theo “Việt
Nam Tự điển” của Lê Văn Đức thì ngựa là loài thú to, móng cao và cứng, đầu
dài, bờm dài, đuôi dài và chạy rất nhanh. Còn theo tự điển “Petit Larousse”, mấy ông tây đã định nghĩa như sau: Ngựa là loài
có vú, có móng, có chân dài và rất khoái chạy. Lông của nó có đủ màu đủ sắc.
Trắng thì gọi là ngựa bạch, đen thì gọi là ngựa ô. Còn có cả những màu sắc gã
chưa hề thấy bao giờ, chẳng hạn xanh thì gọi là ngựa bích, tím thì gọi là ngựa
tía...
Vì rất khoái chạy, nên ngựa thường được người ta nuôi để cưỡi. Lính tráng thì cưỡi ngựa xông ra chiến trận để bảo vệ quê hương đất nước, chẳng thế mà đã có hẳn một binh chủng mang tên là “kỵ mã”, tức là lính cưỡi ngựa. Còn những bậc“thi sỡi”thì lại thích cưỡi ngựa xem hoa, đủng đỉnh cho đúng với cốt cách phong nhã của con nhà tao nhân mặc khách.
Vì rất khoái chạy, nên ngựa thường được người ta nuôi để cưỡi. Lính tráng thì cưỡi ngựa xông ra chiến trận để bảo vệ quê hương đất nước, chẳng thế mà đã có hẳn một binh chủng mang tên là “kỵ mã”, tức là lính cưỡi ngựa. Còn những bậc“thi sỡi”thì lại thích cưỡi ngựa xem hoa, đủng đỉnh cho đúng với cốt cách phong nhã của con nhà tao nhân mặc khách.
Vì rất khoái chạy, nên ngựa còn được người ta nuôi để kéo xe. Trong những gia đình quyền quí ngày xưa, người ta có những chiếc xe song mã, tam mã, tứ mã... Riêng giới bình dân thì có xe độc mã, nghĩa là chỉ có một con ngựa duy nhất để kéo. Hồi còn bé, gã đã được nhìn thấy những chiếc xe ngựa ở vùng Hóc Môn và ngay cả trong thành phố Saigon nữa. Xe ngựa thời đó cũng rất thanh lịch và đẹp mắt, thường được dùng để chở khách đi chợ. Có những bác tài tốt bụng và yêu trẻ, đã cho bọn nhóc tì quá giang khi đến trường cũng như lúc tan trường. Và gã rất thích cái thú nhảy xe ngựa, mặc cho bác tài phùng má trợn mắt mà la hét, tay cầm chiếc roi dư dứ trước mặt. Bây giờ thì xe ngựa đã được thay thế bằng xe gắn máy, xe ô tô. Một thoáng bâng khuâng tiếc nhớ như bà huyện Thanh Quan trong “Thăng long thành hoài cổ”:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Đền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Cũng vì rất khoái chạy, nên người ta thường
dùng ngựa để tổ chức những cuộc đua, xem con ngựa nào chạy nhanh nhất và về
đích sớm nhất.
Hồi còn bé, lúc học trong nội trú, cứ vào
chiều thứ năm là bọn gã được đi “bát
phố”. Có hai điểm được chiếu cố nhiều hơn cả, đó là vườn “Bờ rô”
và trường đua Phú Thọ, bởi vì hai điểm này không quá xa, đủ sức để mà đi bộ.
Vườn “Bờ
rô” có sân Tao Đàn, nơi tập dượt của đội Quan thuế. Vào đó để được nhìn
thấy thủ môn Rạng, nổi tiếng nhất miền Nam thời bấy giờ với những đường “bay bắt bóng”. Ngoài ra, vườn “Bờ rô” còn có một câu lạc bộ, hay nói
một cách vắn tắt, còn có một hội những người đua ngựa do một ông tây nào đó làm
xếp. Đứng ở ngoài vòng đai, thiên hạ tha hồ chiêm ngắm những con ngựa đua vừa
cao to, lại vừa khỏe mạnh. Đen cũng có mà nâu cũng có. Khác hẳn những con ngựa
gầy trơ xương sống kéo xe bở hơi tai của dân ta.
Còn trường đua Phú Thọ tọa lạc trên một khu
đất rộng, với những hàng cây xanh mát và nhất là với một khán đài rất bề thế được
xây theo kiểu tây. Hàng tuần cứ vào chiều thứ bảy và Chúa nhật, người ta lại tổ
chức những cuộc đua. Thế nhưng, đua không quan trọng bằng cá. Người chơi cá
ngựa sẽ mua vé theo số thứ tự con ngựa mình thích. Những con ngựa này còn được
gọi bằng những tên rất đẹp và rất kêu, chẳng khác gì tên của những nữ ca sĩ.
Nếu con ngựa mình thích mà về nhất thì được chia tiền lời. Đây quả là một cuộc
đỏ đen, hên xui may rủi. Thành thử đa số những người chơi cá ngựa đều bị ngựa
đá. Khi đá, ngựa dùng hai chân sau búng vào người. Còn khi cá cược, người chơi
lắm lúc bị ngựa đá văng cả một đống tiền, cả một căn nhà hay cả một sản nghiệp
mình đã chắt chiu gầy dựng qua bao năm tháng. Nhất là khi ngựa về ngược. Con
ngựa dở, bỗng ngẫu hứng qua mặt những con ngựa giỏi khác cái rụp, chẳng kịp bóp
còi mà về nhất. Trong trường hợp ngựa về ngược như thế, người chơi chỉ còn cách
cười ra nước mắt mà thôi. Dù bị ngựa đá đau điếng, người chơi vẫn cứ ham và vẫn
cứ sẵn sàng nướng cho đến đồng xu cuối cùng. Dĩ nhiên ở đây gã không có thời
giờ bàn đến cảnh ngựa về ngược trong những mùa tranh cử, bởi vì có những ứng cử
viên vào chức tổng thống, nghị sĩ, dân biểu... vừa vô tài lại vừa thiếu đức,
nhưng chẳng may ngáp phải ruồi, do mánh mung vung tiền hay do phe nhóm phò trợ,
trúng ngay cái ghế mình nhắm. Khiến cho bàn dân thiên hạ phải lao đao khốn khổ.
Giữa tiếng ta và tiếng tàu có nhiều mối liên
hệ mật thiết với nhau. Vì thế, khi đã nói đến chữ ngựa, thì cũng phải tra xem
trong tiếng tàu có những chữ nào bàn về loài động vật này.
Trước hết là chữ ngọ. Ngọ là chữ thứ bảy trong
mười hai chi: tí sửu dần mão... Nói theo kiểu “nho chùm” trong “Hán Việt
tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng thì ngọ là vị thứ bảy trong thập nhị chi.
Và trong thập nhị chi, thì ngọ ám chỉ con ngựa. Vì thế cứ mười hai năm một lần,
con ngựa lại lên ngôi và bất kỳ năm nào mang nhãn hiệu trình tòa là “ngọ” thì cũng đều cầm tinh con ngựa cả.
Tiếp đến là chữ câu. Câu là con ngựa trẻ đang
sung sức. Bên tàu thì nói: Bạch câu quá khích, có nghĩa là con ngựa trắng
vụt ngang khe cửa. Còn bên ta thì bảo: Bóng câu qua cửa sổ. Cả hai đều diễn tả
ý tưởng thời gian qua mau.
Sau cùng là chữ mã. Mã là con ngựa. Ngày xưa,
người ta sính văn chương thơ phú. Vì thế mới xảy ra :
Có hai cậu học trò, một người thì giỏi còn một
người thì dốt. Cậu học trò giỏi vào ra mắt viên tướng. Viên tướng bảo cậu hãy
làm một bài thơ với tựa đề: Bạch mã. Chẳng cần suy nghĩ, cậu học trò giỏi bèn
đọc một lèo:
Bạch
mã mao như tuyết,
Tứ thúc
cương như thiết.
Tướng
quân kỵ bạch mã,
Bạch mã tẩu như phi.
Có nghĩa là: Ngựa trắng lông như tuyết, bốn
chân cứng như sắt, tướng quân cưỡi ngựa trắng, ngựa trắng chạy như bay. Nghe
xong bài thơ trên viên tướng lấy làm đắc ý, vỗ đùi đánh đét một cái, rồi thưởng
cho cậu học trò giỏi một số tiền lớn. Thấy vậy, cậu học trò dốt cũng mon men
vào ra mắt viên tướng. Viên tướng nhìn ra sân, thấy bà cụ già đi ngang qua, bèn
ra đề tài bài thơ là bà lão. Cậu học trò dốt nghĩ mãi chẳng được một câu nào,
cuối cùng bèn “thuổng” bài thơ trên
mà rằng:
Bà lão
mao như tuyết,
Tứ thúc cương như thiết.
Tướng quân kỵ bà lão,
Bà lão tẩu như phi.
Có nghĩa là: bà lão lông trắng như tuyết, bốn
chân cứng như sắt, tướng quân cưỡi bà lão, bà lão chạy như bay. Quả là hết ý,
thiếu điều viên tướng nọc cậu ra, phét cho mấy trượng vào mông cho chừa thói “đạo văn”
của người khác.
Ngày xưa người ta cũng thường dùng da ngựa để
bọc tử thi, vì thế mới có câu: Mã cách lõa thi, ám chỉ cái chết của người nam
nhi có chí khí đi đánh giặc, nếu chết thì lấy da ngựa bọc thây đem chôn là đủ:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao. Ngày nay người
ta dùng hai chữ “mã lực”, có nghĩa là
sức ngựa, để chỉ công suất của một chiếc máy có thể nâng một vật nặng bảy mươi
lăm ký lô lên cao một mét trong một giây đồng hồ.
Nhìn những con ngựa chiến thật oai phong lẫm
liệt với những đặc tính vừa dễ thương lại vừa dễ mến. Tuy nhiên, những đặc tính
dễ thương và dễ mến này, một khi được áp dụng cho con người, thì lập tức chúng
bị biến thái, trở thành vừa dễ thù lại vừa dễ ghét.
Như trên chúng ta đã thấy, ngựa là một trong
những loài vật giúp ích rất nhiều cho con người, thế nhưng khi rủa: Đồ ngựa.
Hai chữ “đồ ngựa” này lại ám chỉ hạng
đờn bà con gái lẳng lơ và trắc nết.
Cũng vậy, mặt ngựa tuy dài, sống mũi thẳng và
cao bằng trán, nhưng cũng đẹp đáo để, chẳng thế mà anh chàng tài tử Fernandel,
người Pháp, vốn được mang biệt danh là “mặt
ngựa” vì mặt của anh chàng này khí dài, đã nổi tiếng khắp thế giới, đã hốt
bạc với những cuốn phim của mình và tên tuổi còn được ghi lại trong từ điển
Larousse. Thế nhưng, khi chửi: Lũ đầu trâu mặt ngựa. Bốn chữ “đầu trâu mặt ngựa” này lại ám chỉ bọn
ác ôn côn đồ, không biết thương người.
Một đặc tính khác của ngựa đó là rất nhớ
đường. Chỉ một lần đi qua, lập tức đoạn đường liền được ghi vào bộ nhớ của nó,
nhất là khi bị bán đi xa, nó thường tìm cách trở về con đường cũ mà tìm lại chủ
xưa. Vì thế, người ta mới bảo: Ngựa quen đường cũ. Bốn chữ “ngựa quen đường cũ” này lại ám chỉ những thói hư khó bỏ. Một người
đã quen làm việc xấu, thì dù được khuyên bảo để trở nên lương thiện, thì rồi
vẫn chứng nào tật ấy, mèo vẫn hoàn mèo và chó đen vẫn giữ mực để rồi cuối cùng
vẫn nhớ tật cũ mà làm quấy, làm xằng , làm bậy lại mà thôi.
Ngoài ra, như gã đã trình bày: Ngựa rất khoái
chạy và chạy càng nhanh càng tốt, nhất là lại chạy như gió nữa thì quả là tuyệt
vời. Chả thế mà người ta đã gọi những con ngựa tuyệt vời ấy là “ngựa truy phong”, có nghĩa là ngựa chạy
theo được gió. Thế nhưng, khi kết án ai là hạng quất ngựa truy phong. Bốn chữ “quất ngựa truy phong” này lại ám chỉ kẻ
dùng những mánh khóe lừa gạt người khác rồi bỏ trốn. Cụ thể như anh đờn ông mở
miệng ra là “nói khó” cùng chị đờn bà
để được yêu thương. Thế nhưng, khi đã đạt mục đích, khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, thì liền “quất ngựa truy phong”, lập tức... biến mất tăm mất tích, mặc cho
chị đờn bà bụng mang dạ chửa. Rõ là đồ sở khánh. Rõ là phường đểu giả.
Cho đến bây giờ, sau nhiều đêm suy gẫm, gã vẫn chẳng hiểu được
tình trạng biến thái từ ngựa sang người lại tồi tệ đến như vậy. Tới đây, gã xin
kể lại mẩu chuyện sau đây như một kết luận.
Tương truyền rằng Tái Ông có một con ngựa đực.
Ngày kia, con ngựa buồn tình bỏ đi hoang mất tiêu. Bà con lối xóm thấy vậy liền
đến hỏi thăm và chia buồn. Thế nhưng, Tái Ông bảo: Biết đâu là phước đó. Cách
mấy hôm sau, con ngựa trở về và dẫn thêm mấy con ngựa cái nữa. Bà con lối xóm
thấy vậy liền đến hỏi thăm và chia vui, Thế nhưng, Tái Ông nói: Biết đâu là họa
đó. Quả nhiên mấy hôm sau, các con ông thấy ngựa đẹp bèn tranh nhau cưỡi, chẳng
may sẩy tay, té ngã gẫy chân. Lối xóm hay tin liền đến hỏi thăm và chia buồn.
Thế nhưng, Tái Ông bảo: Biết đâu là phước đó. Đúng vậy, quê nhà có giặc, loạn
ly khắp nơi, đất nước cần lính nên mộ binh, con ông nhờ gẫy chân mà không phải
thi hành nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, chúng ta mới thấy việc họa phước
chẳng biết đâu mà đoán lường trước được. Có khi họa xảy đến liên miên cho điêu
đứng khổ sở. Nhưng thường là: Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai. Có nghĩa là
tai
vạ không đến một mình, thường tai vạ này nối tiếp tai vạ khác. Còn vận may
thì trái lại, không dễ có hai lần cùng lúc. Cũng như Tái Ông mất ngựa, gã xin
cầu chúc cho bàn dân thiên hạ khắp bốn phương trời, trong năm con ngựa này, dù
có gặp phải xúi quẩy, thì những xúi quẩy này cũng mau chóng biến thành hên may.
Hay như lời Đức Kitô đã phán: Hôm nay các con phải buồn khổ, nhưng ngày mai nỗi
buồn của các con sẽ trở nên niềm vui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét