Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Một Người Mẹ Không Thể Sinh Con!


Một  Người  Mẹ  Không  Thể  Sinh  Con!
  
                           Maria Catharina Nguyễn Thị Duyên                               

Duyenky viết những dòng này như lời cám ơn chân thành nhất kính gởi đến tất cả quí vị linh mục, quí tu sĩ nam nữ, cùng bà con họ hàng cũng như các thân hữu, bạn bè đã cầu nguyện,  chia sẻ, thương tiếc về sự ra đi đột ngột của Maria Catharine Nguyễn Thị Duyên, chị ruột và cũng là người mẹ thứ hai của Duyenky.


Vâng, đúng là một người không phải là mẹ, vì không thể trực tiếp sinh ra được một đứa con nào, nhưng lại được làm mẹ của rất nhiều người con thành đạt. Đó là bà, là bác, là cô, là dì, là chị Nguyễn Thị Duyên, sinh ngày 4.12.1944 tại Quảng Yên - Bắc Việt - Việt Nam. Ngay từ nhỏ, chị đã là một cô bé sạch sẽ, xinh xắn, dịu dàng, ngoan ngoãn; sinh ra do ước nguyện, theo một lời hứa đền bù về sự ra đi vĩnh viễn của một em bé xa lạ không thể tiếp tục sống cùng cha mẹ nuôi của mình.

Chị Duyên giống bố, rộng rãi, vui vẻ, bặt thiệp, luôn giúp đỡ mọi người. Cả tuổi ấu thơ, chị cũng không bị bố mẹ đánh phạt; thời thanh thiếu niên chị cũng chẳng bao giờ làm phiền lòng bố mẹ. Chị nhút nhát, dù ai làm sai trái điều gì, nếu là cho chị thì chị âm thầm chịu đựng, nếu với Thiên Chúa hay người khác thì chị cầu nguyện cho họ. Chứ không bao giờ dám góp ý, sửa sai. Vì luôn sợ người khác buồn lòng và tự nghĩ mình cũng chẳng thể làm được công việc khó khăn tế nhị ấy!

Tính tình dịu dàng, không ganh đua chơi nổi, không cầu kỳ, chị thích những gì đơn sơ, thanh tao, trang nhã, như mầu trắng tinh khôi, màu xanh da trời nhẹ nhàng, mầu xanh ngọc phơn phớt, mầu tím sầu thương, một bông cúc nhỏ, một nụ hồng xinh xinh, một nhánh thủy tiên thơm dịu, một cụm thạch thảo bé nhỏ, vài bông pensée tim tím lả lơi…thậm chí hột xoàn chị cũng thích mấy hạt tấm li ti! Hiển nhiên chị trang phục lịch thiệp, cử chỉ thanh nhã, thái độ ôn tồn. Có lẽ vì thế mà cá tính chị không mạnh mẽ, không cứng cỏi, luôn sống cho người và dựa vào người! Nên sẵn sàng theo ý mọi người; cũng chẳng để bụng chuyện gì, vui, buồn đều tìm cách nói ra cho hết. Có lần chị thích thú nói với nhóm bạn “ngũ long công chúa”(bạn làm cùng Whright Hall Charity - Chicago - IL) của chị vào ngày Mother’s Day năm nào đó rằng: "này những bà được làm mẹ thật sự, có ai được đầy đủ cả carts chúc mừng, bông hoa, quà cáp, ăn uống và tiền nữa như Duyên không nè?"


Tuy chị hơn mình một vài tuổi nhưng chị chăm lo cho mình như một người mẹ, và đối xử với con cái mình như những đứa con thật sự chị mang nặng đẻ đau; các cháu cũng coi chị như mẹ chúng. Luôn luôn có cụm từ “Má và Bác - Bác và Má”, mà không một phân biệt đối xử, không một khác biệt tâm lòng; đám cưới của các con, nghe phong phanh phải chọn khách, mình nói rõ rằng luôn:“Bác muốn mời ai là hoàn toàn quyền của Bác, không được  ngăn cản, loại bỏi, từ chối một người khách nào của Bác, thiếu thốn, lỗ lã ba má sẽ bù cho!” Chính mình cũng luôn luôn ưu tiên cho chị chọn lựa trước những khi phải lựa chọn.

                   Vui thích cùng các cháu 

Đôi khi chị cũng tự làm khổ chị vì tính hay nghi ngờ ghen tương: thấy có gì hơi khác ở chồng là chị âm thầm lo lắng theo dõi, xong rồi cho nổ tung ngay trước mặt chồng. Chồng chị hiểu rõ cá tính của vợ mình, nên những chuyện như vậy cũng qua mau. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ chị hạnh phúc vô tư, chẳng có gì bận tâm. Nhưng không, chị thường xuyên chuốc buồn tủi vào mình bởi sự giáo dục và tự rèn luyện quá tròn trịa của chị, và bởi cái lý tưởng mong muốn mọi người đạt tới chân thiện mỹ của chị: người quen gặp chị mà không mặn mà thì chị suy nghĩ buồn rầu; ăn một miếng nhỏ, to, ngon, dở trước mặt chị mà không mời thì chị áy náy khổ tâm; thân hữu có chuyện vui buồn mà không cho chị hay biết tham dự, chị cho là dốt nát; bước ra khỏi ghế mà không đặt ghế lại đúng vị trí của nó thì chị bảo là phải giáo dục lại! Thời nay, vì cuộc sống khó khăn, xã hội phức tạp… nhiều cặp vợ chồng góp gạo nấu cơm chung thì chị cho là trắng trợn, cạn tầu ráo máng!…dù thế nào, chị cũng muốn vợ chồng tế nhị với nhau, cùng lắm thì chồng chịu phần này, vợ chịu phần kia, có nặng nhẹ chút đỉnh cũng không sao, chứ đừng trơ trẽn quá mà thêm đau lòng nhau! Vì thế tâm lòng chị luôn cô đơn, ngay chính gia đình chị, ngay chính căn nhà của chị và ngay chính Cộng đòan thân yêu mà chị luôn luôn cố gắng sống "dĩ hoà vi quý", chan hòa và ân cần phục vụ.

Nguyễn thị Duyên, nữ sinh Trưng Vương Saigon thập niên 60 


Tuổi trẻ chị xinh đẹp, trong trắng, nhẹ nhàng dễ thương; dù cha mất sớm, chị cũng vẫn được học hành cưng chiều như tiểu thơ, nên tình yêu đến với chị cũng rất sớm. Nhưng chị, một thành viên của đoàn thanh nữ, chỉ quan tâm và yêu thương một anh trong đoàn thanh niên cùng giáo xứ. Chị học trường Nữ Trung Học Trưng Vương, anh học trường nam Chu Văn An Saigon, đã trở thành cặp uyên ương lý tưởng trong mắt mọi người thời ấy. Nhưng rồi những ngày tháng cùng lén lút sánh vai mộng mơ bên nhau cũng nhẹ nhàng lịm tắt khi anh phải theo tiếng gọi Tổ quốc, lên đường bảo vệ quê hương! Sau một thời gian, anh dắt tay một người con gái khác trở về xin lỗi chị để được thứ tha và xin được tiếp tục làm bạn với chị.

Chị như một con búp bê pha lê tinh tuyền bị một cậu bé tinh nghịch tuột tay làm rớt vỡ tan tành từng mảnh! Trái tim chị khép lại từ đó. Bởi chị chỉ muốn sống với tình yêu trong sáng, lãng mạng ban đầu ấy. Trong thời gian hụt hẫng, buồn đau, chị lại được chắp cho đôi cánh mới như những con chim non ríu rít say sưa bên vườn đầy hoa trái thơm ngon ngọt. Chị miệt mài hăng say đi theo cha linh hướng là bề trên Giám tỉnh dòng Phanxico thời đó để tìm ơn gọi, cùng lúc theo học khóa sư phạm nhà trẻ của các Srs. Couvent des Oiseaux Saigon. Rồi vào các xóm nghèo dạy học, và theo Mẹ Maria Thành miệt mài với các công việc bác ái từ thiện chung quanh khu phố lao động Sàigon, Đalat cũng như ủy nạo nạn nhân dịp Tết Mậu Thân, đặc biệt nơi xứ Huế.

Mùa Giáng Sinh 1970, sau khi cha linh hướng bị tai nạn qua đời, chị như bừng tỉnh, thật sự trở về với mẹ gìa, ổn định cuộc sống bằng nghề giáo viên cấp hai môn sinh-toán tại một số trường tư thục như: Lasan Hiền Vương Q.3, Đồng Tiến Q.10 Saigon. Và theo học thêm ngành luật. Chuẩn bị bước vào năm thứ ba Đại Học Luật Khoa thì biến cố Mùa Xuân 1975 xẩy ra. Cùng với các giáo viên công, tư thục khác, chị tuân theo những thủ tục của phe chiến thắng để chính thức trở thành giáo viên cấp hai trường PTCS Bình Chánh rồi PTTH Hậu Giang Q.11 Saigon. Thời gian này chị cũng có những mối tình đẹp, nhưng chị lại không mạnh dạn vượt qua một vài câu nệ, để rồi tình đến rồi tình đi, họ mãi mãi là những người bạn tốt của nhau! Sau đó chị gặp người đã làm chồng chị sau này, vượt qua vài trắc trở ban đầu, anh chị cũng đã đến được với nhau. Dù chị ý thức rõ ràng đây là một tình yêu sầu muộn, nhưng chị vẫn không muốn chống lại số phận! Từ nhỏ, chị như một nàng công chúa yểu điệu, chỉ biết vui chơi với hoa bướm, cây cảnh, không vấn vương bụi trần, nhưng khi sống bậc gia đình, chị đã tập tành được nhiều thứ, từ việc đi chợ, nấu nướng đến việc ngược xuôi tìm cách này cách khác để kiếm thêm tiền phụ với tiền lương ít ỏi của một giáo viên hầu vợ chồng tạm sống, trong khi chồng vừa thoát khỏi vòng lao tù! Chị thức đêm hứng từng giọt nước ăn uống, tập tiết kiệm mọi chi tiêu từ miếng cơm manh áo đến các quan hệ xã giao. Mẹ mình rất thương xót cho số phận chị. Bà nói:“đúng là một nàng tiên nữ bị đầy xuống trần gian!”

Cuộc sống khó khăn, vất vả, trầy trụa ấy đã lấy đi những bào thai nhỏ bé chị hằng mong chờ, ước ao từng tháng, từng năm. Cho tới ngày chồng chị được di tản theo chương trình HO của Mỹ. Những tưởng chị đã bị bỏ lại cùng với mẹ già, nhưng rồi chị cũng được cùng chồng định cư trên đất nước tự do này. Bình thường chị là người hiền lành, an phận, chấp nhận thiệt thòi, không tranh giành bon chen, nhưng trong thực tế cuộc sống, cũng có những lúc chị “cương quyết, thông minh, sáng suốt đột xuất!”đã giúp chị lấy lại danh dự, quyền lợi và phong độ của một người vợ trí thức chính chuyên, hầu không bị khinh khi, thiệt thòi đến tận cùng!

Ổn định trên đất nước Hoa Kỳ một thời gian ngắn, chồng chị tỏ ý muốn sinh con cái, với lý này ý nọ… nhưng theo đó thì chị không thể, vì sức khỏe, vì miếng cơm manh áo nơi đất khách quê người, vì bổn phận trách nhiệm của người mẹ trên đất nước Mỹ quá khó khăn, nặng nề, trong khi tuổi xế chiều của chị đã lấp ló, kề bên, chẳng lâu nữa chị cũng sẽ phải tuân theo qui luật đào thải khắt khe của một xã hội văn minh tiến bộ mà thôi, làm sao chị có thể gồng gánh nổi cảnh mẹ già con dại!? Thế là chị vĩnh viễn không sinh nở. Thật ra trong sâu thẳm tâm lòng, chị vẫn ước mong khi được đặt chân trên đất nước đầy bánh, sữa và mật này, thì việc đầu tiên chị muốn làm và phải làm ngay là sinh một đứa con. Ước mơ đó là cao cả, là chính đáng với chị, nhưng chồng chị lại cũng có ước mơ cao cả chính đáng của riêng anh, tiếc rằng hai ước mơ ấy không phải là một nên chị đành vĩnh viễn quên đi mong ước của mình. Như an ủi đền bù, Thiên Chúa đã cho chị nhiều đứa con tinh thần, con đỡ đầu Rửa Tội, Thêm Sức, thành hôn và con em là học trò cũ, là anh  em kết nghĩa v.v…còn chồng chị, thời gian vẫn còn đó, có thể chờ đợi để cho anh thêm một cơ hội thực hiện ước mơ nữa, hy vọng anh sẽ toại nguyện! Thế nhưng, như muôn thủa, thực tế thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ, chồng chị về hưu mà vẫn đi làm toàn thời gian và còn làm thêm ngoài giờ. Lo lắng thương chồng vất vả, lại ăn uống chay tịnh nghiêm ngặt, chị càng chăm lo ba bữa ăn và giờ giấc ngủ nghỉ cho chồng chu đáo hơn. Hai năm sau, chị cũng về hưu. Thương con cháu, chị phụ với em mình trông nom hai cháu nhỏ. Tháng 9 năm 2011 cháu lớn đi học, nên hai chị em chỉ còn trông một cháu trai nhỏ, mỗi người hai, ba ngày trong tuần. Hai ngày ở nhà một mình với cháu nhỏ, chị sợ hãi, lo lắng, vì bị ám ảnh lo sợ kẻ xấu đột nhập, phá phách, trộm cướp. Mặc dù khu vực rất an toàn và chưa xẩy ra bất ổn bao giờ. Nhưng nỗi lo cứ canh cánh bên lòng, lại bị nhắc nhở thường xuyên phải đề phòng cái này, cảnh giác cái kia, nên không ai còn có thể làm chị an tâm được nữa.

                                                                                           Cháu ngoại Nhật Thy và Duy An

Bình thường chị ăn ngủ dễ dàng. Nhưng một đêm của tháng 7 năm 2012, chị mất ngủ, sáng hôm sau chị vẫn đi dâng thánh lễ tại nhà thờ St. Ita đường Broadway gần nhà. Đang đứng, chị cảm thấy có một luồng hơi lạnh chạy từ gót chân dọc lên đến xương sống, rồi chị không biết gì nữa. Mở mắt ra, chị đã thấy các bà Việt Nam thân quen đứng chung quanh. Chị bình thường trở về nhà. Rồi đi bác sĩ gia đình khám bệnh. Bác sĩ hỏi: “Cô có tập thể dục không? Có đi bộ không? Có đọc báo, chuyện hay coi TV thường xuyên không? v.v….?” Hỏi gì chị cũng trả lời“No”, bác sĩ nhăn nhó năn nỉ: “Cô ơi, cô à, cô làm ơn thế này thế nọ gíup con…”

Kể lại với mình, cùng ý muốn không trông coi cháu nữa, sợ tội nghiệp cháu khi chị bị bệnh bất thường như thế, mình liền nói: “Vậy hằng ngày chị lấy dĩa tập thể dục  của kyduyen mà các cháu đã cho từ mấy năm qua, ra tập đi. Và chị sang em vào những ngày em ở nhà, hai chị em cùng lên lầu thượng, ở đó có mấy cái máy tập thể dục, chị em cùng tập cho vui.”

Chị sang được hai lần, mỗi lần tập hai ba phút rồi thôi! Mình biết chị chẳng bao giờ muốn làm điều gì mà phải tập trung, và cần kiên nhẫn. Cái gì chị cũng muốn mau mau lẹ lẹ cho xong để làm việc khác, hoạc để nghỉ ngơi! Ba tuần sau, một đêm chị lại mất ngủ, căn bệnh lạnh tay chân, chạy dọc theo cột xương sống trở lại, chị gọi mình đến đưa đi bác sĩ, nhưng nói: đi cho an tâm chứ bác sĩ cũng chẳng biết là bệnh gì đâu! Thật vậy, bác sĩ đã cho thử máu, kiểm tra tim mạch, gân xương cổ đầu này nọ nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ tiếp tục khuyên chị uống thuốc, tập thể dục đều đặn, nếu không tự làm được, và không khá hơn, ông sẽ phải gởi chị đi bác sĩ chuyên môn! Nghe vậy chị hoảng sợ, hoang mang, vì nghĩ mình sẽ bị bệnh gì ghê gớm lắm!? Thế là chị thêm lo lắng, đi tìm gặp người này người kia để giãi bày tâm sự, hỏi ý kiến, xin cầu nguyện…. Đồng thời chị chuẩn bị nhiều thứ cho căn bệnh của chị, nếu nó trở nên tồi tệ nhất. Tìm hiểu trên internet, mình nói để chị biết mà an tâm rằng, đấy là bệnh của tuổi già, bệnh của đường huyết mạch, không chết đâu, đừng sợ, chị cứ tập thể dục đều đặn, hoạt động, ăn uống đầy đủ là ổn thôi. Đừng tằn tiện, vì chị sẽ không bao giờ bị mất tiền hưu, cũng chẳng phải nuôi nấng ai. Lâu lâu muốn cho ai qùa cáp thì cho, không thì thôi. Điều này mình và các cháu đã nói nhiều lần, vì từ ngày về hưu, chị tằn tiện lắm, mà chị chẳng cho biết lý do.


 
                                                             Cầu thang gạch đi xuống đất tại trạm xe lửa Bryn Mawr, nơi chị Duyên bị nạn

Rồi chị cũng vui vẻ chăm tập thể dục và ăn cháo bổ dưỡng hàng ngày. Đầu tháng 12/2012 building của mình mở khóa dạy “line dance” mỗi tuần một giờ đồng hồ, mình dăng ký để hai chị em cùng học. Chị rất thích vì thấy chỉ tập một tiếng đồng hồ mà cũng ra nhiều mồ hôi, lại vui, và biết nhẩy nữa. Cơ thể, tâm tình chị đã lấy lại được cân bằng, vui tươi thoải mái như cũ, thì thứ năm, tuần thứ ba của tháng12, dù mưa gió nhẹ cả ngày, chị cũng chùm quần áo đi gởi quà Giáng Sinh cho con cháu đỡ đầu và cho một trung tâm nuôi dưỡng các cụ già neo đơn tại Việt Nam, rồi ghé chợ mua sắm, chuẩn bị cho bữa tiệc Giáng Sinh; khi trở về bằng xe lửa, có lẽ chị bị trơn trượt cầu thang do mang xách nặng nên té xuống. Được cấp cứu, nhưng không qua khỏi, chị đã lặng lẽ ra đi vào lúc 1giờ 05 phút sáng, ngày 21/12/2012, ngày tận cùng của đời chị! Nhưng không phải là ngày tận thế của toàn cầu như tin đồn!


Xin được an nghỉ mãi mãi trong Đức Kito


Gia đình, bạn bè thân hữu, các linh mục tu sĩ nam nữ quen biết chị, và cả cộng đoàn Mân Côi Giáo xứ St Henry Chicago đều bàng hoàng kinh ngạc, vì chưa nghe tin chị đau ốm, chị cũng chưa vắng mặt buổi sinh hoạt nào của Công Đoàn, mới tĩnh tâm, xưng tội Mùa Vọng xong, chưa kịp đón Chúa Hài Đồng thì chị đã vội vã ra đi! Mọi người thương tiếc cầu nguyện khóc thương chị vì trước con mắt thịt của họ thì một phụ nữ đẹp người đẹp nết, hiền lành, vui vẻ, luôn làm vui lòng mọi người, nhưng sao cuộc sống lại phải chịu nhiều thiệt thòi thế, cả đến giờ chết, bất hạnh cũng không buông tha!

 Cha Chính xứ, cha Cố, thầy Sáu cùng các ban ngành đoàn thể trong Cộng đoàn Công Giáo St Henry cũng như gia đình bạn bè thân quen đến thăm viếng chị chật ních tại nhà quàn và trong thánh lễ tiễn đưa chị lần cuối cùng.

Như một bông hồng trắng tinh tuyền nay nở mai tàn, chị sinh vào trần gian giữa Mùa Đông lạnh lẽo tại quê nhà nghèo khổ và ra khỏi trần gian cũng vào Mùa Đông giá rét với tuyết rơi trắng xoá nơi xứ người giầu sang nữa, nhưng chị vẫn trong sáng, không hoen ố, không vấy bẩn bụi bặm trần thế! Mình đã dâng lên chị hằng trăm bông hồng trắng tinh tuyền ấy, để chị can đảm rũ sạch mọi muộn phiền mà ra đi, tiến thẳng tới nhan Thánh Thiên Chúa và thưa rằng:

“Lạy Chúa, Ngài đã viết thông điệp của Ngài trên cả cuộc đời con, mà con nhút nhát, chỉ dám nhận chứ chẳng dám nói năng rao truyền! Nhưng hôm nay, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong cuộc đời, con can đảm rao truyền thông điệp ấy trước mặt mọi người rằng:”Hỡi các Bạn, nếu trong cuộc sống, các Bạn có cảm thấy bất hạnh, yếu hèn hay hiếm muộn…thì các Bạn cũng đừng sợ. Các Bạn sẽ được hạnh phúc, mạnh mẽ và đông con nhiều cháu, cùng nhiều anh em họ hàng bạn hữu như tôi đây. Nếu các Bạn biết sống khôn ngoan!”

Vì lòng nhân từ Chúa đã đưa chị con vào trần gian an toàn, thì cũng xin vì lòng nhân từ ấy dẫn đưa chị con ra khỏi trần gian để trở về với Ngài cách viên mãn nhất. Lạy Chúa Tình thương, chúng con xin chúc tụng, cảm tạ và tín thác nơi Ngài đến muôn đời. Amen

Chicago, Những ngày cô đơn da diết nhất!

duyenky



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét