Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

5 chương của mỗi cuộc hôn nhân

5  chương  của  mỗi  cuộc  hôn  nhân


"mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" thì cuộc hôn nhân nào cũng đều đi qua những chương có thể dự đoán được như thời kỳ trăng mật, ổn định cuộc sống...

Thời gian mỗi chương xảy ra có thể khác nhau và cách các cặp vợ chồng trải nghiệm qua các giai đoạn này cũng không giống nhau. Mỗi giai đoạn lại có những khó khăn riêng, nếu hiểu biết về từng giai đoạn, bạn sẽ có cách để đưa con thuyền hôn nhân về đích an toàn.
Chương 1: Tuần trăng mật thiên đường
Thường năm đầu tiên hoặc hai, ba năm sau ngày cưới (tùy thuộc vào sự xuất hiện của đứa con đầu lòng cũng như hai bạn có sống thử hay không) là giai đoạn hai người đầy ắp sự đam mê dành cho nhau. Cả hai lúc nào cũng muốn song hành bên nhau và luôn làm mọi cách để thu hút, hấp dẫn người kia.
Bởi giai đoạn này tràn ngập tình yêu với những ham muốn, sự ngưỡng mộ và lãng mạn, bạn nên khôn ngoan củng cố tình cảm đôi lứa cả bên ngoài phòng ngủ. Bạn là ai trong tư cách một cặp vợ chồng? Bạn muốn tập trung cho sự nghiệp trong vài năm? Bạn muốn dành thời gian đi du lịch hay tham gia các lớp học? Bạn muốn giành được những bằng cấp cao hơn?... Bạn cũng nên dành thời gian để cùng nhau hình dung về tương lai của cuộc hôn nhân, chẳng hạn khi nào thì sinh con, hoặc vợ chồng có muốn sau này sẽ sống ở nông thôn hay thành phố?
Chương 2: Ổn định cuộc sống
Đây chính là giai đoạn hoàn thành sự nhận biết, bạn biết được những điều mà trước đây bạn không biết (hoặc dễ dàng bỏ qua) về điểm mạnh, điểm yếu, những thói quen cá nhân của người bạn đời. Trong giai đoạn hậu trăng mật, tiền có con này, cuộc đấu tranh về quyền lực có thể nảy sinh khi cả hai cùng nỗ lực cho những mục tiêu cá nhân cũng như mục tiêu chung. Đây chính là thời gian để vợ chồng bạn học cách làm việc theo nhóm.
"Khi ánh sáng tình yêu dần lu mờ và sự thật được phơi bày rõ hơn, bạn cần bình tĩnh xem xét liệu có yếu tố nguy hiểm dẫn đến ly dị ở những cặp đôi mới kết hôn hay không", tiến sĩ Beverly Hyman, đồng tác giả của cuốn sách How to Know If It’s Time to Go: A 10-Step Reality Test for Your Marriage khuyên. Sau một thời gian, nhiều cặp vợ chồng phát hiện ra các giá trị và mục tiêu của họ không luôn luôn tương đồng với nhau. Ví dụ một người muốn sinh con, một người thì không, một người muốn dành các ngày chủ nhật bên cha mẹ đẻ của mình, nhưng người kia lại không đồng ý. Do đó, vợ chồng cần phải đạt đến một thỏa thuận chung. Tốt hơn là bạn nên bàn về vấn đề này trước khi quyết định cưới, nhưng nếu bạn chưa làm thì cũng không phải là quá muộn để thảo luận về các chủ đề nóng bỏng như con cái, tiền bạc, đối xử với cha mẹ hai bên... Nếu hai người không thể tìm ra tiếng nói chung thì các bạn nên đến gặp các chuyên gia tâm lý.

Chương 3: Gia đình là trung tâm
Đây là giai đoạn cốt lõi của hôn nhân, là thời gian mà các cặp vợ chồng cùng nhau nuôi dưỡng gia đình của mình, mua nhà, củng cố hay thay đổi công việc, tất cả đều cố gắng giữ một cuộc sống bận rộn bên nhau. Ở đây cũng nảy sinh những nguy cơ khác: Bạn đã sinh một vài đứa con, có những khoản thế chấp cần phải trả - những điều có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ vợ chồng. Nhiều người bắt đầu băn khoăn: “Liệu cuộc sống chỉ là thế này thôi sao”, sau đó một số sẽ trả lời câu hỏi bằng cách ngoại tình hay đòi ly hôn.
Đừng bỏ rơi mối quan hệ vợ chồng của bạn trong vòng xoáy của cuộc sống. “Hãy chú ý sâu sắc đến hôn nhân của bạn”, tiến sĩ Hyman khuyên. "Đừng cho rằng mối quan hệ của vợ chồng bạn vẫn ổn nếu một trong hai người luôn thụ động nghe theo lời người kia. Điều cần thiết để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững là giao tiếp cởi mở, trung thực và dịu dàng”. Hãy tạo cho mình cơ hội giao tiếp bằng cách thiết lập những thời gian bên nhau hay cùng tắt tivi khi bọn trẻ đã ngủ... để vợ chồng bạn có thể thảo luận về những vấn đề quan trọng (hoặc có sex).
Chương 4: Trở về thời kỳ chỉ có hai người
Một số người gọi đây là thời kỳ “ngôi nhà trống rỗng”, sau khi con cái trưởng thành và đã rời khỏi gia đình. Trong kịch bản tốt nhất, đây là giai đoạn vợ chồng bạn tụ họp lại với nhau. Hai người lại tìm hiểu nhau, đồng thời cùng ôn lại những kỷ niệm cũ và cùng vui vẻ với nhau.
Nếu cuộc hôn nhân của bạn đã vượt được qua những bão tố, đây sẽ là một thời kỳ rất thú vị và đầy niềm vui. Vợ chồng bạn sẽ có những cuộc phiêu lưu mới, cùng nhau học những điều mới và cùng tự hào về những thành tích của mình, như lịch sử bên nhau hay sự thành đạt của con cái. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng cũng cảm thấy khó khăn khi ở bên nhau lần nữa mà chẳng còn mục tiêu chung để tập trung vào. Vì thế, bạn nên tìm hiểu những gì bạn có thể làm cùng nhau (như đi du lịch hay tham gia những hoạt động mới như đánh tennis...) cũng như những việc nên làm riêng biệt (chơi một môn thể thao nào đó, hay các lớp học dành cho người lớn...). 
Chương 5: Bạn đã thành công
Bạn đã tận hưởng tất cả những ham muốn, sống trong tình yêu và đi qua những hỗn loạn của một cuộc sống gia đình, dù đối mặt với khó khăn nhưng vẫn không chia tay. Bạn đã đạt đến đích “hoàn thành”, giai đoạn mà dù nghỉ hưu, dù ngôi nhà trống vắng nhưng bạn vẫn hạnh phúc bên nhau và sẽ duy trì đến hết đời.
Tiếp tục thể hiện tình yêu và sự quan tâm lẫn nhau. Hãy nhớ rằng, nếu bạn vẫn là một cặp vợ chồng đầy yêu thương và hòa hợp, ngôi nhà sẽ không hề trống trải. Con cái và các cháu nội, ngoại của bạn sẽ rất thích trở lại ngôi nhà hạnh phúc này.
Sự bùng nổ ở bất kỳ thời gian nào
Đây là một giai đoạn ít riêng biệt hơn những giai đoạn khác bởi vì nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc hôn nhân. Đó là khi những căng thẳng quá lớn trong cuộc sống đã phá hỏng mục tiêu sống cùng nhau của hai người, như vấn đề về sinh sản, cái chết của một thành viên trong gia đình, bệnh nặng hoặc thất nghiệp dẫn đến những biến động về kinh tế nghiêm trọng.
Nên tìm kiếm sự hỗ trợ cho từng người hoặc cho cả hai tùy thuộc vào tình hình. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ và lời khuyên từ bạn bè, các thành viên khác trong gia đình, các nhà trị liệu chuyên nghiệp hay tôn giáo... Chú ý đến sức khỏe thể chất, tâm thần và sự thoải mái của bạn. Có thể sẽ phải ly hôn nếu bạn cảm thấy một trong hai đã bế tắc với những gì mình muốn từ hôn nhân. Tiến sĩ Hyman khuyên vợ chồng bạn nên cẩn thận, tự hỏi mình những câu hỏi quan trọng như: Hôn nhân khiến bạn bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc? Liệu sự bất hạnh có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của bạn không? Bạn lo sợ về điều gì khi chia tay? Bạn đã quá mệt mỏi với các biện pháp để gìn giữ hôn nhân? Với tất cả những câu hỏi này, chỉ có chính vợ chồng bạn mới có thể trả lời chính xác.


Kim Anh (Theo Your Tango)

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Vấn đề Thất nghiệp

Vấn  đề  Thất   nghiệp
(Trầm Thiên Thu –Thanhlinh.net)

Theo kinh tế học, thất nghiệp là tình trạng người ta muốn có việc làm mà không tìm được. Trong Hán -Việt, “thất” là mất mát, “nghiệp” là việc làm. Thất nghiệp là mất việc hoặc không có việc làm.

Trong lịch sử loài người, thất nghiệp chỉ xuất hiện ở xã hội tư bản. Trong xã hội cộng đồng nguyên thủy, việc làm duy trì trật tự và buộc mọi thành viên phải đóng góp sức lao động bằng cách có làm việc. Ngay cả trong xã hội nô lệ, chủ nhân không bao giờ để cho người nô lệ rảnh rỗi lâu.

Trong xã hội tư bản, giới chủ nhân chạy theo mục đích tối thượng là lợi nhuận, họ cũng không phải chịu trách nhiệm về việc sa thải người lao động, do đó họ vui lòng chấp nhận tình trạng thất nghiệp, thậm chí kiếm lợi từ tình trạng thất nghiệp. Người lao động không có các nguồn sản xuất để tự lao động nên đành phải chấp nhận đi làm thuê hoặc thất nghiệp.

Các thuyết về kinh tế học giải thích thất nghiệp theo các cách khác nhau. Kinh tế học Keynes nhấn mạnh: “Nhu cầu yếu sẽ dẫn đến cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân” – tức là “thất nghiệp chu kỳ”. Một số kinh tế học khác lý luận: “Các vấn đề về cơ cấu ảnh hưởng thị trường lao động” – tức là “thất nghiệp cơ cấu”. Kinh tế học cổ điển và tân cổ điển có xu hướng lý giải áp lực thị trường đến từ ngoại tại – chẳng hạn: mức lương tối thiểu, thuế, quy định hạn chế thuê mướn người lao động, dạng “thất nghiệp thông thường”. Có ý kiến lại cho rằng “thất nghiệp chủ yếu là sự lựa chọn tự nguyện”. Các quan điểm khác nhau có thể đúng theo các cách khác nhau, góp phần đưa ra cái nhìn toàn diện về tình trạng thất nghiệp.

Việc áp dụng nguyên lý “cung và cầu” vào thị trường lao động giúp lý giải tỷ lệ thất nghiệp cũng như giá cả của lao động. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Phi châu, Trung Đông và Mỹ châu Latin, cho biết: “Tại các nước đang phát triển, tình trạng thất nghiệp cao trong phụ nữ và thanh niên còn là hậu quả của những quy định về trách nhiệm của chủ nhân”.

Nhàn cư vi bất thiện. Không có việc làm đồng nghĩa với việc hạn chế giao tiếp với những người lao động khác, tốn thời gian, không có khả năng chi trả, mua sắm vật dụng cần thiết hoặc các loại hàng hóa. Vấn đề trở nên trầm trọng cho người nuôi sống gia đình, có thể bị nợ nần, mất khả năng chi trả. Các nghiên cứu cụ thể chỉ ra cho thấy rằng tỷ lệ gia tăng thất nghiệp đi liền với tỷ lệ gia tăng tội phạm, tỷ lệ tự tử và suy giảm sức khỏe.

Một số quan điểm cho rằng người lao động nhiều khi phải chấp nhận công việc có thu nhập thấp trong khi chờ tìm được công việc phù hợp. Người sử dụng lao động thì lợi dụng tình trạng thất nghiệp để gây sức ép đối với những người làm công cho mình – chẳng hạn: không cải thiện môi trường làm việc, áp đặt năng suất cao, trả lương thấp, hạn chế cơ hội thăng tiến,...

Cái “giá” khác của thất nghiệp: Khi thiếu các nguồn tài chính và phúc lợi xã hội, cá nhân buộc phải làm những công việc không phù hợp với trình độ, năng lực,... Như vậy, thất nghiệp gây ra tình trạng làm việc dưới mức khả năng. Với ý nghĩa này, cần thiết có sự trợ cấp thất nghiệp.

Hệ lụy của sự thất nghiệp có thể dẫn đến chán nản, buồn bã, trầm cảm, ảnh hưởng bản thân và gia đình, chấp nhận thù lao thấp, và sau cùng là chịu thiếu sự bảo hộ lao động. Tình trạng này ngăn cản người muốn tham gia làm việc, hạn chế di dân và hạn chế cạnh tranh quốc tế. Cuối cùng, tình trạng thất nghiệp sẽ khiến cán cân đàm phán điều kiện lao động nghiêng về giới chủ nhân, tăng chi phí khi rời công việc và giảm cơ hội tìm việc làm phù hợp với thu nhập khá hơn.

Thất nghiệp tạo áp lực tâm lý cao. Người thất nghiệp dễ lâm vào tình trạng cảm thấy mình là người thừa, nhưng sự tác động này có mức ảnh hưởng khác nhau giữa hai phái: Ở nam giới “căng” hơn ở nữ giới. Với phụ nữ, nếu không có việc làm ngoài thì việc nội trợ và chăm sóc con cái vẫn có thể được chấp nhận; ngược lại, ở nam giới khó được chấp nhận vì “bị” coi là người “chống mũi chịu sáo”, là “gia trưởng”, là người lo cho gia đình,... Do đó, lòng tự trọng cũng không cho phép nam giới chấp nhận sự nhàn rỗi. Khi thất nghiệp, nam giới thường cảm thấy tự ti, mặc cảm, nhạy cảm và dễ nóng nảy, họ có thể tìm đến rượu, bia, thuốc lá để “giải sầu”, tình trạng này kéo dài sẽ gây nghiện, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân mà còn có thể dẫn đến bạo hành gia đình. Họ cũng dễ bị rối loạn tâm lý như buồn phiền, mất ngủ, trầm cảm, và thậm chí là tự tử – nhất là khi họ không được người thân thông cảm.

Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với Tổng Sản lượng Quốc gia (GDP) thấp – nguồn nhân lực không được sử dụng hợp lý, bỏ phí cơ hội sản xuất thêm sản phẩm và dịch vụ. Thất nghiệp cũng có nghĩa là sản xuất ít hơn, làm giảm tính hiệu quả của sản xuất quy mô. Thất nghiệp dẫn đến nhu cầu xã hội giảm, hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh ít, chất lượng sản phẩm và giá cả giảm sút. Hơn nữa, tình trạng thất nghiệp cao dẫn đến nhu cầu tiêu dùng ít so với khi có nhiều việc làm, do đó mà cơ hội đầu tư cũng ít hơn.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng tương quan với áp lực giảm lạm phát. Điều này được minh họa bằng đường cong Phillips theo kinh tế học. Tỷ lệ thất nghiệp vừa phải giúp cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động có thể tìm các cơ hội làm việc khác phù hợp với khả năng và điều kiện cư trú. Còn người sử dụng lao động có thể tìm được người lao động phù hợp, tăng sự trung thành của người lao động.

Thất nghiệp là tình trạng buồn, tạo hệ lụy xấu, thế nên chúng ta thường gọi là “nạn thất nghiệp”. Thật vậy, thất nghiệp là một “tai nạn” cũng nguy hiểm không khác các tai nạn khác!

Giáo Hội là Hội Thánh của Chúa giữa trần gian, và cũng ảnh hưởng tiêu cực khi nạn thất nghiệp xảy ra. Giáo Hội mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người thất nghiệp nhận được sự trợ giúp và tìm được công ăn việc làm để có thể sống xứng đáng với phẩm giá con người của mình, đồng thời cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho Âu châu tái khám phá ra căn nguyên Kitô giáo của mình qua chứng tá đức tin của các tín hữu.

Kinh Thánh không nói về nạn thất nghiệp, nhưng có nói những điều tương tự với từ ngữ khác và mang chiều kích tâm linh. Trình thuật Mt 20:1-17 nói về việc Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn “Thợ Làm Vườn Nho”.
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”. Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý:“Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”.
Kinh Thánh kết luận: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.
Tất cả chúng ta đều là những “công nhân làm vườn nho”, mỗi người vào vườn nho ở mỗi thời điểm khác nhau và với mức độ làm việc khác nhau, nhưng ai cũng được trả công là “một quan tiền” vào cuối ngày – ngày Đức Giêsu Kitô tái lâm.

Ai cũng có việc làm, nghĩa là không thất nghiệp. Nhưng nếu chúng ta lười biếng là vì chúng ta muốn thất nghiệp!

Trong “vườn nho” của Chúa có nhiều việc làm, không lo thất nghiệp. Kẻ tỉa lá, người hái nho; kẻ vun đất; người tưới nước; kẻ ươm giống, người xới đất; mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi ơn gọi, nhưng tất cả chỉ là cùng chăm sóc Vườn Nho, cùng mở rộng Nước Trời, cùng làm sáng danh Chúa. Không ai có thể lười biếng hoặc làm gì khác theo ý riêng mình.

Chúa Giêsu vẫn không ngừng tiếp tục mời gọi chúng ta hàng ngày: “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả công hợp lẽ công bằng” (Mt 20:4). Vào đó, mỗi chúng ta đều có công việc phù hợp khả năng để làm. Chẳng hạn:
   -  Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16:15).
   -  Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28:19).
   -  Hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa (Lc 9:60).

Nói về việc làm trong vườn nho, chúng ta có thể nhớ tới dụ ngôn “Hai Người Con” (Mt 21:28-32). Người cha bảo hai cậu con trai đi làm vườn nho, người con thứ nhất bảo không đi nhưng rồi lại đi, còn người con thứ hai bảo đi nhưng rồi lại không đi. Chúng ta đã, đang và sẽ là người con nào?

Và hãy đừng quên lời nhắc nhở thẳng thắn của Chúa Giêsu: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước quý vị” (Mt 21:31). Nghe câu này “quen” nhưng có thấy “nhột” không? Vấn đề là ở chỗ đó!

Lạy Thiên Chúa hằng sống, xin đánh thức chúng con, xin đừng để chúng con ngủ mê trong ảo tưởng. Xin cho mọi người có việc làm phù hợp khả năng để nuôi sống bản thân trên đường lữ hành trần gian này, nhờ đó có thể an tâm làm thợ vườn nho của Chúa, đồng thời biết tích lũy của cải không hề mối mọt. Xin cho mỗi chúng con đều là những thợ vườn nho chăm chỉ để xứng đáng lãnh nhận “một quan tiền vĩnh hằng”. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu 

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

LẠY CHÚA, XIN CỨU CON CHO KHỎI TỘI LỖI

LẠY  CHÚA,  XIN  CỨU  CON  CHO  KHỎI  TỘI  LỖI
(Thứ bảy - 28/06/2014 - ĐGM GB Bùi Tuần - tinvui@dmin



         1.    Đã từ rất lâu rồi, tôi có thói quen, mỗi sáng vừa thức dậy, đều dâng mình cho Đức Mẹ. Tôi cảm thấy Đức Mẹ ở bên tôi. Lần nào cũng vậy, khi Mẹ nhận việc dâng mình của tôi, Mẹ thường khuyên tôi: “Con hãy xin Chúa cứu con cho khỏi tội lỗi.”
2.    Tôi hiểu tội lỗi là sự dữ nguy hiểm nhất luôn đe doạ tôi. Tội lỗi là một lực lượng rất mạnh, rất lớn, rất gần. Nói kiểu thánh Phêrô tông đồ, thì tội lỗi chính là thứ “ma quỉ, thù địch của loài người, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 3,8). Tôi tin Đấng có thể cứu tôi khỏi tội lỗi là Đức Giêsu Kitô.
3.    Trong nhận thức tội lỗi là sự dữ nguy hiểm đang vây quanh tôi, và tôi thực sự khát khao được Chúa Giêsu cứu tôi, tôi thường thú nhận với Chúa theo “kinh cáo mình”: “Con đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót.
4.     Như để đáp lại, Chúa cho tôi thấy những thứ tội cụ thể, tôi phải cho là sự dữ, mà Chúa muốn tôi ăn năn sám hối cách riêng. Hiện giờ, Chúa cho tôi thấy một tội rất nguy hiểm, đó là tội không chịu cứu người khác.
5.    Không cố gắng cứu người khác khỏi các sự dữ, nhất là khỏi tội lỗi, chính là một thiếu sót mang tính cách tội, mà tôi phải sám hối. Những người mà tôi có bổn phận phải cứu là những người Chúa trao trong phạm vi trách nhiệm của tôi. Chúa trao họ cho tôi có thể là thường xuyên, cũng có thể là trong những hoàn cảnh bất ngờ.
6.  Những người Chúa trao cho tôi, để tôi có trách nhiệm thường xuyên đối với họ, đã được Chúa Giêsu nói đến trong “dụ ngôn người đầy tớ trung tín”. Người đầy tớ này thường lo cho các gia nhân khỏi bất ổn, khỏi sợ hãi về mọi mặt. (x. Mt 24,45-47). Chúa khen anh.
7.    Những người Chúa trao cho tôi, để tôi có trách nhiệm trong hoàn cảnh bất ngờ, đã được Chúa Giêsu nói đến trong “dụ ngôn người Samari tốt lành”.
8.    Một người bị cướp trấn lột và bị đánh trọng thương nằm bên vệ đường. Thầy tư tế đi qua, thầy Lêvi đi qua. Họ thấy, nhưng tránh không cứu người đó. Nhưng người Samari đi qua, thấy người đó, đã dừng lại chăm sóc (x. Lc 15,29-37). Chúa khen người ngoại giáo ấy.
9.    Nhìn vào chính mình, tôi thấy tôi chưa chắc gì đã được Chúa khen, như Người đã khen người đầy tớ trung tín và người ngoại giáo Samari. Tôi sám hối, xin Chúa tha thứ. Tôi không luôn có khả năng cứu người bằng tiền bạc. Để bù lại, tôi tăng cường những việc tinh thần, như cầu nguyện, hãm mình, chia sẻ tâm tình, với tất cả tâm hồn mến Chúa. Tôi xót xa đau đớn, khi nghĩ đến cảnh nhiều người bị tội khống chế.
10.     Hiện nay, trên toàn quốc nói chung và tại địa phương này nói riêng, việc cứu người cho khỏi các sự dữ, nhất là khỏi tội lỗi, đang là thước đo đạo đức, để đánh giá từng người, đặc biệt là những người có địa vị trong các tôn giáo.
11.       Tại địa phương tôi đang phục vụ, các tôn giáo bạn, như Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài và Tin Lành, rất quan tâm đến việc cứu con người cho khỏi các sự dữ, đặc biệt là khỏi tội lỗi. Cứu không phải chỉ bằng những việc từ thiện, mà còn bằng những việc chiêm niệm, ăn chay, cầu nguyện. Rõ ràng là có một khuynh hướng tìm đến Đấng Thiêng Liêng và nhờ ơn thiêng liêng. Đó là một gương sáng cho tôi.
12.      Nhiều lần, tôi đã hỏi Đức Mẹ, xem tôi phải làm gì để có thể góp phần cứu con người khỏi các sự dữ, nhất là khỏi tội lỗi. Lần nào cũng vậy, Đức Mẹ đều khuyên tôi hãy bước theo Chúa Giêsu.
13.      Vâng lời Đức Mẹ, tôi bước theo Chúa Giêsu từ hang đá Belem đến Núi Sọ. Bước đi bước lại, dần dần tôi được Chúa cho thấy việc Chúa Giêsu đã làm để cứu con người khỏi tội là tự hạ, chịu đau khổ vì yêu thương họ, để đền tội cho họ, để mở đường cho họ đi vào Thiên Đàng.
14.     Tôi cố gắng làm như thế. Càng cố gắng làm, tôi càng được Chúa cho thấy điều cần nhất tôi phải có trong việc bước theo Chúa, chính là tình yêu thương.
15.       Tôi xin Chúa giúp tôi, vì tự mình tôi không có tình yêu thương như của Chúa. Chúa thương ban cho tôi dần dần tình yêu của Chúa. Phải nói ngay là, khi Chúa ban cho tôi tình yêu của Chúa, thì Chúa cũng ban tặng chính Chúa cho tôi. Chúa đến với tôi, Chúa ngự trong tôi. Tôi có thể nói phần nào như thánh Phaolô xưa: Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi(Gl 2,26).
16.        Khi được có chính Chúa Giêsu trong mình, tôi cám thấy bình an, cho dù cuộc sống của tôi vẫn là một chuyến đi phải giao tranh với nhiều trắc trở.
17.         Khi có chính Chúa Giêsu trong mình, tôi vẫn phải chịu đau khổ, đến nỗi tôi có thể nói như thánh Phaolô: Tôi mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu ( 2 Cr 4,10). Nhưng có Chúa, tôi vẫn nói được như thánh Phaolô: Sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của tôi (2 Cr 4,11).
18.       Có chính Chúa Giêsu trong mình, đó chính là điều tôi thao thức, vì đó mới là nội dung đích thực của đời sống Đức Tin. Nếu không có Chúa trong mình mà chỉ lo cho cơ chế, cho tổ chức, cho các công việc của đạo, thì coi như là người hoạt động, nhưng tôi đâu mang Chúa đến cho người khác.
19.          Khi có Chính Chúa trong lòng mình, tôi sẽ biết đem bình an cho nhiều người một cách âm thầm mà hữu hiệu.Ngay bây giờ, tôi phải làm quen điều đó. Bởi vì có thể tương lai sẽ rất khó khăn, mọi hình thức đạo có vẻ phô trương, ồn ảo, thắng thế, sẽ gây hại lớn cho họ. Nhưng chính sự khiêm tốn Phúc Âm sẽ cứu đạo.
20.         Khiêm nhường cũng là đặc điểm của Chúa Giêsu.  Ngôi Hai Thiên Chúa, khi nhập thể để cứu loài người, đã rất khiêm nhường, đã rất tự hạ, đã rất từ bỏ mọi vinh quang, đã rất hy sinh, đó là một thứ lửa khôn ngoan, để biết làm việc thiện. Tôi nên xấu hổ, khi dám làm khác. Hơn nữa, tôi nên coi sự tôi không theo gương Chúa là một bước dẫn tới tình trạng mất ý thức về tội lỗi.
21.         Hiện nay mất ý thức về tội đang là một nguy cơ lan rộng đưa tới muôn vàn tội lỗi, đẩy con người xuống vực thẳm hỏa ngục.
22.         Lạy Chúa, xin cứu con cho khỏi tội lỗi, nhất là khỏi tình trạng mất ý thức về tội. Con tin vào lòng thương xót Chúa.
Long Xuyên, ngày 20 tháng 6 năm 2014
ĐGM. GB Bùi Tuần 



Hoàn thiện...

Hoàn  thiện - Hoàn thiện - Hoàn thiện
 (Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)


 Vì chưa tốt, chưa lương thiện đủ nên chúng ta mới phải cố gắng hoàn thiện. Tuy vốn dĩ “nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng càng thêm tuổi thì chúng ta lại càng tệ hơn, càng tái phạm nhiều hơn, chứ không như Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Chúng ta khốn nạn lắm!

Và vì thế, luật phát sinh để chấn chỉnh và trừng phạt những ai sai phạm, gọi là “luật vị nhân sinh”. Thiên Chúa ban cho nhân loại quyền tự do, và Ngài luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Thế nhưng chúng ta đã lạm dụng tự do và dám nổi loạn, có lẽ chúng ta hành động cũng chẳng khác gì kiểu “đánh bom tự sát” của những người quá khích với niềm tin lệch lạc của các nhóm quân phiến loạn!

Thập Giới (Mười Điều Răn) là những điều CẤM, mang tính tiêu cực: “Đừng…, chớ…!”. Còn Bát Phúc là những lời KHUYÊN, mang tính tích cực: “Phúc cho ai…!”. Vì thế, Tân Ước là giao ước mới, giao ước yêu thương, luật Chúa là Luật Yêu Thương nên đạo Công giáo cũng được mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Yêu thương luôn có chiều hướng tích cực, vì yêu thương là CHO nhiều hơn là NHẬN.

Sau khi Chúa Giêsu đưa ra Tám Mối Phúc (Mt 5:3-12), cũng gọi là Bài Giảng Trên Núi, Ngài khuyến cao chúng ta nhiều điều: Phải trở nên muối  ánh sáng (Mt 5:13-16), đừng giận ghét (Mt 5:21-26), chớ ngoại tình (Mt 5:27-30), đừng ly dị (Mt 5:31-32), đừng thề thốt (Mt 5:33-37), chớ trả thù (Mt 5:38-42), đặc biệt là “phải yêu kẻ thù” (Mt 5:44). Cuối cùng, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5:48). Đó là “nhân từ như Chúa Cha” (Lc 6:36). Có lẽ chúng ta không thể “tốt lành NHƯ Chúa Cha”, Chúa Giêsu biết lắm chứ, nhưng Ngài muốn chúng ta phải nỗ lực hết mình, dù chúng ta chưa LÀM được những gì chúng ta MUỐN nhưng ít ra phải biết MUỐN những gì chúng ta LÀM. Đó mới là vấn đề!

Vì là phàm nhân còn lắm tham-sân-si, mang vết tội từ trong lòng mẹ (Tv 51:7), thế nên chúng ta mới phải không ngừng nỗ lực hoàn thiện, tức là phải cố gắng nên thánh ngay trên thế gian này. Khó lắm. Vì KHÓ nên mới phải CỐ. Phàm việc gì phải CỐ thì luôn KHÓ. Rất lô-gích! Nhưng việc khó mà làm được thì mới đáng công. Thật vậy, có thể nói rằng “hạnh phúc lớn nhất là mình làm được điều mà người ta bảo mình không làm được”. Đó là vinh dự do mình tự tạo, là niềm hạnh phúc đích thực vì mình chứng tỏ được bản lĩnh của chính mình.

Yêu thương là điều ai cũng cần, ai cũng thích, nhưng yêu thương không thể bằng đầu môi chót lưỡi mà phải thể hiện bàng mọi động thái – chữ yêu (viết nhỏ) khác nhiều so với chữ YÊU (viết lớn). Chúa muốn chúng ta không chỉ yêu (cấp thấp) mà còn phải YÊU (cấp cao). Chúa Giêsu so sánh hai thái cực khác nhau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù  cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:43-44). Luật Cựu Ước và Luật Tân Ước đều có hai phần, phần một “tương đồng” và phần hai “tương phản”. Luật Tân Ước tích cực hơn nhưng khó thực hiện hơn nhiều. Nhưng Chúa Giêsu xác định: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45).

Chúa Giêsu vừa lý giải vừa đặt vấn đề: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì anh em có làm gì LẠ THƯỜNG đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Ngài thực sự muốn chúng ta hành động giống như Ngài, nghĩa là người đời sẽ cho các động thái đó là “không giống ai”,“ngược đời”,“dại dột”,“ngu xuẩn”,“điên rồ”. Vậy mới là cách LẠ THƯỜNG như Chúa Giêsu đề cập.

Thánh Phaolô nói: “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1 Cr 1:24 -25). Và ông xác định: “Chúng tôi có điên thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn thì cũng là vì anh em” (2 Cr 5:13).

Phải “từ bỏ chính mình” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27), phải vác thập giá mình hằng ngày (Mt 10:38; Mt 16:24; Lc 14:27), phải qua cửa hẹp và đường chật (Mt 7:13; Mt 7:14; Lc 13:24), không làm tôi hai chủ (Mt 6:24; Lc 16:13), bán những gì mình có mà cho người nghèo (Mc 10:21), phải cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Mt 14:38; Lc 22:40; Lc 22: 46), phải ăn chay kín đáo (Mt 6:16-18), phải trung thực (Mt 5:37), đừng xét đoán (Mt 7:1-2; Lc 6:37),... Toàn là những chuyện khó thực hiện. Toàn là những “chuyện ngược đời”. Đúng là “căng” thật đấy! Nhưng phải thực hiện đến cùng thì mới hy vọng được vào Nước Trời, vì “người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23).

Ngoài ra, chúng ta còn phải “coi chừng các ngôn sứ giả” (Mt 7:15-17; Lc 6:43-45), đừng chống cự người ác (Mt 5:39), đừng quá lo lắng về vật chất (Mt 6:25; Lc 12:22), phải can đảm bảo vệ sự thật và công lý, nghĩa là dám tự nhủ: “Đừng sợ!” (Đnl 31:6; Is 43:1; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Kh 1:17-18), đừng làm điều gì lén lút (Ep 5:11-12),...

Hành trình hoàn thiện “gay go”“mệt mỏi” lắm, vì rất khó chứ không hề dễ dàng. Sai một ly có thể “đi đoong” cả đời chứ chẳng đùa đâu! Khó làm chứ, nhưng KHÓ không có nghĩa là KHÔNG làm được. Nếu chúng ta thành tâm khát khao thì sẽ được Thiên Chúa độ trì, mà điều gì được Ngài “giúp một tay” thì Ô-kê ngay, chắc chắn đạt được.

Ai hoàn thiện mới được vào Nước Trời, không hoàn thiện thì chắc chắn đi “định cư đời đời với Lu-xi-phe” mà thôi. Chúa Giêsu còn xác định hai lý do để được vào Nước Trời: (1) “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3), và (2) “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20).

Mối Phúc thứ năm nói: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Còn Thánh Phaolô nhắn nhủ: Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái (Rm 13:8). Món nợ yêu thương là “nợ tình” và nợ lòng thương xót mà ai cũng mặc nhiên mắc nợ nhau, và món nợ này phải trả cho đến “đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26) mới được “trắng án” để có thể ung dung bước vào Nước Trời.

Đọc kinh là điều tốt, nhưng đọc mà không suy và sống theo lời kinh thì vô ích, chẳng khác gì con vẹt thuộc lòng cách phát âm của câu nói. Thật vậy, Thánh Giacôbê xác định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2: 17 và 26). Đừng làm “chiên ngoan” khi ở trong nhà thờ rồi lại hóa “cọp dữ” khi ra ngoài nhà thờ!

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết (Tv 51:1-6, 9).

TRẦM THIÊN THU




Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Những món ngon từ trái chuối

Những  món  ngon  từ  trái chuối
(Ẩm thực -VnExpress.Net)



Những trái chuối có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam với rất nhiều món ngon, dễ ăn, dễ làm và giá thành rẻ như bánh chuối, chuối sấy hay ốc chuối đậu.
· 
Nếu yêu thích loại quả nhiệt đới này thì đừng bỏ qua những món ăn hấp dẫn sau đây:

Bánh chuối hấp nước cốt dừa

Bánh chuối thơm dẻo được phủ lớp nước cốt dừa trắng beo béo ngòn ngọt, lại có cả mùi vừng rang thơm phức, món tráng miệng này mới tuyệt làm sao.



Chuối chiên
Tại TP HCM, món ngon này được gọi là chuối chiên và bán quanh năm, trong khi ngoài Hà Nội được bán chủ yếu vào mùa đông. Bánh chuối làm rất đơn giản với chuối vừa chín tới và bột mỳ rán vàng trên chảo dầu đun sôi. Ăn bánh chuối phải ăn nóng, bánh vừa vớt ra khỏi chảo, để ráo mỡ và ăn ngay mới ngon. Vào những ngày trời chuyển mùa lạnh, ở đâu khắp Hà Nội cũng có bán bánh chuối rán thơm ngon, nóng hổi. Giá bánh từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/chiếc.


Bánh chuối, bánh khoai là món ngon được đặc biệt yêu thích trong những ngày đông Hà Nội. Ảnh: Amthuc365.
Chuối chiên cay
 Chắc hẳn là món ăn vặt từ chuối vô cùng quen thuộc với không ít người; tuy nhiên chuối chiên cay thì không phải ai cũng đã từng thử qua. Món ăn có lớp vỏ ngoài giòn rụm cay cay kết hợp cùng phần chuối bên trong chín ngọt dẻo thơm khiến bạn muốn ăn mãi không thôi!



Chuối sấy
Món chuối sấy thường dùng để ăn vặt. Chuối được sấy khô, ăn có vị giòn, ngọt sắc. Chuối sấy thích hợp ăn kèm với nước trà nóng. Đây là món ăn khoái khẩu của trẻ nhỏ, một dạng snack để mang đi chơi trong các dịp picnic.

Chè chuối
Cũng giống cách nấu chè thông thường, chè chuối được nấu đơn gián với chuối chín cắt lát mỏng. Bát chè chuối với nước cốt dừa thơm ngậy, tùy từng hàng chè mà cho thêm các loại ăn kèm khác nhau. Chè chuối được làm và bán quanh năm nhưng phổ biến nhất là các dịp hè và không phải hàng chè nào cũng có bán. Giá một cốc chè chuối khoảng 10.000 đồng – 15.000 đồng.

Sinh tố chuối
Cũng giống như các loại hoa quả khác, sinh tố chuối là món ăn bổ dưỡng, giàu vitamin và tốt cho sức khỏe. Món sinh tố chuối ở hàng đồ uống nào cũng có. Thức uống gồm chuối, sữa tươi, đá bào trộn lại với nhau tạo nên món ngon giải khát mùa hè. Giá sinh tố chuối khoảng 30.000 đồng/cốc.
Sinh tố chuối bổ dưỡng mùa hè. Ảnh: Amthuc.

Chuối nếp nướng  Món chuối này bán phổ biến các tỉnh miền Trung và miền Nam. Chuối chín được cuộn với xôi rồi bọc lá chuối bên ngoài và nướng trên than cho đến khi xôi nếp bên ngoài vàng rộm. Khi ăn, chuối được cắt ra đĩa, rưới nước cốt dừa béo ngậy, thêm chút lạc rang. Bạn có thể bắt gặp hàng chuối nếp nướng trên vỉa hè, trong các khu chợ. Giá chuối nếp khoảng 10.000 đồng.
Món ngon đơn giản nhất và được bán trong các khu chợ, chuối tây chín đưa lên nướng trên bếp than, lật để chuối chín đều và thơm mùi là ăn được. Chuối nướng có mùi thơm ngon, vị ngọt sắc. Món chuối nướng nổi tiếng ở Sapa và Đà Lạt, những vùng có khí hậu lạnh. Giá của món chuối đơn giản này khoảng 5.000 đồng.
        Chuối nếp nướng thơm ngon. Ảnh: Saigonamthuc.


Bánh chuối rán kiểu Thái
Ai đã từng thưởng thức món bánh chuối rán này tại Thái sẽ rất thích được ăn lại. Người ta dùng chuối tây chín thái miếng trộn với trứng gà đánh đều, sau đó dàn đều lên trên trên một lớp bột nhào mỏng tang, gấp 4 góc rồi lật qua lật lại cho đến khi bánh chín đều. Khi bánh chín người bán rắc lên bánh chút sữa đặc béo ngậy. Mùi thơm quyến rũ. Bánh chuối ăn chơi cho qua cơn đói buổi chiều, dễ ăn và ngon miệng.
Ốc chuối đậu
Chuối để nấu món ăn này cho gia đình phải là chuối xanh. Chuối được cắt miếng, nấu chung với ốc nhồi, đậu phụ rán vàng, thịt ba chỉ, hành và tía tô tạo nên món ngon hấp dẫn cho bữa cơm gia đình. Món chuối ốc đậu còn được bán trong các hàng bún ốc và rất được yêu thích. Một nồi chuối ốc đậu bung thành đủ một món ăn giàu dinh dưỡng cho cả gia đình.

Kem chuối
Các mẹ rỉ tai nhau cách làm món kem chuối rất dễ và ngon. Chuối chín để cả quả hoặc cắt làm đôi, sau đó xin que dùng làm kem vào giữa, bọc chuối vào nilon sạch và bỏ lên ngăn đá. Khi ăn, bỏ nilon ra, chuối giống như một que kem, ăn ngon và dẻo. Đây là cách làm kem dễ nhất mà không phải tốn nguyên liệu, cả người lớn và trẻ em đều mê.



Chuối sấy dẻo
Không phải ai cũng thích món chuối sấy dẻo này vì độ ngọt sắc của chuối. Chuối được để nguyên quả, sấy dẻo, ăn dai dai, ngọt ngọt. Chuối sấy dẻo được bán nhiều tại Đà Lạt. Món ngon này thích hợp khi ăn cùng với trà nóng. Trước kia, vào những ngày lễ tết, trong hộp mứt Tết của các gia đình thường có chuối sấy dẻo. Ngày nay, móm mứt này không còn được ưa chuộng như trước nữa.
Chuối tẩm vừng dẻo
Món chuối tẩm vừng dẻo ngọt thơm mùi vị của những hạt vừng li ti giòn giòn bùi bùi bọc bên ngoài hẳn sẽ là một khám phá ẩm thực thú vị dành cho bạn. Còn chần chừ gì nữa, bạn hãy bắt tay vào làm thử món này ngay nhé!

Mousse chuối 
tuy cách thực hiện nhiều công đoạn nhưng lại rất đơn giản và dễ làm, đặc biệt thích hợp cho những ai mới học làm bánh bởi với loại bánh này bạn thậm chí không cần dùng đến lò nướng cũng làm được. Sự hòa quyện ngọt ngào của sữa caramel với vị béo của kem tươi, thêm vị chuối thơm ngậy sẽ khiến món bánh càng thêm hấp dẫn. Muốn bánh đẹp và dễ trang trí hơn bạn có thể làm bánh vào các cốc và ăn ngay hoặc dùng các loại khuôn nhỏ nhé!
Chuối đốt rượu 
 món ăn vặt từ chuối rất được yêu thích ở các nước phương Tây - thường được dùng kèm với kem vani để làm nổi bật vị thơm ngon của rượu và vị ngọt đậm đà của chuối. Bạn hãy thử làm món này cho cả nhà mình thưởng thức nhé!
Hân Hân

*Còn chuối nấu (chuối luộc), bánh tráng chuối nướng, chuối sốt với carame, mứt chuối, bánh mì chuôi, baba nấu chuối nữa nè…