Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

TỬ BIỆT



TỬ  BIỆT - TỬ  BIỆT - TỬ  BIỆT
(Bác sĩ Nguyễn Ý-ÐỨC)



Cổ nhân ta vẫn thường nói tới chu kỳ kín của đời người “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.
Vâng: có sinh thì có tử, nhưng “sinh thì hữu kỳ, tử thì vô hạn”. Nặng bụng cưu mang chín tháng mười ngày là biết rằng con sẽ “nhập thế cuộc”, chào đời. Còn mặc áo mới vĩnh viễn ra đi thì chẳng biết khi nào, ra sao.  
Sinh ly, tử biệt. Vào đời là tạm thời chia ly với cơ thể người mẹ. Rời khỏi cuộc đời là tạm biệt với nhân gian. Hẹn lại cùng nhau gặp ở “cõi thật xa”: Niết Bàn, Thiên Ðàng, Aara, Elysium, Soma, Jahannan...Hoặc Ðịa Ngục để mặt đối mặt với Diêm Vương, luận tội kể công.
Với thân xác, bệnh tật thì học giả Ngô Tất Tố đã thoát dịch bốn câu thơ của vua Trần-Thái-Tôn như sau:
“Cũng bởi có thân mà có bệnh
Ví bằng không xác quyết không đau.
Phép tiên chớ vội khoe không chết,
Thuốc thánh còn chưa chắc sống lâu”.
Chưa chắc sống lâu thì có ngày phải biệt tử.
Mà Voltaire đã nói “Lúc ta chào đời là đã một bước đi về cõi chết”. Ðúng chăng là con người bắt đầu chết ngay từ lúc sinh ra và trong chu kỳ kín, cái kết cuộc nối liền với khởi điểm
Guillaume Amerye (Abbé de Chaulieu) thì rõ ràng hơn “Cái chết chỉ là sự kết thúc cuộc đời; Nỗi thống khổ, niềm sung sướng không cùng mang theo”. La mort est seulement le terme de la vie; De peine ni de biens elle n’est point suivie”.
Với Napoleon Ðại Ðế “Chết là giấc ngủ không mơ” và Shakespeare:“ Kẻ nào chết rồi là sạch nợ”.  
Nói vậy thì chết cũng đơn giản như sanh, đôi khi ồn ào, lộn xộn hơn.
Có người đã ví sự chết của cơ thể như sự tắt của một nhà máy với những động cơ, giây điện. Nhà máy không im lặng ngưng hoạt động khi ta ngắt nút kiểm soát tắt mở mà mọi bộ phận còn cót két rên rỉ kêu trong khi chậm lại rồi ngưng.
Ngoại trừ bất thần chết vì tai nạn, thương tích hoặc cơn dột quỵ suy tim, cơ thể cũng cót két, rên xiết trước khi sự sống hoàn toàn ngưng.Vì thế Dylan Thomas có nhận xét rằng “Chúng ta không nhẹ nhàng đi vào tử biệt mà thịnh nộ, nổi khùng trước sự tắt lịm của ánh sáng”.
Nhưng có người tin rằng ở nội tâm thì lại bình an.Tuy ồn ào nhưng sự chết luôn luôn xác thực. Nhiều người đã tìm được bình an và chân giá trị trong sự xác thực này. 
Tư Mã Thiên có ghi: “Nhân cố hữu nhất tử: Tử hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao”. Do đó mới có nguời khi đối diện với tử thần thì sợ hãi, phủ nhận, cô lập, giận dữ rồi năn nỷ điều đình để rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận. Vì số trời đã định.
Y giới thường được huấn luyện để cứu chữa bệnh nhân và kéo dài sự sống trong đó họ đạt được phần thưởng về tinh thần cũng như tài chánh.Nhưng khi không ngăn chặn được sự chết thì họ hết hứng thú và thường chuyển sang đối tượng khác. Và nguời bệnh đôi khi bị quên lãng, đơn độc ra đi trong tình cảm gia đình, tôn giáo.
Mà ra đi thì xác còn đó, hồn đi đâu, chẳng ai hay. Cho nên Shakespeare đã ví “ Chết chỉ là một cuộc du lịch nhưng chẳng ai quay trở lại”. Ðể nói cho nhau biết chết ra sao, như thế nào, và bên kia vui hay buồn, thái bình hay binh đao, độc tài hoặc dân chủ...Chẳng ai “báo cáo” nên người tiễn đưa phải suy luận, tìm hiểu về người ra đi. Ði như thế nào, lúc nào, ra sao. 
Từ nhiều thế kỷ, chết được hiểu như là khi con người mất hết các chức năng sống: tim ngừng đập vĩnh viễn, hơi thở không còn. Nhưng khi nào thì mạng sống đó được coi như là không còn sống. Ðó là điều mà giới y, luật gia, triết nhân, các vị học giả, thường dân, người làm chính trị đã và đang ồn ào, hăng say thảo luận, góp ý.
Vì tạm thời tim ngưng đập, hơi thở gián đoạn khoảng 6 phút mà các bộ phận sinh tử chưa bị tổn thương, con người tưởng như đã mãn phần thì y học hiện đại đã phục hồi được các chức năng và cứu sống nhiều người.  
Vì vậy tiêu chuẩn não-tử brain death được thêm vào.
Não là trung tâm của hệ thần kinh.
Cuống não kiểm soát các chức năng duy trì sinh lực của các cơ quan, bộ phận.
Não trên điều hòa ý nghĩ, trí nhớ, tình cảm con người.
 Năm 1968, Ðại Học Y Khoa Harvard đề nghị bốn tiêu chuẩn cho não tử:
a- Không đáp ứng với cảm giác sờ mó, âm thanh và các kích thích ngoại vi;
b- Không còn cử động và không còn hơi thở tự phát (spontaneous breathing);
c- Không còn tác động phản xạ.
Phản xạ (reflex) là một sinh hoạt tự động hay không chủ ý do một vòng thần kinh tương đối đơn giản gây ra mà không nhất thiết liên quan tới ý thức. Chẳng hạn khi dùng kim chích nhẹ vào tay một người, thì kim đau sẽ gây ra cử động phản xạ tự vệ tức thì để rút ngón tay lại trước khi não có thời gian gửi cảm giác đau tới các cơ quan liên hệ
d- Không còn ký hiệu não điện đồ hoặc bất cứ hoạt động điện năng nào từ tế bào não.  
Từ năm 1929, bác sĩ thần kinh tâm trí người Ðức Hans Berger đã khám phá ra là não bộ có những luồng điện phát ra trong khi não hoạt động. Nhưng khi đó không ai tin. Phải đợi tới khi nhà bác học người Anh Edgar Adrian cụ thể chứng minh được sinh hoạt điện năng này của não thì mọi người mới chấp nhận và Edgar được Nobel Prize vào năm 1932 cùng với Sir Charles Sherrington nhờ kết quả việc nghiên cứu này.  
Ngày nay nhiều máy móc tối tân đã ghi nhận được các sinh hoạt điện năng của não bộ với các sóng alpha, beta, delta, theta. Rồi lại còn MRI, PET scan ghi lại các tín hiệu cũng như thay đổi hóa chất của não khi nghỉ cũng như khi làm việc.
Trong tương lai gần đây, chắc là các ý nghĩ thầm kín của ta cũng sẽ được máy móc tìm ra, đọc được. 
Tiêu chuẩn não-tử của đại Học Harvard cũng không được mọi giới công nhận là một thử nghiệm để kết luận sự chết. Mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn khác nhau.
Từ năm 1981, Hoa Kỳ định nghĩa chết như sự ngưng không đổi ngược của toàn bộ não kể cả phần cuống là nơi điều hòa hô hấp, tuần hoàn và các chức năng khác.Và về pháp lý, các điều kiện trên phải kéo dài sau 12 giờ. 
Khi còn ở trong tình trạng thực vật (vegetative state) thì cuống não còn hoạt động và tiếp tục giúp hoàn thành sự hô hấp, tuần hoàn và vài nhiệm vụ khác; nhưng phần não trên điều hòa sự suy tư, thu nhận cảm xúc không còn nữa.
Khi rơi vào tình trạng Permanent vegetative state là tình trạng không có ý thức vĩnh viễn, không đổi ngược trong đó không có cử động tự ý hoặc bất cứ khả năng nhận biết nào; không còn khả năng chủ ý truyền đạt hoặc tương tác với ngoại cảnh. Người bệnh đôi khi rơi vào tình trạng nhìn theo mà không còn biết gì (coma vision.)
Cho nên rơi vào Não Tử thì ít khi thoát lưỡi hái Tử Thần dù có cấp cứu tiến bộ tinh vi; tình trạng thực vật vegetative lại vẫn còn nhờ sự toàn vẹn của cuống não để điều khiển một số chức năng của cơ thể cho nên có thể kéo dài sự sống vật vờ cả nhiều năm...
Tử biệt
...Maria được Chúa và Đức Mẹ ban cho tuổi thọ 94, kéo dài sự sống được 10 năm sau khi người chồng thân yêu của bà bình an vĩnh viễn ra đi trong một cơn stroke vào ban đêm. Từ đó bà ở với con này con kia mỗi nơi một vài tháng, nửa năm để bớt đơn côi.
Bà tương đối vẫn mạnh khỏe ngoài vài bệnh thông thường của tuổi già, rất siêng năng lần hạt mân côi và luôn luôn liên lạc, khích lệ con cháu trong sự nghiệp, bổn phận đối với gia đình và xã hội.
Mấy tháng gần đây, bà cảm thấy trong người như không được khỏe cho lắm và bà được đưa vào điều trị tại bệnh viện hơn một tuần rồi xuất viện, về nghỉ ngơi theo dõi bệnh tình ở  Skill Nursing Facility do các nữ tu dòng Franciscan tổ chức có nhân viên tận tình chăm sóc. Bà enjoy nếp sống ở đây, tham gia tất cả các sinh hoạt, vui vẻ với mọi người. Bà luôn luôn điện thoại cho con cháu xa gần, khoe là bà cảm thấy hạnh phúc sung sướng lắm…
Rồi một đêm, người nhà được thông báo là bà cảm thấy trong người mệt mỏi, ngực hơi đau, khó thở, đầu hơi choáng váng và được đưa vào phòng cấp cứu. Bà yếu dần, nằm mấy ngày, rồi nhẹ nhàng ra đi trước sự chứng kiến của các con. Bà đã được gọi về nước Chúa, sau khi đã được chịu các phép bí tích của giáo hội… 
Trong khi đó, sự ra đi của Lão Tam, một người thân quen trong gia đình, lại có tính cách kinh điển hơn.
Lão được Trời ban cho tuổi thọ gần bát tuần. Ông tương đối vẫn mạnh khỏe, không bệnh kinh niên, không phải dùng thuốc gì, ngay cả Tam Tinh Hải Cẩu hoặc nhân sâm, cao hổ cốt…
Nhưng từ nửa năm nay, Lão thấy sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm. Lão không còn sinh lực như mấy năm trước, ít quan tâm tới mọi sự chung quanh, đôi khi muốn xa lánh mọi người. Khẩu vị giảm, nhai nuốt khó khăn và ông thấy thực phẩm là không cần thiết. Ông rất sợ khi người thân ép uống súp, ăn thịt, chỉ sợ bị nghẹn, ói. Có những ngày ông ngủ li bì, như để tiết kiệm sinh lực cho những chức năng quan trọng.
Ông bồn chồn trong lòng, nằm ngồi không yên như nhớ như quên điều gì muốn làm muốn thôi, muốn nhắc nhở vợ con. Rồi thở dài, ngán ngẫm. Vào đêm khuya vắng, ông dường như thấy cha mẹ ông xuất hiện đâu đây, ân cần nói chuyện với ông.
Có lúc ông lên kinh, chân tay co giựt, hàm cứng lại. Giá có ai bóp tay bóp chân cho mình lúc này nhỉ!
Ông thấy nhịp tim chậm dần, nhẹ hơn. Hơi thở đôi khi như hụt và nông. Tuần hoàn kém, thân ông giá lạnh vì thiếu máu. Da ông xanh nhợt. Não thiếu oxy nên ông hay choáng váng mày mặt, kèm theo những cơn nhức đầu kéo dài khó chịu. Ngượng ngùng hơn là nhiều lần ông không kềm hãm được đại tiểu tiện, bài tiết trên giường. Người toát ra mùi hôi; nước miếng hoen khóe mép, đóng cặn.
Xương thịt, nội tạng ông đôi khi đau nhức, nhưng không kéo dài lâu. Ông nhớ có người nói, cận tử thì cơ thể tiết ra vài hóa chất giúp giảm sự đau, sự quằn quại khi mô bào, bộ phận bước vào giai đoạn đau đớn của sự chết (agony phase of death). Các bộ phận trong hình hài ông ngưng dần, bộ phận nọ tiếp nối bộ phận kia như những quân bài domino đè lên nhau mà ngả xuống.
Ông mỉm cười chờ đợi. Một ngày đẹp trời nào đó, mắt ông sẽ mờ dần, đồng tử mở rộng nhưng bất động, để đón nhận thêm nhiều ánh sáng. Không gian tối dần, như Victor Hugo than phiền “ Tôi chỉ thấy bóng tối” hoặc Emily Dickinson “...sương mù đang bao phủ quanh tôi”.  Bắt chước Goeth, ông kêu lên “ Light! more light”, cho tôi thêm ánh sáng ! Ðể lần cuối nhìn thấy cuộc đờiRồi ông lịm dần, lịm dần. 
Chỉ trong vài giờ, cơ thịt ông co cứng, giá lạnh, xanh lợt. Rồi vài chục giờ sau, cơ thể ông mềm, mô bào tự hủy hoại vì hóa chất tiết ra, rồi thoái rữa vì đám vi khuẩn trong ruột già ruột non đua nhau lan tràn phá phách đó đây.
Rồi thân xác này sẽ được chôn cất dưới lòng đất sâu. Cát bụi lại về cát bụi… 
 Ông nhớ là cách đây vài tháng, khi linh cảm rằng sẽ đi xa, ông đã làm di chúc. Xin đừng móc dây móc máy vào người tôi khi tôi hấp hối. Cho phép tôi ra đi lành lặn như khi tôi tới. Trên giấy tờ hộ tịch sẽ được ghi tôi chết vì natural cause, rất tự nhiên, điều mà nhiều người mong ước. Và xin cảm ơn mọi người đã chăm sóc tôi, đã lưu tâm tới những nhu cầu cận tử” nhu cầu của người trên ngưỡng cửa tử vong. 
Lão Tam sẵn sàng ra đi.
Như Thomas Edison reo lên Bên kia thế giới sao mà đẹp “It is beautifull over there”!
Và bình thản đợi chờ như nhà văn lão thành MặcThu viết nhân chuyến “tiễn đưa” nhà văn Mai Thảo.
“Sân ga một đám đứng chờ tàu,
Toàn bạn già xưa biết mặt nhau.
Tàu chật, có người lên được trước;
Chậm chân, kẻ đợi chuyến tàu sau.
 Một đi là chẳng quay đầu lại,
Áo trắng trên người đủ kín thân.
Ra đi giống thuở ai vừa đến,
Tàu suốt trăm năm chỉ một lần.

Sân ga thấp thoáng bóng người già,
Họ sẵn sàng về cõi thật xa.
Hình như trong đám trông chờ ấy,
Có bạn thân tình, có cả ta”.
                                             
Vâng. Có cả ta.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Tác giả:  Câu Chuyện Thầy Lang, Bác sĩ Nguyễn Ý-ÐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét