Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Aug 24, 2014 - Chúa nhật 21 thường niên năm A

Aug 24, 2014 - Chúa nhật 21 thường niên năm A
"Thầy  là  Đấng  Kito, con  Thiên  Chúa  Hằng  sống”


 Các Bạn thân mến, 
Tin Mừng Thánh Mattheu tuần này ghi lại việc Đức Giesu đối diện với một vấn đề cấp bách vì thời gian của Ngài không còn bao nhiêu. Đó là Ngài muốn trắc nghiệm sự hiểu biết của các môn đệ về Ngài. Ngài cần biết rõ trong các môn đệ có ai nhận thức được về Ngài chưa? Biết Ngài làm gì không? Có ai sẵn sàng tiếp tục công việc cho Nước của Ngài chưa? Hiển nhiên đây là vấn đề quan trọng liên quan đến sự sống còn của đức tin Kito giáo. Nếu có một số ít người nhận biết chân lý thì công việc của Ngài được xem như bảo đảm. Còn không thì ngược lại.
Ngài bắt đầu hỏi những người theo Ngài:"Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa:" Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Gỉa, kẻ thì bảo là ông Elia, có người lại bảo là ông Gieremia, hay một trong các vị ngôn sứ". Nghĩa là người được Thiên Chúa sai đến và được dân chúng trọng vọng tin tưởng. Quan niệm như vậy là họ đã nghĩ Ngài lớn ngang hàng với các vị tiên tri lỗi lạc nhất. Coi Ngài như vị tiên phong của Đấng Messia, cho sự can thiệp trực tiếp của Chúa Trời.
Khi người ta đồng hóa Đức Giesu với Elia và Gieremia theo su hiểu biết của họ thì họ đã tán dương và đặt Ngài vào vị trí cao, là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa.
Nhưng như vậy chưa đủ, Đức Giesu còn muốn biết chính bản thân các ông là những người Ngài đã tuyển chọn và trực tiếp dạy dỗ, nghĩ gì về Ngài, biết gì về những việc làm của Ngài, nên Ngài hỏi các ông:"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"
Ông Phero nhanh miệng lên tiếng:"Thầy là Đấng Kito, con Thiên Chúa Hằng Sống." Lời phát biểu này là một vinh dự lớn lao cho Phero, giúp ông chuộc lại mọi lỗi lầm và xứng đáng để Đức Giesu dùng làm nền tảng xây dựng Giáo Hội của Ngài. Và mọi người phải nhớ cùng mến phục ông.
Hiển nhiên Đức Giesu rất hài lòng về câu trả lời của Phero, Ngài nói với ông:"Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời."
Sau đó Đức Giesu tuyên bố thiết lập Hội Thánh của Ngài trên tảng đá là chính Phero, đồng thời trao quyền hành dưới đất cho ông cùng hứa gìn giữ Hội Thánh để quyền lực tử thần có mạnh cách mấy cũng không thắng nổi. Ngài còn trao cả chìa khóa Nước Trời cho ông.
Cũng nên nhắc đến địa điểm đặc biệt Đức Giesu chọn để đặt câu hỏi với các môn đệ. Đó là vùng kế cận thành Xedare Philiphe, nơi có nhiều tổ chức tôn giáo nhất thời ấy:
   -   Vùng này có nhiều đền thờ thần Baal của người Syri cổ xưa. Là nơi bao trùm một bầu không khí linh thiêng huyền bí của các tôn giáo, có tới hơn mười bốn đền thờ nằm dưới bóng các vị thần.
   -   Ở đây người ta còn nói có một thạch động rất sâu, rất đẹp, đó là nơi sinh của thần Pan, thần thiên nhiên. Và thành Xedare Philiphe được đồng hóa với thần ấy đến nỗi ban đầu nó có tên là Pania. Vì thế những truyền thuyết của Hi Lap tập trung quanh vùng này.
   -   Người ta cũng nói thạch động dó là nơi phát nguyên của sông Giodano. Ý tưởng này đã ăn sâu vào cả lịch sử và ký ức của các tích truyền Do Thái.
   -   Ở Xedare Philiphe còn có một đền thờ lớn bằng cẩm thạch trắng để thờ thần Xeda do Herode đại đế xây cất hầu tô điểm thêm vinh quang cho nơi này. Về sau con của Herode là Philiphe trang hoàng đền thờ cho lộng lẫy hơn và thêm tên của mình vào rồi đổi tên như hiện nay. Đấy là thế lực và tánh cách thần kỳ của đế quốc Lamã.
 Phong cảnh như một bức tranh sinh động, huyền bí, lấp lánh những đền miếu của các thần Syri, thần Hilap đang nhìn xuống, một nơi qui tụ nhiều câu truyện lịch sử Do Thái, một nơi mà ánh sáng rực rỡ của ngôi đền Xeda chế ngự cả một vùng và đập vào mắt người xem.
Chính tại đó, Đức Giesu, người thợ mộc nghèo nàn với mười hai môn đệ tầm thường, đã đứng, đã công khai hỏi môn dệ rằng họ tin nhận biết Ngài là ai và chờ đợi câu trả lời mạnh mẽ, rõ ràng:"Ngài là Con Chúa Trời”.Dường như Đức Giesu có ý đặt Ngài trên bối cảnh của các tôn giáo thế giới ấy với tất cả những gì là huyền bí, vinh quang, lịch sử của họ, rồi buộc các môn đệ so sánh và nhận định về Ngài.
Rồi khi biết rằng đã có được một người tin nhận biết Ngài là Đấng Messia, Con Chúa Trời Hằng Sống thì Ngài an tâm trao trách nhiệm. Đọan Tin Mừng này chứa đựng nhiều điều quan trọng:

1. Khám phá của ông Phero:
-   Hàm ý không có một phạm trù nào của con người có thể gắn cho Đức Kito, dù là phạm trù cao nhất.
-   Khi người ta cho rằng Đức Giesu như Elia, Gieremia… thì họ đã tưởng rằng xếp Ngài vào hạng cao nhất rồi.
-   Vì đó là những lời tán dương rất trọng vọng; nhưng vẫn chưa đủ, chưa xứng được với Ngài.
-   Dĩ nhiên Phero không thể nào diễn tả điều ông tuyên bố bằng ngôn ngữ thần học hay triết học, ông chỉ biết chắc rằng không một ví sánh trần gian nào có thể mô tả Đức Giesu cho tương xứng.

2. Đọan Tin Mừng dạy chúng ta:

-   Khám phá của chúng ta về Đức Giesu phải là một khám phá cá nhân.
-   Sự hiểu biết của chúng ta về Đức Giesu không thể nào là thứ hàng vay mượn hay mua lại.
-   Bởi người ta có thể biết hết mọi nhận định về  Đức Giesu, về giáo lý Kito, về giáo huấn đầy đủ của mọi nhà tư tưởng, thần học… nhưng có thể vẫn không phải là Tín Hữu của Ngài.
-   Kito giáo không nằm trong sự hiểu biết về Đức Giesu, mà ở chỗ biết rõ về Ngài.
-   Ngài đòi hỏi mọi người phải có nhận biết riêng về Ngài.

3. Đức Giesu thành lập Hội Thánh:
Trước lời tuyên xưng xác đáng của Phêrô đối với địa vị và chức vụ của mình, Đức Giêsu khen ngợi Phêrô, đồng thời trao cho Phêrô trọng trách:”Này anh Simon con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” ( Mt 16, 17-20).
-   Câu khen ngợi của Đức Giêsu đối với Phêrô cho chúng ta biết ông đúng “thật là người có phúc” vì ông biết khiêm nhượng, khôn ngoan, và đón nhận sự thật mạc khải từ Chúa Cha, chứ không phải vì ông là người thông minh tài ba lổi lạc, có kiến thức học lực thâm sâu gì.
-   Trí óc khôn ngoan và sự nhẫn nại, học hỏi tìm kiếm là những yếu tố mở đường để chúng ta đến với đức tin. Nhưng muốn có đức tin, chúng ta cần có ơn Chúa mạc khải và tâm hồn rộng mở đón nhận.
-   Đức Giêsu không bình luận về nội dung niềm tin của Phêrô đối với Ngài mà mọi sự chú ý của Ngài đều chuyển thẳng vào con người Phêrô khi Ngài khen ông.

-   Dĩ nhiên khi khen Phêrô, Đức Giêsu đã xác nhận lòng tin của Phêrô là xác đáng, bởi lẽ lòng tin đó do chính Chúa Cha mạc khải cho ông.
-   Nhưng Hội Thánh của Đức Giesu không thể chỉ được đặt ở một câu quả quyết xác đáng về địa vị và sứ mạng của Đức Giêsu, mà là ở:
   .  nơi con người có niềm tin sắt đá lãnh nhận sự mạc khải đó từ Chúa Cha.
  
.  và nổ lực khôn ngoan hướng dẫn Hội Thánh đó lớn mạnh, vượt qua những thử thách khó khăn.
  
.
 đức tính bộc phát và sắt đá của Phero liên quan đến việc Đức Giesu trao quyền hướng dẫn Hội Thánh và việc hứa sẽ trao chìa khóa Nước Trời để Ngài phục vụ anh em.
-   Trao chìa khóa Nước Trời, theo ý nghĩa của các kinh sư trong Do Thái Giáo, là trao quyền cầm buộc hay cởi tha, quyền cấm đoán hay cho phép, để Phêrô phục vụ và hướng dẫn Giáo Hội.
-   Đức Giêsu cũng trao cho các môn đệ khác để các ông cùng phục vụ cộng đồng dân Chúa như Phêro”Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được khỏi, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Jn 20, 23).
-   Như vậy Phêrô là vị lãnh đạo Giáo Hội được Đức Giêsu trực tiếp trao cho mọi quyền hành, Phêrô cũng là người đứng đầu giữa những người đồng hàng.
-   Vì thế, Hội Thánh là trung tâm của hoạch định Thiên Chúa cho loài người hai chiều kích: thần thánh và nhân bản (phỏng theo nội dung chia sẻ của Lm Nguyễn Văn Nghĩa – Vietcatholic.net):
  
.  Chiều kích thần thánh là chính Đức Kitô, là đầu và là nguồn sức sống.
  
.
 Chiều kích nhân bản là phần tử của Hội Thánh, là các tín hữu chúng ta.
-   Qua đời sống chứng nhân và thờ phượng, chúng ta giúp Đức Kitô hiện diện trong thế giới ngày nay.
-   Nhưng chiều kích nhân bản của Hội Thánh lại giống như bất cứ con người nào, với ưu, khuyết điểm của phận người, ngay cả những người được chọn là tông đồ. Và vẫn đang phấn đấu để trở nên điều mà Thiên Chúa đã mời gọi nó trở thành.
-   Vì thế, Hội Thánh không luôn luôn trưng ra được"diện mạo của Đức Kitô" cho thế giới, như nó phải như vậy và phải làm như thế.
-   Bởi Hội Thánh luôn luôn là một pha trộn giữa ánh sáng và tăm tối, ánh sáng cho những ai muốn nhìn thấy"diện mạo"  Đức Kitô trong Hội Thánh; tối tăm cho những ai có ý định trái ngược.
-   Thực tế chúng ta thỉnh thoảng cũng nghe nói: Tôi tin Chúa, nhưng tôi không thích Hội Thánh; Giáo hội thế này thế kia; cha này khó chịu, bà phước nọ khó ưa …
-   Những kiểu nói ấy nhắm đến Hội Thánh cơ chế hữu hình. Thật vậy, cảm giác như bị tù túng, mất tự do hay thiếu thoải mái là cám dỗ triền miên của kiếp người, một tạo vật có lý trí và tự do. Cảm giác ấy càng tăng thêm khi người ta
đối diện với một hệ thống tổ chức chặt chẽ, với một hệ thống luật lệ nghiêm minh và nhất là với một đôi vị nắm quyền có cung cách hành xữ như cai tù!
-   Dù thích hay không, dù tích cực tham gia hay bàng quang thì Kitô hữu vẫn phải nhìn nhận hiện thực: Đức Kitô đã thiết lập Hội Thánh và Ngài luôn gìn giữ Hội Thánh.
-   Ngoài thực thể siêu nhiên thì Hội Thánh vẫn có đó và phải có đó cơ chế hữu hình.
-   Mà cơ chế thì cần phẩm trật, luật lệ; phải có những con người cụ thể.
-   Thế mà Đức Kitô đã đồng hóa chính Ngài với Hội Thánh Ngài thiết
lập, với cả những con người của cơ chế ấy.
-   Điều này nói lên sự hiện hữu của Hội Thánh với những gì như bản thân nó có, mặc nhiên phải được công nhận.
-   Là Kitô hữu, ít có ai nghi ngờ sự thật này. Nhưng vấn đề đặt ra là tính hữu hình với cơ chế của Hội Thánh.
-   Đã là người trong thân phận có hồn xác, có tinh thần thể chất, có bên trong
bên ngoài…và có tính xã hội, thì cơ chế hữu hình là điều tất yếu cần thiết.
-   Tính xác thể đòi hỏi có cái hữu hình và tính xã hội đòi hỏi có các quy chế, luật lệ.
-   Phẩm trật, quyền bính, luật lệ…của Hội Thánh cơ chế hiện hữu là do yêu cầu của đoàn dân Thiên Chúa. Sự tồn tại khách quan của cơ chế hữu hình có nền tảng trên các chức năng mà nó đảm nhận. Ngoài chức năng tổng quát là phục vụ, còn một số chức năng cụ thể của các cơ chế hữu hình:

     1.Chức năng chuyển giao thông tin: Hội Thánh phẩm trật, cơ chế, đặc biệt qua các Đấng bậc được trao quyền bính chính là phương thế Chúa dùng để bày tỏ thánh ý của Ngài. Một trong các nhiệm vụ hàng đầu mà Đức Kitô trao cho các tông đồ là rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Cơ chế phẩm trật Hội Thánh còn là phương thế Chúa dùng để chuyển giao thông tin giữa con người với nhau và từ con người lên Thiên Chúa. Trong Thánh lễ, đoàn tín hữu tụ họp để lắng nghe Lời Chúa, để lắng nghe nhau và cùng nhau dâng lên Thiên Chúa tâm tư ước nguyện của mình.
     2. Chức năng trung gian của sự hiệp thông: Hội Thánh hữu hình là nơi chúng ta gặp gỡ nhau,  nơi tập thể này mở lòng với tập thể khác trong tình một Cha trên trời giúp đoàn tín hữu có điều kiện thuận lợi để thông phần sự sống Chúa ban tặng, đặc biệt qua các cử hành phụng vụ và sự sẻ chia trong đức ái.
     3. Chức năng gìn giữ sự công bằng, đặc biệt bảo vệ những người yếu thế, cô thân: Các tổ chức, luật lệ là nhằm nâng đỡ, gìn giữ chúng ta những lúc yếu đuối, buông thả. Cơ chế hữu hình một cách nào đó giữ chúng ta khỏi ngã bên này, nghiêng bên kia theo cám dỗ của sự xấu. Sự hiện hữu của các luật lệ, các tổ chức là một sức mạnh bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi những bất công do cảnh mạnh được yếu thua.
-   Như thế, quy tắc luật lệ hay quyền bính hữu hình vừa đảm nhận vai trò gìn giữ sự công bằng xã hội, vừa đòi hỏi chúng ta vươn lên và lướt thắng chính mình.
-   Tương tự như các cơ chế hữu hình khác trong xã hội, Hội Thánh phẩm trật với quyền bính, luật lệ…hiện hữu là tất yếu theo thánh ý của Thiên Chúa, đặc biệt theo ý định minh nhiên của Đức Kitô.
-   Hội Thánh hiện hữu là để tiếp tục công trình cứu độ của Đức Kitô cho đến tận cùng thời gian và không gian.
-   Nếu nhìn Hội Thánh dưới chiều kích Bí tích thì chúng ta cần xác nhận Hội Thánh là một phương thế, một công cụ Đức Kitô thiết lập dùng để tiếp tục chương trình cứu độ của Ngài.
-   Phương thế, là công cụ cho mục đích cần đạt tới, đồng thời cần được chỉnh sửa và hoàn bị để phụng sự Chúa và phục vụ con người cách hữu hiệu hơn, để thực thi các chức năng chuyển tải thông tin làm trung gian sự hiệp thông, bảo vệ sự công bằng…cách tốt đẹp hơn.
-   Đức Kitô khẳng định chính Ngài xây dựng Hội Thánh. Vì thế, chúng ta vững tin vào sự cần thiết và sự trường tồn của Hội Thánh ở trần gian này. Thế nhưng niềm tin ấy không loại trừ bổn phận của mỗi người trong việc góp phần hoàn thiện Hội Thánh xét về phương diện hữu hình qua cơ cấu tổ chức, quyền bính, luật lệ, thể chế.
-   Con người và các hình thái xã hội ngày mỗi đổi thay không ngừng. Vì thế các mối tương quan giữa người với người, giữa tập thể này với tập thể khác cũng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, đòi hỏi chúng ta chuyên chăm cầu nguyện cho Hội thánh, cho các Đấng bậc và tích cực góp phần cách cụ thể, cho dù là bé nhỏ.

Lạy Chúa, chúng con xin theo Ngài để trở thành con người hoàn hảo hơn nhờ sự tin yêu dũng mạnh. Biết sống khiêm tốn, hiền lành và thông cảm, biết chấp nhận đau khổ của mình và của người khác, cùng chia sẻ những âu lo với nhau.
Xin soi dẫn lương tâm chúng con luôn biết quan tâm đến những nỗ lực xây dựng Hội Thánh, biết khát vọng muốn được truyền thông, muốn trở nên mọi sự cho mọi người và được lãnh nhận thần linh của Ngài. Vì Ngài chính là Đức Kito, Con Thiên Chúa Hằng Sống và là Chúa chúng con. Amen.


Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét