Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

CHỒNG LƯỜI,

CHỒNG  LƯỜI,
CHUYỆN  PHIẾM  CỦA  GÃ  SIÊU
(CGVN)



Mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, thế nào các bà vợ cũng bàn tán về những thói hư của các “lão chồng”. Mỗi khi có dịp thỏ thẻ tâm sự, thế nào các chị vợ cũng than thở về những tật xấu của các anh chồng. Về những thói hư tật xấu này, gã xin “kê đơn hoàn tán”: Nào là cờ bạc, nào là bợm nhậu, nào là bồ nhí, nào là bạo lực, nào là biếng nhác. Dưới một góc độ nào đó, thì những thói hư tật xấu này là như những “mối tội đầu”, vì từ đó sẽ phát sinh ra những xáo trộn và đổ vỡ trong cuộc sống gia đình. Hôm nay, gã xin trình bày về tật biếng nhác việc nhà của các đức ông chồng.
Mặc dù không được ghi thành văn bản, nhưng sự phân chia giữa xã hội và gia đình đã ăn sâu vào tận tâm can tì phế của mỗi người, đó là đờn ông thì lo việc ngoài xã hội, còn đờn bà thi lo việc trong gia đình. Sự phân chia này ngày nay đang có phần đảo lộn, khiến nhiều chị đờn bà đã nhảy phóc ra ngoài xã hội và cũng đã gặt hái được những thành quả đáng kể, trong khi đó nhiều anh đờn ông bèn rút vào trong gia đình bằng những bước chân âm thầm:
-  Làm trai rửa bát quét nhà.
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà em đây.
Tuy nhiên, phần lớn vẫn còn giữ vững quan niệm: Việc nhà là bổn phận của đờn bà, của những chị vợ. Trong phạm vi việc nhà, anh chồng thường có hai thái độ:
 Thái độ thứ nhất là biếng nhác
Anh chồng không thèm đụng tay vào bất cứ công việc nào ở nhà cả, theo tác phong Tú Xương:
-  Việc nhà phó mặc cho bu nó.
   Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.
Thử tưởng tượng công việc ban chiều của một chị vợ tại thành phố: Vừa tan sở, vội phóng xe đi đón thằng nhỏ, rồi xẹt qua chợ “chồm hổm”, chân thấp chân cao mua bó rau, con cá. Về nhà bật nồi cơm điện, quay sang tắm cho thằng bé. Xong xuôi, lại đèo con đi đón thằng lớn. Quay về nhà, vừa lau dọn, vừa nấu nướng, vừa canh thằng bé nghịch phá. Tả đột hữu xung hơn nửa tiếng đồng hồ, chị bới tô cơm cho thằng anh, đút cơm cho thằng em. Sau khi giặt giũ, phơi quần áo, ủi đồ, rửa chén, tưới cây, chị ngáp dài khi ngồi vào bàn dạy con học. Những ngày con học thêm, chị càng đuối. Trong khi chị quay cuồng với vai trò nội tướng, thì anh chồng lại đang làm “ngoại tướng” giương oai trong quán nhậu.
Nếu không ở quán nhậu, thì khi về đến nhà, anh chồng cũng chỉ biết tắm rửa, rồi ngồi đọc báo hay xem tivi và chờ vợ mời vô xơi cơm. Thậm chí, trong bữa ăn thiếu trái ớt hay thiếu cây tăm, anh ta cũng chẳng thèm đứng lên đi lấy. Còn khi leo lên giường, anh ta chẳng bao giờ mắc mùng. Thiếu chăn, thiếu gối anh ta cũng mặc kệ, vô tư nằm lăn ra ngủ, chứ không biết tiếp tay chuẩn bị. Đôi vớ anh ta mang, nếu chị vợ quên thay là bốc mùi, thế mà anh ta vẫn cứ hồn nhiên xỏ chân vào. Thậm chí có anh chồng không ngần ngại khoe:
-  Vào bữa ăn, tớ chỉ có việc ngồi và đưa bát cho vợ bới cơm. Vợ còn đưa bằng cả hai tay nữa. Đi công tác ở đâu, tớ chỉ cần báo trước, vợ chuẩn bị mọi đồ dùng cần thiết và tớ chỉ việc xách túi lên đường.
Viết đến đây, gã bèn nhớ tới câu ca dao mô tả về tác phong của một anh chồng lười:
-  Chú tôi hay tửu hay tăm,
  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.
  Ngày thì ước những ngày mưa,
  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.
 Thái độ thứ hai là đụng đâu hỏng đó 
Những anh chồng thuộc loại này cũng có được tí chút thiện chí, muốn chia sẻ việc nhà với chị vợ, nhưng vì không quen, không tập, không học nên đụng đâu hỏng đó, khiến chị vợ lại càng vất vả mệt mỏi hơn, phải tốn công gấp đôi để giải quyết hậu quả thảm khốc.
Một chị vợ đã kể lại những chuyện xảy ra khi mình vắng nhà như sau: Ngày đầu tiên khi đi công tác xa, lòng chị như lửa đốt, chỉ muốn gọi về nhà ngay, nhưng cố chờ đến tối, xem “lão chồng” ở nhà chống đỡ thế nào. Tám giờ tối, không thể chờ thêm nữa, chị gọi về. Cu Tí con chị bốc máy, nhanh nhẩu báo cáo:
-  Mẹ ơi, bố làm nổ cái phích nước với hỏng cái bếp ga rồi.
-  Thế bố đâu?
-  Dạ, bố đang coi tivi.
-  Vậy hai bố con không ăn cơm tối à?
-  Bố bảo bố không đói. Con có đói thì ra ngoài tìm đại thứ gì mà ăn. Con cũng chẳng biết tìm gì, nên thôi.
Hoá ra anh chồng chị cũng đói, cũng vô bếp tìm cách pha mì tôm cho hai bố con. Anh ta hí hoáy bật bếp mãi không lên lửa, bèn phán với con trai:
-  Bếp hỏng rồi.
Anh ta không biết chị vợ đã cẩn thận khoá bình ga sau mỗi lần dùng. Anh ta chuyển phương án, dùng bình siêu tốc đun nước. Đun xong, đổ luôn vào phích, dù trong phích vẫn còn nước nguội. Vậy là phích nổ. Anh ta mất hứng, bỏ ra xem tivi cho qua bữa, và vì lười, nên cũng không muốn ra ngoài ăn. Nghe con trai kể tỉ mỉ cảnh khổ sở của chồng, chị vừa thương vừa giận, không hiểu sao một cán bộ quản lý giỏi giang ngoài xã hội như anh ta, mà ở nhà lại quá kém cỏi như thế.
Một anh chồng khác có chị vợ đau, nằm ở bệnh viện. Chị vợ nhờ đi mua phở. Anh ta chạy một vòng, rồi quay về bảo:
-  Ban trưa chẳng ai bán cả.
Vợ bực:
-  Thế sao thường ngày, có lần buổi trưa, anh thèm ăn phở mà em vẫn mua được?
Đi công tác gấp ở tỉnh xa, đến nơi anh gọi điện thoại báo:
-  Em ơi, anh quên mang đồ lót, làm sao bây giờ?
Vợ cáu:
-  Thì anh mua mà dùng tạm, chuyện đó cũng phải hỏi là sao?
-  Nhưng mua cái món đó ở đâu?
-  Trời ơi là trời. Ngoài chợ chứ ở đâu.
-  Nhưng anh không quen mua mấy thứ đó.
Đến đây thì chị vợ chịu hết nổi:
-  Anh muốn mua thế nào cũng được.
Nói xong, liền cúp máy.
Có lần được vợ nhờ lau nhà. Lau được một nửa, thì nghe tiếng vợ hét ầm lên:
-  Anh phải quét nhà xong rồi mới lau chứ.
Vậy là anh phải lau lại bằng giẻ khô, rồi quét, rồi lau lại. Cọ toa lét, anh cũng lớ ngớ, hí hoáy mãi mà không xong. Biết chồng làm không được, nhưng chị nghĩ:
-          Cứ để “lão” làm một lần cho biết mùi đời.
Bình thường, nhà nhám chân một chút là kêu ca, toa lét có một vết bẩn cũng cằn nhằn.
Có lần gặp trời mưa, “lão” lấy áo mưa ra mặc, mới phát hiện mùi thối. Hoá ra lần trước, sau khi sử dụng, chiếc áo vẫn còn đầy nước, mà “lão” vẫn cứ vô tư tống vô thùng xe, bây giờ mở ra mặc, thì trời ơi, đất hỡi! Phen đó “lão” phải chạy ngược về nhà, thay bộ quần áo khác, vì đồng nghiệp trong phòng không chịu nổi mùi hôi. (Phụ Nữ Thứ Tư, số 103, ngày 20.10.2010).
Vậy đâu là nguyên nhân làm phát sinh tình trạng biếng nhác kể trên? Theo gã nghĩ:
 Nguyên nhân thứ nhất, đó là tại nền văn hoá Đông Phương 
Thực vậy, nền văn hoá Đông Phương vốn mang nhiều ảnh hưởng học thuyết của Khổng Mạnh. Học thuyết này vốn chủ trương trọng nam khinh nữ. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Sinh được một cậu con giai, thì đã được coi như là có; chứ sinh được mười cô con gái, thì vẫn kể như là không. Đồng thời, người vợ phải phục tùng người chồng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà thì phục tùng cha, lấy chồng thì phục tùng chồng, chồng chết thì phục tùng con. Ba chữ “tòng” này, bất cứ người con gái nào cũng phải thuộc lòng và tuân giữ. Hơn thế nữa, sự phân chia công việc cũng thật rõ ràng; “Gái trong khung cửi, trai ngoài chân mây”. Đờn ông thì lo công danh sự nghiệp ngoài xã hội, như Nguyễn Công Trứ đã viết:
-  Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
  Không công danh thà nát với cỏ cây.
Còn đờn bà thì lo việc “tề gia nội trợ” và phải ra sức tập luyện tứ đức, tức là công, dung, ngôn, hạnh, như Nguyễn Trãi đã viết:
-          Hãy xem xưa, những bậc dâu hiền,
     Kiêm tứ đức, dung công ngôn hạnh.
Trong tứ đức thì công là đủ mùi xôi thức bánh, giỏi dang từ đường chỉ mũi kim. Tóm lại là phải đảm đang những việc trong nhà, trong gia đình của mình.
 Nguyên nhân thứ hai là tại nền giáo dục trong gia đình 
Thực vậy, thạc sĩ Vũ Thị Thanh nhận định: “Nhiều người quan niệm công việc nội trợ và chăm sóc con cái là trách nhiệm và bổn phận của chị vợ. Họ không coi đó là bất bình đẳng, mà la một lẽ đương nhiên trong đời sống”. Một khảo sát cho thấy, khi mới kết hôn, chị vợ là người đảm nhiệm chính các công việc nội trợ, trong khi “việc” của các anh chồng thì hết sức khiêm tốn: Mua thức ăn, dọn nhà (3%), nấu cơm (2,4%) rửa bát (1,1%), giặt giũ (1,6%). Sở dĩ người đờn ông ít chịu nhúng tay vào việc nhà là vì không được giáo dục ngay từ nhỏ rằng: Đây cũng là việc của mình. Thậm chí có anh chồng còn kết luận:
-  Đờn ông mà vào bếp, thì chẳng còn ra dáng đờn ông nữa. Người ta nhìn vào cười chết.
Tuy nhiên, muốn giúp đỡ vợ những công việc nhà, đôi lúc cũng không phải dễ, nhất là khi còn đang sống chung với bố mẹ. Báo Phụ Nữ Thứ Tư, đã đưa ra một trường hợp điển hình như sau: Anh rất muốn vào bếp để nấu ăn cho vợ, nhưng lại phải lén mẹ. Anh muốn đối xứ tốt với vợ, thì mẹ anh lại phản đối, cho là anh làm “tôi mọi” vợ. Anh càng đỡ đần vợ nhiều, thì vợ anh càng khổ tâm, vì mẹ chồng xót con, cứ nói xa nói gần:
-  Có vợ còn cực hơn đi đày.
   Cả khi vợ anh mới sinh con, bà cũng càu nhàu:
-  Đống đồ dơ dáy như thế mà lại để chồng xả. Thời xưa, tôi sinh con phải tự lo chứ đâu có đày đọa chồng. Mấy chuyện đó đàn bà phải làm. Người ngoài nhìn vào, họ cười thúi đầu.
Vì thế, anh vừa làm việc nhà cho vợ, vừa phải tìm cách đối phó với mẹ. Cho nên làm việc nhẹ, mà hoá ra chẳng nhẹ tí nào.
 Sau cùng nguyên nhân thứ ba là tại…chị vợ 
Theo tâm lý, thì cánh đờn ông thường thích làm những công việc nặng nhọc, to tát và có tính cách sáng tạo, nên ít để ý tới những công việc lặt vặt, tỉ mỉ, thành thử như trên đã trình bày: Đụng đâu hỏng đó. Một anh chồng đã chia sẻ như sau:
- Tôi muốn tham gia vào các việc trong nhà, nhưng cũng không phải là chuyện dễ, vì không đáp ứng nổi những yêu cầu của vợ. Tôi lau nhà, vợ chê dơ; tôi nấu cơm, vợ chê nhão; tôi nấu canh, vợ chê mặn; tôi tắm cho con, vợ chê còn nhớt xà bông. Sự thiếu tế nhị của vợ khiến tôi mất tự tin, mất hứng thú và chán nản chẳng muốn làm. Không ai làm cực nhọc chỉ để nhận lại tiếng chê. Đó là chưa kể cách sai việc của vợ nhiều phen làm tôi bẽ mặt với khách khứa. Riết rồi tôi phó mặc vợ, đi chơi cho khoẻ.
Trong khi đó, một chị vợ cũng đã thú nhận:
- Hồi mới cưới, tôi cứ xung phong làm hết việc nội trợ. Riêng việc nấu ăn, tôi càng không cho chồng đụng tay vào vì sợ không ngon. Chồng tôi thời sinh viên cũng biết nấu ăn sơ sơ. Nhưng gặp được cô vợ nấu ăn giỏi, nên mặc nhiên xếp mình vào hạng “không biết” và không cần làm nữa. Sau một thời gian, tôi nhận ra sai lầm, bắt đầu kéo chồng tham gia việc bếp núc, lúc thì nhặt rau, khi thì canh chảo cá chiên, bắc nồi cơm. Từ việc nhỏ tiến lên việc lớn, từ dễ đến khó. Tôi thấy đờn ông chỉ lười việc lặt vặt thôi chứ thông minh, nhanh nhạy lắm, ba cái chuyện bếp núc, họ làm vài lần là chuẩn hết.
Và như vậy, để anh chồng bớt đi sự biếng nhác của mình và cùng làm những công việc nhà, nhờ đó mà gắn bó với nhau hơn, thì các chị vợ cần phải tập luyện cho anh chồng. Một chị vợ đã tâm sự như sau:
- Muốn một đứa trẻ cứng cáp, tự lập sớm, người mẹ cần bớt úm, cứ thả cho trẻ tự vật lộn với cuộc sống, sẽ tiến bộ lên ngay. Với chồng cũng thế. Đôi khi cũng cần viện lý do bận rộn gì đó, để mặc đống quần áo bẩn của chồng. Hết đồ sạch để mặc, lại không chờ vợ được, ông ấy mới nghĩ đến chuyện tư đi giặt. Buồn cười lắm, chồng em là cử nhân ngành tự động hoá, nhưng đến lúc giặt đồ mới hỏi vợ: Muốn giặt thì bầm nút nào trước, nút nào sau.
Có nhiều cách tập luyện cho anh chồng, nhưng chủ yếu vẫn là phải biết nhẹ nhàng nhờ vả và ngọt ngào khen thưởng. Dù là việc chung, nhưng chị vợ nên nhún nhường để “nhờ anh, anh làm giúp em”, chứ không nên khẳng định “anh là chồng, là cha, anh phải làm, phải có trách nhiệm…”. Tình yêu dành cho chị vợ sẽ khiến anh chồng cảm thấy xót xa khi chị vợ vất vả nặng gánh. Không có sự phân công lao động nào hoàn hảo cho bằng sự phân công từ tình yêu thương.
Riêng đối với anh chồng, thì như cha ông ngày xưa đã bảo:
-          Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Bất kỳ việc gì, cũng đều phải học, ngay cả những việc đơn sơ và tầm thường nhất. Vì vậy, anh chồng cần phải vượt qua cái sĩ diện đờn ông, cũng như mặc cảm đuểnh đoảng và vụng về, lưu tâm học hỏi bằng cách quan sát, hỏi han chị vợ để được cầm tay chỉ việc. Nếu kiên nhẫn học tập, nghề mới này chắc chắn sẽ đem lại cho anh chồng những niềm vui thật bất ngờ.

 Tác giả:  Chuyện phiếm của Gã Siêu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét