Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Thử thách

Thử  thách  Thử  thách  Thử  thách
(Chúa Nhật XX TN, năm A)
(Mon, 04/08/2014 - Trầm Thiên Thu - Thanhlinh.net)


Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tiền nhân đã xác định như vậy. Quả nhiên đúng như thế. Ngạn ngữ Phi châu nói: “Biển lặng chẳng tạo nên thủy thủ tài ba”. Thật vậy, thử thách càng cao thì cơ hội càng lớn. Thời thế tạo anh hùng nhiều hơn là anh hùng tạo thời thế. Như cụ Phan Bội Châu (1867-1940) đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”.

Garrison Keillor so sánh: “Cuộc sống cũng giống như cuộc chiến, nếu mọi thứ bỗng trở nên yên lặng thì có nghĩa là bạn đang thua trận. Cuộc sống luôn đầy những thử thách, kinh nghiệm này ai cũng có thể tích lũy theo thời gian. Nếu không có thử thách, làm sao chúng ta có thể biết và nhận ra sức mạnh tuyệt vời vẫn đang tiềm ẩn trong chúng ta? Vả lại, cuộc sống bình lặng sẽ nhàm chán vì đơn điệu. Toni Malliet nói: “Thử thách không là gì cả, nhưng cơ hội ẩn chứa đằng sau thử thách đó mới là điều đáng nói.

Nếu bạn tỏ ra yếu mềm trước thử thách thì bạn thật là bé nhỏ và sức mạnh của bạn thật là yếu đuối. Vì thế, chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu luôn động viên chúng ta nên “đi qua cửa hẹp” (Mt 7:13-14; Lc 13:24), tự tôi luyện trong gian khổ chứ không ung dung tự tại. Chắc chắn mọi thử thách đều có giá trị cao, vì chính những gian nan mới khiến người ta trưởng thành đúng nghĩa, gọi là “thành nhân”.

Thiên Chúa phán: “Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ” (Is 56:1). Thời gian là của Chúa, chúng ta chỉ là những người quản lý, không thể biết thời gian còn dài hay ngắn. Do đó, ai cũng phải tỉnh thức. Tỉnh thức là một dạng thử thách. Chính sự thử thách khiến chúng ta phải coi chừng để mà khéo léo (khôn ngoan) “canh me” hoặc “liệu cơm gắp mắm”.

Thiên Chúa chí nhân nhưng cũng tuyệt đối công bình và chính trực, không thiên vị bất kỳ ai: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56:6-7). Dù là ai, từ giáo hoàng tới giáo dân, từ bề trên tới người giúp việc, từ tổng thống tới người ăn xin,... không ai có thể viện cớ gì mà nói: NẾU, TẠI, VÌ, BỞI, GIẢ SỬ, GIÁ MÀ, PHẢI CHI,...

Ai tự cảm thấy mình thiếu thốn thì xin – xin nghiêm túc chứ không “xin xỏ”. Khi thấy người khác xin thì chúng ta phải cho. Đó là công bằng. Ở đây là “xin - cho” trong tương quan yêu thương và bác ái, chứ không “xin - cho” theo kiểu “chế độ” ban phát. Chúng ta đều là những “người làm công” trong Vườn Nho của Chúa, chẳng ai có quyền gì mà “chảnh” với nhau. Ý thức được như vậy, chúng ta có thể ước mong như tác giả Thánh Vịnh: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67:2-3).

Phàm nhân bất trác và bất túc nên luôn có rất nhiều mong ước, về mọi thứ, cả tinh thần lẫn vật chất. Nhưng ước mong về tâm linh mới quan trọng nhất: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài” (Tv 67:5-6). Công lý và công bình phải có thì con người mới được tôn trọng đúng mức: Nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền.

Chúc nhau điều gì thì phải thật lòng, không thể chỉ “xã giao”. Trong các Thánh Lễ có nghi thức “chúc bình an”. Nghi thức là để tránh lộn xộn chứ đừng chỉ theo nghĩa đen của nghi thức. Tuy nhiên, một số người thụ động trong khi cúi chào chúc bình an cho nhau, có người chỉ “co cái cần cổ” chút xíu, nhìn vẻ rất miễn cưỡng. Ngay cả chủ tế cũng có người thụ động, gật đầu theo nghi thức, hai cậu lễ sinh hai bên chả sơ múi gì! Trong tình hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng chân thành chúc nhau: “Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8).

Thánh Phaolô bộc bạch: “Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó. Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11:13-15). Ông cựu Biệt Phái Saolê muốn người ta “ganh tị” chứ không “ghen tị” hoặc “ghen ghét”, nhưng phải là ganh tị về điều thánh đức, cứu các linh hồn, chứ không ganh tị về những thứ trần tục.

Thánh Phaolô xác quyết: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý (Rm 11:29). Thật vậy, “trước kia chúng ta đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay chúng ta đã được thương xót, vì họ không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót chúng ta, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục để thương xót mọi người(Rm 11:30-32). Một triết lý đầy tính thần học và rất đậm “chất Phaolô”!

Người ta đã từng ghét Chúa Giêsu vì có cách nói “chẳng giống ai” và luôn “gây sốc”. Một hôm, Đức Giêsu đang trên đường lui về miền Tia và Xi-đôn, có một người đàn bà Ca-na-an kêu lớn tiếng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt 15:22). Thế nhưng Ngài làm ngơ, không đáp lại một lời. Nhưng rồi Ngài lại nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi” (Mt 15:24).

Dù vậy, bà ấy vẫn đến bái lạy Ngài và thưa: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” (Mt 15:25). Người gì mà lắm mồm, léo nhéo dai còn hơn đỉa đói! Thế nên Ngài nói thẳng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15:26). Nghe “sốc” không chịu nổi! Vậy mà bà ấy vẫn thản nhiên nói:“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bấy giờ Đức Giêsu nhìn bà ấy, vừa cười vừa âu yếm nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15:28). Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Đó là cách Chúa Giêsu thử thách. Tuy nhiên, Ngài thử thách không phải là để “dò tìm” như chúng ta, vì Ngài đã biết rõ cõi lòng ai sâu hay rộng thế nào, trái tim người nào cứng hay mềm, nghĩa là Ngài không cần thử thách. Nhưng Ngài làm vậy để cho mọi người biết giá trị của gian truân, giá trị của đức tin, đồng thời Ngài cũng tạo công trạng cho chính người chịu đựng thử thách.

Như vậy, thử thách và đau khổ là hồng ân. Tất nhiên chúng ta cũng phải biết tạ ơn về loại hồng ân “khác người” như vậy. Vâng, “khác người” chứ không “chết người” đâu!

Lạy Thiên Chúa, con chỉ là con chó nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất và nhơ nhớp nhất, xin thương xót dù con hoàn toàn bất xứng. Con vô duyên và bất tài, nhưng con luôn khao khát nên giống Ngài và tín thác vào Ngài, xin cho con được hưởng những vụn-bánh-yêu-thương rơi thừa từ Thạch Bàn Thương Xót của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của con. Amen.

TRẦM THIÊN THU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét