Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

MÙA VỌNG NHỮNG DẤU CHỈ DỌN ĐƯỜNG

MÙA  VỌNG  NHỮNG  DẤU  CHỈ  DỌN  ĐƯỜNG

(Chủ nhật - 13/12/2015-Đức Giám mục GB. Bùi Tuần)



 

                  002a
              


Mùa Vọng là thời gian mong chờ Chúa Cứu thế. Tâm tình mùa Vọng là cầu nguyện, kêu van. Việc đó phải rất chân thành. Ngoài ra, việc làm mùa Vọng còn là bắt chước những việc của các nhân vật quan trọng dọn đường cho Chúa.

Mỗi nhân vật có một việc được đề cao. Có thể coi những việc đó là những dấu chỉ dọn đường cho Chúa đến.
Dưới đây xin kể vắn tắt những việc làm đó.

1. Đức Mẹ Maria đi thăm viếng bà thánh Elisabet
Phúc Âm kể: "Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabet" (Lc 1,39-40).
Từ Nadarét là quê Đức Mẹ đến làng Ain-Karim là quê bà Elisabet, đường xa khoảng 150 kilômét.
Đi bộ phải mất 4 ngày 4 đêm.
Đức Mẹ Maria bấy giờ là một cô gái rất trẻ. Sự thường với sức khoẻ của tuổi ấy, Đức Mẹ không dám lên đường. Nhưng Đức Mẹ đã vội vã khởi hành. Sức mạnh nào đã thúc đẩy Maria? Thưa Chúa Thánh Thần.
Cuộc hành trình có 3 giai đoạn: Xuất hành, qua miền núi như qua sa mạc và tới Đất Hứa. Suốt chuyến đi, Mẹ Maria vừa giữ tâm hồn chiêm niệm, vừa ngắm cảnh, vừa vui vẻ chào hỏi những người mình gặp.
Mẹ mang niềm vui có Chúa trong lòng. Niềm vui của Mẹ là được chia sẻ niềm vui ấy, và thấy niềm vui ấy trong ánh mắt và thái độ nơi những người khác.
Vừa gặp bà Elisabet, Mẹ Maria chào bà. Từ lời chào ấy, bà Elisabet cảm nhận được một niềm vui lạ lùng khôn tả.
Mẹ Maria đã trao tặng bà Elisabet niềm vui cứu độ. Chứng tỏ rằng: điều quan trọng trong bác ái không phải là cho đi, mà là cho đi cái gì. Đức Mẹ ở lại nhà bà Elisabet 3 tháng, để chăm sóc cho bà.
Chia sẻ niềm vui cứu độ và làm các việc bác ái, đó là một dấu chỉ dọn đường cho Chúa.


2. Bà Elisabet cảm nhận được ơn thánh hoá
Phúc Âm kể: "Bà Elisabet vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1,41-42).
Bà Elisabet, khi được ơn Chúa Thánh Thần, đã trở nên con người nhạy bén. Bà cảm thấy những việc thánh hoá Chúa làm, dù những việc đó xảy ra kín đáo. Bà nghiệm được những kỳ công của Chúa, dù những kỳ công đó là do đức tin. Bà nói với Đức Mẹ: "Em thực có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1,45).
Bà nhận ra những ai là kẻ được Chúa chúc phúc. Đó là Đức Mẹ và con của Đức Mẹ, bản thân bà và con của bà. Bà nhận ra một cách chắc chắn với niềm vui sướng hồn nhiên, khiêm tốn, đầy cảm tạ. Từ đó, bà gợi ý cho Đức Mẹ nói lên lời ca tụng chan chứa niềm hy vọng: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi..." (Lc 1,46-55).
Cảm nhận được ơn thánh hoá của Chúa và chúc tụng Chúa, đó là dấu chỉ dọn đường cho Chúa.


3. Ông Dacaria nói về con trẻ Gioan
Phúc Âm kể: Khi làm phép cắt bì cho con trẻ Gioan, ông Dacaria "được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: ... Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao. Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, làm cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội lỗi" (Lc 1,76-77).
Con trẻ Gioan sau này là Gioan Tiền Hô, cũng gọi là Gioan Baotixita. Ngài nổi tiếng về việc hay giảng về tội, như ăn năn tội, chừa tội, rửa tội, đền tội.
Nhưng cũng có một cách khác để nói về việc thánh Gioan dọn đường cho Chúa, đó là Ngài giúp người ta cảm nghiệm được tình Chúa xót thương tha thứ tội lỗi.
Ông Dacaria đã nói về Gioan như một tiên tri về lòng Chúa thứ tha: "Người sẽ cứu độ là tha thứ cho họ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn" (Lc 1,77-78).
Để nếm được ơn tha tội, người ta cần biết mình tội lỗi, mà tội lỗi là cái gì xấu xa tồi tệ. Nhưng khi người ta biết mình và sám hối, Chúa sẽ tha thứ. Thứ tha là niềm vui của Chúa giàu lòng thương xót.
Hơn nữa, Chúa đi tìm người tội lỗi, để tha thứ cho họ. Chỉ cần họ biết đón nhận ơn tha thứ, bằng cách sửa mình và tín thác vào tình yêu Chúa.
Lo việc sám hối và gẫm suy về sự Chúa xót thương tha thứ tội lỗi, đó là dấu chỉ dọn đường cho Chúa.

4. Nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hôm nay
Nhìn vào hiện tình Hội Thánh Việt Nam, chúng ta thấy phong trào đón mừng lễ Chúa Giáng sinh là rất rầm rộ.
Rầm rộ, như làm hang đá, trang trí nhà thờ, gửi thiệp chúc mừng, tặng quà Noel.
Chúng ta rất mừng, vì bên cạnh những tổ chức bề ngoài, vẫn có những dấu chỉ dọn đường như nói ở trên, tức là
- chia sẻ Tin Mừng cứu độ và làm việc bác ái dưới nhiều hình thức,
- xưng tụng các việc thánh hoá Chúa đã làm,
- đón nhận sự tha thứ của lòng thương xót Chúa.
Điều cần quan tâm là, hãy làm hết sức để đi vào chiều sâu khi làm ba việc đó.
Đi vào chiều sâu là thực sự có ơn Chúa Thánh Thần trong mình, khi làm bác ái, khi xưng tụng những việc Chúa thánh hoá, khi nói về sự đón nhận ơn Chúa thứ tha.
Đi vào chiều sâu là thực sự có sự sống Thiên Chúa trong mình, khi thực hiện những việc làm có tính cách là dấu chỉ dọn đường cho Chúa.
Sự khiêm nhường và sự nghèo khó là đặc điểm của tình yêu dâng hiến nơi Đức Mẹ Maria, thánh Elisabet và thánh Gioan Tiền Hô. Các người dọn đường cho Chúa sau này cũng vậy.
Tình hình Hội Thánh Việt Nam hôm nay là rất phức tạp. Chúa đang đến để cứu. Người cứu bằng tình yêu khiêm tốn, tự hạ, quên mình. Người đòi sự cộng tác của Hội Thánh. Nếu chúng ta không tỉnh thức đón nhận Người và cách Người giải cứu, thì hậu quả sẽ là tai hoạ khôn lường. Tuy nhiên, chúng ta tin vào sự khôn ngoan của Hàng Giám mục Việt Nam chúng ta.
Xin thân ái cầu chúc cho nhau một mùa Vọng như lòng Chúa mong ước.

Đức Giám mục GB. Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét