(Mon, 07/12/2015 - Vũ Văn An-Vietcatholic.net)
Không gì
sai lầm bằng công bố lòng thương xót mà đồng thời không công bố lòng thống hối.
Những ai chỉ công bố lòng thương xót mà thôi là những người lừa đảo, lừa người
và lừa mình. Đó là nhận định của nhiều nhà thần học.
Theo họ,
chỉ khi nào ta biết và nhìn nhận tội lỗi của ta, những lời nài nỉ “xin Chúa thương xót” mới chân thực và
có ý nghĩa. Ấy thế nhưng, thời nay, lòng thương xót rất hay bị truyền giảng một
cách biệt lập, tách rời, đến nỗi, người nghe quên khuấy tội là điều có thực,
hay tuy có thực nhưng chả quan trọng chi, vì Thiên Chúa đâu có để ý gì tới việc
ta làm, vì dù thế nào, Người vẫn là Đấng hay thương xót. Trái lại, những ai nói
tới tội bị người ta coi là những kẻ không có lòng thương xót!
Nhiều nhà
thần học luân lý vì thế nhấn mạnh rằng ta chỉ có thể được Thiên Chúa thương
xót, thương xót một cách đầy kinh ngạc, nếu ta chịu thống hối. Chính lòng thống
hối đã mở cửa dẫn vào lòng thương xót, tha thứ và khoan nhân.
Đức Ông
Charles Pope của Tổng Giáo Phận Washington D.C. đưa ra một thí dụ về y khoa:
Một người rất yếu về sức khỏe vì mắc đủ chứng như cao huyết áp, cao mỡ và tiểu
đường. Nền y khoa hiện đại có rất nhiều phương tiện giúp những người như ông:
từ thuốc uống tới giải phẫu, thông tin về dinh dưỡng v.v… Nhưng để được giúp
đỡ, ông cần hiểu rõ và nhìn nhận mình có vấn đề, cần xin hẹn gặp thầy thuốc,
giữ đúng hẹn, dùng thuốc và theo lời khuyên nhận được.
Chỉ khi
nào ông sẵn sàng làm những việc như thế, thì giúp đỡ y khoa mới có thể thực
hiện được với ông mà thôi. Ông phải thực hiện một thay đổi, phải thực sự vươn
tay ra và khai triển một mối liên hệ với cộng đồng y khoa. Ông phải thực sự sử
dụng y khoa. Ca ngợi y khoa và vui mừng vì việc chữa chạy có đó mà thôi không
đủ, phải hành động và đặt ra một hướng đi mới cho đời mình.
Cuộc sống
thiêng liêng cũng thế: Thiên Chúa ban cho ta lòng thương xót và tình yêu hàn
gắn của Người; Người ban chúng cho mọi người. Nhưng những ơn phúc này phải được
tiếp nhận bằng lòng thống hối.
Thống hối
trong nguyên ngữ Hy Lạp là metanoia và chữ này không phải chỉ có nghĩa là rửa
sạch hành vi của ta mà thôi. Đúng hơn nó có nghĩa tiến tới một tâm tư mới, một
lối suy nghĩ mới. Tiền từ “meta”
trong metanoia có nghĩa thay đổi. Thành thử thống hối không phải chỉ là ăn năn.
Nó bao hàm việc thay đổi thực sự hay tiến bước theo hướng đúng. Và nhờ thế,
metanoia tháo mở mọi ơn phúc: chữa lành, thương xót, và cứu rỗi. Ta phải để ơn
thánh Chúa tương tác với tự do của ta để thực hiện sự thay đổi thực sự, thực
hiện sự quyết tâm thay đổi lối suy nghĩ, lối hành động, và đặt ta vào mối liên
hệ cứu rỗi với Thầy Thuốc Thần Thánh là Chúa Giêsu.
Thánh Kinh
luôn cho lòng thương xót “cặp kè” với
lòng thống hối:
* Isaia từng viết: “Đấng Cứu Chuộc sẽ đến Sion, đến với những người trong nhà Giacóp biết
thống hối tội lỗi, Đức Chúa phán như thế” (Is 59:20).
* Chúa Giêsu thì nói với các Môn Đệ trên đường Emmau: “Sự thống hối để được tha tội sẽ được rao
giảng cho mọi dân nước nhân danh Người, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24:46-48).
* Thánh Phaolô cảnh
báo: “Trong
quá khứ, Thiên Chúa bỏ qua sự ngu dốt ấy, nhưng nay Người truyền mọi người ở
mọi nơi phải thống hối” (Cv 17:30).
Mọi người phải hóan cải
Như đã
nói, thống hối không có nghĩa chỉ hối hận về tội mình đã phạm mà điều quan
trọng hơn là cần phải hóan cải. Đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô
nhấn mạnh hôm Chúa Nhật vừa qua khi đọc kinh Truyền Tin với 30,000 tín hữu tại
công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, như một lời giáo đầu mời gọi mọi người bước
vào Năm Thánh Thương Xót.
Ngài nói:
nhiều người thắc mắc, tôi đâu cần hóan cải; hoán cải chỉ áp dụng cho các người
vô thần muốn trở thành tín hữu, các người tội lỗi muốn trở thành công chính
thôi chứ, còn chúng tôi há đã chẳng là Kitô hữu cả rồi hay sao? Như thế mọi sự
đều tốt đẹp cả rồi.
Với những
người tự mãn như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “ta hãy tự hỏi xem: có thật là trong một số tình huống và hoàn cảnh đời
sống, ta đều có cùng các tâm tư như Chúa Giêsu không? Thí dụ, khi ta phải chịu
một đau khổ nào hay một nhục mạ nào, chúng ta có phản ứng lại bằng cách không
hận thù trong lòng và tha thứ cho những người tạ lỗi với chúng ta không? Khi ta
được mời gọi chia sẻ vui buồn, ta có thành thực khóc với người khóc và vui với
người vui không? Khi biểu lộ đức tin của mình, ta có biểu lộ nó một cách can
đảm và đơn sơ, mà không thấy xấu hổ vì Tin Mừng không?
“Ta có thể hỏi mình nhiều câu hỏi lắm. Ta đâu có mọi sự đều
tốt đẹp cả. Ta phải luôn có cùng các tâm tư như Chúa Giêsu”.
Kết luận,
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: “Ơn cứu
rỗi được cung hiến cho mọi con người, không trừ ai, cho từng người chúng ta.
Không ai trong chúng ta có thể nói ‘tôi thánh thiện rồi, tôi hoàn hảo rồi, tôi
đã được cứu rỗi rồi’. Không. Một lần nữa, ta phải tiếp nhận ơn cứu rỗi này, và
vì thế, hãy dùng Năm Thánh Thương Xót để tiến xa hơn trên con đường cứu rỗi
này, con đường mà Chúa Giêsu vốn dạy chúng ta, vì Thiên Chúa muốn mọi con người
được cứu rỗi nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất (xem 1Tm 2:4-6)”.
Sai
lầm nếu chỉ nói tới tội
Dĩ
nhiên, cũng sẽ sai lầm lớn nếu chỉ nói tới tội. Vì nói như thế là quên khuấy sứ
điệp nền tảng này của Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương ta cả lúc ta vẫn đang
sống trong tội, Chúa Giêsu Kitô chết cho ta trước khi ta thống hối! Chính đáp
ứng biết ơn và tín thác của ta vào lòng thương xót này đã giúp ta trở thành tạo
vật mới, để tội lỗi và chết chóc lại sau lưng. Tin Mừng là thế này: không phải
ta phải tự nâng ta lên bằng chính nỗ lực của ta, nhưng Thiên Chúa yêu thương
dẫn ta vào sự sống mới. Bởi thế, chỉ cần tiếp nhận và lớn lên trong tình yêu
này, các vết thương sâu hoắm của ta sẽ được chữa lành và các khát vọng sâu xa
nhất của ta được nên trọn. Chúa Giêsu không muốn điều gì khác cho bằng làm cho
ta lành lặn trở lại nhờ lòng thương xót của Người, bằng cách lôi kéo ta vào
tình yêu bất tận của Người.
Có cả hàng
chục, thậm chí hàng trăm, biểu thức nói tới thực tại trên trong Tân Ước. Nhưng
đoạn nổi tiếng hơn cả là thư gửi tín hữu Rôma của Thánh Phaolô:
“Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta
được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta
tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như
chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng
vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi
gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen
chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên,
thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì
Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người
ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng
người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã
chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám
chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay
khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta” (Rm 5:1-8).
Rồi trong
một bài giảng, Thánh Phaolô tuyên bố: "Vậy
thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan
báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà
trở nên công chính nhờ tuân giữ Luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được
nên công chính” (Cv 13: 38-39).
Ngài cũng
kể cho Vua Agrippa nghe điều Chúa nói với ngài lúc ngài trở lại, nghĩa là lúc
ngài còn đang có tội: “Ta là Giêsu mà
ngươi đang bách hại. Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với
ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã
thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi
thoát khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở
mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi
quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ
được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh
hiến" (Cv 26:16-18).
Thánh
Phêrô thì viết rằng: “Tội lỗi của chúng
ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã
chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những
vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2:24). Còn đây là Thánh Gioan:
“Tình yêu cốt ở điều này: không phải
chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và
sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4:10).
Chính Chúa
Giêsu cũng đã nhiều lần nói những câu như thế này: “Những người khỏe mạnh không cần y sĩ, nhưng những người bệnh mới cần;
Tôi đến không để gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17).
Và “Nếu các ông yêu người yêu các ông,
thì nào có công chi? Vì ngay kẻ tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ” (Lc
6:32). Còn nữa “Tôi bảo thật các ông, tội
lỗi của cô ấy, tuy rất nhiều, nhưng đều đã được tha, vì cô ấy đã yêu nhiều; còn
ai được tha ít, là vì yêu ít” (Lc 7:47). Khi những người đau khổ tín thác
nơi Người để được chữa lành, Người thường nói: “hãy an tâm, tội lỗi của con đã được tha” (Mt 9:2).
Lẽ dĩ
nhiên câu Chúa Giêsu phán với người đàn bà tội lỗi “chị hãy đi, và đừng phạm tội nữa” nhấn mạnh tới thống hối ăn năn.
Tác phong luân lý chắc chắn là phần rất quan trọng của việc thực hiện ý Thiên
Chúa. Nhưng trọng điểm ở đây là thứ tự ưu tiên. Với Kitô Giáo, lòng thương xót
bao giờ cũng đi trước lòng thống hối: câu “chị
hãy đi và đừng phạm tội nữa” đã
được nói sau câu: “tôi cũng không kết án
chị” (Ga 8:11). Người cha không chạy ra đón con trước, đứa con nào dám “thống hối” theo nghĩa đúng đắn nhất của
nó, mà chỉ là biết tính toán “cho đỡ đói”.
tính toán “cho đỡ
đói”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét