San Lũng, Bạt Đồi
( Chúa Nhật II Vọng, năm C)
(Tue,
01/12/2015 - Trầm
Thiên Thu –thanhlinh.net)
Dọn đường
là công việc chuẩn bị để đón tiếp một nhân vật đặc biệt nào đó. Dọn đường có
thể theo nghĩa đen là dọn dẹp đường sá cho vệ sinh hơn, tươm tất hơn, gọn gàng
hơn, lấp những chỗ lõm, san những chỗ lồi,... Dọn đường cũng có thể có nghĩa
đen là trang trí cờ xí, treo đèn, kết hoa,... hoặc nghĩa bóng là tích cực đổi
mối cách sống,... Dĩ nhiên nghĩa bóng quan trọng hơn nghĩa đen. Nói chung, dọn
đường là làm những gì đẹp mắt nhất.
Bề ngoài
cần như vậy, bề trong còn cần hơn, nhất là khi chúng ta chuẩn bị đón Vua các
vua và Chúa các chúa: Đấng Thiên Sai Giêsu Kitô. Ngài thực sự đã đến thế gian –
và chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Ngài đến thế gian lần thứ nhất trong
cương vị Vua Thương Xót, nhưng rồi Ngài đã về trời, và rồi Ngài sẽ lại đến thế
gian lần thứ hai trong cương vị Vua Công Lý, Thẩm Phán tối cao và chí minh.
Trước khi
Chúa Giêsu đến thế gian lần thứ nhất, Gioan Tẩy Giả (Tiền Hô) đã xuất hiện
trong cương vị “người mở đường”, đi
tiên phong để chuẩn bị cho sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô. Gioan Tẩy Giả rất
khác thường, nói đúng ra là một “dị nhân”. Vì thế, nhiều
người thấy ông mà cứ tưởng ông là Đấng Mêsia, là Êlia, hoặc một ngôn sứ nào đó.
Nhưng ông biết rõ ông là ai: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn
tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:30). Người “đến sau” mà lại “có trước”,
người không có đức tin sẽ cảm thấy chói tai, vì theo lẽ thường thì điều đó “ngược đời” lắm. Như phụ nữ Samari, khi
đối thoại với Chúa Giêsu bên giếng nước, cũng đã thắc mắc: “Chẳng lẽ ông lớn
hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này?”
(Ga 4:12).
Về câu nói
của ông Gioan Tẩy Giả, các Phúc Âm nhất lãm cũng cho biết tương tự: “Đấng
đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt
3:11; Mc 1:7; Lc 3:16). Ông Gioan không tự đánh lừa mình hoặc đánh lừa người
khác, và ông khiêm nhường tự nhận: “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc. Hãy
dọn đường cho Chúa đến!” (Ga 1:23).
Ngày xưa,
ông Ba-rúc (con ông Nê-ri-gia) nói với dân chúng: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi
bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa
ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa,
và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng” (Br
5:1-2). Thật hạnh phúc biết bao vì được Thiên Chúa quan tâm và yêu thương
như vậy, càng hạnh phúc hơn khi Ngài không coi chúng ta là tội đồ mà trao ban
cho chúng ta những điều kỳ diệu, vượt quá ước mơ của chúng ta.
Lý do đó
rất lạ, hầu như chúng ta không dám tin, nhưng đó lại là sự thật minh nhiên.
Ngôn sứ Ba-rúc giải thích rõ ràng: “Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi. Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là Bình An xây dựng
trên công chính và Vinh Quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa” (Br 5:3-4).
Vâng, quá đỗi kỳ diệu!
Ngôn sứ
Ba-rúc tiếp tục động viên: “Vùng lên, Giêrusalem hỡi, hãy đứng ở nơi cao, và
hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo
lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.
Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên
Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác
chi một ngai vàng” (Br 5:5-6). Đúng là ngỡ như giấc mơ vậy!
Thiên Chúa
chí thánh, ngay thẳng, mọi nơi Ngài đến phải tươm tất, gọn gàng và sạch sẽ: “Thiên
Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải
lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa. Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ
loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi
trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự
công chính của Người (Br 5:7-9). Thật hạnh phúc khi chúng ta tôn thờ một
Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, giàu lòng thương xót, muốn cứu vớt chứ không muốn
sát hại, muốn tha thứ chứ không muốn trừng phạt. Có lẽ đôi khi chúng ta có mơ
cũng chẳng thấy, thế mà lại là sự thật minh nhiên.
Tác giả
Thánh Vịnh cũng đã từng phải thốt lên: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta
tưởng mình như giữa giấc mơ” (Tv 126:1). Vâng, không ngạc nhiên sao được,
không bất ngờ sao được, khi nhãn tiền chứng kiến những điều kỳ diệu như vậy.
Quá đỗi hạnh phúc, niềm vui vỡ òa, thế nên dân chúng hân hoan cùng nhau “vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã
trên môi khúc nhạc mừng”. Và rồi khi thấy vậy, dân ngoại đã xôn xao bàn
tán: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2). Họ cũng phải tâm
phục, khẩu phục. Chắc chắn không ai có thể trì hoãn sự sung sướng được!
Việc Chúa
làm cho chúng ta thật là vĩ đại, từ việc nhỏ tới việc lớn – đơn giản mà quan
yếu như không khí, và hẳn là cõi lòng ai cũng chan chứa niềm vui khôn
tả. Sung sướng và hạnh phúc, nhưng không được “ngủ quên”, mà vẫn phải
không ngừng cầu nguyện, vì chúng ta vẫn còn trong thân xác phàm nhân, chưa thực
sự thoát sự kềm kẹp của ma quỷ. Do đó, chúng ta phải tỉnh thức, noi gương tác
giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa
dẫn nước về suối cạn miền Nam” (Tv 126:4). Hạnh phúc nào cũng có ít nhiều
nước mắt, đau khổ càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều: “Ai nghẹn ngào ra đi
gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt
giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6).
Cầu nguyện
luôn quan trọng, cho mình và cho người khác. Như hơi thở cần thiết để duy trì
sự sống thể lý thì cầu nguyện là hơi thở để duy trì sự sống tâm linh, nhất là
trong Mùa Vọng này. Không cầu nguyện, thân xác còn sống nhưng linh hồn đã chết.
Thánh Phaolô nói về việc cầu nguyện: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu
nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào
việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh
em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành
cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm” (Pl 1:4-6).
Thánh
Phaolô phân tích chi tiết và cụ thể: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi
hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu. Điều tôi
khẩn khoản nài xin là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào,
khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra
cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không
làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm. Như
thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ
Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 1:8-11).
Tôn vinh,
ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa không chỉ là trách nhiệm và bổn phận của mỗi
chúng ta, mà còn là quyền lợi. Chúng ta làm vậy cũng chẳng thêm điều gì cho
Ngài, nhưng chính động thái đó lại sinh ích lợi cho chính chúng ta. Thật là
trên cả tuyệt vời!
Trình
thuật Lc 3:1-6 (tương đương Mt 3:1-12; Mc 1:2-6; Ga 1:19-28) nói về lời rao
giảng của ông Gioan Tẩy Giả. Trình thuật Tin Mừng hôm nay ngắn gọn nhưng súc
tích, xoáy sâu vào tâm điểm của Mùa Vọng.
Lúc đó là
năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng
trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm
tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan
và Caipha làm thượng tế. Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là chàng
Gioan (anh em họ với Chúa Giêsu) ở trong hoang địa. Gioan liền đi khắp vùng ven
sông Giođan để rao giảng và kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám
hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng
người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng
để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt
cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san
cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Những
thung lũng hiềm khích, thù hận; những núi ghen tuông, những đồi gièm pha; những
khúc quanh lươn lẹo, gian ngoa, lừa bịp; những con đường đầy ổ gà kèn cựa nhau,
đầy ổ voi khích bác nhau, trù dập nhau; và còn rất nhiều những “vùng tối” âm u hơn những cánh rừng
nguyên sinh, đầy thú dữ,... Chúng ta đã san bằng được gì, lấp được hố nào, uốn
thẳng được chỗ nào?
Chuẩn bị
đón mừng Chúa Giêsu giáng sinh không phải là chỉ đua nhau làm những hang đá
sang trọng, lộng lẫy, đồ sộ và tốn bạc triệu, bạc tỷ, hoặc lo sắm sửa đủ thứ để
viện cớ là “ăn mừng” Lễ Giáng Sinh.
Chúa không cần những thứ đó, và Ngài cũng không “chấm công” cho chúng ta vì những thứ xa xỉ đó. Hãy san bằng những
hang đá cồng kềnh đó đi! Tại sao người ta không cố gắng san bằng khoảng cách
giàu – nghèo, khoảng cách cười – khóc, khoảng cách vui – buồn, mà lại cứ “nới rộng” hoặc “đào sâu” thêm những khoảng cách “vô tình” đó?
Thiết
tưởng, tấm lòng của những người mà chúng ta gọi là “khố rách áo ôm” hoặc “nghèo rớt mồng tơi” mới thực sự là
những máng cỏ mà Chúa Giêsu Hài Đồng muốn sinh ra và trú ngụ... Họ chịu nghèo
thay chúng ta đấy, vì thế họ được Chúa yêu thương nhiều. Rất hợp lý! Thánh
Phaolô phân tích: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại
đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính.
Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18).
Và chính Chúa Giêsu đã xác định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do
Trời ban” (Ga 3:27). Thảo nào có lần Ngài đã dạy: “Khi đã làm tất cả
những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng,
chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10).
Veni,
Emmanuel! Lạy Đấng Emmanuel, xin ngự đến!
Lạy Thiên Chúa chí ái, xin giúp con biết can đảm san
lấp mọi chướng ngại ngăn cản con đến với Ngài qua tha nhân. Xin cho con một trái
tim hoàn toàn mới để con biến đổi cấp tốc cho kịp đón mừng Con Một Ngài là Đấng
Thiên Sai. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét