Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Người lớn cần chủng ngừa bao nhiêu loại vaccine?


Thứ sáu, 30/12/2022, VnExpress.net


Người  lớn  cần  chủng  ngừa  bao  nhiêu  loại  vaccine?

Nhiều người cho rằng vaccine chỉ cần thiết với trẻ em. Tôi 52 tuổi, bị hen suyễn và cao huyết áp thì có nên tiêm vaccine không? (Trần Tiến, 52 tuổi, Phú Thọ)

Trả lời:

Chào anh/chị,

Nhiều người cho rằng việc tiêm chủng vaccine chỉ dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh luôn có ý thức chủ động tiêm ngừa vaccine cho trẻ nhỏ nhưng lại lơ là với chính sức khỏe của mình. Thực tế thì bệnh truyền nhiễm không chừa một ai, đa số người lớn thường hay quên hoặc bỏ sót lịch tiêm nhắc theo khuyến cáo do sự quan tâm chưa đúng mức hoặc thiếu thông tin về tầm quan trọng của vaccine.

Theo thống kê, phần lớn các ca tử vong do cúm, viêm phổi phế cầu hàng năm chiếm tỷ lệ lớn ở người lớn, người trên 50 tuổi. Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Sự lão hoá còn làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường, tăng khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp.

Người lớn rất cần tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine, đặc biệt trong thời điểm cuối năm. Ảnh: Mộc Thảo

Người lớn rất cần tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine, đặc biệt trong thời điểm cuối năm. Ảnh: Mộc Thảo

Người lớn có hệ miễn dịch suy giảm, không đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, rào chắn bảo vệ cơ thể ở đường hô hấp trên (mũi, họng) đáp ứng kém nên các mầm bệnh dễ dàng xâm nhập và tấn công xuống đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) và gây bệnh tại đó. Người càng lớn tuổi phổi càng kém đàn hồi, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém nếu mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà - bạch hầu - uốn ván,... sẽ diễn tiến nghiêm trọng, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Chủng ngừa vaccine là biện pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất cho mọi lứa tuổi. Tất cả mọi người đều cần được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là người lớn, người già, người có bệnh nền mạn tính như lao phổi, tắc nghẽn phổi mạn tính COPD, hen suyễn, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp...

Hiện Việt Nam lưu hành hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm. Trong đó người lớn cần tiêm ngừa hơn 10 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B,... để phòng bệnh cho chính mình, giảm rủi ro bệnh tật, tiết kiệm chi phí và phòng bệnh cho tất cả thành viên khác trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Ngoài việc tiêm chủng vaccine đầy đủ, người trưởng thành, người cao tuổi, người có bệnh lý nền nên thực hiện tầm soát bệnh định kỳ hàng năm để sớm phát hiện những bệnh lý mạn tính có thể gặp phải, giúp việc điều trị hiệu quả và giảm áp lực bệnh tật sau khi bước vào tuổi già.

ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng
Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét