Sat, 10/12/2022 - Lm Dương Trung Tín
Niềm Vui Tín Lý
“Vui lên nào, hỡi sa mạc
và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông” (Is 35,1).
Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng,
thường được gọi là Chúa Nhật Vui hay Chúa Nhật Hồng, vì Chủ Tế sẽ mặc áo lễ màu
Hồng. Màu Hồng là màu của vui mừng mà. Tại sao trong Mùa Vọng mà lại vui nhỉ ?
Bởi vì Mùa Vọng đã đi được nửa đường, việc đón mừng Giáng Sinh đã gần tới và
cũng là điều hợp lý khi niềm vui đó khuyến khích, nâng đỡ tinh thần của chúng
ta trong niềm hy vọng Mừng Chúa Giáng Sinh, kẻo chúng ta thấy lâu quá mà chán nản,
thất vọng.
Vì mỗi người chúng ta
cũng có kinh nghiệm khi chờ đợi mà. Chờ đợi một phút mà chúng ta thấy nó dài cả
tiếng đồng hồ; nhiều khi nhìn đồng hồ mà chúng ta tưởng như nó không chạy. Con
người của chúng ta là thế đấy. Có giờ vật lý mà cũng có giờ tâm lý nữa. Giờ vật
lý là cứ 60 giây là 1 phút; 60 phút là 1 giờ, không có chuyện dài hay ngắn,
nhanh hay chậm được. Còn Giờ tâm lý thì tùy theo tâm lý mà nó dài hay ngắn;
nhanh hay chậm. Chờ thì nó dài, nó chậm; còn có được rồi thì nó nhanh, nó ngắn.
Theo tôi, hình ảnh sa mạc,
đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Nó
là hình ảnh của thân xác, tinh thần và linh hồn của chúng ta đó. Trong đó, thân
xác được ví như sa mạc. Như sa mạc chỉ có cát, gió và nóng, thì thân xác của
chúng ta cũng chỉ có ăn, uống và làm việc. Vì lo làm việc quá mà bàn tay mệt mỏi,
rã rời; đồi gối bủn rủn, cần phải làm cho “những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ” và
“những đầu gối bủn rủn được vững vàng”.
Đồng khô, cỏ cháy được ví
như linh hồn của chúng ta. Đồng khô, cỏ cháy vì không có nước. Linh hồn của
chúng ta mà không có “Nước ân sủng” của Chúa thì cũng giống như vậy, không sinh
hoa kết trái; không xanh tươi được; không nên thánh nên thiện được.
Vùng đất hoang, được ví
như tinh thần của chúng ta. Vùng đất hoang vì không có người khai hoang; không
có người chăm sóc. Tinh thần của mỗi người chúng ta, nếu không được khai hoang;
không được chăm sóc; không được dạy dỗ, không được học hỏi; không được hiểu biết
sẽ hoang tàn; sẽ nhát gan, sợ sệt. Cần phải làm cho nên can đảm, không sợ khó;
không sợ khổ; không sợ mệt.
Làm được như vậy thì
chúng ta sẽ được Chúa giải thoát, tiến về Nước Trời giữa tiếng hò reo; mặt rạng
rỡ niềm vui vĩnh cửu. Chúng ta sẽ được hớn hở tươi cười; đau khổ và khóc than sẽ
biến mất(x. Is 35,10). Bí tích giao hòa sẽ cho chúng ta hưởng được niềm vui này
ngay tại thế.
Thật vậy, “Lòng người nặng
nề và cứng cỏi, nên phải được Thiên Chúa ban cho một trái tim mới. Hoán cải,
trước hết là công việc của ân sủng, Thiên Chúa làm cho lòng của chúng ta quay về
với Người: “Lạy Chúa, xin đưa chúng con về và chúng ta con sẽ trở về với Chúa”.
Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để bắt đầu lại. Chính khi khám phá ra tình
yêu cao cả của Thiên Chúa mà lòng chúng ta bị chấn động, vì thấy tội lỗi khủng
khiếp và nặng nề, nên không dám phạm tội, vì sợ xúc phạm đến Chúa và bị tách
lìa khỏi Người. Lòng con người hoán cải khi hướng nhìn lên Đấng bị tội lỗi
chúng ta đâm thâu” (x. GLCG, số 1432).
Thánh Vịnh có nói: “Hạnh
phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh
phúc thay, người Chúa không hạch tội và lòng trí chẳng chút gian tà”(x.Tv
31(32), 1). “Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của
con. Con tự nhủ: nào ta đi thú tội với Chúa và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho
con”(Tv 31(32), 5). Hạnh phúc đó có thể được ví như người yêu và được yêu vậy.
Người ta nói yêu và được yêu là hạnh phúc nhất mà.
Vậy, chúng ta phải hoán cải
thế nào? “Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua những hành
vi giao hòa; lo lắng cho người nghèo; thực thi cũng như bảo vệ công lý và công
bằng, bằng việc thú tội, sửa lỗi cho nhau; xét lại cách sống; xét mình; linh hướng;
chấp nhận đau khổ; kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính; Vác thánh giá mỗi
ngày và bước theo Chúa Giê-su là con đường thống hối chắc chắn nhất”(x. GLCG, số
1435).
Đặc biệt là việc tham dự
Thánh Lễ. Vì “Chúng ta tìm được nguồn mạch và của nuôi dưỡng cho lòng hoán cải
và thống hối hằng ngày nơi bí tích Thánh Thể. Vì đây là hy tế của Đức Ki-tô, Đấng
giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích Thánh thể nuôi dưỡng và tăng sức cho
những người sống bằng sự sống của Đức Ki-tô. Bí tích này là “phương thuốc cứu
chúng ta khỏi tội lỗi hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng”” (x. GLCG,
số 1436). Ngoài ra, “Việc đọc Kinh Thánh; đọc kinh Thần Vụ và kinh Lạy Cha; mỗi
hành vi phượng tự và đạo đức chân thành đều làm sống lại trong chúng ta tinh thần
hoán cải và thống hối, đồng thời góp phần tha thứ tội lỗi chúng ta”(x. GLCG, số
1437).
Nói tóm là tất cả những
việc làm trên đây, đều góp phần tha thứ tội lỗi cho chúng ta; cũng như góp phần
đền tội của chúng ta ngay đời này, để sau này chúng ta khỏi phải đền trong lửa
luyện ngục. Với điệu kiện là chúng ta phải ý thức và dâng những việc làm đó có
ý xin Chúa tha thứ và có ý đền tội cho mình. Nếu chúng ta không ý thức và dâng
lên Chúa, thì dù chúng ta có làm; có bị mấy đi nữa cũng không có giá trị trước
mặt Chúa.
Có nghĩa là dù chúng ta
có lo lắng cho người nghèo hay tham dự Thánh Lễ hoặc đọc Kinh Thánh; đọc kinh
Thần Vụ; hay bị bách hại mà chúng ta không có ý dâng những việc đó lên Chúa để
xin Chúa tha thứ tội cho mình và có ý đền tội cho mình, thì không có ích lợi gì
cho ta hết. Có đau, có khổ, thì đau và khổ thôi, chấm hết. Vì con người của
chúng ta là con người có những hành vi nhân linh, nghĩa là có ý thức, có lý
trí, có ước muốn và có tự do.
Quả thực, nếu chúng ta
không biết dùng những phương cách đó để nên thánh nên thiện; để được thứ tha và
đền tội cho mình thì “phí của Zời” lắm lắm!!! Thân xác của chúng ta vẫn như sa
mạc; linh hồn của chúng ta vẫn là đồng khô, cỏ cháy; tinh thần của chúng ta vẫn
là vùng đất hoang thôi. Nếu chúng ta biết dùng những phương thế đó để nên thánh
nên thiện; để được thứ tha và đền tội cho mình, thì phúc cho chúng ta biết bao
!!!! Con người của chúng ta sẽ tưng bừng nở hoa như khóm huệ; bàn tay của chúng
ta nên mạnh mẽ; đầu gối của chúng ta được vững vàng; mặt của chúng ta sẽ rạng rỡ
niềm vui vĩnh cữu; tâm hồn của chúng ta lúc nào cũng hớn hở vui mừng.
Vậy những ai chưa dọn
mình xưng tội, hãy làm ngay đi, để chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Những
ai đã xưng tội rồi, cũng hãy hết lòng ăn năn thống hối mỗi ngày, vì ngày nào
chúng ta cũng phạm lỗi. Chúng ta hãy cam đảm lên, đừng nhát gan, đừng sợ, để thực
thi những phương cách được Giáo Hội chỉ bảo. Có làm được như thế, mắt của chúng
ta sẽ mở ra, nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa; tai chúng ta được nghe lời tha thứ của
Chúa; miệng lưỡi của chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn; chân của chúng ta sẽ hân hoan
nhảy múa; mặt của chúng ta rạng rỡ niềm vui và lòng của chúng ta sẽ luôn hớn hở
vui mừng. Đây không phải là niềm vui vật lý; cũng không phải là niềm vui tâm lý
mà là niềm vui Tín Lý. Vì nó xuất phát từ lòng TIN và Giáo Lý. (Lm. Bosco Dương
Trung Tín)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét