Thứ ba, 22/11/2022, VnExpress.net
Những điều nên và không nên làm khi đột quỵ
Nhận biết dấu hiệu sớm,
không tự ý dùng thuốc, tránh ăn uống, cấp cứu kịp thời… là những lưu ý khi đột
quỵ xảy ra.
Có hai loại đột quỵ xảy
ra gồm đột quỵ xuất huyết (do mạch máu bị vỡ dẫn đến chảy máu não) và đột quỵ
do thiếu máu cục bộ (do cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn trong mạch máu). Trong
đó, khoảng 80% các ca đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, 20% còn lại là đột quỵ do
vỡ mạch máu ở não.
Người bị đột quỵ nếu
không được cấp cứu kịp thời, để càng lâu thì càng có nhiều tế bào não bị chết.
Hậu quả là người bệnh càng đối mặt với nhiều di chứng nghiêm trọng. TS.BS Nguyễn
Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa
Tâm Anh TP HCM) chỉ ra những điều nên và không nên làm khi có người bị đột quỵ
nhằm giúp người bệnh tăng cơ hội sống sót và phục hồi.
Ba điều cần
làm
Nếu một người có dấu hiệu
đột quỵ, đầu tiên, bạn nhanh chóng gọi cấp cứu. Quan trọng là người bệnh hoặc
những người xung quanh phải biết nhận ra các dấu hiệu hay triệu chứng sớm. Bác
sĩ Minh Đức giải thích, các triệu chứng của đột quỵ có thể khác nhau ở mỗi bệnh
nhân, nhưng đều có điểm chung là xảy đến rất đột ngột.
Các dấu hiệu điển hình
như yếu, tê, khó nói hoặc mất thị lực, một bên mặt bị xệ, khó nâng một cánh tay
lên, khó di chuyển một chân hoặc phải kéo lê một chân khi cố gắng đi bộ. Nói ngọng
hoặc khó nói chuyện, suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt và chóng mặt, mất
thăng bằng cũng là những dấu hiệu cần cảnh giác.
Các dấu hiệu cảnh báo đột
quỵ có thể chỉ tồn tại trong vài phút rồi biến mất như cơn thiếu máu cục bộ
thoáng qua (TIA). TIA có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn
dẫn đến đột quỵ toàn bộ, thậm chí có thể trong vài ngày sau.
Người bị đột quỵ nên được
cấp cứu càng sớm càng tốt. Ảnh: Freepik
Điều thứ hai nên làm là
lưu ý thời gian mà người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. "Sẽ rất
hữu ích nếu chúng ta biết được thời gian các triệu chứng bắt đầu để báo cho bác
sĩ, ngay cả khi người bệnh sau đó vẫn bình thường. Từ những thông tin quan trọng
này, bác sĩ cấp cứu có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất về các lựa chọn điều
trị và đảm bảo an toàn", bác sĩ Minh Đức nói thêm.
Bệnh nhân có thể được
dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc điều trị can thiệp nội mạch thông cục máu đông
gây ra đột quỵ. Phương pháp can thiệp nội mạch có thể bao gồm loại bỏ cục máu
đông gây tắc nghẽn mạch máu hoặc sửa chữa chứng phình động mạch - tình trạng mạch
máu bị sưng, vỡ ra gây chảy máu (xuất huyết) trong não. Các phương pháp cấp cứu
đột quỵ cần thực hiện trong thời gian càng sớm càng tốt.
Nếu có người bị bất tỉnh
nghi do đột quỵ, bạn có thể kiểm tra mạch và nhịp thở. Nếu thấy còn mạch và nhịp
thở thì cần gọi cấp cứu ngay và bắt đầu hô hấp nhân tạo trong khi chờ xe cấp cứu
đến. Bạn cũng có thể yêu cầu nhân viên điều phối cấp cứu hướng dẫn cách thực hiện
hô hấp nhân tạo nếu chưa biết, bao gồm ép ngực lặp đi lặp lại và ổn định.
Ba điều nên
tránh
Điều thứ nhất không nên
làm là đừng để người đó đi ngủ khi gọi cấp cứu. Những người may mắn sống sót
sau đột quỵ thường phàn nàn về việc đột nhiên cảm thấy rất buồn ngủ khi cơn đột
quỵ lần đầu tiên xảy ra. Do đó, người bệnh có thể buồn ngủ và muốn đi ngủ, dẫn
đến chậm trễ hoặc thậm chí bỏ qua cấp cứu kịp thời.
Thứ hai là không nên cho
người bệnh uống thuốc hoặc ăn uống bất kỳ thứ gì trước khi xe cấp cứu đến. Đôi
khi, đột quỵ ảnh hưởng đến khả năng nuốt, có thể gây hại nhiều hơn nếu họ bị
nghẹt thở và nhiễm trùng hoặc khó thở.
Thứ ba là người có biểu
hiện đột quỵ không nên tự mình lái xe đến phòng cấp cứu, mà nên nhờ người thân
xung quanh hoặc gọi đội cấp cứu. Những người ứng cứu khẩn cấp có thể bắt đầu điều
trị cứu sống người bệnh ngay trên đường đến bệnh viện. Người bệnh được đưa đến
ngay những bệnh viện hay cơ sở y tế có sẵn thuốc và phương pháp điều trị đột quỵ
để được can thiệp ngay lập tức, tránh mất thời gian.
Bình An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét