Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Aug 3, 2014 - Chúa nhật 18 thường niên năm A

Aug 3, 2014 - Chúa nhật 18 thường niên năm A
 Thiên  Chúa  thỏa  mãn  mọi  đói  khát  của  con  người


 Các Bạn thân mến,
Tin Mừng cho biết khi thánh Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê bỏ tù thì Đức Giêsu lánh sang miền Galilê. Sau đó nghe tin ông bị vua Hêrôđê chém đầu, thì Đức Giêsu lại tránh khỏi nơi ấy, lên thuyền đi đến một chỗ hoang vắng riêng biêt, vì chưa đến giờ của Ngài nên Ngài muốn tránh những gì có thể gây rắc rối cho sứ vụ của Ngài, cũng có thể để thầy trò có những giờ phút nghỉ ngơi riêng bên nhau, tránh sự quấy rầy của dân chúng.
Nhưng dân chúng đã thường xuyên đi theo Ngài, được nghe Lời của Ngài, được Ngài chữa mọi bệnh tật, nên họ luôn muốn nghe ngóng, tìm kiếm để không bỏ lỡ cơ hội nào có thể được gặp Ngài. Lần này thì họ vất vả hơn, vì đã đi theo Ngài cả một ngày đường mà không có gì ăn uống. Trước cảnh ấy, Đức Giesu chạnh lòng thương đòan người đông đảo lẽo đẽo đi theo Ngài đó. Ngài đã không phụ lòng họ, đã chữa lành bệnh tật và còn chỉ với hai con cá và năm cái bánh, Ngài đã cho họ ăn no nê trước khi họ phải di một đọan đường xa để trở về nhà.
Ðó là nội dung của đoạn Tin Mừng hôm nay. Tin mừng còn cho biết một điều quan trọng hơn, là dù chỉ là một cá nhân nhỏ bé, cũng vẫn quan trọng, vẫn đáng kể. Và nếu chúng ta chia sẻ điều mình có với Đức Giêsu thì Ngài có thể làm cho điều ấy sinh hoa kết trái vựơt quá mộng tưởng lớn lao của chúng ta.
Nếu chúng ta dâng cho Ngài tài năng và tặng vật của mình để tuỳ Ngài sử dụng thì Ngài có thể dùng chúng ta làm nên những phép lạ lớn lao hữu ích cho nhiều người.
Phép lạ Thánh Mattheu thuật lại hôm nay là một trong những phép lạ lớn lao, nói lên được nhiều điều:
1.    Lòng thương xót của Chúa:
-    "Đức Giesu trông thấy một đòan người đông đảo thì chạnh lòng thương…"
-     Đó là một điều lạ lùng, vì Ngài không bực mình khi bị phiền hà, mà còn động lòng thương!
-     Ngài đã muốn tránh mọi người, đi tìm nơi yên tĩnh thì lại đụng đầu với một đám đông nóng lòng chờ đợi những điều Ngài ban cho họ.
-    Chứng tỏ lòng thương xót bao la của Chúa, ngay cả những lúc Ngài muốn nghỉ ngơi, Ngài cũng vẫn quan tâm đến nhu cầu của con người.
-     Noi gương Ngài, chúng ta cũng không nên vì qúa bận rộn lo lắng những chuyện thế gian đến nỗi không còn chút thời gian nào cho người khác, việc khác, và cũng đừng nên coi anh em là những người gây phiền hà rắc rối cho mình.
-     Càng không nên qúa chú trọng đến hình thức, nghi lễ, mà cầu kỳ…
-      Nếu không, chúng ta sẽ mất rất nhiều bạn tốt, lại thêm nhiều người bất mãn, ngăn chặn công việc hoạc chống lại chúng ta…mà mất cơ hội cho Chúa.
 2.    Mọi ân ban đều từ Thiên Chúa:
-     Trong câu truyện này chúng ta thấy Đức Giesu đã làm chứng rằng tất cả mọi ân huệ đều đến từ Thiên Chúa.
-     Tổ tiên người Do Thái đã được ăn mana trong sa mạc, nên họ ý thức rõ rằng Thiên Chúa ban bánh hằng ngày cho họ. Và thường luôn luôn tạ ơn về những bữa ăn, cách đơn giản.
-     Trong Tin Mừng cũng cho thấy, trước khi làm bất kỳ công việc gì: cầu nguyện, chữa bệnh tật, hay ăn uống, Đức Giesu đều ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa Cha.
-     Noi gương Ngài, chúng ta cũng hãy luôn biết cảm tạ Thiên Chúa trong mọi chuyện, đặc biệt trước các bữa ăn, và dạy cho con trẻ cũng biết làm và giữ thói quen biết ơn cần thiết này.
-     Trong tất cả mọi trường hợp, chỉ với một câu đơn giản: “ Lạy Chúa, xin chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đến muôn đời. Amen” là được.
-     Hiển nhiên thời đó cũng như ngày nay, vẫn còn rất nhiều người đói cơm đói bánh đang chờ đợi để được ăn uống no đủ.
-    Và còn nhiều thứ bánh mà ai cũng cần, đó là loại bánh tinh thần, bánh tình cảm, bánh công lý, bánh yêu thương, bánh cảm thông tha thứ, bánh phục vụ...
-    Vậy ai sẽ ban những thứ bánh đó cho họ? Ai sẽ trao những thứ bánh đó cho chúng ta?
-    Chắc chắn thế gian không thể có những thứ bánh ấy. Chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn mọi thứ bánh mà con người cần.
-    Chúng ta hãy làm trung gian cho Thiên Chúa, để những người đói khát có thể được no nê, với quyết tâm sẽ trao bánh tinh thần, là những gì cụ thể cho người sống bên cạnh, như một nụ cười, một lời khen thành thật, một sự giúp đỡ tận tình, một manh áo, một tấm bánh và còn những gì họ cần, những gì mình có thể…
-    Đừng ngại hy sinh nhiều, phải dám bẻ đôi, bẻ ba, bẻ bốn những gì chúng ta có, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ tiếp tục gíup chúng ta bẻ nhiều, bẻ mãi mà không bao giờ hao hụt, không bao giờ hết những thứ chúng ta có, để chung quanh chúng ta sẽ không còn người đói khát, nhưng tất cả sẽ được no đầy của ăn vật chất, của ăn thiêng liêng, tinh thần, tình cảm, là sự bình an, vui tươi, hạnh phúc và niềm hy vọng được Chúa ở cùng.
3.    Vị trí của các môn đệ:
-     Phép lạ này còn nói lẻn rất rõ ràng vị trí, vai trò và cả sự quan tâm của các môn đệ trong công việc của Đấng Cứu Thế.
-     Các môn đệ đã biết nghĩ đến nhu cầu cấp bách của đám đông đang cần được ăn uống, nhưng các ông lại bất lực trước nhu cầu lớn lao đó, đành đề nghị Đức Giêsu giải tán họ để ai nấy tự lo lương thực cho mình.
-     Nhưng không, Đức Giesu đã làm cho cá và bánh hóa nhiều, và Ngài đã trao lại cá, bánh ấy cho các môn đệ, để các ông phân phát cho đám đông ăn.
-     Rõ ràng Đức Giesu đã dùng các môn đệ làm trung gian, để những tấm bánh từ tay Ngài bẻ ra, được trao đi, nhân ra nhiều khi nó được chia sẻ từ người này sang người khác.
-     Ngày nay, Ngài vẫn mong muốn như vậy, vẫn cần những người nhiệt tình và quảng đại, dám trao cho Ngài những gì mình đang có, rồi trao đi những gì họ đã được nhận từ Ngài.
-     Đó là điều làm chúng ta phải mãi mãi đối diện với sự thật trung tâm ấy của Thiên Chúa, của Giáo Hội.
-     Thật vậy, Thiên Chúa cần những cánh tay nối dài của con người, để Ngài có thể hoạt động qua họ, nói qua họ, dạy qua họ, và nhờ họ đem chân lý và tình yêu của Ngài đến với hết mọi người nơi tất cả hang cùng ngõ hiểm của thế gian.
-     Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện như vậy, tình thương của Ngài được bầy tỏ rất nhiều qua đời sống của từng con người, các chứng nhân, đặc biệt là gương các vị Thánh.
-     Không chỉ bày tỏ cho con người về giáo huấn, lời nói, hành động, quyền năng, mà còn cả các mầu nhiệm của Thiên Chúa nữa.
-     Đúng thế, chính những hành động, cách sống của những người Thiên Chúa dùng làm trung gian ấy mới giúp chúng ta hiểu biết dễ dàng về những gì Ngài  muốn bầy tỏ cho nhân loại.
-     Qua đó chúng ta cũng có thể hiểu được sự hy sinh, sự kính yêu Thiên Chúa cũng như lý giải được các việc làm mà người đời thường cho là dại dột, ngốc nghếch như khi các thánh, các vĩ nhân lúc còn sống đã dâng mọi sự cho Thiên Chúa rồi chỉ biết làm việc cho Ngài, không còn mảng gì đến cá nhân mình nữa.
-     Vả Thiên Chúa đã không ngừng kêu mời mọi người, riêng các Kito hữu, hãy làm những việc đó cho Ngài.
-     Bởi công tác truyền đạt cho người khác là một công tác trọng đại, cần thiết, yêu cầu chúng ta dâng tất cả những gì mình có cho Thiên Chúa, mà Ngài không đòi hỏi tài năng, tiền bạc, phẩm chất và số lượng…như trong câu chuyện hôm nay, các môn đệ chỉ đưa cho Ngài hai con cá và năm cái bánh, nhưng Ngài đã biến số nhỏ nhoi đó thành khổng lồ để có thể cho nhiều ngàn người ăn no nê.
-     Việc làm của Ngài như bảo chúng ta rằng:”Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo hèn. Hãy mang đến cho Ta điều gì ngươi có, dù nó  ít ỏi. Ta sẽ xử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta.”
-      Bởi trong tay Thiên Chúa, ít cũng có thể thành nhiều, và không cũng có thể thành có.
 4.   Những mẩu bánh dư:        
-      Thánh Mattheu gi lại rõ ràng:"Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai gỉo đầy."
-      Hẳn không phải tự nhiên mà thánh Mattheu ghi rõ người ta thu lại những bánh còn dư thừa.
-      Mà muốn nói rằng, trong phép lạ đám đông dân chúng được ăn no nê, một cách dư dật, nhưng họ không được phép phung phí.
-      Tấm lòng Thiên Chúa rộng mở, nhưng xử dụng bừa bãi, phung phí là điều không được phép.
-      Hiện tại, chúng ta có thể dư thừa cái này cái kia, nhưng ngày mai tình trạng ấy có thể không còn.
-      Hơn nữa, dù là một mẩu bánh, một miếng cá vụn, cũng là đồ ăn do chính bàn tay Chúa làm ra cho chúng ta được hưởng. Chúng ta không được phép coi thường.
-      Đây là một bài học khó thực hiện đối với con người của xã hội hiện đại hôm nay, đặc biệt với những người giầu có, những người có công ăn việc làm ổn định, những người được sống trong một xã hội đầy đủ đến dư thừa lương thực thực phẩm.
-     Tuy nhiên dù mọi nơi mọi chỗ nghèo khó, cũng như chính nước Mỹ giầu mạnh vẫn còn rất nhiều người phải đi xin ăn nơi các cơ quan xã hội, nơi các cơ sở thương mại hoặc rong rong nơi hè phố. Chúng ta dễ dàng thấy có người cúi xuống thùng rác bên vệ đường, tìm bới đồ ăn, ăn ngay tại chỗ, hay để tìm các thứ khác …
-     Bởi những người "homeless" thì ở đâu cũng có, càng những nơi giầu sang văn minh thịnh vượng thì lại càng nhiều phải không các bạn? Dù mỗi “homeless”có một lý do, một hoàn cảnh riêng…
-     Vậy hãy khẩn thiết nguyện xin Thiên Chúa cho Nước của Ngài mau trị đến, để có thể giải quyết tất cả mọi thứ đói khát cho con người nhé!

Lạy Chúa, xin chúc tụng và cảm tạ Ngài dã cho chúng con đang sống giữa một thế giới không chỉ đầy đủ tiện nghi, lương thực thực phẩm cao cấp, mới lạ, mà còn có thể làm thỏa mãn những nhu cầu đói khát về tinh thần, tình cảm của chúng con; nhưng bên cạnh chúng con vẫn còn nhiều người đói rách, bị trà đạp, bị bỏ rơi, bị lạc đường…
 Xin cho chúng con biết vui lòng với cuộc sống đơn sơ, giản dị; biết qúi trọng niềm tin, phẩm gía của từng người và của chính mình, cũng như biết xử dụng lương thực Chúa ban cách xứng đáng cùng chia sẻ cho anh em đang bị các thứ   đói khát giày vò, để làm theo lời Ngài:"Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
 Thân mến,
 duyenky



Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện


Thiên  Chúa  đáp  lời  cầu  nguyện
(Wed, 23/07/2014 - Cheryl Dickow(*) - Thanhlinh.net)



 Xuyên suốt lịch sử nhân loại, con người không ngừng tìm kiếm Nước Trời, mong muốn được chấp nhận lời cầu nguyện. Ngày nay cũng vậy, nhưng nhiều người nói rằng Thiên Chúa không lắng nghe hoặc không đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta tìm, chúng ta gõ, chúng ta xin – vẫn vô ích. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải những điều Ngài muốn chúng ta làm để được Ngài nhậm lời: Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó” (2 Sbn 7:14).

KÝ THÁC. Bước đầu tiên và quan trọng là chúng ta phải biết KÝ THÁC cuộc đời cho Thiên Chúa. Nói thì dễ nhưng sự thật là chúng ta vẫn giữ lại cho mình, chúng ta chưa thực sự tín thác cho Ngài. Chúng ta chỉ trao phó cuộc đời mình tùy hứng, khi nào “kẹt” lắm thì mới tín thác!

Câu 2 Sbn 7:14 bắt đầu bằng điều rất riêng tư, thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Thiên Chúa nhận chúng ta là DÂN CỦA NGÀI. Nếu chúng ta giữ lại điều gì đó, chúng ta chưa thuộc về Thiên Chúa. Như vậy, điều tiên quyết và quan trọng nhất chúng ta phải thực hiện là hoàn toàn ký thác cuộc đời mình cho Ngài: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5).

KHIÊM NHƯỜNG. Khi chúng ta hoàn toàn ký thác cuộc đời cho Thiên Chúa, Ngài yêu cầu chúng ta phải KHIÊM NHƯỜNG. Cũng vậy, nói dễ mà làm khó! Chúng ta phải cố gắng khiêm nhường vì chúng ta rất dễ tự cao tự đại, cứ tưởng mình là “cái rốn của vũ trụ”.
Thiên Chúa muốn chúng ta khiêm nhường vì Chúa Giêsu là Thiên Vương mà lại sinh nơi máng cỏ đơn nghèo. Chúng ta không ai muốn ở nơi đó, nhưng Thiên Chúa lại yêu thích nơi đó.

CẦU NGUYỆN. Chắc chắn ai cũng muốn lời cầu nguyện của mình được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng điều này mời gọi chúng ta phải trải nghiệm việc cầu nguyện bằng những cách mà chúng ta chưa từng biết. Thiên Chúa mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài qua việc cầu nguyện, kết hiệp sâu xa hơn – gọi là chiêm niệm. Khi chúng ta muốn được đáp lại, chúng ta có thể chìm sâu vào Thánh Ý của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta không thành công trong việc hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, chúng ta không thể đắm mình trong việc cầu nguyện sâu sắc. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện bình thường theo ý mình mà không theo ý Ngài. Đừng bao giờ XIN NHƯ Ý (ý mình) mà hãy XIN NHƯ Ý CHÚA, vì ý mình ích kỷ và có thể sai lầm chứ không thể như Ý Chúa!

TÌM KIẾM CHÚA. Cầu nguyện giúp chúng ta biết cách TÌM KIẾM Thiên Chúa. Và chúng ta có thể thấy Ngài ở khắp mọi nơi: Trong tiếng cười của trẻ em, hoặc trong lời than van của người đau khổ. Thiên Chúa hiện hữu trong ánh nắng, trong đám mây, trong cơn mưa, trong niềm vui, trong nỗi buồn,... Chúng ta kết hiệp với Ngài trong mối quan hệ như vậy là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi – và chúng ta phải tạ ơn về sự hiện diện của Ngài ở khắp nơi.

TỪ BỎ ĐƯỜNG XẤUBản chất con người yếu đuối, tội lỗi, nên chúng ta muốn che giấu. Ông Bà Nguyên Tổ và Cain có giấu được tội lỗi mình? Như vậy, bước đầu tiên để được Thiên Chúa nhậm lời là chúng ta phải DỨT KHOÁT với đường xấu. Các thánh là những người đi trước chúng ta, các ngài cũng đã phải dứt khoát với cái xấu để tìm kiếm Ngài và hoàn toàn kết hiệp với Ngài, đường xấu của chúng ta thật đáng ghét vì chúng ta biết rằng đó là cái đáng ghê tởm đối với Đấng mà chúng ta tôn xưng là Thiên Chúa chí thánh.

BIẾN ĐỔI. Khi chúng ta đã có mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, Ngài sẽ lắng nghe và đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Và chúng ta được BIẾN ĐỔI. Ở đây chúng ta thấy rằng ai can đảm đứng dưới chân Thập Giá thì sẽ được cứu độ và được phục sinh trong Ánh Sáng của Đức Giêsu Kitô.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)

(*) Nữ tác giả Cheryl Dickow là chủ tịch Hội Sách Bezabel, tác giả cuốn “Elizabeth: A Holy Land Pilgimage” (Êlidabét: Cuộc Hành Hương Thánh Địa) và cuốn “Our Jewish Roots” (Nguồn Gốc Do Thái). Chị sống tại tiểu bang Michigan với chồng và ba con trai. Tác phẩm của chị xuất hiện trên nhiều các website và báo chí.

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Cách tập trung cầu nguyện


Cách  tập  trung  cầu  nguyện
(Thu, 31/07/2014 - Trầm Thiên Thu -Thanhlinh.net)


 Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên tới Chúa, là tâm sự với Ngài, bày tỏ nỗi lòng mình với Ngài. Chúng ta cầu nguyện với ý ngay lành, nhưng đôi khi chúng ta khó tập trung! Đây là 6 cách giúp chúng ta tập trung khi cầu nguyện:

1. DỰ ĐỊNH
 Khi bạn cần viết ra những gì cần nói, điều này sẽ giúp bạn có ý tưởng về ý cầu nguyện. Hãy nhớ lại những điều xảy ra trong ngày và các sự kiện, hoặc viết ý cầu nguyện về các dự định của mình.

2. DÙNG KINH NGUYỆN CÓ SẴN
 Khi các môn đệ hỏi Thầy Giêsu về cách cầu nguyện, Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Các kinh nguyện được soạn sẵn giúp bạn có ý tưởng cầu nguyện, nếu bạn không biết cầu nguyện. Các kinh nguyện đó thường được lấy ý từ Kinh Thánh hoặc do lòng sùng kính. Nếu bạn cần cá nhân hóa lời cầu, bạn vẫn có thể “điều chỉnh” lời kinh cho phù hợp hoàn cảnh riêng của bạn.

3. ĐỪNG NGÁI NGỦ
Cầu nguyện trước khi ngủ là điều bình thường hằng ngày nhưng lại rất quan trọng. Đó là cách tốt để bạn kết thúc một ngày và tạ ơn Chúa. Tuy nhiên, hãy cố gắng cầu nguyện chân thành chứ đừng ngái ngủ rồi cầu nguyện cho xong lần. Bạn có thể cầu nguyện bất kỳ lúc nào, dù là nửa đêm, nhưng đừng đợi đến lúc mắt sụp xuống rồi với vội vàng cầu nguyện hoặc đọc kinh!

4. ĐỌC KINH THÁNH
Cố gắng đọc Kinh Thánh trước khi cầu nguyện, đặc biệt là các đoạn Kinh Thánh nói về việc cầu nguyện như Pl 4:6, Rm 8:26, hoặc Ep 6:18. Kinh Thánh sẽ nhắc bạn về lý do bạn phải ưu tiên việc cầu nguyện và kích thích bạn vui cầu nguyện.

5. TÌM NƠI TĨNH LẶNG
Chúa Giêsu đã vào hoang địa để tập trung cầu nguyện:“Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện” (Lc 5:15-16). Hãy tìm nơi tĩnh lặng để tránh chia trí, để có thể chỉ tập trung vào Chúa khi cầu nguyện.

6. THOẢI MÁI
Trong cuốn “Những Hạt Giống Chiêm Niệm” (New Seeds of Contemplation), tác giả Thomas Merton viết: “Nếu bạn chưa bao giờ bị chia trí thì bạn chưa biết cách cầu nguyện”. Chúng ta khó tập trung cầu nguyện được 100%, vì cũng như mọi thứ khác, phát triển đời sống cầu nguyện là một quá trình, cần có thời gian. Hãy hít sâu và nhận biết rằng ý muốn nói chuyện với Chúa phải làm đẹp lòng Ngài.


TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)


SUY THOÁI ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

SUY  THOÁI  ĐỜI  SỐNG  NỘI  TÂM
(Thứ bảy-26/07/2014- ĐGM GB. Bùi Tuầntinvui@dmin)


1. Hiện giờ, sức khoẻ của tôi suy giảm rõ rệt. Nếu không chống gậy và không có người dắt, tôi dễ bị vấp ngã khi đi. Nếu không dọn sẵn và không có người nhắc, tôi dễ uống lầm thuốc và sai giờ.
Từ sự suy thoái về sức khoẻ thân xác, tôi nghĩ tới sự suy thoái về sức khoẻ tâm hồn.
Sức khoẻ tâm hồn có thể suy thoái về nhiều lãnh vực. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập tới vài lãnh vực, mà tôi cho là quan trọng hơn.

2. Thứ nhất là suy thoái về khả năng suy nghĩ điều cần suy nghĩ nhất.
Theo tôi, điều cần suy nghĩ nhất chính là tình yêu gồm mến Chúa và thương người. Đó là đề tài do Chúa dạy. Tôi phải hiểu đúng ý Chúa, dựa trên Phúc Âm.
Mến Chúa yêu người, đó là điều căn bản quan trọng nhất và lớn hơn hết, mà mọi người phải giữ để được rỗi linh hồn. Chúa Giêsu phán: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môisê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).

3. Là người tín hữu, tôi phải biết suy nghĩ thế nào là mến Chúa, thế nào là yêu người. Không có khả năng suy nghĩ điều cần đó, hay đánh mất khả năng suy nghĩ điều cần đó, sẽ là cực kì tai hại. Nhất là khi tôi lại còn là người mục tử. Thực tế cho thấy tình hình cực kì tai hại đó đang xảy ra nơi nhiều người, nhiều nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam.

4. Suy nghĩ về mến Chúa yêu người được Chúa Giêsu dạy bằng lời giảng và bằng gương sáng đời sống của Người. Tránh hết sức lối mến Chúa yêu người chỉ bằng hình thức, phô trương, chỉ bằng lời nói hào nhoáng cao vời, chỉ theo ý riêng tìm tư lợi. Nhưng phải thực sự có lửa Chúa Thánh Thần bên trong từng chi tiết mọi việc lớn nhỏ đối với Chúa và đối với mọi người.

5. Khi thực sự có lửa Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, người tín hữu sẽ cảm thấy phải rất khiêm tốn, khi được dấn thân vào mọi việc vui buồn của Nước Chúa, chỉ vì vâng phục ý Chúa. Tôi còn khả năng suy nghĩ như thế không? Hay tôi tự hào khoe khoang chức dấn thân khiêm tốn ấy bằng những nghi lễ tạ ơn hoành tráng, tiệc tùng linh đình.

6. Tôi không nên trả lời một cách chủ quan. Hãy đọc lại lời Chúa Giêsu phán sau đây: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm nhiều phép lạ đó sao? Bấy giờ Ta sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-22). Cứ theo bề ngoài, người ta có lý để coi những người làm các việc đạo đức bên ngoài trên đây là để mến Chúa yêu người. Thế nhưng Chúa nhìn thấu suốt bên trong, thì thấy họ làm các việc đó vì mục đích tư lợi theo ý riêng, chứ không theo ý Chúa. Do đó, mà Chúa gọi họ là bọn gian ác. Xét mình, tôi thấy: Nếu không tỉnh thức, tôi cũng dễ rơi vào loại người bị Chúa chúc dữ như thế.

7. Thứ hai là suy thoái về khả năng phân định đúng sai.
Sống là một chuyến đi giữa muôn mời gọi, giữa trăm ngả đường. Để tới đích là về với Cha trên trời, tôi phải biết phân định điều đúng nên chọn, điều sai nên tránh, đường nào dẫn tới sự sống đời đời thì đi, đường nào dẫn tới diệt vong muôn đời thì bỏ. Phân định đó là vô cùng quan trọng.

8. Để biết chọn và dám chọn như thế, người tín hữu phải có một đời sống nội tâm dồi dào. Nhờ đó, mà có một sự phân định đúng sai ngay từ một nội tâm biết nhìn mọi sự bằng cái nhìn của trái tim Chúa.
Rất nhiều khi, phân định đó không do lý luận, mà do trực giác, vừa thấy là biết liền. Tôi nghĩ, sở dĩ được như thế là do kết hợp chặt chẽ với Chúa nhờ đức mến. Do đó, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy tha thiết tìm ơn cao trọng nhất, trổi vượt hơn cả, đó là đức mến. Ngài nói:
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng, của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).

9. Khi biết phân định lửa đức mến là cao quý và cần thiết nhất cho việc tu đức cũng như cho việc truyền giáo, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chọn con đường tình yêu. Phải nói đúng sự thực: Chọn lựa của thánh nữ là do Chúa. Chúa ban ơn cho thánh nữ, vì thánh nữ sống khiêm nhường, nghèo khó và bé nhỏ. Ngài chỉ ở trong nhà dòng, sống mọi giây phút cho tình yêu, thế mà ngài đã đổi mới được biết bao tâm hồn. Ngài được tôn vinh là một trong các thánh Quan thầy các nhà truyền giáo. Tôi có đức mến thực sự không? (x. 1Cr,4-7)

10. Kinh nghiệm cho tôi thấy:
Suy thoái về khả năng suy nghĩ điều cần suy nghĩ nhất, tức là tình yêu mến Chúa yêu người, rất dễ xảy ra cho tôi.
Suy thoái về khả năng phân định tốt xấu, để khẳng định đức mến là trên hết, cũng rất dễ xảy ra cho tôi.
Những nguyên do gây nên những suy thoái đó là khá nhiều. Như thiếu tỉnh thức, thiếu cầu nguyện, thiếu phấn đấu.
Một nguyên do quan trọng thiết tưởng cũng nên nói ra, đó là dư luận cả trong đạo lẫn ngoài đời đều coi là bình thường những suy thoái đó. Nếu dư luận xấu đó lại có phần của các vị đứng đầu trong đạo, thì tình hình suy thoái đạo đức sẽ rất trầm trọng. Tôi có góp phần nào vào dư luận xấu đó không?

11. Tính cách trầm trọng về sự suy thoái đạo đức xem ra đang xảy ra. Phải nhận là tình hình đạo đức suy thoái trầm trọng bắt nguồn từ sự suy thoái về đời sống nội tâm.
Đời sống nội tâm suy thoái, mà không nhận ra. Hoặc cho dù có nhận ra, những người có trách nhiệm lại tránh né giải quyết sự suy thoái đó. Hơn nữa, lại chấp nhận sự suy thoái đó bằng cách bình thường hoá nó, hoặc che giấu nó bằng những hoạt động bên ngoài vô bổ, hay đạo đức giả hình.

Lạy Chúa, xin thương xót con. Xin giúp con sám hối trở về với Chúa. Con là kẻ rất hèn hạ và yếu đuối.
Long xuyên, ngày 19.7.2014
 ĐGM GB. Bùi Tuần


Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

10 thực phẩm giúp bạn không cần ăn kiêng

10  thực  phẩm  giúp  bạn  không  cần  ăn kiêng
(Vnexpress.net)

Những loại thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn đánh bay số cân nặng thừa, còn bản thân chúng thì chẳng có mấy calo hay chất béo khiến bạn phải lo lắng.

Tỏi

Loại thảo dược này có nhiều công dụng hơn là việc chỉ mang lại hương vị đậm đà cho bữa ăn. Nó còn có thể giúp cho vòng 2 của bạn phẳng lì thông qua chất allicin tự nhiên có trong đó, ông Keri Glassman - chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, đồng thời là người sáng lập Nutritious Life cho biết Allicin giết chết vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa, giúp cho đường ruột luôn khỏe mạnh và hoạt động ổn định, ít bị chướng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phát hiện ra rằng thành viên của gia đình hành tây này còn có tác dụng chống béo phì nhờ các protein được kích hoạt trong gan. Hãy thêm tỏi vào hầu hết món ăn gia cầm, mì ống, hoặc các món ăn chay, nước sốt.

Các  loại  đậu
“Khi bạn đang thèm tinh bột, hãy nghĩ đến gia đình họ đậu”, Rachel Begun, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng và thực phẩm ở Boulder, Colorado (Mỹ) cho biết. Đậu đặc biệt ở chỗ chúng cung cấp một lượng đáng kể chất xơ và protein. Trong một chén đậu đen có khoảng 17 gram chất xơ và 14 gram protein. Chúng ta đều biết rằng chất xơ và protein là hai chất vô giá giúp quản lý trọng lượng vì cả hai chất đều làm bạn cảm thấy no lâu hơn và giúp bạn tránh ăn quá nhiều sau đó. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Obesity cho thấy chiết xuất từ đậu thận trắng có thể làm giảm sự hấp thụ năng lượng từ carbohydrates và đồ ngọt, hạn chế cảm giác thèm ăn nhờ một số enzym ức chế tiêu hóa tinh bột.


Hạt dẻ cười (hạt hồ trăn)
“Hạt dẻ cười là một trong những đồ ăn nhẹ để quản lý trọng lượng”, Katherine Brooking, một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ và đồng sáng lập của Appetite for Health cho biết. Cứ 30 gram hạt dẻ cười có 6 gram protein và 3 gram chất xơ, nhưng sức mạnh thực sự của chúng được cảm nhận bằng đôi mắt hơn là bằng dạ dày của bạn.
“Khi ăn hạt dẻ cười, bạn cần phải bỏ vỏ và chúng giúp bạn nhai chậm hơn, loại bỏ vỏ cũng có thể nhắc nhở bạn một cách trực quan rằng bạn đã ăn bao nhiêu, điều này giúp bạn kiểm soát mức độ ăn vặt”, Brooking nói thêm. Thực tế, trong một nghiên cứu tiến hành tại ĐH miền Đông Illinois, những người ăn hạt dẻ cười bỏ vỏ sẽ tiêu thụ ít hơn 41% calo so với những người ăn loại đã bóc vỏ.
Rong  biển
“Có lẽ chúng ta nên tiếp thu lời khuyên từ người Nhật, một đất nước có tỷ lệ người béo phì thấp nhất thế giới”, Julie Upton - chuyên gia dinh dưỡng và là người đồng sáng lập Appetite for Health cho biết. Một trong những loại lương thực chủ lực của họ là wakame, một loại rong biển giàu protein và dưỡng chất.


“Các hợp chất phân lập từ wakame, còn gọi là fucoxanthin, đã được chứng minh là giúp tăng cường đốt cháy chất béo trong các nghiên cứu mô hình động vật”, Upton nói. “Các nghiên cứu hiện tìm kiếm các hợp chất khác trong rong biển như alginate, tồn tại dưới dạng gel trong dạ dày để tăng cường cảm giác no”. Hãy thêm rong biển vào súp và salad hoặc sử dụng nó thay vì rau diếp khi kết hợp với bánh mì.
Ớt  đỏ
Tin tốt cho những ai thích đồ cay nóng. “Ớt đỏ có chứa chất chống oxy hóa gọi là capsaicin, có tác dụng như một chất tăng cường khả năng chống viêm và sự trao đổi chất”, Keri Glassman, chuyên gia dinh dưỡng ở Mỹ nói. Một số nghiên cứu đã cho thấy những người dùng bữa với ớt đóng gói cảm thấy ít đói hơn và đốt cháy nhiều calo hơn.
Một trong những nghiên cứu được tiến hành tại ĐH Purdue phát hiện ra rằng những tình nguyện viên thường xuyên tiêu thụ loại quả gia vị cay này nhận được nhiều lợi ích từ việc giảm cân, kết quả là họ cảm giác ít đói, đặc biệt là không thấy thèm chất béo, mặn, và các loại thực phẩm ngọt. Theo các nhà nghiên cứu, ăn ớt đỏ trong bữa ăn có thể mang lại lợi ích bền vững và lâu dài, đặc biệt là khi kết hợp với tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Khoai  tây  trắng
“Khoai tây trắng thực sự là một thực phẩm giảm béo”, Glassman nói. Lý do, chúng chứa đầy đủ chất kháng tinh bột, một hợp chất lên men trong ruột và tạo ra các hợp chất butyrate - loại axit béo có thể thúc đẩy cơ thể đốt cháy chất béo nhiều hơn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes cho thấy rằng butyrate cũng được cải thiện độ nhạy cảm insulin và tăng tiêu hao năng lượng ở chuột.

Xoài
“Nghiên cứu mới từ ĐH tiểu bang Oklahoma, Mỹ, chỉ ra rằng xoài có thể làm giảm lượng đường trong máu, có thể giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn, đặc biệt là tinh bột”, Brooking nói. 
Sữa chua
Lợi ích của nó không chỉ là một chế độ calo thấp. “Canxi trong sữa chua có thể giúp hạ lượng calcitrol trong cơ thể - từ đó đốt cháy chất béo và cắt giảm lượng mỡ lưu trữ”, Brooking nói. Thêm vào đó, thành phần vi sinh có lợi trong sữa chua sẽ nuôi dưỡng đường ruột của bạn, và chúng ta biết rằng vi khuẩn đường ruột ở những người khỏe mạnh là khác so với những người béo phì. Cách sữa chua được làm, trong đó bao gồm quá trình lên men, cũng giúp cho nó có hàm lượng protein, vitamin B, canxi, kali, magiê cao hơn và so với sữa, vì thế hãy sử dụng nó hằng ngày.


Hơn 80 % lượng calo trong quả bơ là từ chất béo nhưng chúng vẫn rất tốt cho bạn, ông Upton nói. Nghiên cứu cho thấy những người ăn bơ có chỉ số BMI thấp hơn, và một nghiên cứu gần đây từ những người đàn ông và phụ nữ thừa cân tìm thấy rằng việc thêm bơ vào bữa ăn trưa tăng sự hài lòng của họ lên 22%. Nó cũng làm giảm 24% cảm giác thèm ăn trong ba giờ sau đó.
Các tác giả nghiên cứu cho thấy chất xơ, hàm lượng chất béo không bão hòa, và một loại đường giúp hạ huyết đường được gọi là D-mannoheptulose có mặt trong quả bơ có thể đóng vai trò ổn định lượng đường trong máu và giữ cảm giác ngon miệng trong tầm kiểm soát.


Atisô

Atiso giàu chất xơ, mỗi bông hoa cỡ vừa chứa khoảng 6 gram chất này. “Chất xơ rất có ích nếu bạn đang cố gắng để giảm cân bởi vì nó thực sự làm chậm quá trình tiêu hóa để bạn cảm thấy no lâu hơn”, Glassman nói. Nó cũng có nghĩa là tiêu thụ khối lượng nhiều hơn nhưng ít calo hơn. Atisô cũng giúp cho đường ruột hoạt động tốt. Chúng có chứa các dưỡng chất khó tiêu hóa, được gọi là prebiotic, giúp hỗ trợ các vi khuẩn tốt trong hệ thống tiêu hóa của bạn, có thể giảm tình trạng chướng bụng đầy hơi và giúp bụng phẳng lì.
Thuận An - Lan Lan (Theo Redbookmag)