Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Jul 20, 2014 - Chúa nhật 16 thường niên năm A

Jul 20, 2014 - Chúa nhật 16 thường niên năm A
Thiên  Chúa  kiên  nhẫn  tới  cùng


 Các Bạn thân mến,
Chúa nhật tuần này Hội Thánh cho chúng ta nghe Tin Mừng Thánh Mattheu nối tiếp tuần trước, cùng chủ đề gieo giống, nhưng mang một thông điệp khác đến mọi người. Ý chính của dụ ngôn nói về cỏ lùng, (lùng vực), là loại cỏ xấu, độc hại, nhưng khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, lại sống chung trong thủa ruộng với lúa hữu ích. Dụ ngôn dễ hiểu, thực tế và quan trọng, nói về sự sống chung, xen lẫn nhau giữa cái tốt, cái xấu; giữa người hiền, kẻ dữ và phản ảnh rõ ràng hai thái độ cư xử khác nhau của con người với nhau và con người với Thiên Chúa.
Thái độ của người nóng nẩy trước những tiêu cực, những kẻ xấu. Họ muốn giải quyết ngay, muốn trừng trị tức khắc. Thể hiện cái nhìn thiển cận, gay gắt, khiến người ta thường mất kiên nhẫn, thiếu bao dung. Còn thái độ của Thiên Chúa thì kiên nhẫn chờ đợi đến thời gian cuối cùng mới quyết định. Đó là thái độ bao dung, nhân từ, chờ đợi hoán cải. Bởi Ngài không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai gần, xa; vừa thấy bên ngoài vừa thấy bên trong sâu thẳm của con người.
Qua đó cho biết đứng trước tình trạng như thế trong trần gian và trong Giáo hội, chúng ta phải có thái độ tích cực. Giúp chúng ta hướng lòng lên, không nguyền rủa bóng tối, mà chấp nhận nó, đồng thời cố gắng thắp lên một ngọn đèn! Dụ ngôn còn đặc biệt cho chúng ta nhiều kinh nghiệm sống giữa một trần thế phức tạp nhố nhắng!
 1.     Cỏ lùng:
-     Trong dụ ngôn, người nông dân đã cẩn thận chọn giống lúa tốt để gieo trên mảnh đất tốt, mầu mỡ và sạch sẽ của mình để mùa gặt thành công.
-     Nhưng chưa đủ, vì kẻ thù bên ngoài rình rập lẻn vào phá hoại, chúng gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của ông.
-     Cỏ lùng ở Palestin không chỉ hút hết mầu mỡ của đất mà còn là loại cỏ rất độc hại, có thể gây chóng mặt, hôn mê, đau ốm cho người nào tiếp xúc với nó, dù số lượng rất nhỏ.
-     Lúc mới mọc, cỏ lùng giống cây lúa mì, khi trổ bông thì mới có thể nhận ra, lúc đó đã qúa muộn để loại bỏ chúng.
-    Dù nó nguy hiểm, gây khó khăn cho mùa gặt và mất thời gian vì người ta phải dùng tay để tách chúng ra khỏi những hạt lúa mì.
-    Nhưng chủ cũng đành để chúng sống cùng lúa tốt, rồi sẽ giải quyết vào mùa gặt.
-     Nhớ thời gian khó khăn sau năm 1975 ở Việt Nam chúng ta. Mỗi gia đình chỉ được mua số lượng gạo giới hạn, về lại phải nhặt thóc, sạn, bông cỏ rồi mới nấu.
-     Nếu bông cỏ còn sót lại thì nồi cơm của chúng ta cũng không độc hại gì, lỡ ăn cũng không sao, không đáng sợ như cỏ lùng.
-     Hình ảnh người cố tình gieo cỏ lùng vào ruộng người khác không phải chỉ tưởng tượng. Mà thỉnh thoảng việc đó vẫn còn xẩy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
-     Đấy là một cách đe dọa, một kiểu trả thù đáng sợ, tai hại nhất; nên tới nay vẫn bị cấm và bị trừng phạt nặng ở một số nước như La Mã, Ấn Độ.
-     Toàn bộ hình ảnh trong dụ ngôn rất quen thuộc với dân chúng Galile. Vì thế là một bài học thực tế nhất mà Đức Giesu đã kể.
-     Nơi nào không có loại cỏ độc hại này, cũng có thể hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn để rút ra nhiều bài học quí gía.
-     Dụ ngôn nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn của Thiên Chúa cho phép kẻ tội lỗi tăng trưởng bên cạnh người lành với hy vọng rằng họ sẽ thay đổi.
-    Thiên Chúa thường tỏ lòng kiên nhẫn khi hành xử công lý với lòng nhân từ như thế.
-     Vì Thiên Chúa không phải là bạo chúa. Ngài tỏ bày quyền năng bằng cách kiềm chế khi xét xử.
-     Ngài nghiêm khắc với kẻ lì lợm, nghi hoặc, nhưng ân cần với những ai có hy vọng hoán cải.
-     Ngài cũng ban cho tất cả chúng ta nhiều cơ may để thay đổi.
-     Chúng ta hãy tận dụng thời gian ân sủng này, trước khi hết hạn.
2.     Chúa muốn dậy chúng ta rằng:
      a)   Luôn luôn có một thế lực thù địch ở giữa thế gian:
 -    Nó tìm kiếm, chờ đợi cơ hội xen vào phá hủy hạt giống tốt.
 -    Thường có hai loại ảnh hưởng cùng tác động trên đời sống chúng ta, là ảnh hưởng giúp hạt giống Lời Chúa tăng trưởng tốt và ảnh hưởng tìm hủy hoại hạt giống trước khi nó đâm bông kết trái.
 -    Đó là bài học qúi gía, nhắc nhở chúng ta cảnh giác trong cuộc sống khi bắt buộc phải sống chung với những kẻ dữ… mà không thể phân biệt, không thể nhận ra, không thể tránh.
 -   Tuy nhiên, không như cỏ lùng, kẻ ác dộc có thể thay đổi, hoán cải để  nên tốt nếu chúng ta tạo cơ hội nâng đỡ chờ đời họ.
 -   Và ngược lại, kẻ được coi la hiền lành thánh thiện, nếu không biết gìn giữ, rèn luyện thì cũng có thể trở thành kẻ xấu.
      b)   Khó có thể phân biệt người thuộc Nước Trời và người không thuộc Nước Trời.
 -   Ánh sáng và bóng tối trong thế giới chúng ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, như là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh những cây lúa tốt.
 -    Với con người cũng vậy, xấu tốt xen lẫn nhau, khó phân biệt, đôi khi đánh giá lầm, coi người tốt ra người xấu, người xấu ra người tốt.
 -    Trong Hội thánh và nơi mỗi người cũng vậy, có một sự pha trộn không tránh được giữa thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác.
 -    Hội thánh thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dù đã nhận nhiều ân sủng qua các phép Bí Tích, vẫn còn khuynh hướng phạm tội.
 -    Thật vậy, nhiều người bề ngoài có vẻ là người tốt, nhưng thật sự lại đầy khuyết điểm. Có người mới nhìn tưởng là người xấu, nhưng kỳ thật lại là người tốt.
 -    Có khi chúng ta lại qúa vội vàng đánh gía người khác khi chưa hiểu biết tường tận về họ.
 -    Nên Đức Giesu dùng dụ ngôn này để dạy về lòng nhân từ, kiên nhẫn, biết tin vào sự tốt lành sẽ được tuần tự triển khai rộng khắp và còn có thể cảm hóa được sự dữ để cuối cùng sự thiện sẽ chiến thắng.
      c)   Không nên đóan xét vội vàng:
 -    Thời điểm sau hết, mọi người sẽ chịu phán xét không phải chỉ căn cứ trên một hành động đơn lẻ nào, một giai đọan nào trong đời sống, nhưng trên toàn thể cuộc đời của mình.
 -    Vì một người có thể phạm lỗi lầm lớn, nhưng họ chuộc lại lỗi lầm đó bằng cách sống đời còn lại tốt đẹp. Thì họ sẽ được cứu chuộc bởi ân huệ của Chúa.
 -    Một người khác có thể sống khả kính suốt cuộc đời, nhưng cuối đời bất ngờ sa ngã, có thể làm đổ vỡ tất cả.
 -   Nên không thể xem một phần sự việc mà phê phán tổng thể. Không chỉ biết một phần đời sống ai đó, mà phê phán chính xác con người họ.
 -    Con người vốn bất toàn mà lại muốn tiêu diệt những kẻ bất toàn thì đó là thái độ bất bao dung.
 -    Chúng ta đừng khó chịu khi trong Hội thánh có những kẻ xấu, phá hoại, gây đau khổ cho người khác mà họ vẫn sống nhởn nhơ, đôi lúc lại còn may mắn hơn người chịu đau khổ nữa!
 -    Mà cần nhớ rằng ngay trong con người ác độc, trong trái tim hận thù…cũng luôn còn chút gì đó của sự thiện.
 -    Và ngay nơi người tốt lành thánh thiện, cũng vẫn còn một chút gốc rễ của sự sai trái.
      d)  Sự phán xét sẽ đến lúc chung cuộc:
 -    Chắc chắn sự phán xét chuyện tốt xấu, phải trái của mọi người sẽ phải đến, nhưng vào chung cuộc.
 -    Và không bất ngờ, bởi ai cũng đã biết, được liên tục dậy dỗ từ khi còn rất trẻ, xuyên suốt trong cả cuộc đời.
 -    Có thể thấy rằng ở đời này, dường như kẻ ác trốn tránh được nhiều hậu qủa xấu, nhưng sẽ không thể lẩn trốn ở đời sau.
 -    Và dường như làm điều thiện, sống ngay thẳng chẳng lợi lộc gì, mà chỉ cảm thấy thiệt thòi; tuy nhiên phải tin rằng vẫn có một thế giới mới, có một nơi khác để quân bình lại những điều xem ra bất công, không phù hợp với lẽ đạo, với lòng người.
      e)  Đấng duy nhất có quyền phán xét là Thiên Chúa:
  -    Chỉ có Chúa Trời mới phân biệt được tốt xấu thật sự của con người, mới thấu suốt tâm can con người mà không ai có thể che giấu được Ngài.
  -    Cũng chỉ có Chúa Trời mới thấy toàn vẹn, toàn diện con người với mọi điều trong đời sống con người.
  -    Vì thế dụ ngôn này cũng khuyến cáo chúng ta không được đóan xét người khác, bởi tất cả mọi người chỉ bị Chúa Trời phán xét khi Ngài đến mà thôi.
  -     Mọi người phải đáp lại Thiên Chúa bằng việc hoán cải cá nhân, đừng chậm trễ, đừng uổng phí thời gian.
  -     Bởi chúng ta có thể có một đời sống tốt hơn với Thiên Chúa nếu chúng ta đáp trả ngay từ bây giờ, biết bắt đầu sống theo các giá trị của Nước Trời ngay từ bây giờ.
3.     Các dụ ngôn khác:
-     Dụ ngôn hạt cải và nắm men, cho chúng ta thấy kích thước, trọng lượng hay số lượng hạt giống cũng không quan trọng, mà điều thiết yếu là chất lượng của hạt giống, của nắm men.
-     Vì đó là yếu tố, là khả năng phát triển khi trưởng thành, khi hoàn tất sự việc.
-     Dụ ngôn cho thấy sức phát triển rất mạnh của Nước Trời, cũng như sự kiên nhẫn của Thiên Chúa muốn cứu độ toàn nhân loại. Ngài gieo vào đó một hạt cải Tin Mừng, giấu một nấm men trong bột, rồi chờ cho hạt cải lớn thành cây to và nắm men làm dạy cả đám bột.
-    Đây là một điều đầy sức thuyết phục, an ủi, khích lệ giúp chúng ta tuyệt đối tin tưởng khi cộng tác vào việc phát triển công trình của đạo giáo Đức Kito.
-     Còn có một ý nghĩa đặc biệt nữa để trả lời cho mối bận tâm của những người thắc mắc rằng Thiên Chúa có tài năng quyền lực, sao Ngài không trừng trị kẻ xấu, làm cho mọi người dễ dàng theo Chúa, sống đạo đức thánh thiện!?
-     Thì đây Chúa cho biết, Ngài tạo dựng nên chúng ta không cần ý kiến của chúng ta, nhưng cứu rỗi, thì Ngài cần sự cộng tác đắc lực của chúng ta.
-    Ngài tôn trọng tự do của con người, để cuộc sống hoàn toàn có ý nghĩa và sau cùng thưởng phạt công minh.
-     Ngài cần những bàn tay nối dài đến tận cùng trái đất để mang Tin Mừng cứu rỗi đến cho mọi người.
-     Ngài khuyến khích chúng ta hãy cộng tác với Ngài để làm dạy lên, lan rộng khắp nơi thế giới về tình Chúa tình người.
-     Chúng ta hãy bắt đầu sống theo các giá trị của Nước Trời ngay tự bây giờ, đừng gieo rắc nghi ngờ, hỗn loạn, thông tin sai lạc, chai đá, không cầu nguyện, không hoán cải; mà cần ý thức công bằng, quan tâm tới người khác, thương xót, nhân hậu và siêng năng cầu nguyện…

 Lạy Chúa, mặc dù luôn có kẻ dữ ở bên cạnh, lẫn lộn mọi nơi mọi lúc, cũng như ngay trong chính bản thân chúng con, vẫn hiện diện song song hai huynh hướng tốt xấu, lành dữ…
Nhưng Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, luôn kiên nhẫn trông đợi, tạo mọi cơ hội để cảm hóa kẻ  tội lỗi hoán cải.
Xin cho chúng con và mọi người đừng lạm dụng sự kiên nhẫn của Ngài, mà luôn biết cố gắng giữ gìn tâm hồn thể xác ngay trong cuộc sống phức tạp hôm nay, để không sức cám dỗ nào có thể làm mất ơn Chúa nơi chúng con, cùng cho chúng con biết bao dung, nhân từ, yêu thương, phục vụ, hầu những ngày chúng con đang sống được bình an và sau này được hưởng nhan thánh Ngài. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.
Thân mến,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét