July 6, 2014 - Chúa nhật 14
thường niên năm A
Đức Giesu hiền hậu và khiêm
nhường
Các Bạn thân mến,
Chúng ta lại có một cuối
tuần dài vui vẻ, đó là nghỉ mừng Independence Day vào thứ sáu 4/7. Mùa hè
nóng nực mà có những dịp nghỉ dài thì thật thú vị, thoải mái phải không các
Bạn? Chúng ta được ra vườn, đến công viên hoặc ngồi bệt hay nằm dài bên bãi
biển rồi thưởng thức những món BBQ thơm lừng hấp dẫn, thì mệt nhọc, lo lắng gì
cũng tạm vơi đi nhỉ?
Tuy nhiên có lẽ rất ít
khi chúng ta nghĩ đến cái giá thật đắt đỏ mà tiền nhân đã phải bỏ ra để đổi lấy
Independence Day? Lịch sử cho thấy, dân tộc nào cũng vậy, nước nào cũng thế,
cũng khát khao được Độc lập Tự do. Nên đã phải đấu tranh không ngừng, hy sinh
tất cả, tính mạng, tài sản vật chất…không phải một vài năm mà thường phải mất
nhiều chục năm, kéo dài tới khi giành được Độc Lập Tự Do cho dân tộc mình. Vì
thế không ít người buồn nhớ tiếc thương thân nhân đã ra đi mãi mãi vì hai chữ
ấy? Bởi không có thành công nào mà không phải trải qua những gian nan vất vả,
đau thương mất mát. Đó là môt sự trả giá, một trao đổi, một điều luôn luôn đúng
và đúng mãi cùng với con người.
Nhưng mỗi khi có chuyện
buồn đau, khổ tâm hay vất vả nặng nhọc mà được ai đó chia sẻ, an ủi, đỡ đần gánh nặng của mình thì
còn gì bằng phải không? Chúng ta cũng như vơi đi nỗi buồn khổ, nặng nề. Huống
chi người đó lại chính là Thiên Chúa toàn năng, hiền hậu, thì lời mời gọi ấy
đúng là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh bằng. Điều này là có thật, đã
được thánh Mattheu ghi lại chính lời mời gọi của Đức Giesu, một lời mời gọi có
sức an ủi và tin tưởng mạnh mẽ cho hết mọi người đang vất vả lầm than:"Tất cả những ai
đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi
dưỡng."
Lời mời gọi ấy được nói
lên sau khi Đức Giesu cất tiếng cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa, như lời cầu
nguyện bộc phát, bầy tỏ tư tưởng đích thực hơn hết của một người đối với chính
mình. Vì thế lời cảm tạ của Đức Giesu được ghi ở đây là một trong những đọan tự
thuật thiêng liêng quí báu nhất trong Tin Mừng. Lời cảm tạ này còn bầy tỏ ra
rằng đặc điểm nổi bật nhất trong đời nhập thể của Con Thiên Chúa là vâng theo ý
Thiên Chúa Cha.
1. Sự
mặc khải:
- "… vì Cha đã giấu
không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lai mặc
khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha."
- Đức Giesu nói những điều
đó theo kinh nghiệm nhiều hơn.
- Đương thời, Ngài thấy
những người khôn ngoan thông thái, những luật sĩ đã từ chối Ngài, còn những
người đơn sơ, yếu kém lại đón nhận Ngài.
- Những người tri thức
không cần đến Đức Giesu, nhưng những kẻ khiêm nhường chào đón Ngài.
- Thế nên chúng ta phải
thận trọng xem Đức Giesu muốn nói gì ở đây?
- Chắc chắn Ngài không lên
án năng lực trí thức, nhưng điều Ngài đang lên án là sự kiêu căng trí thức.
- Không phải sự khôn ngoan
xua đuổi Tin Mừng, nhưng chính lòng kiêu ngạo; không phải sự ngu dốt đón nhận
Tin Mừng, mà chính lòng khiêm nhường.
- Thiên Chúa không phân
biệt con người theo trình độ tri thức.
- Đức Giesu cũng không gắn
liền đức tin với sự ngu dốt, mà Ngài gắn liền sự hạ mình với đức tin.
- Chính những thầy thông
luật đã nhìn thấy nguy cơ của sự kiêu căng trí thức, họ nhận thức được những
người đơn sơ thường gần gũi với Chúa Trời hơn các nhà thông thái khôn ngoan.
- Nên các thầy thông luật
đã có nhiều giai thoại cho thấy những người làm những việc đơn giản như cai
ngục giữ gìn tù nhân theo lối ngay thẳng; những người mang lại nụ cười, sự hòa
thuận cho kẻ khác; những người sẵn sàng giúp đỡ, phục vụ bất cứ ai, bất cứ điều
gi.
- Họ là những người ít
học, kém cỏi, nhưng hành động đơn sơ phát xuất từ lòng chân thành thương giúp
đỡ người khác của họ đã được Thiên Chúa chấp nhận.
- Nhờ công đức, họ còn có
thể tránh được nhiều tai nạn cho mình và cho những người chung quanh, cho khu
vực địa phương mà họ đang sinh sống nữa.
- Đức
Giesu đã mặc khải nhiều điều lớn lao cho những người hèn mọn, nhỏ
bé ấy, mà ngày nay chúng ta cũng đã được biết đến.
2. Trung tâm điểm của
niềm tin Kito giáo:
- "Cha tôi đã giao
phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không
ai biết Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
- Đấy
là lời tuyên bố lớn lao nhất của Đức Giesu, cũng là trung tâm điểm của niềm tin
Kito giáo.
-
Đức Giêsu nói rõ chỉ có mình Ngài mới
bầy tỏ Thiên Chúa cho loài người.
-
Mọi người có thể là con Thiên Chúa, nhưng Ngài là Đức Chúa Con.
- Đức
Giesu muốn nói: Nếu con người muốn thấy tâm trí của Thiên Chúa, tâm lòng, bản
chất, thái độ hoàn toàn của Thiên Chúa đối với con người thì hãy nhìn xem Ngài.
- Vì
thế giáo lý công giáo dạy rằng chỉ trong Đức Giesu, chúng ta mới thấy được
Thiên Chúa như thế nào.
- Và
Đức Giesu có thể ban sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho bất cứ ai có lòng khiêm
nhường và tin cậy đủ để lãnh nhận điều ấy.
- Người Hy Lạp nói rằng:"Rất khó tìm thấy
Thượng đế và khi đã tìm được Ngài rồi thì lại không thể nào nói cho người khác
nghe về Ngài."
- Thật
ra chúng ta biết Thiên Chúa không phải do sự tìm tòi của trí tuệ, mà do quan
tâm chủ ý đến Đức Giesu. Và trong khi chiêm ngưỡng Đức Giesu thì chúng ta thấy
được Thiên Chúa.
- Đó
là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất và đạt tới thành công mỹ mãn nhất.
3. Đối diện với gian nan:
- Ngoài
những nhu cầu tinh thần vật chất cần thiết của một con người đang sống ra,
chúng ta cũng còn có những nhu cầu văn minh, có khi để nâng cao đời sống, cũng
có khi để thỏa mãn nhu cầu, khía cạnh nào đó của bản thân.
- Do
đó cuộc sống có vô vàn vô số vất vả gian nan, nào phần xác, nào tinh thần, tình
cảm, nào thuộc linh...
- Có những vất vả gian nan đau khổ chúng ta thắng lướt hay chịu đựng được, nhưng
cũng có những gian nan vất vả đau đớn mà chúng ta không thể thắng được, không
thể giải quyết.
- Khi đó nhiều người đã đặt niềm tin không đúng
chỗ, do đó bị lừa bịp và bị thiệt hại hết sức nặng nề.
- Sự
vất vả nặng nề con người phải mang, phải vác cũng còn do tôn giáo, như chính
thống Do Thái là một gánh nặng, bao gồm những luật lệ, những qui tắc triền miên
mà tín đồ phải tuân thủ, chúng chỉ đạo mọi sinh hoạt, mọi hành động của đời
sống họ, chúng ràng buộc, dồn ép đến mức không thể chịu đựng được, lúc nào họ
cũng nghe điều này cấm, điều kia chớ làm…
- Đức
Giesu đã nhìn thấy tất cả những gian nan khó khăn mà con người phải đối mặt đó,
Ngài đã động lòng thương, nên kêu mời những ai đang cố gắng chịu đựng khổ đau,
đang vất vả lam lũ, đang mỏi mòn chờ đợi chân lý, đang miệt mài tìm kiếm
Thiên Chúa một cách vô vọng, đang cố gắng làm lành một cách vô ích, đang thấy
sức lực của mình uổng công, chán nản kiệt quệ…hãy đến với Ngài, Ngài sẽ thỏa
mãn tất cả:"
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng"
- Chúng
ta biết "cái ách" là
dụng cụ được làm bằng gỗ, đặt đeo vào cổ con vật như trâu, bò, ngựa để
chúng kéo các đồ nặng.
- Cái
ách được bào nhẵn nhụi trơn tru và vừa vặn với cổ con vật để không làm trầy
xước, đau đớn, khó khăn khi con vật kéo mang những kiện hàng nặng nề với nhiều
thời gian.
- Đức
Giesu dùng hình ảnh "cái ách"
với ý nghĩa gần gũi chúng ta, để hiểu rằng sự sống Ngài ban, cuộc đời Ngài dựng
nên không phải là một gánh nặng làm trầy trụa chúng ta, mà đời sống của chúng
ta, công tác của chúng ta đều dã được đo sẵn, làm sẵn với kích thước vừa vặn
cho từng người.
- Thế
nên bất cứ điều gì Chúa gởi đến cũng đã được Ngài sắp đặt, tính toán cho thích
hợp với nhu cầu và khả năng của chúng ta.
- Tuy
nhiên không phải lúc nào và ai cũng sẵn sàng mang ách của mình, nhưng nếu gánh
nặng đặt trên vai chúng ta trong tình yêu, được mang với tình yêu thì chính
tình yêu ấy khiến gánh nặng trở nên nhẹ nhàng êm ái.
- Đây
là tâm lý, một sự thật mà có lẽ ai cũng đã từng có kinh nghiệm:"Yêu nhau thì củ ấu cũng tròn" !
- Lời
Chúa đã phán, ý thức đã có, kinh nghiệm cũng từng trải… Vậy điều quan trọng là
chúng ta hãy luôn bình tĩnh để nhớ đến tình yêu của Chúa và tình yêu mọi người
thì bất kỳ gánh nặng nào cũng có thể nhẹ nhàng hơn, dễ mang hơn, trở nên êm ái
hơn.
4. "Hãy học với
tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường":
a) Hiền hậu:
- Là dịu
dàng, ngọt ngào, êm ái, hòa nhã, không thô bạo cứng cỏi; gồm cả tâm thế bên
trong và cách phản ứng bên ngoài.
- Tâm thể bên trong thì luôn nghĩ tốt về người
khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm với mọi người, không thành kiến, biết
phải trái, trước sau, sẵn sàng đối thoại, chấp nhận sửa đổi, sẵn sáng cải tiến.
- Phản ứng bên ngoài: khiêm nhường, nhẹ nhàng,
tôn trọng, lắng nghe, không thô bạo.
- Đức Giêsu nói Ngài hiền hậu vì trong lòng Ngài
luôn yêu thương mọi người, luôn muốn điều tốt cho mọi người, không thành kiến
đối với những người mà xã hội quen coi là xấu xa tội lỗi; lời nói và hành động
của Ngài dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Ngài không nặng lời, không lên án.
Ngài chủ trương sống bằng tình thương, an bình, không bạo động.
b) Khiêm tốn:
- Là ý thức giá trị thật của mình, và mọi
người, tự ý chấp nhận đứng thấp, ở dưới, sẵn sàng nhường mọi người trong mọi
sự. Không đòi hỏi, phô trương, khoác lác.
- Căn bản của khiêm tốn là biết rõ về mình như
thế nào, từ đó không muốn tỏ ra hơn cái thực chất ấy và nếu người khác có coi
mình kém hơn sự thật của mình thì cũng không màng tới. Quan trọng là sống thanh
thản và thành thật đúng với bản chất của mình.
- Dụ ngôn của Ðức Giêsu về những chỗ ngồi trong
đám cưới giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thái độ khiêm tốn đối với danh dự:
. Danh dự của
chúng ta không phải do chúng ta tranh dành mà có.
. Danh dự của chúng ta là
do chính con người thật của chúng ta tạo nên.
. Danh dự của chúng ta là do Thiên Chúa sắp xếp
cho.
- Ngày nay, bạo
lực đã bành trướng trong mọi lãnh vực, nên sự hiền lành dễ thương không còn
được đánh giá cao như trước.
- Ngay trong gia
đình chúng ta cũng phản ảnh phần nào bạo lực của thời đại: chúng ta la hét
nhau, đá vật này, quăng vật nọ, và ngay cả đánh đấm, giết hại lẫn nhau…
- Nhưng kinh
nghiệm cho thấy, chúng ta vẫn có thể thành công nhờ sự hiền từ dễ thương hơn là
nhờ bạo lực.
- Vì
thế Tin Mừng hôm nay chứa đựng một lời mời gọi quan trọng cho tất cả chúng ta.
Đó là lời mời gọi chúng ta hãy học với Đức Giêsu vì Ngài "hiền hậu và
khiêm nhường".
- Ði vào cụ thể, điều này có ý nghĩa là trước
hết chúng ta nên cố gắng đối xử với mọi người bằng sự nồng thắm thực sự.
- Thứ
đến, cố gắng cư xử với những kẻ làm hại chúng ta theo cách xử sự của Đức Giêsu
trong trường hợp người phụ nữ ngoại tình, và như cách xử sự của ông bố trong dụ
ngôn đứa con hoang đàng. Nghĩa là chúng ta cố gắng cư xử một cách có hiểu biết
và nhân hậu.
- Thứ
ba, chúng ta hãy cố gắng cư xử một cách khéo léo, tế nhị với nhũng kẻ đang phải
chịu đựng bất hạnh.
- Như thế sự an lành, hòa thuận sẽ đến với mọi người, nơi gia đình cũng như ngoài
xã hội. Và chúng ta sẽ được sống trong an vui hạnh phúc.
Lạy Chúa là Đấng có lòng hiền hậu và khiêm nhường, xin cho chúng con noi
gương Ngài, biết ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất, đã cho những người
bé mọn chúng con, biết nhìn vào Ngài là nơi ý của Thiên Chúa được thể hiện cách
tốt đẹp trọn vẹn nhất.
Và cho chúng con luôn đặt
tin cậy vào Ngài, để chúng con biết sẵn sàng đón nhận mọi hoàn cảnh dù bất hạnh
tồi tệ, bởi đó chính là sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài đã dành cho chúng con
như những cái ách trơn tru êm ái mà Ngài đã làm sẵn cho chúng con vậy. Vì Đức Giesu Kito Chúa
cúng con. Amen.
Thân mến,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét