Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Jul 13, 2014 - Chúa nhật 15 thường niên năm A - Hãy là mảnh đất tốt!

Jul 13, 2014 - Chúa nhật 15 thường niên năm A 
Hãy  là  mảnh  đất  tốt! 


Các Bạn thân mến,
Đọan Tin Mừng chúa nhật tuần này, Đức Giêsu giảng dụ ngôn người gieo giống với ý nghĩa thật cụ thể và tuyệt vời. Đó là một bức tranh mà có lẽ ở đất nước nào dân chúng cũng được thấy, nên ai cũng có thể hiểu được dụ ngôn này.
Lời Chúa được tung gieo một cách quảng đại, dồi dào. Là hạt giống tốt mong chờ môi trường tốt để phát triển.  Lời Chúa được rao truyền mãi ngày này qua ngày khác. Như được gieo vào mọi cõi lòng. Mong chờ cơ hội hạt giống nẩy mầm, đâm chồi, phát triển và sinh hoa kết trái.
Ruộng đất và cách gieo giống ở Palestin cũng giống như ở nông thôn Việt Nam chúng ta. Ruộng được ngăn từng thủa lớn nhỏ riêng của từng gia đình, từng người, nên thường có bờ ngăn cách dùng làm lối đi. Vì thế dù gieo giống bằng cách nào và khéo léo cẩn thận đến đâu cũng không tránh khỏi vung vãi; có những hạt rơi trên lối đi, bên vệ đường, chỗ sỏi đá, nơi bụi gai, trong đám cỏ…Và chỉ hạt giống nào rơi nơi đất tốt, đất xốp, mầu mỡ, sạch sẽ, không cỏ dại, không sỏi đá, mới có thể đâm rễ sâu, tìm được chất dinh dưỡng, mau lớn và vụ mùa mới có kết qủa lớn.
Ẩn dụ này nhắm vào người nghe, những loại đất khác nhau chỉ tâm hồn những người nghe khác nhau, cách tiếp nhận Lời Chúa và kết qủa của Lời ấy cũng khác nhau. Thường thì số phận của bất cứ lời nói nào cũng đều tùy thuộc vào người nghe. Bởi mỗi người nghe có một tâm trạng và thái độ, ý thức riêng:
 1.    Người nghe với tâm trí đóng kín:
-    Như hạt giống rơi xuống đất chai cứng, không thể đâm rễ, thì lời nói được nghe ở đây cũng không thể đâm rễ trong tâm trí đóng kín của loạt người nghe này.
-     Người ta có thể đóng kín tâm trí bằng những thành kiến, ngoan cố, e dè hay gỉa vờ… khiến con người như đui mù với mọi điều mà không muốn nhìn, cũng chẳng thể thấy.
-    Một tâm trí ngoan cố còn như dựng lên một hàng rào cản, ngăn chặn mọi điều từ ngoài vào.
-    Tâm lòng ngoan cố có thể là do kiêu ngạo, không biết mình cần hiểu biết, cũng có thể là hậu qủa của lòng sợ hãi một chân lý mới, không muốn mạo hiểm, ngại tìm tòi, tư duy…
-     Đôi khi lối sống và cả tính vô đạo đức có thể đóng kín tâm trí, cũng có thể tâm trí sẽ lên án những diều họ yêu thích và tố giác đường lối cùng hành động của họ.
-     Nhiều người không chịu nghe, không chịu nhìn nhận chân lý nào lên án họ.
-     Đây thật là điều nguy hại, vì họ là những kẻ cố tình không nhìn nhận sự thật, không muốn mở mang trí thức, trau dồi đạo đức, cũng không chịu theo đà phát triển tiến hóa chung của loài người.
-     Vì thế Lời Chúa như là những hạt giống gieo trên những người này không có cơ hội nẩy mầm phát triển nên bị chết ngạt. 
-    Câu truyện đời sống xã hội hôm nay là dấu chỉ của hạt giống bị khô chồi.
2.    Nghe với tâm trí như mảnh đảt nông cạn:
  Họ không suy nghĩ cặn kẽ cho ra lẽ. Thích chạy theo trào lưu, su
hướng xã hội…
-     Họ chấp nhận nhanh chóng và rồi bỏ đi cũng lẹ làng.
-     Họ có thể rất nhiệt thành trong lúc khởi đầu, nhưng sẽ bỏ cuộc dễ dàng nếu gặp khó khăn hoặc khi lòng nhiệt thành giảm sút.
-     Họ có thể luôn bắt tay vào những việc mới, nhưng lại không thể hoàn tất một công việc nào.
-     Đối với đạo cũng vậy, họ bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi cảm xúc, nhưng chúng ta biết, không ai có thể sống bằng cảm xúc.
-     Mà con người có trí tuệ buộc phải có một đức tin sáng suốt.
-     Kito giáo có những đòi hỏi và người ta phải đối diện với những đòi hỏi này trước khi tiếp nhận.
-     Kito giáo cũng không chỉ mang đến quyền lợi, nhưng còn đòi hỏi nhiều bổn phận.
-     Một tâm lòng nhiệt thành bộc phát đột ngột thường có thể trở thành ngọn lửa chóng tàn lụi.
-     Đây là điều đáng lo, vì là thái độ gần như đại trà trong dân chúng bình dân, nhạy cảm, thiếu hiểu biết, thiếu mở mang...
3.    Nghe với sự ôm đồm qúa nhiều sở thích.
-     Đến nỗi những điều quan trọng nhất lại bị đẩy ra khỏi cuộc sống của họ.
-     Đặc điểm của cuộc sống hiện tại là càng ngày càng náo nhiệt, càng vội vã.
-     Người ta qúa bận rộn với công việc này, bổn phận nọ, trách nhiệm kia nên không thể còn thời gian cầu nguyện.
-     Lo toan nhiều diều, đầu óc đầy ắp mọi thứ đến nỗi quên mất việc học và suy niệm Lời Chúa.
-     Họ có thể xông xáo trong những ủy ban, những tổ chức từ thiện bác ái, với những công tác gần xa…đến nỗi không có chút thời gian dành cho Đấng đã khỏi nguồn tình yêu và sự phục vụ ấy.
-     Công việc làm ăn tốt xấu cũng luôn bám chặt lấy họ và họ cũng bám sát nó đến độ mệt mỏi, không muốn suy nghĩ đến chuyện nào khác.
-     Ngay một số các linh mục, các tu sĩ nam nữ cũng thường than không có thời gian, 24 giờ đồng hồ Chúa ban cho một ngày cũng không đủ!
-     Mùa Đông ở Châu Âu, Châu Mỹ được thêm một giờ nữa, tức là có 25 giờ mỗi ngày, nhiều người cũng vẫn thấy thiếu, và chắc chắn Chúa có ban 30 giờ một ngày, thì rồi họ cũng vẫn than không có thời gian!
-     Luu ý rằng không phải chỉ những điều xấu mới là nguy hiểm, mà những điều tốt mới là nguy cơ! Vì điều hơi tốt luôn luôn là kẻ thù số một của điều tốt nhất.
-     Người ta không phải cố tình bỏ qua việc cầu nguyện, đọc và học hỏi Kinh Thánh, mà thường họ vẫn nghĩ đến, vẫn mong ước có thời gian làm điều ấy, nhưng rồi lại tự nêu lý do này khác khiến đời sống sôi động lại cột trói họ, chẳng bao giờ buông tha.
-     Thế nên không phải chúng ta chỉ cần cẩn thận, mà còn luôn phải cảnh giác mình, đừng để tự mình mắc lừa mình mà đẩy Chúa ra khỏi dịa vị ưu tiên nhất trong đời sống chúng ta.
-     Buồn thay, tình trạng này lại rất phổ biến nơi các tầng lớp trí thức, đạo hạnh nhiệt tình.
4.    Nghe như mảnh đất tốt:
-     Người nghe đích thực là người biết lắng nghe, hiểu được và vâng theo. Thường họ tiếp nhận Lời Chúa theo từng bước:
       .  Giống như đất tốt, tâm trí họ mở ra, lúc nào cũng muốn học hỏi, cũng muốn tiếp nhận sương gió nắng mưa để lấy mầu mỡ dinh dưỡng.
       .  Biết sắp xếp công việc thời gian để sẵn sàng lắng nghe những lời khôn ngoan và tiếng Chúa.
       .  Biết khiêm nhu suy nghĩ chín chắn, hiểu được và biết gía trị điều mình nghe để tiếp nhận.
       .  Can đảm kiên nhẫn chuyển điều mình nghe trở thành hành động, sinh hoa kết trái từ hạt giống tốt.
-     Những điều này không chỉ nhằm vào người theo đạo, mà còn cho cả những người truyền đạo nữa.
-     Kito hữu chúng ta không có con đường nào khác là phải luôn cầu nguyện, rèn luyện bản thân để trở thành mảnh đất mầu mỡ, có thể tiếp nhận, và nuôi dưỡng cho hạt giống Lời Chúa phát triển trọn vẹn.
5.    Bài học:
-     Bài học của thí dụ này thật rõ ràng.
-     Ấy là dù khi gieo, một số hạt giống có thể rơi vãi lung tung, hạt rơi nhằm lối đi, hạt bị chim chóc ăn mất, hạt rơi vào đất cằn cỗi, hạt rơi vào sỏi đá, hạt rơi nhằm bụi gai, hạt bị gío cuốn bay đi, hạt rơi đúng đất tốt… dù vậy mùa gặt chắc chăn cũng phải đến.
-     Thật vậy, không có một nông gia nào lại ảo tưởng kỳ vọng mọi hạt giống gieo xuống đất đều đơm bông kết trái.
-     Nhưng cho dù nhiều hạt giống không thể mọc lên, không thể tồn tại, không thể đơm bông kết trái… thì điều đó cũng không thể ngăn cản việc gieo giống của nông gia, cũng như không thể làm ông mất hy vọng, bởi ông đã biết qúa rõ như vậy. Nên mùa gặt vẫn phải có, và tiếp tục phải có.
-     Đức Giêsu nêu thí dụ này còn là để khích lệ những người đi gieo giống Tin Mừng, truyền đạo.
 -     Và như khi xưa, Ngài biết chắc chắn lòng các môn đệ đôi khi cũng có sự mệt mỏi, chán nản, buồn lòng.
-     Bởi Đức Giesu đối với các ông là tất cả, là Người khôn ngoan nhất và là người các ông kỳ vọng hơn hết.
-     Tuy nhiên theo cách nói của loài người thì đương thời Ngài là người
     thành công ít.
-     Nên Ngài không ngạc nhiên khi có sự nản lòng và thất vọng nơi các môn đệ khi xưa và những người gieo giống đạo bây giờ.
-     Bởi vì:
        a)    Khi một người đi gieo Lời Chúa, người ấy cũng không biết rõ việc mình đang làm và kết qủa của hạt giống đó sẽ như thế nào.
        b)    Người đi gieo giống không thể và không được trông đợi có kết qủa tức khắc. Vì:
           . Trong thiên nhiên sự tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải cần thời gian để hạt giống nẩy mầm, phát triển đủ theo từng giai đọan.
           . Gieo giống đạo đôi khi còn cần thời gian dài hơn nữa, kiên nhẫn hơn nữa, để hạt giống nẩy mầm bám rễ sâu trong lòng con người, mới có thể thu hoạch tốt.
           . Đây là điều ngược lại với hiện nay, thời đại mà người ta tranh nhau mưu tìm những thành qủa mới lạ, nhanh chóng, tức thời.
-    Quan niệm sống của con người thời nay đã đổi thay. Xã hội đi tìm giải quyết những nhu cầu của cuộc sống theo nhãn quan của tự do bình đẳng và nhân bản chủ nghĩa.
-    Môi trường của xã hội đã bị ô nhiễm bởi những nền văn hóa đang bị thoái hóa, nên có nhiều người đã không nhận biết.
-    Câu truyện đời sống xã hội hôm nay là dấu chỉ của hạt giống bị khô chồi. Sau bức màn quyền lực đã diễn ra nhiều sự xung đột luân lý đạo đức.
-    Vì thế hiện nay Giáo Hội đang cần rất nhiều thợ với nhiều hình thức khác nhau để tung gieo hạt giống khắp nơi. 
-      Phần chúng ta, lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điều cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta còn có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người khác. Vì bản chất của Hội thánh là truyền giáo thì bản chất của những thành viên trong đó cũng phải là truyền giáo.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng bao nhiêu điều tốt đẹp chúng con được hưởng ngày hôm nay là do sự tận tụy hy sinh của những người đi trước. Đã cố sống như hạt lúa được gieo vào lòng đất, để nhờ cái chết của họ mà vọt lên sự sống cho chúng con.
Xin cho chúng con đừng tự khép kín mình trong lớp vỏ cá nhân hẹp hòi, yếu đuối, cằn cõi…đến độ tâm lòng ra đần độn, có tai nghe cũng chẳng hiểu gì, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy chi!
Mà cho chúng con đã có phúc vì được thấy, được nghe, thì cũng cho chúng con như mảnh đất tốt, biết đón nhận và hiểu Lời Chúa, hầu mọc rễ, lớn lên và sinh hoa kết trái gấp nhiều lần như ý Chúa muốn Vì chính Chúa là Đấn.g đã chăm sóc manh đất chúng con, gieo vào lòng chúng con hạt giống Tin Mừng của Ngài. Vì Đứ Giesu Chúa chúhng con. Amen.
 Thân mến,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét