Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

ĐỨC MARIA MẸ HỘI THÁNH, CẦU CHO CHÚNG CON

 

Mon, 29/05/2023 -  Lm Anmai, CSsR

ĐỨC  MARIA  MẸ  HỘI  THÁNH,  CẦU  CHO  CHÚNG  CON

SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH

(St 3, 9-15.20; Ga 19, 25-27)

Giáo Hội truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh vào ngày Thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mừng Lễ này trong niềm vui khôn tả.

Trong lờ kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn đọc, ta thấy Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan khi muốn thực hiện công việc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, “đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4), và Người Con đó “đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”. Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria có nghĩa là Người là con của Đức Mẹ.

Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa không?Chẳng lẽ Đức Maria, Đấng đã hạ sinh Chúa Giêsu lại không phải là Mẹ Chúa Kitô?

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, có hồn có xác. Và điều này ta thấy Thánh Công đồng Nicêa dạy, chính Con duy nhất của Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và tất cả tồn tại trong Người, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể, làm người, chịu chết, đã sống lại, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét; Công đồng tuyên phán: chỉ có Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, giống Chúa Cha. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi sánh sáng, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha… Nên Đức Maria được gọi là Mẹ Chúa Kitô.

Các Thánh Giáo Phụ đã ca ngợi Đức Maria. Ta thấy Đức Mẹ đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế kỷ IV) khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nêu tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.

Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã tuyên dương Mẹ là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ”. Như thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.

Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 53 của Công Đồng Vatican ô II viết: Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đã dâng Con lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

Với trang Tin Mừng rất ngắn hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ và trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan. Thánh Gioan đã đại diện cho nhân loại để đón nhận Mẹ chính là Mẹ của mình và Mẹ đã nhận Thánh Gioan như là con của mình. Như thế, Mẹ chính là Mẹ của Thánh Gioan và là Mẹ của Giáo Hội.

“Thật vậy, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a… được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc… Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Ki-tô’… bởi vì đã cộng tác bằng đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh.” 525 “Đức Ma-ri-a,… Mẹ Đức Ki-tô, cũng là Mẹ… Hội Thánh” (x.GLHTCG số 963).

Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể này, Ðức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Ðầu, và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với lòng của người Mẹ hiền.

Việc sùng kính Mẹ vào thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ chúng ta rằng, sau khi Ðức Giêsu lên trời, Ðức Maria đã ở giữa các Tông đồ, như người Mẹ “giữa một đàn em đông đúc” của Ðức Giêsu (Rm 8,29), Con của Mẹ. Đức Mẹ cùng cầu nguyện với Hội Thánh sơ khai: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1,14). Hơn nữa: “Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Người trong ngày Truyền Tin” (LG 59), và “ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2-4) trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau cuộc đời trần thế, Ðức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang thiên quốc. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ, và như vậy Mẹ là dấu chỉ báo trước và bảo đảm cho các Kitô hữu được sống lại với Chúa Kitô. Mẹ ở trên trên vẫn tiếp tục thiên chức làm mẹ bằng việc chuyển cầu cho tới khi Hội Thánh đạt tới quê trời (LG 62).

Trong tư cách là một người Mẹ, chúng ta thấy không có người Mẹ nào mà không thương con. Tình thương của người Mẹ được cố nhạc sĩ Y Vân viết : Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình, tình Mẹ tha thiết. Ta thấy tình Mẹ bao la lắm, tình Mẹ tha thiết lắm.

Điều này, ta thấy nơi Mẹ Maria rất rõ. Mẹ đã hiện ra nơi này nơi kia với những lời nhắn nhủ, với những tâm tình và cả sự chở che. Như ở La Vang, ta thấy Mẹ chở che con cái của Mẹ trong lúc nguy nan. Và như vậy, chúng ta có đến để Mẹ yêu thương và chở che hay không đó chính là quyền của mỗi chúng ta.

Hội Thánh luôn dành cho Ðức Maria lòng yêu mến và tôn kính rất đặc biệt, vượt trên các thiên thần và các thánh. Mẹ là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô” (GH 63). Là hình ảnh của Hội Thánh tại thế “Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng” (GH 8) hướng nhìn lên Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, một phần tử ưu tú của mình, đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân Chúa Kitô.

Hội Thánh là Hội Thánh lữ hành với biết bao nhiêu phong ba bão táp dồn dập thế nhưng Hội Thánh vẫn bình va và đứng vững vị Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian. “Ngày nay, trên trời Mẹ Ðức Giêsu đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr. 3,10).

Lm. Anmai, CSsR

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Cách phòng nhiễm độc botulinum

 

Thứ sáu, 26/5/2023, VnExpress.net

Cách  phòng  nhiễm  độc  botulinum

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm đóng gói, đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, có mùi vị màu sắc bất thường để phòng nhiễm độc tố botulinum.

Chiều 25/5, khuyến cáo được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm độc tố botulinum tăng trong thời gian gần đây, một người chết trước khi được truyền thuốc giải độc. Thực tế, từ tháng 3, những khuyến cáo này được các bác sĩ nhắc đến sau khi nhiều người ở Quảng Nam ngộ độc botulinum do ăn cá chép muối ủ chua.

Cục An toàn Thực phẩm đề nghị cảnh giác với thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán địa phương, có biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn. Người dân được khuyến cáo không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Không ăn thực phẩm đóng gói đã hết hạn sử dụng, vỏ hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

Các cơ sở sản xuất phải sử dụng nguyên liệu an toàn, đảm bảo vệ sinh, an toàn, khử khuẩn khi chế biến đồ đóng hộp.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất giò chả kém an toàn; cơ sở kinh doanh, sản xuất thức ăn đường phố; đình chỉ hoạt động nếu gây hoặc có nguy cơ gây ngộ độc.

Bệnh nhân ngộ độc cần được cấp cứu, điều trị kịp thời. Bệnh viện chuẩn bị phác đồ và nhân lực điều trị, giảm hậu quả lên sức khỏe người dân.







Thuốc giải độc tố botulinum (BAT - Botulism Antitoxin Heptavalent), giá 8.000 USD/lọ, rất hiếm ở Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 5 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện, một em sắp xuất viện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc BAT. Tuy nhiên, một bệnh nhân (người ăn mắm) đã qua đời trước khi được truyền một trong 6 lọ thuốc giải độc mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tài trợ. Hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không kịp sử dụng thuốc do đã hết thời gian "vàng".

Tối 25/5, hai mẫu giò lụa từ nhà bệnh nhân và cơ sở sản xuất ở TP Thủ Đức cho kết quả âm tính độc tố botulinum, song cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân ngộ độc.

Đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết đang xem xét để quyết định mức xử phạt đối với cơ sở sản xuất giò lụa này. Nguyên nhân là cơ sở hoạt động gần hai tháng nhưng không có giấy phép cũng như bảng hiệu.

Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Mỹ Ý

Cách chọn kem đánh răng phù hợp

 

Thứ sáu, 26/5/2023, 14:23 (GMT+7)

Cách  chọn  kem  đánh  răng  phù  hợp

Thị trường có tới 7 loại kem đánh răng khác nhau và có thể gây bối rối cho người sử dụng.

Loại chứa florua

Đây là kem phổ biến nhất hiện nay và có thể là loại gia đình bạn đang dùng. Nó chiếm hơn 90% tổng doanh số bán kem đánh răng và được chứng minh có tác dụng chống sâu răng. Bởi vì chứa florua, nó không chỉ củng cố men răng, giúp răng chắc khỏe hơn, ngăn ngừa sâu răng và các loại viêm nhiễm, tương đương với việc bạn khoác lên răng một lớp áo bảo vệ.

Cách chọn kem đánh răng phù hợp

Loại thảo dược

Nếu không phải là người thích sử dụng nhiều hóa chất trong kem đánh răng, bạn có thể dùng kem thảo dược. Chúng thích hợp với những người nhạy cảm hơn với các chất phụ gia hóa học. Nếu bạn dùng loại này, hãy đảm bảo nó chứa một lượng nhỏ florua, bởi thiếu sẽ không bảo vệ chống sâu răng hiệu quả.

Kem đánh răng nhạy cảm

Nếu bạn có răng ê buốt thì nên chọn loại này, vì trong thành phần có hoạt chất bảo vệ đầu dây thần kinh, giúp bạn ít nhạy cảm hơn với nóng và lạnh. Nếu nó không hoạt động ngay lập tức, đừng nản lòng. Có thể sẽ mất đến bốn tuần bạn mới thấy hiệu quả.

Kem đánh răng làm trắng

Nhiều loại kem đánh răng khác nhau trên thị trường có chứa các thành phần làm trắng, nhưng sẽ không hiệu quả bằng loại chuyên dụng. Tuy nhiên loại kem đánh răng này có chứa florua với một hợp chất enzym, vì vậy nó có thể gây thêm ê buốt cho răng và thường không lý tưởng cho những người vốn đã có răng nhạy cảm.

Kem đánh răng kiểm soát cao răng

Cao răng là kết quả của mảng bám không được loại bỏ khỏi răng trước khi nó cứng lại, từ đó có thể gây ra các vấn đề về sâu răng và nướu. Mặc dù cách hiệu quả duy nhất để loại bỏ cao răng tích tụ là đi nha khoa, nhưng bạn cũng có thể dùng loại kem đánh răng kiểm soát cao răng. Chúng chứa các hợp chất hóa học giúp ngăn ngừa sự tích tụ và đông đặc mảng bám.

Kem đánh răng cho người hút thuốc lá

Loại kem đánh răng này được thiết kế chống lại vết ố do hút thuốc thường xuyên. Chúng chứa chất mài mòn mạnh hơn so với kem có chất florua thông thường.

Cách chọn kem đánh răng phù hợp - 1

Kem đánh răng trẻ em

Loại này có ít florua hơn để giảm nguy cơ trẻ nuốt phải quá nhiều, đồng thời ít chất mài mòn để ngăn ngừa răng nhạy cảm. Kem trẻ em cũng thường có mùi vị thơm tho, ngọt ngào để kích thích trẻ vệ sinh răng miệng.

Tùy vào tình trạng răng miệng mà chọn loại phù hợp. Khi sử dụng nên lưu ý một số vấn đề. Đầu tiên, nhiều nhãn hiệu có chứa chất tạo bọt giúp mài mòn và sạch răng, nhưng nếu bọt đọng lại lâu trong miệng sẽ gây ra một số bệnh răng miệng. Vì vậy, chỉ lấy một lượng vừa phải theo hướng dẫn sử dụng. Thông thường kem đánh răng chỉ nên chiếm 1/3 đầu bàn chải.

Thứ hai, nước xúc miệng cũng có tác dụng làm sạch răng miệng, rất tiện lợi và giữ hơi thở thơm tho, song không thể thay thế kem đánh răng.

Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN (Ga 20,22)

 

Fri, 26/05/2023 - Lm Nguyễn Văn Nghĩa

ANH  EM  HÃY  NHẬN  LẤY  THÁNH  THẦN (Ga 20,22)

(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)


Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”.Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý…

Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.

Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.

1.Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21).

2.Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,44-45)

3.Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x.1Cor 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.

Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây (x.Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

9 mẹo làm đẹp giúp trẻ trung hơn

 Thứ năm, 25/5/2023, 14:52 (GMT+7)

9  mẹo  làm  đẹp  giúp  trẻ  trung  hơn

Làm cho tóc phồng, uốn mi cho cong và đôi má ửng hồng là những mẹo nhỏ nhưng thực sự sẽ khiến bạn trẻ ra cả chục tuổi.

1. Uốn mi

Mặc dù cách này khá đơn giản, nhưng nó thực sự có thể giúp bạn trông trẻ trung hơn rất nhiều. Uốn mi sẽ giúp mắt to và rộng mở hơn, khiến bạn trông tươi tắn, linh hoạt và trẻ trung.

2. Má hồng

Má hồng có thể khiến bạn trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật. Tất nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn đánh phấn má. Điểm cần nhớ là làm nổi bật xương gò má, vì khi già đi lớp mỡ trên mặt dần bị đốt cháy khiến má trông hóp lại. Do đó, tán má rộng chúng không phải là ý tưởng tốt nhất, mà hãy tập trung vào gò má.

Uốn mi giúp bạn trẻ và tươi tắn hơn. Ảnh: Shutterstock

Uốn mi giúp bạn trẻ và tươi tắn hơn. Ảnh: Shutterstock

3. Không trang điểm đậm

Trang điểm đậm là một xu hướng chính để tạo đường nét cho khuôn mặt và mọi người tin rằng nó mang lại vẻ ngoài tinh tế hơn, nhưng thật sự nên trang điểm càng mỏng càng tốt nếu bạn muốn trông trẻ trung và tươi tắn. Tránh chuốt mascara cho mi dưới vì nó có thể tạo bóng và khiến bạn có quầng thâm giả, thậm chí khiến mắt trông như bị kéo xuống.

4. Ngừng nhổ lông mày

Khi chúng ta già đi, tóc bắt đầu rụng ngày càng nhiều và lông mày cũng không ngoại lệ. Nếu bạn có thói quen nhổ lông mày mỏng bớt thì nên ngừng làm vậy, vì sẽ tới lúc lông mày thưa thớt. Thay vào đó hãy kẻ, xăm lông mày để như ý muốn. Điều này rất quan trọng vì sự viên mãn thường gắn liền với tuổi trẻ.

5. Thêm độ phồng cho tóc

Có thể bạn không biết điều này, nhưng việc tạo độ phồng cho mái tóc có thể khiến bạn trông trẻ hơn rất nhiều. Nếu bạn có nếp nhăn trên trán, hãy cân nhắc để tóc mái dài vì có thể che giấu quá trình lão hóa. Làm thêm các sóng hoặc cắt layer cũng là mẹo hay. Hoặc cắt tóc ngắn hơn cũng khiến khuôn mặt ăn gian tuổi.

Làm cho mái tóc phồng lên sẽ giúp bạn trẻ hơn. Ảnh:

Làm cho mái tóc phồng và trang điểm nhạt lên sẽ giúp bạn trẻ hơn.

6. Thoa kem chống nắng hàng ngày

Chúng ta dành nhiều thời gian di chuyển trên đường mỗi ngày. Ngay cả bạn đi ôtô hay ở nhà, nắng vẫn có thể xuyên qua cửa sổ gây hại cho làn da. Do đó thoa kem chống nắng hàng ngày và hãy chắc chắn nên dùng kem có chỉ số SPF 30 trở lên.

7. Chú ý vùng cổ

Phụ nữ rất quan tâm đến da mặt nhưng lại bỏ qua vùng cổ. Dù bạn có tin hay không, vùng da cổ quan trọng không kém. Nó mỏng hơn da mặt nên bạn cần chú ý nhiều hơn để ngăn ngừa nếp nhăn hoặc chảy xệ. Để giữ cho cổ cân đối với khuôn mặt, bạn chỉ cần đảm bảo sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày cả ngày lẫn đêm. Ra ngoài hãy dùng kem chống nắng.

8. Đưa kem dưỡng mắt vào thói quen trang điểm

Một cách để trông tươi tắn và trẻ trung là loại bỏ những vết chân chim đang chớm nở quanh mắt ngay từ đầu. Thoa kem mắt ngay trước khi đi ngủ qua đêm để tránh bọng mắt, quầng thâm vào sáng hôm sau, đồng thời giữ cho vùng da quanh mắt mịn màng và căng đầy.

9. Tăng cường vitamin C

Vitamin C được xem như "thần dược" trong ngành chăm sóc da. Cùng với tuổi tác, quá trình sản xuất collagen trên da của phụ nữ giảm nhanh chóng, gây ra các nếp nhăn và vết chân chim. Vitamin C làm tăng sản xuất collagen và giữ cho các mô da săn chắc và đầy đặn.

Bạn sẽ nhận thấy sự hiện diện của vitamin C trong các sản phẩm như serum dưỡng da mặt, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt. Nghiên cứu chỉ ra nó được sử dụng chủ yếu vì đặc tính chống oxy hóa. Lưu ý đừng quên ăn nhiều trái cây và rau quả để duy trì sự trẻ trung và sáng mịn cho làn da.

Bảo Nhiên (Theo Stylecraze)

ĐẤNG BÊNH VỰC

 

Wed, 24/05/2023 - Trầm Thiên Thu

 ĐẤNG  BÊNH  VỰC

 

Đấng Bênh Vực (Paraclete) là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba thiên Chúa. Nhiều sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần được đề cập đến trong sách Công Vụ, trong đó chữa bệnh, nói tiên tri, đuổi quỷ (trừ tà), và nói tiếng lạ (glossolalia) đặc biệt liên quan hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong nghệ thuật, Chúa Thánh Thần thường được thể hiện là chim bồ câu.

Các tác giả Kitô giáo đã thấy trong các tài liệu tham khảo khác nhau về Thánh Thần Thiên Chúa trong Kinh Thánh của người Do Thái, một sự biết trước giáo lý về Chúa Thánh Thần. Theo tiếng Do Thái, chữ “ruaḥ” (thường được dịch là “tinh thần”) thường được tìm thấy trong các văn bản đề cập hoạt động tự do và không bị cản trở của Thiên Chúa, trong việc tạo ra hoặc hồi sinh thụ tạo, đặc biệt là liên quan lời tiên tri hoặc sự mong đợi Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, không có niềm tin rõ ràng vào một Đấng thiêng liêng riêng biệt trong Kinh Thánh Do Thái giáo. Thật vậy, chính Tân Ước cũng không rõ ràng về vấn đề này. Một gợi ý về niềm tin như vậy là lời hứa về một Đấng Phù Trợ hoặc Đấng Bảo Trợ, được tìm thấy trong Phúc Âm Gioan. Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ và các môn đệ khác, (Cv 2) được coi là sự hoàn thành lời hứa đó.

Định nghĩa rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị Thiên Chúa riêng biệt, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, không phụ thuộc vào các Ngôi, đã được đưa ra tại Công Đồng Constantinople năm 381 sau công nguyên, sau những thách thức đối với thần tính. Các Giáo hội Đông phương và Tây phương kể từ đó đã coi Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết, sự thông công hoặc tình bác ái hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con; họ tuyệt đối hiệp nhất trong Thần Khí. Mối quan hệ của Chúa Thánh Thần với các Ngôi khác trong Chúa Ba Ngôi đã được mô tả ở Tây phương là nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, trong khi ở Đông phương cho đó là từ Chúa Cha qua Chúa Con.

Hầu hết các tín nhân Công giáo và Chính Thống đã trải nghiệm Chúa Thánh Thần nhiều hơn trong đời sống bí tích của Giáo hội hơn là trong cách suy đoán như vậy. Từ thời các tông đồ, nghi thức rửa tội là Ba Ngôi (Tôi rửa bạn nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần). Bí tích Thêm Sức (confirmation – trong Giáo Giáo hội Chính thống Đông phương là chrismation), mặc dù không được những người Tin Lành chấp nhận như một bí tích, nhưng đã được liên kết chặt chẽ với vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội. Giáo hội Chính thống giáo Đông phương đã nhấn mạnh vai trò của Thần Khí giáng xuống giáo đoàn thờ phượng và trên bánh rượu Thánh Thể trong lời cầu nguyện thánh hóa, gọi là epiclesis.

Từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều nhóm khác nhau không hài lòng với việc thiếu tự do, thiếu bác ái tích cực hoặc thiếu sức sống trong Giáo hội, nên họ đã kêu gọi một sự nhạy cảm hơn đối với sự tuôn đổ liên tục của Chúa Thánh Thần. Trong số các phong trào như vậy có các phong trào Thánh Thiện và Ngũ Tuần của thế kỷ 19 và 20. Việc “đầy dẫy” Chúa Thánh Thần được coi là hệ quả tất yếu của sự cứu rỗi người ta.

Cuộc ly giáo Đông-Tây, còn được gọi là cuộc ly giáo năm 1054, sự kiện này dẫn đến sự chia rẽ cuối cùng giữa các Giáo hội Đông phương (người lãnh đạo Constantinople là giáo chủ Michael Cerularius) và Giáo hội Tây phương (người lãnh đạo là giáo hoàng Leo IX). Việc giáo hoàng và giáo chủ rút phép thông công lẫn nhau vào năm 1054 đã trở thành một bước ngoặt trong lịch sử Giáo hội. Các vạ tuyệt thông không được gỡ bỏ cho đến năm 1965, khi Giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras I, sau cuộc gặp lịch sử tại Giêrusalem năm 1964, đã chủ sự các nghi lễ và thu hồi các vạ tuyệt thông.

Mối quan hệ của Giáo hội Byzantine với người Rôma có thể được mô tả là mối quan hệ ngày càng xa cách từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 11. Trong Giáo hội thời sơ khai, có ba giám mục nổi bật, chủ yếu là từ những người có địa vị chính trị ở các thành phố mà họ cai trị – các giám mục của Rôma là Alexandria và Antioch. Việc chuyển trụ sở của đế chế từ Rôma tới Constantinople và sự ngăn chặn sau đó của Alexandria và Antioch là cuộc tranh luận của Hồi giáo và Kitô giáo đã thúc đẩy tầm quan trọng của Constantinople. Đồng thời, sự điềm tĩnh về thần học của Tây phương, trái ngược với những tranh chấp thần học bạo lực thường xuyên gây rắc rối cho các giáo chủ Đông phương, đã củng cố vị trí của các giáo hoàng Rôma, những người càng ngày càng đưa ra các lời tuyên bố vượt trội. Nhưng tính ưu việt này, đúng hơn là ý tưởng của Rôma về những gì liên quan, chưa bao giờ được thừa nhận ở Đông phương. Áp đặt nó lên các giáo chủ Đông phương là chuẩn bị cho sự chia rẽ, nhấn mạnh vào nó trong những lúc cáu kỉnh là nguyên nhân gây ly giáo.

Đặc tính thần học Đông phương khác với thần học Tây phương. Thần học Đông phương bắt nguồn từ triết học Hy Lạp, trong khi phần lớn thần học Tây phương dựa trên pháp luật Rôma. Điều này dẫn đến sự hiểu lầm, cuối cùng dẫn đến hai cách nhìn và định nghĩa rất khác nhau về một giáo lý quan trọng – sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần từ Đức Chúa Cha hoặc từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Không tham khảo ý kiến của Đông phương, Giáo hội Công giáo Rôma đã thêm “và từ Chúa Con” (Filioque) vào Tín Điều Nicê. Ngoài ra, các Giáo hội Đông phương phẫn nộ với việc Rôma thực thi luật độc thân của giáo sĩ, dành quyền ban Bí tích Thêm Sức cho giám mục và sử dụng bánh không men trong Bí tích Thánh Thể.

Sự ghen tị và lợi ích chính trị đã làm gia tăng tranh chấp, và cuối cùng, sau nhiều điềm báo trước, sự đổ vỡ cuối cùng xảy ra vào năm 1054, khi ĐGH Leo IX ra vạ tuyệt thông cho Michael Cerularius cùng những người theo ông, và vị giáo chủ đã trả đũa bằng một vạ tuyệt thông tương tự. Trước đây đã có những lần ra vạ tuyệt thông lẫn nhau, nhưng chúng không dẫn đến sự ly giáo vĩnh viễn. Vào thời điểm đó, dường như có khả năng hòa giải, nhưng rạn nứt ngày càng rộng hơn; đặc biệt là người Hy Lạp đã bị phản đối gay gắt bởi các sự kiện như việc người Latinh chiếm Constantinople năm 1204. Những lời cầu xin đoàn tụ của Tây phương (theo thuật ngữ Tây phương), chẳng hạn những lời cầu xin tại Công Đồng Lyon II (1274) và Công Đồng Ferrara-Florence (1439), đã bị người Byzantine từ chối.

Sự ly giáo chưa bao giờ được hàn gắn, mặc dù mối quan hệ giữa các Giáo hội đã được cải thiện sau Công Đồng Vatican II (1962-1965), công nhận giá trị của các bí tích trong các Giáo hội Đông phương. Năm 1979, Ủy ban Quốc tế Chung về Đối thoại Thần học giữa Công giáo và Chính Thống đã được Tòa Thánh và 14 Giáo hội độc lập thành lập để thúc đẩy hơn nữa về đại kết. Đối thoại và mối quan hệ được cải thiện đã tiếp tục vào đầu thế kỷ 21.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Thói quen gây hại cho mắt

 Thứ tư, 24/5/2023

Thói  quen  gây  hại  cho  mắt

Một trong những giác quan nhạy cảm nhất là đôi mắt, nhưng không phải ai cũng tránh được thói quen xấu gây hại cho nó.

Nhìn màn hình quá nhiều

Nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn chu kỳ giấc ngủ và khô mắt dai dẳng là sử dụng màn hình máy tính, điện thoại quá nhiều.

Một người chớp mắt trung bình 14 lần mỗi phút. Tuy nhiên, khi dùng máy tính, mắt chúng ta chỉ chớp 6 lần mỗi phút. Mắt chớp ít hơn khiến nước mắt không đủ để cung cấp lên bề mặt mắt dẫn đến mắt bị khô, dễ bị kích ứng.

Hút thuốc

Ngoài việc làm tổn thương mắt, hút thuốc lá còn làm tăng khả năng mắc bệnh AMD, một bệnh về mắt có thể khiến thị lực trung tâm bị mờ. Ngoài ra, những người hút thuốc mắc bệnh sớm hơn trung bình 5 năm so với những người không hút.

Sử dụng quá nhiều thuốc nhỏ mắt

Dù tạm thời làm giảm khô mắt, nhưng lạm dụng thuốc nhỏ mắt dễ gây kích ứng. Thuốc nhỏ mắt không kê đơn chỉ giúp mắt bạn trông bớt đỏ hơn, nhưng không thực sự có lợi cho sức khỏe của mắt. Các chuyên gia khuyên chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt trong một thời gian ngắn.

Không đeo kính râm

Bức xạ tia cực tím (UV) của mặt trời có thể làm hỏng da và giảm thị lực của bạn. Đặc biệt, bức xạ tia cực tím có thể gây hại cho giác mạc, thủy tinh thể và các mô bề mặt của mắt.

Theo thời gian, tác hại như vậy có thể dẫn đến đục thủy tinh thể, AMD và khối u mắt. Hơn nữa, mắt có thể bị cháy nắng, gây viêm giác mạc ánh sáng. Bất cứ khi nào ra ngoài trời nắng, bạn cũng nên đeo kính râm.

Ảnh minh họa: ndtv

Ảnh minh họa: ndtv

Ăn uống không đúng cách

Chế độ ăn nghèo nàn làm mất chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt. Một số loại trái cây và rau quả, đặc biệt là những loại giàu vitamin C và E, kẽm và axit béo omega-3 rất cần thiết để duy trì sức khỏe tối ưu. Các loại thực phẩm tốt cho mắt gồm trái cây họ cam, quyết, dầu thực vật, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh và hải sản. Nên tránh các bữa ăn nhiều muối vì có thể làm cơ thể mất nước.

Trang điểm không đúng cách

Bất cứ thứ gì đặt gần mắt đều có thể nguy hiểm. Điều này cũng áp dụng cho các loại kem mắt, bút kẻ mắt, phấn mắt và mascara. Do đó, hãy cẩn thận trang điểm cách xa đường viền mi để tránh làm tắc nghẽn các tuyến dầu ở mí mắt. Sự tích tụ có thể gây bệnh tật.

Hơn nữa, nên loại bỏ lớp trang điểm mắt. Mascara có thể là nơi sinh sản của một số bệnh vì vi khuẩn có xu hướng phát triển mạnh trong môi trường tối và ẩm ướt.

Ngủ không ngon

Thiếu ngủ có thể gây nhiều vấn đề, chẳng hạn suy giảm hệ thống miễn dịch, trầm cảm và tăng cân. Ngoài ra, thiếu ngủ còn khiến bạn gặp một số dấu hiệu như co giật, khô mắt, nhìn mờ và đau. Đảm bảo bạn ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm và đừng quên cất điện thoại trước khi đi ngủ.

Đi ngủ vẫn đeo kính áp tròng

Đi ngủ vẫn đeo kính áp tròng gây hại nghiệm trọng cho thị lực vì mắt không nhận đủ oxy, gây đỏ mắt, kích ứng và ngứa.

Uống không đủ nước

Nước như một phép thuật làm giảm mỏi mắt. Một lượng nước uống lành mạnh và vừa đủ sẽ ngăn mất nước, thúc đẩy sản xuất nước mắt, giúp giữ đôi mắt có độ ẩm.

Nhật Minh (Theo NDTV

Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu mùa hè

 Thứ tư, 24/5/2023 -VnExpress.net

Nguy  cơ  nhiễm  khuẩn  tiết  niệu  mùa  hè

Mất nước, nhịn tiểu, không thay đồ tắm sau khi đi bơi… làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu mùa hè.

Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu, ngược dòng từ niệu đạo di chuyển lên bàng quang. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nam giới do cấu trúc niệu đạo ngắn hơn. Người mắc bệnh có cảm giác nóng rát, hoặc đau, đôi khi ra máu khi đi tiểu, tăng tần suất đi tiểu, tiểu gấp.

Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu phổ biến hơn vào mùa hè do nhiều nguyên nhân.

Mất nước

Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tăng lên vào mùa hè do không uống đủ nước, nhất là trong các đợt nắng nóng cao điểm. Khi cơ thể bị mất nước, lượng nước tiểu ít, các vi khuẩn có cơ hội bám lại trên tiết niệu và gây bệnh. Uống đủ lượng nước cơ thể cần giúp làm sạch đường tiết niệu, đào thải vi khuẩn ra ngoài, giảm nguy cơ gây nhiễm khuẩn.

Mất nước do nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu. Ảnh: Freepik

Mất nước do nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu. Ảnh: Freepik

Nhịn tiểu

Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để diễn ra các hoạt động thể chất, hoạt động tập thể như camping, teambuilding... Nhiều người có xu hướng nhịn tiểu để tập trung cho vận động cơ thể. Nhịn tiểu trong thời gian dài vì bạn ở bên ngoài, không thể vào phòng vệ sinh sạch sẽ như mong muốn cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn tiết niệu do nước tiểu tồn đọng trong bàng quang.

Quan hệ tình dục

Hoạt động tình dục kết hợp với việc không uống đủ nước có thể dẫn đến số lượng ca mắc nhiễm khuẩn tiết niệu tăng cao vào mùa hè. Đi tiểu ngay và vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ có thể loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu khi giao hợp. Việc lau khô đúng cách sau khi đi vệ sinh, tức là lau từ trước ra sau, cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang đường tiểu.

Đi bơi

Mùa hè gắn liền với các hoạt động dưới nước. Nhiều người dành thời gian đi bơi ở bể bơi, vui chơi trên hồ hay đi tắm biển. Các hoạt động này là yếu tố rủi ro phát triển bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu. Quần áo tắm và đồ lót ẩm tạo môi trường sinh sôi vi khuẩn, do đó nên thay đồ tắm ướt hay đồ lót ẩm càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất nhiều vào mùa hè gây đổ mồ hôi làm ẩm ướt quần áo. Cần chú ý thường xuyên thay đồ, nhất là đồ lót sau khi đổ mồ hôi.

Nhiễm khuẩn tiết niệu không điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng như viêm bể thận gây tổn thương thận, nhiễm trùng huyết... Để giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu vào mùa hè, Tiến sĩ Mai Thị Hiền khuyên mọi người nên uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, đi tiểu thường xuyên ít nhất 3 giờ/lần, đi tiểu sau khi giao hợp. Sau khi đi vệ sinh, hãy lau từ trước ra sau giúp giảm khả năng tích tụ vi khuẩn ở niệu đạo.

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM A

 

Mon, 22/05/2023 - Lm Phạm Hồng Thái

CHÚA  THÁNH  THẦN  HIỆN  XUỐNG  NĂM A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ trọng và là lễ kết thúc Mùa Phục sinh. Chúa Thánh Thần có vai trò rất quan trọng đối với Giáo hội cũng như đối với mỗi người chúng ta.

Trong lịch sử Cứu độ, Chúa Thánh Thần đã hiện diện ngay từ thuở ban đầu như sách Sáng thế cho biết khi Thiên Chúa dựng nên trời đất thì Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (St 1,1)  vì thế chúng ta gọi Ngài là Thần Khí tác sinh. Khi Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ, và sau khi đáp lại Xin Vâng, Đức Mẹ đã chịu thai Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được phúc này là thân mẫu Chúa tới đến với tôi như vậy. Vì này tai tôi vừa nghe lời em chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi (Lc 1, 43-44)”

Ngày Chúa Giêsu Phục sinh, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa đã ban Thánh Thần cho các môn đệ khi Chúa thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20, 23)”

Có thể nói Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các môn đệ ngay từ ngày Phục sinh khi Chúa thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ, nhưng Chúa Thánh Thần còn hiện xuống một cách ngoạn mục và hữu hình trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, nhưng khi Hiện Xuống Chúa lấy hai hình ảnh biểu tượng là Gió và Lửa: Chúa Thánh Thần lấy luồng gió ào ào thổi vào nhà các môn đệ đang tụ họp có Đức Mẹ nữa. Tiếp theo là  hình lưỡi lửa ngự trên đầu mọi người hiện diện.

 Gió vốn là biểu tượng cho hoạt động của Thiên Chúa có khi là làn gió hiu hiu thổi như tiên tri Elia đã được cảm nghiệm, có khi là cuồng phong ào ào thổi lùa vào nhà như các môn đệ được trải nghiệm hôm nay. Nhưng Chúa Giêsu Phục sinh còn dùng biểu tượng Hơi Thở nữa. Như Thiên Chúa Gia vê khi dựng nên con người đã dùng hơi thở hà vào lỗi mũi nhờ đó con người mới được sống động thì Chúa Giêsu cũng làm cử chỉ sáng  tạo tương tự như vậy khi Chúa thổi hơi trên các tông đồ và ban Chúa Thánh Thần.

Nhưng Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần để trao cho các môn đệ sứ mạng loan báo Tin Mừng và ban ơn tha tội cho nên Chúa mới nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”. Các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Thần không chỉ là ích lợi cho mình mà còn để đi truyền giáo rao giảng cho muôn dân đem lại ơn tha tội cho mọi người đến tận cùng thế giới và cho đến ngày tận thế.

Chúng ta ý thức sự cần thiết của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội cũng như cho mỗi người chúng ta, vậy chúng ta hãy có lòng ao ước cầu xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta như Đức Mẹ và các môn đệ đã cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống với họ khi xưa. Tiếp đến chúng ta hãy biết cộng tác với Chúa Thánh Thần trong mọi sinh hoạt của đời sống.

Thi hào Tagore Ấn độ đã dùng hình ảnh chiếc ống sáo bằng tre tuy đơn sơ nhưng thổi lên được những điệu nhạc réo rắt làm mê lòng người. Nhưng ống sáo chỉ phát ra được âm thanh khi nó là ống tre rỗng nếu là tre đặc thì không tạo ra được âm thanh nào. Trong ý nghĩa đó, chúng ta muốn trở nên khí cụ tốt đẹp của Chúa Thánh Thần, thì  phải biết từ bỏ con người cũ với những ích kỉ và đam mê tội lỗi để có thể nên như ống sáo rỗng khi thổi lên tạo ra được âm thanh du dương vi vu réo rắt.

Ngày nay ít thấy có thuyền buồm nhưng chúng ta vẫn còn thấy những cuộc đua thuyền buồm vượt đại dương trên màn ảnh. Con thuyền muốn chạy được với sức gió thì phải căng buồm lên hứng lấy gió. Cũng vậy nếu cuộc đời chúng ta muốn tạo nên được những thành quả tốt đẹp như lời Chúa Giêsu chúc “để các con ra đi mang lại kết quả và kết quả đó còn mãi (Ga 15,16)” thì chúng ta luôn luôn phải “bước đi theo Thần khí (Gal 5,16)” như thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta.

Hình ảnh thứ ba là cây đàn. Chẳng hạn như đàn Guitar muốn phát ra âm thanh thì phải căng giây trên chiếc đàn, giây đàn mà chùng xuống thì không còn tác dụng nữa. Cũng vậy muốn cho cuộc đời ta đem lại những gì tốt đẹp thì chúng ta phải nỗ lực gắng sức và tích cực cộng tác với Chúa  Thánh Thần.

Câu chuyện:  Cụ già Thomas sống trên 100 tuổi, những năm tháng cuối đời,  cụ buồn và cảm thấy cô độc vì bạn bè cùng trang lứa đã ra đi hết, thế rồi cụ cũng chết, đám tang cụ lại trúng vào ngày trời mưa gió nên rất ít người đi đưa đám. Một linh mục tiễn đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng, cha ngạc nhiên vì có một người mặc quân phục theo linh cửu tới phần mộ. Khi hạ huyệt, quân nhân này đưa tay lên trán chào theo kiểu nhà binh cách trang trọng. Nhìn vào bộ quân phục, linh mục nhận ra đó là một sĩ quan cao cấp. Sau đó cha hỏi thì sĩ quan cho biết hồi còn là học sinh đã được cụ Thomas là thầy dạy và là học sinh nghịch ngợm hay phá phách thầy, nhưng nhờ thầy kiên nhẫn dạy bảo mà sĩ quan này mới được như ngày nay và ông không quên ơn cụ nên đã đi đưa đám tang và tiễn biệt cụ cách kính cẩn. Hiểu theo lòng đạo thì đó chính là ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn sĩ quan này qua sự cộng tác và đức tính kiên nhẫn của cụ Thomas.

 Chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn, ý chí và hành động của mỗi người chúng ta được trở nên tốt đẹp như các tông đồ xưa sau khi được Chúa Thánh Thần hiện xuống. Amen