Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

ĐẤNG BÊNH VỰC

 

Wed, 24/05/2023 - Trầm Thiên Thu

 ĐẤNG  BÊNH  VỰC

 

Đấng Bênh Vực (Paraclete) là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba thiên Chúa. Nhiều sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần được đề cập đến trong sách Công Vụ, trong đó chữa bệnh, nói tiên tri, đuổi quỷ (trừ tà), và nói tiếng lạ (glossolalia) đặc biệt liên quan hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong nghệ thuật, Chúa Thánh Thần thường được thể hiện là chim bồ câu.

Các tác giả Kitô giáo đã thấy trong các tài liệu tham khảo khác nhau về Thánh Thần Thiên Chúa trong Kinh Thánh của người Do Thái, một sự biết trước giáo lý về Chúa Thánh Thần. Theo tiếng Do Thái, chữ “ruaḥ” (thường được dịch là “tinh thần”) thường được tìm thấy trong các văn bản đề cập hoạt động tự do và không bị cản trở của Thiên Chúa, trong việc tạo ra hoặc hồi sinh thụ tạo, đặc biệt là liên quan lời tiên tri hoặc sự mong đợi Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, không có niềm tin rõ ràng vào một Đấng thiêng liêng riêng biệt trong Kinh Thánh Do Thái giáo. Thật vậy, chính Tân Ước cũng không rõ ràng về vấn đề này. Một gợi ý về niềm tin như vậy là lời hứa về một Đấng Phù Trợ hoặc Đấng Bảo Trợ, được tìm thấy trong Phúc Âm Gioan. Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ và các môn đệ khác, (Cv 2) được coi là sự hoàn thành lời hứa đó.

Định nghĩa rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị Thiên Chúa riêng biệt, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, không phụ thuộc vào các Ngôi, đã được đưa ra tại Công Đồng Constantinople năm 381 sau công nguyên, sau những thách thức đối với thần tính. Các Giáo hội Đông phương và Tây phương kể từ đó đã coi Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết, sự thông công hoặc tình bác ái hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con; họ tuyệt đối hiệp nhất trong Thần Khí. Mối quan hệ của Chúa Thánh Thần với các Ngôi khác trong Chúa Ba Ngôi đã được mô tả ở Tây phương là nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, trong khi ở Đông phương cho đó là từ Chúa Cha qua Chúa Con.

Hầu hết các tín nhân Công giáo và Chính Thống đã trải nghiệm Chúa Thánh Thần nhiều hơn trong đời sống bí tích của Giáo hội hơn là trong cách suy đoán như vậy. Từ thời các tông đồ, nghi thức rửa tội là Ba Ngôi (Tôi rửa bạn nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần). Bí tích Thêm Sức (confirmation – trong Giáo Giáo hội Chính thống Đông phương là chrismation), mặc dù không được những người Tin Lành chấp nhận như một bí tích, nhưng đã được liên kết chặt chẽ với vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội. Giáo hội Chính thống giáo Đông phương đã nhấn mạnh vai trò của Thần Khí giáng xuống giáo đoàn thờ phượng và trên bánh rượu Thánh Thể trong lời cầu nguyện thánh hóa, gọi là epiclesis.

Từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều nhóm khác nhau không hài lòng với việc thiếu tự do, thiếu bác ái tích cực hoặc thiếu sức sống trong Giáo hội, nên họ đã kêu gọi một sự nhạy cảm hơn đối với sự tuôn đổ liên tục của Chúa Thánh Thần. Trong số các phong trào như vậy có các phong trào Thánh Thiện và Ngũ Tuần của thế kỷ 19 và 20. Việc “đầy dẫy” Chúa Thánh Thần được coi là hệ quả tất yếu của sự cứu rỗi người ta.

Cuộc ly giáo Đông-Tây, còn được gọi là cuộc ly giáo năm 1054, sự kiện này dẫn đến sự chia rẽ cuối cùng giữa các Giáo hội Đông phương (người lãnh đạo Constantinople là giáo chủ Michael Cerularius) và Giáo hội Tây phương (người lãnh đạo là giáo hoàng Leo IX). Việc giáo hoàng và giáo chủ rút phép thông công lẫn nhau vào năm 1054 đã trở thành một bước ngoặt trong lịch sử Giáo hội. Các vạ tuyệt thông không được gỡ bỏ cho đến năm 1965, khi Giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras I, sau cuộc gặp lịch sử tại Giêrusalem năm 1964, đã chủ sự các nghi lễ và thu hồi các vạ tuyệt thông.

Mối quan hệ của Giáo hội Byzantine với người Rôma có thể được mô tả là mối quan hệ ngày càng xa cách từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 11. Trong Giáo hội thời sơ khai, có ba giám mục nổi bật, chủ yếu là từ những người có địa vị chính trị ở các thành phố mà họ cai trị – các giám mục của Rôma là Alexandria và Antioch. Việc chuyển trụ sở của đế chế từ Rôma tới Constantinople và sự ngăn chặn sau đó của Alexandria và Antioch là cuộc tranh luận của Hồi giáo và Kitô giáo đã thúc đẩy tầm quan trọng của Constantinople. Đồng thời, sự điềm tĩnh về thần học của Tây phương, trái ngược với những tranh chấp thần học bạo lực thường xuyên gây rắc rối cho các giáo chủ Đông phương, đã củng cố vị trí của các giáo hoàng Rôma, những người càng ngày càng đưa ra các lời tuyên bố vượt trội. Nhưng tính ưu việt này, đúng hơn là ý tưởng của Rôma về những gì liên quan, chưa bao giờ được thừa nhận ở Đông phương. Áp đặt nó lên các giáo chủ Đông phương là chuẩn bị cho sự chia rẽ, nhấn mạnh vào nó trong những lúc cáu kỉnh là nguyên nhân gây ly giáo.

Đặc tính thần học Đông phương khác với thần học Tây phương. Thần học Đông phương bắt nguồn từ triết học Hy Lạp, trong khi phần lớn thần học Tây phương dựa trên pháp luật Rôma. Điều này dẫn đến sự hiểu lầm, cuối cùng dẫn đến hai cách nhìn và định nghĩa rất khác nhau về một giáo lý quan trọng – sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần từ Đức Chúa Cha hoặc từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Không tham khảo ý kiến của Đông phương, Giáo hội Công giáo Rôma đã thêm “và từ Chúa Con” (Filioque) vào Tín Điều Nicê. Ngoài ra, các Giáo hội Đông phương phẫn nộ với việc Rôma thực thi luật độc thân của giáo sĩ, dành quyền ban Bí tích Thêm Sức cho giám mục và sử dụng bánh không men trong Bí tích Thánh Thể.

Sự ghen tị và lợi ích chính trị đã làm gia tăng tranh chấp, và cuối cùng, sau nhiều điềm báo trước, sự đổ vỡ cuối cùng xảy ra vào năm 1054, khi ĐGH Leo IX ra vạ tuyệt thông cho Michael Cerularius cùng những người theo ông, và vị giáo chủ đã trả đũa bằng một vạ tuyệt thông tương tự. Trước đây đã có những lần ra vạ tuyệt thông lẫn nhau, nhưng chúng không dẫn đến sự ly giáo vĩnh viễn. Vào thời điểm đó, dường như có khả năng hòa giải, nhưng rạn nứt ngày càng rộng hơn; đặc biệt là người Hy Lạp đã bị phản đối gay gắt bởi các sự kiện như việc người Latinh chiếm Constantinople năm 1204. Những lời cầu xin đoàn tụ của Tây phương (theo thuật ngữ Tây phương), chẳng hạn những lời cầu xin tại Công Đồng Lyon II (1274) và Công Đồng Ferrara-Florence (1439), đã bị người Byzantine từ chối.

Sự ly giáo chưa bao giờ được hàn gắn, mặc dù mối quan hệ giữa các Giáo hội đã được cải thiện sau Công Đồng Vatican II (1962-1965), công nhận giá trị của các bí tích trong các Giáo hội Đông phương. Năm 1979, Ủy ban Quốc tế Chung về Đối thoại Thần học giữa Công giáo và Chính Thống đã được Tòa Thánh và 14 Giáo hội độc lập thành lập để thúc đẩy hơn nữa về đại kết. Đối thoại và mối quan hệ được cải thiện đã tiếp tục vào đầu thế kỷ 21.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét