Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

SUY NIỆM về THẬP GIÁ

 

Mon, 15/05/2023 -Trầm Thiên Thu

SUY  NIỆM  về  THẬP  GIÁ

Luận điểm của bài viết này rất đơn giản: chưa có ai bước vào nội cung Thiên Đàng, nội cung Giáo hội Công giáo, hoặc lãnh địa nội tại linh hồn con người trong sự kiểm soát hoàn toàn. Sao vậy? Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Trên thập giá, chúng ta nhìn thấy “con đường” là cách giao phó và dễ bị tổn thương. Người La Mã thiết kế việc đóng đinh không chỉ để gây đau đớn về thể xác mà còn để làm xấu hổ những người bị đóng đinh khi bị phơi bày trước công chúng mà không có cách nào che đậy vì tay chân bị ghim chặt vào thập giá. Chúng ta đặt tấm vải che thắt lưng tượng Chúa trên thập giá trong nhà thờ, nhưng thật ra Chúa Giêsu hoàn toàn bị lột trần trên thập giá, vì người La Mã chẳng tử tế gì đâu.

Chúng ta né tránh sự dễ bị tổn thương, và do đó, chúng ta muốn duy trì sự kiểm soát. Chúa Cha đã gửi Chúa Giêsu tới thập giá để được phơi bày và mở ra: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32) Chúng ta đóng cửa lòng và trở nên hẹp hòi với mong muốn duy trì quyền kiểm soát. Chúng ta cần phải vào trường học của Đức Kitô chịu đóng đinh bởi ân sủng. Sự thân thiết liên quan lời mời “nhìn xem” mà Chúa Giêsu Kitô đưa ra trên thập giá. Ở đó, chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa hằng sống và gặp gỡ Ngài trong Chúa Kitô, yếu đuối như khi Ngài nằm trong máng cỏ Bêlem. Nhưng chúng ta cũng được mời gọi để đáp lại, để “xé lòng chứ đừng xé áo,” (x. Ge 2:13) trở nên dễ bị tổn thương trước Đức Kitô chịu đóng đinh với lời mời “nhìn xem.” Việc suy niệm về thập giá trở thành nền tảng cho sự thân mật với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng chúng ta tránh xa sự thân mật vì muốn duy trì sự kiểm soát. Cuối cùng, chúng ta cùng với Ađam và Êva trốn trong bụi rậm “lúc gió thổi trong ngày” khi Thiên Chúa đến gọi chúng ta. (x. St 3:8) Năm 1969, Hoa Kỳ đã đưa con người lên mặt trăng và đó là một thành tựu kỳ diệu. Có rất nhiều yếu tố phải được kiểm soát để đạt được điều đó. Đó là khoảnh khắc đáng kinh ngạc đối với Hoa Kỳ và toàn bộ lịch sử nhân loại. Nhưng liệu chúng ta có say mê khả năng kiểm soát của mình, như thể đó là tất cả? Sự thân mật được xây dựng dựa trên việc buông bỏ sự kiểm soát và trở nên dễ bị tổn thương. Chúa Giêsu vượt trội về sự thân mật bởi vì Ngài vượt trội về tình yêu, nhưng hôm nay chúng ta gạt Ngài sang một bên. Chúng ta không có thời gian vì quá bận kiểm soát mọi thứ và chế nhạo những kẻ vụng về đến mức dễ bị tổn thương và không theo kịp. Đó là lý do rất nhiều người đang từ bỏ Chúa Giêsu để duy trì quyền kiểm soát, nhưng chưa có ai bước vào nội cung Thiên Đàng, nội cung Giáo hội Công giáo, hoặc lãnh địa nội tại linh hồn con người trong sự kiểm soát hoàn toàn. Hãy cân nhắc!

Chưa có ai bước vào nội cung Thiên Đàng trong sự kiểm soát hoàn toàn. Theo bản văn này, chính phủ Canada đã hệ thống hóa ảo tưởng về sự kiểm soát hoàn toàn khi đối mặt với cái chết bằng cách hợp pháp hóa việc tự tử có sự hỗ trợ của bác sĩ. Đó là sự điên rồ, không phải lòng thương xót. Người bệnh và người đau khổ quyết định kiểm soát hoàn toàn khi đối mặt với cái chết và yêu cầu loại thuốc “giảm đau” sẽ giết chết họ. Chúng ta đã học điều đó ở đâu? Không phải từ Chúa Kitô, vì chưa có ai bước vào nội cung Thiên Đàng trong sự kiểm soát hoàn toàn. Chúa Giêsu chết yếu đuối và đau khổ, phó thác cho Thánh Ý Chúa Cha, không kiểm soát nhưng giao phó. Kẻ trộm tốt lành tham gia với Ngài khi tên trộm xấu xa vẫn cố gắng thách thức Chúa Giêsu để kiểm soát và đưa họ ra khỏi đó, chặn con đường dẫn đến sự sống ngay cả khi hắn sắp chết.

Chưa có ai bước vào nội cung Giáo hội Công giáo trong sự kiểm soát hoàn toàn. Ngày nay có những người Công giáo sống theo kiểu Công giáo thuận tiện “theo cách riêng” nhưng “theo cách riêng” thuộc về Burger King hoặc McDonald chứ không phải Giáo hội Công giáo. Chúng ta không thể bước vào nội cung Giáo hội bằng cách chọn những điều chúng ta thích và từ chối những điều chúng ta không thích. Làm như vậy là chúng ta tự đóng cửa và ở bên ngoài. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Cha của chúng ta rằng “nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện” chứ không phải “nước Cha trị đến, ý con thể hiện.” Nhưng chúng ta muốn duy trì sự kiểm soát, vì vậy mà chúng ta vẫn ở bên ngoài nội cung Giáo hội, ngay cả khi đang làm “nhiều việc Công giáo.”

Chưa có ai bước vào lãnh địa nội tại linh hồn con người trong sự kiểm soát hoàn toàn. Chúa Giêsu đã dạy về hôn nhân: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10:6-9) “Hai người nên một xương một thịt” thì dễ. Làm sao chúng ta biết được? Bởi vì tất cả mọi người đang làm điều đó. Nếu điều đó khó khăn sẽ không ai làm. Vì vậy, trở thành một xương một thịt thì dễ nhưng khi đàn ông và đàn bà lên đường và khởi hành thì khó khăn hơn nhiều khi bước vào lãnh địa nội tại linh hồn con người bằng cách trở nên dễ bị tổn thương. Tình dục ngẫu nhiên có kết quả là chúng ta vẫn còn xa lạ với nhau và với chính mình vì chúng ta muốn duy trì sự kiểm soát. Nội dung khiêu dâm cũng dẫn đến bất cứ khi nào quyền lực và sự kiểm soát ảnh hưởng đến các mối quan hệ của con người, trong khi luôn nghĩ rằng đồng ý là được. Nhưng, một lần nữa, chúng ta vẫn ở ngoại vi và Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta về những cách tiếp cận ngẫu nhiên này đối với các mối quan hệ, khi Ngài nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo.” (Mt 7:6) Ngài cũng đến để giải thoát chúng ta khỏi những động lực thống trị và kiểm soát trong các mối quan hệ, khi thiết lập Bí tích Hôn Phối để cứu chuộc tính dục con người bằng ân sủng. Điều này chỉ có thể tồn tại giữa một người nam và một người nữ sống với nhau trong mối quan hệ cam kết của hôn nhân bí tích “cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta.”

Không thể bước vào nội tại linh hồn con người nếu không có cam kết giúp tạo điều kiện cho sự dễ bị tổn thương và minh bạch: “Hãy nhìn xem.” Nhưng ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của những kẻ bắt nạt chỉ huy và nhử mồi những người dễ bị tổn thương. Chúng ta đánh giá những người như vậy, xét xử họ, như chúng ta đã làm với Đức Kitô, và coi họ là những kẻ yếu đuối, lố bịch, đối tượng để chế nhạo và bàn tán. Thậm chí chúng ta có thể đưa họ lên mạng xã hội và do đó hộ tống họ trở lại nơi ẩn náu với Ađam và Êva trong bụi rậm.

Tại một thời điểm trong chức vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã khuyên các sứ đồ “hãy ra khơi” hoặc “hãy chèo ra chỗ nước sâu.” (x. Lc 5:4) Thánh GH Gioan Phaolô II đã nhân dịp bước sang thiên niên kỷ mới để suy niệm về lời khuyên này của Chúa Giêsu trong tông thư “Novo Millennio Ineunte” (ngày 6-1-2001). Ngài kêu gọi chúng ta từ vùng nước nông của cuộc sống ở ngoại vi vào vùng nước sâu của cung thánh bên trong của thiên đàng, Giáo hội và linh hồn con người. Ba cái này đi cùng nhau và chúng ta không thể bỏ qua một cái mà không ảnh hưởng đến những cái khác. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta “đường” vào vực sâu khi trên thập giá, Ngài trở nên yếu đuối và kêu lên: “Eloi, Eloi, lema sabachthani?” – nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15:34) và giao phó khi tuyên bố: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23:46)

Qua việc duy trì kiểm soát, chúng ta có thể giành được quyền kiểm soát nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, ngoại trừ một lĩnh vực, cụ thể là buông bỏ và trở nên dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, chưa có ai bước vào nội cung Thiên Đàng, nội cung Giáo hội Công giáo, hoặc lãnh địa nội tại linh hồn con người trong sự kiểm soát hoàn toàn.

LM. DAN PATTEE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét