Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần của người Hàn

 Thứ hai, 22/5/2023, 16:27 (GMT+7)

Khủng  hoảng  sức  khỏe  tâm  thần  của  người  Hàn

HÀN QUỐCNhiều tuần sau thảm họa giẫm đạp trong con hẻm ở Itaewon, Seoul khiến 158 người chết, bà Song Hae-jin nỗ lực tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con trai.

Cậu bé Lee Jae-hyun, 16 tuổi, cùng hai người bạn thân nhất đã có mặt tại hiện trường đêm hôm đó. Cả ba bị kẹt trong dòng người chen lấn tại con dốc chật hẹp.

"Thằng bé đã nhìn thấy bạn mình bất tỉnh ngay bên cạnh, người bạn còn lại bị kẹt phía sau", bà Song kể lại.

Những vết thương về thể chất của Jae-hyun hồi phục nhanh chóng, nhưng vết sẹo tinh thần vẫn còn đó. Từng là người sáng sủa và hướng ngoại, cậu bé bắt đầu ngừng giao tiếp và bị mất ngủ kể từ ngày 31/10 năm ngoái.

Jae-hyun cố gắng trở lại cuộc sống bình thường bằng cách đến trường, tham gia các buổi tư vấn tâm lý, tập thể dục. Nhưng cuối cùng, 7 tuần sau thảm kịch, cậu tự tử, trở thành nạn nhân thứ 159 của vụ giẫm đạp tồi tệ nhất từng xảy ra tại Hàn Quốc.

Cái chết của Jae-hyun và hậu quả đau thương của thảm họa Itaewon gióng lên hồi chuông về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ở quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất các nước phát triển. Tại Hàn Quốc, cứ 100.000 người thì có 26 người tự kết thúc cuộc sống năm 2021, tăng 0,3% so với năm trước, theo dữ liệu của Phòng Thống kê Quốc gia.

Trong nhóm 38 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỷ lệ hài lòng thấp nhất (xếp thứ 36) dù xã hội tiên tiến. Tình trạng cô đơn, nợ hộ gia đình tăng và thiếu thời gian rảnh là yếu tố khiến điểm hạnh phúc của nước này giảm xuống còn 5,9, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,7 của OECD.

Xã hội đầy rẫy áp lực

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của Hàn Quốc bắt nguồn từ môi trường học tập, làm việc áp lực cao; tỷ lệ thất nghiệp tăng; thiếu mạng lưới an sinh xã hội cho người già và tâm lý e ngại khi nhắc đến vấn đề sức khỏe tâm thần.

Giáo sư Hea-kyung Kwon, Đại học New York, cho biết tình trạng trầm cảm đặc biệt nghiêm trọng ở thanh thiếu niên và người cao tuổi. Nhóm này thường cảm thấy họ không có quyền lực trong xã hội.

"Đối với người trẻ tuổi, áp lực phải học tốt rất lớn. Tại Hàn Quốc, học sinh phải cạnh tranh khốc liệt để vào được một số ít trường đại học ưu tú, cần sự đầu tư mạnh mẽ từ cha mẹ. Các bậc phụ huynh thường nói với con cái rằng 'Chúng ta đã bỏ từng ấy tiền cho con, vì vậy con cần thành công"', giáo sư Kwon nói, thêm rằng đến một lúc nào đó, trẻ em không chịu được áp lực, không thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ Hàn Quốc được bố mẹ kỳ vọng trúng tuyển một trường đại học ưu tú, trở thành công chức hay làm việc tại một chaebol (công ty lớn) của Hàn Quốc như Samsung, LG, hay Hyundai. Phần lớn dân số phấn đấu vì mục tiêu này, khiến nó trở thành con đường hẹp và không thực tế.

Người cao tuổi nước này cũng chung cảnh ngộ. Năm 2021, 1,6 triệu người già Hàn Quốc sống một mình. Đất nước thiếu hụt hệ thống phúc lợi xã hội. Kết quả, nhiều người không thể nghỉ hưu và phải vật lộn kiếm sống bằng những công việc được trả lương thấp, chẳng hạn thu gom rác, khiến họ kiệt sức và trầm cảm.

Yếu tố đằng sau cuộc chiến về sức khỏe tâm thần ở Hàn Quốc bắt nguồn từ giá trị văn hóa kỳ lạ, vẫn tồn tại sau quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của quốc gia vào cuối thế kỷ 20.

Theo giáo sư Kwon, người Hàn có khuynh hướng gia trưởng mạnh mẽ. Nhiều phụ nữ cảm thấy bị đánh giá thấp hoặc thiếu an toàn. Xã hội có quan niệm lâu đời về thể diện, kỷ cương.

"Xã hội không rộng lượng với những người phạm sai lầm", Kwon nói.

Tình trạng cô đơn khiến nhiều người Hàn Quốc rơi vào trầm cảm. Ảnh: Guian Bolisay/flickr

Tình trạng cô đơn khiến nhiều người Hàn Quốc rơi vào trầm cảm. Ảnh: Guian Bolisay/flickr

Thiếu dịch vụ sức khỏe tâm thần

Cuộc khủng hoảng tự tử cho thấy nhu cầu cấp thiết về dịch vụ sức khỏe tâm lý tại Hàn Quốc. Trong một tuyên bố vào tháng 4, Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW) thừa nhận nước này "rất cần" có sự hỗ trợ chính trị để giải quyết vấn đề, đồng thời cho biết đã đẩy mạnh chương trình ngăn chặn tự tử.

Các thảm kịch quốc gia quy mô lớn, trong đó có vụ việc ở Itaewon, cướp đi sinh mạng của hầu hết người trẻ ở độ tuổi 20 và 30. Vụ chìm phà Sewol năm 2014, khiến 306 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh trung học, đã nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, chuyên gia và các nạn nhân nói dịch vụ hỗ trợ tâm lý toàn quốc còn hạn chế. Người cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiếu kết nối với những tài nguyên sẵn có.

Báo cáo trên Harvard International Review năm 2022 đã chỉ ra "khủng hoảng tiềm ẩn trên sông Hàn" - địa điểm có nhiều người tự tử. Năm 2017, gần một phần tư dân số nước này mắc chứng rối loạn tâm thần, nhưng chỉ một phần 10 trong đó sẵn sàng được điều trị. Đối với nhiều người, bệnh tâm lý là chủ đề cấm kỵ, cần né tránh.

Song cho biết bà gặp khó khăn khi tìm kiếm dịch vụ y tế đối với con trai Jae-hyun. Trong khi đó, Bộ Y tế đã lập đường dây tư vấn khủng hoảng sức khỏe. Tính đến ngày 10/3, đường dây hỗ trợ được 514 người.

Kể từ thảm kịch Halloween, Bộ đã tăng cường nhân sự và các chương trình hỗ trợ thảm họa, đồng thời mở rộng trung tâm chấn thương quốc gia. Tuy nhiên, Song cho biết đường dây hỗ trợ chính thức mà bà liên hệ không đưa ra lời khuyên cụ thể nào.

Trong tuyệt vọng, bà tìm đến dịch khám tâm lý của bệnh viện. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ có thể tư vấn cho Jae-hyun 20 phút, 10 ngày một lần. Nhiều phòng khám phải đặt lịch trước vài tuần hoặc hàng tháng.

Thục Linh (Theo SCMP))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét