Thu, 14/09/2023 - Huệ
Minh
Các Mối Phúc Thật
Sự mơ hồ và mưu đồ trong thời đại
Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thuyết giáo đại tài của Antioch, là đặc tính của bất cứ
ai có địa vị sống ở thành phố lớn trong thời ấy. Được đưa đến Constantinople
sau mười hai năm sống đời linh mục ở Syria, bỗng dưng Thánh Gioan thấy mình là
nạn nhân bất đắc dĩ của vị hoàng đế mưu mô muốn đưa ngài làm giám mục của thành
phố lớn nhất triều đình. Là một người khổ tu, không bệ vệ nhưng có phẩm cách,
và bị đau bao tử vì những ngày sống trong hoang địa như một ẩn sĩ, Thánh Gioan
bắt đầu chức giám mục dưới mây mù chính trị của triều đình.
Nếu thân xác ngài yếu đuối thì miệng
lưỡi của ngài lại mạnh dạn. Nội dung các bài giảng của ngài, điều ngài dẫn giải
về Kinh Thánh, không bao giờ sai vấn đề. Có khi những quan điểm ấy chọc giận giới
quyền cao chức trọng. Có khi một số bài giảng kéo dài đến hai giờ đồng hồ.
Lối sống của ngài ở triều đình không
được một số cận thần ưa thích. Ngài đề nghị một chỗ ngồi khiêm tốn cho các kẻ bợ
đỡ hàng giáo phẩm đang chầu chực để được hưởng ơn mưa móc của triều đình và
giáo hội. Thánh Gioan phàn nàn về nghi thức triều đình đã đưa ngài lên địa vị
cao hơn các viên chức chính phủ. Ngài không phải là người muốn được ưu quyền.
Vì nhiệt huyết nên ngài hành động. Những
giám mục hối lộ để được quyền cao chức trọng đều bị truất phế. Nhiều bài giảng
của ngài kêu gọi những hành động thực tiễn để chia sẻ của cải cho người nghèo.
Người giầu không thích thú gì khi nghe thánh nhân nói rằng, sở dĩ có của cải trần
gian là vì Adong phạm tội, cũng như các ông không thích nghe ngài nói về sự
trung tín trong hôn nhân của người chồng cũng giống như người vợ. Đối với vấn đề
công bình và bác ái, Thánh Gioan không bao giờ chấp nhận thái độ kỳ thị trong
việc áp dụng.
Vì lối sống tách biệt, vì tính khí thẳng
thắn, nhất là khi trên tòa giảng, Thánh Gioan chắc chắn là mục tiêu để nhiều
người chỉ trích và hục hặc cá nhân. Ngài bị kết tội tham ăn uống một cách lén
lút. Vì trung thành trong công việc linh hướng cho một quả phụ giầu có, là bà
Olympia, ngài đã bị cho là giả hình trong vấn đề của cải và bác ái. Hành động của
ngài chống với các giám mục bất xứng ở Tiểu Á bị các giáo sĩ khác coi là hám
danh, lạm dụng quyền thế trái với quy tắc giáo luật.
Hai nhân vật nổi tiếng thời ấy đã
đích thân làm mất uy tín Thánh Gioan là Theophilus, là Tổng Giám Mục
Alexandria, và Hoàng Hậu Eudoxia. Theophilus sợ rằng địa vị của Đức Giám Mục
Constantinople ngày càng quan trọng nên đã nhân cơ hội kết án Thánh Gioan là
dung dưỡng tà thuyết. Đứng sau Theophilus và các giám mục không ưa gì Thánh
Gioan là hoàng hậu Eudoxia. Bà bực tức với bài giảng của thánh nhân về sự tương
phản giữa giá trị phúc âm và cuộc sống xa hoa của triều đình. Không biết vô
tình hay cố ý, một số bài giảng của ngài đề cập đến Jezebel* đáng ghê tởm và
Herodias** vô đạo như những đồng minh của bà hoàng hậu, là người sau cùng đã
xoay xở để Thánh Gioan phải lưu đầy. Ngài chết trong cảnh đầy ải năm 407.
Jezebel là một cái tên đã trở thành
biểu tượng, đồng nghĩa với xảo trá và tội lỗi và thường để gán cho những phụ nữ
dối trá một cách trơ trẽn.
Herodias là người đã dùng nhan sắc để
lấy người em rể có quyền thế là vua Hêrôđê Antipas. Herodias là người đã mưu mô
để giết Thánh Gioan Tẩy Giả.
Chúa Giêsu quả thực đã sống như một
người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói,
phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn
phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại
ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã
không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng,
cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn
đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là
được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng
càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ
nghèo khó", Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới
nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người
được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống
trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ
nghèo khó", Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực
trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của
cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc
thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những
giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.
Chúa Giêsu được mọi người biết đến là
một người nghèo. Nghèo từ khi sinh ra đến lúc từ giã thế gian để về với Chúa
Cha.
Chính Chúa Giêsu đã ví cuộc đời của
mình như: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”.
Lúc sinh thời, nhất là trong thời
gian loan báo Tin Mừng, từ lối sống đến hành động, Ngài luôn quan tâm đến tận
cùng kiếp sống con người, nhất là những người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền.
Nên Chúa Giêsu không ngần ngại để sống với những người nghèo hèn, cảm thông cho
những người tội lỗi và ăn uống với họ, đồng thời luôn coi họ như những bạn. Sẵn
sàng đứng về phía họ để bênh đỡ, chở che.
Tinh thần và lối sống đó hôm nay được
Chúa Giêsu chính thức chúc phúc, và qua đó như một lời mời gọi mọi người đi
theo con đường đó để được hạnh phúc: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó,
vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”.
Phải chăng Chúa Giêsu là người cổ hủ,
lối sống lỗi thời và Ngài cổ súy cho cái nghèo để rồi những ai muốn đi theo
Ngài thì phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?
Thưa! Hẳn là không rồi! Qua mối phúc
này, Chúa Giêsu muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn, khi không bị chi
phối bởi lòng ham muốn tiền bạc, vì nếu mê mẩn với chúng thì sẽ trở thành nô lệ
cho tiền bạc mấy hồi!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Chúa Giêsu và quy chiếu cuộc đời của ta với Ngài
để vui mừng khi được sống tinh thần nghèo khó như Ngài.
Một cách cụ thể, đó là sống hết mình
và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân, nhất là những người bần cùng trong xã hội.
Cần phải xác định thật rõ rằng: gia
tài đích thực của chúng ta là Thiên Chúa. Giá trị lớn lao nhất là sống cho
Thiên Chúa qua cung cách phục vụ tha nhân. Cùng đích của con người không phải
là của cải chóng qua đời này mà là cuộc sống mai hậu.
Khi chúng ta lâm cảnh nghèo đói và gặp
đau khổ trong cuộc sống trần gian, chúng ta hãy tin tưởng vào Lời Chúa hứa với
hy vọng để được hạnh phúc, vì Nước Trời là của anh em, anh em được no thoả, anh
em sẽ được vui mừng, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Nếu
chúng ta được Chúa ban giàu có, thì chúng ta phải biết dùng vật chất để phát
triển xã hội, giúp đỡ người nghèo đói, nâng cao đời sống văn minh, phục vụ tha
nhân trong tinh thần bác ái, từ thiện, thì đó là cái giàu hạnh phúc, vì biết
dùng của cải vật chất để được công phúc trên trời.
Chúng ta đừng bao giờ dừng lại trong
sự thoả mãn hạnh phúc trần gian, nhưng phải tìm sự thoả mãn với những thực tại
thiêng liêng để vươn mình lên, để định hướng cho sự sống đời đời của mình.
Chúng ta đừng ỷ lại với cái vui thú trần thế mà tự mãn cho bản thân, không màng
chi đến niềm vui hạnh phúc đời đời. Chúng ta hãy lo làm vinh danh Thiên Chúa, nếu
mình được vinh danh thì hãy vinh danh
trong Chúa, vì được diễm phúc hiệp thông
với Chúa, vinh danh vì Chúa nghĩa
là mọi sự đều bởi Chúa ban cho, vinh
danh với Chúa vì mọi việc chúng ta làm để tôn vinh danh Chúa. Chúa Giêsu luôn
nhắn nhủ chúng ta phải tìm đến hạnh phúc đích thực là thứ hạnh phúc có Chúa ở
cùng trong cuộc sống đời này và đời sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét