Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

Đừng quá khắt khe - Với bàn tay của một người mẹ

 

Đừng  quá  khắt  khe - Với  bàn  tay  của  một  người  mẹ

Sun, 10/09/2023 - Lm Minh Anh

ĐỪNG QUÁ KHẮT KHE

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”.

“Bạn hãy sống làm sao cho đến khi chết, cả người gánh đám cũng thương tiếc!” - Mark Twain.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu nói của Mark Twain xem ra nghịch với những gì xảy ra trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt bông lúa mà ăn. Vậy mà những người biệt phái lại bắt bẻ. Trình thuật này khiến chúng ta nghĩ đến một mối nguy thiêng liêng; đó là sự quá cẩn trọng. Lời Chúa dạy bạn và tôi ‘đừng quá khắt khe!’.

Nếu là một người có khuynh hướng quá cẩn trọng, tôi sẽ bị cám dỗ rời bàn phím, đứng dậy, và sẽ không viết thêm một chữ nào! Với các môn đệ cũng thế. Nếu một hoặc nhiều người trong họ phải vật lộn với việc thiếu cẩn trọng vì đã đưa tay bứt bông lúa, dẫn đến việc bị lên án, thì họ có thể cảm thấy bối rối, hối hận về hành động của mình. Họ sẽ bắt đầu lo lắng vì đã phạm thánh ngày Sabbat. Thế nhưng, sự cẩn trọng đó cần được xem xét, nó như thế nào và đâu là nguyên nhân!

Phải chăng việc quá cẩn trọng là cách nhìn cực đoan về lề luật của Chúa? Đúng, luật của Chúa phải được tuân giữ đến chữ cuối cùng; nhưng với những ai đấu tranh vì khuynh hướng quá cẩn trọng, luật Ngài có thể dễ dàng bị bóp méo và phóng đại dẫn đến lệch lạc. Tại sao? Nguyên nhân chính là sự kiêu ngạo, thiếu yêu thương và quá khắt khe trong xét đoán. Thiên Chúa không hề bị xúc phạm bởi việc các môn đệ với tay hái bông lúa ngày Sabbat. “Điều không được phép” mà các biệt phái nghĩ ra nhất định không đến từ Ngài! Vì thế, bài học ở đây là bạn và tôi ‘đừng quá khắt khe!’. Trẻ em đâu có khắt khe; chỉ người lớn thường không rộng lượng!

Chúng ta có thể bị cám dỗ khi nhìn vào lề luật và ý muốn của Thiên Chúa một cách quá cẩn trọng; mặc dù không ít người làm điều ngược lại, nghĩa là quá lỏng lẻo! Nhưng nếu là những người đang đấu tranh với mối nguy của sự quá cẩn trọng, hãy biết rằng, Thiên Chúa luôn muốn giải thoát chúng ta khỏi mọi gánh nặng ‘không đáng có’ này, Ngài muốn giải thoát bất cứ giá nào! Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi!”.

Anh Chị em,

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”. Chính lối sống “gắn bó” với luật pháp này đã khiến các biệt phái xa cách tình yêu và công lý. Quá chú ý đến lề luật, họ coi thường công lý và tình yêu. Chúa Giêsu gọi họ là “đạo đức giả”. Người ta không thể đi khắp thế giới tìm một người cải đạo rồi đóng “cửa lại”. Đây là những người quá gắn bó với luật lệ đến nỗi họ “luôn đóng những cánh cửa hy vọng, tình yêu và cứu độ”. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường hoàn toàn ngược chiều. Con đường này khởi đi từ tình yêu, tiến tới công lý và dẫn đến Thiên Chúa. Chỉ con đường đi từ tình yêu đến hiểu biết và phân định, đến sự viên mãn trọn vẹn, mới dẫn đến sự thánh thiện, ơn cứu rỗi và gặp gỡ Chúa Giêsu. Vậy chúng ta ‘đừng quá khắt khe’ với những người khác ngay cả trong việc tuân giữ luật Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên hình thức, vô hồn và cứng nhắc khi thiếu quảng đại với anh em con. Vì bấy giờ, con làm tôi lề luật, đánh mất công lý và tình yêu!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

VỚI BÀN TAY CỦA MỘT NGƯỜI MẸ

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó!”.

“Hãy đi với bàn tay của một người mẹ, với sự dịu dàng gần như vô hạn của tình mẫu tử khi bà điều trị những vết cắt và thương tích, dù lớn hay nhỏ, do những trò chơi và té ngã thời thơ ấu của chúng ta!” - Thánh Josemaría Escrivá.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay dạy chúng ta biết sửa lỗi người anh em trong tình huynh đệ một khi gương xấu xảy ra. Làm sao vừa bảo vệ hiệp nhất Hội Thánh, vừa tôn trọng lương tâm mỗi cá nhân. Để làm được điều này, hãy đi ‘với bàn tay của một người mẹ!’.

Trong bài đọc thứ nhất, Êzêkiel được bổ nhiệm làm người canh gác nhà Israel. Nguy hiểm không đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Một số người đang sống theo cách làm xói mòn sự ổn định của cộng đồng. Êzêkiel phải cảnh báo họ. Sẽ là một người dũng cảm nếu nói với Putin rằng, hãy thay đổi đường lối của mình vào lúc này! Tuy nhiên, trong một ý nghĩa nào đó, Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta hãy quan tâm đến nhau.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu thấy trước một tình huống trong Hội Thánh, nơi mà hành động sai trái của một người có thể tác động tiêu cực đến những người khác, có thể kéo mọi người xuống. Với Ngài, phương pháp ‘sư phạm phục hồi’ gồm ba giai đoạn. Trước hết, “Một mình anh với nó”, nghĩa là đừng phơi bày lỗi lầm nhưng thận trọng đến gặp họ, không phải để phán xét mà để giúp họ nhận ra sai trái. Lần can thiệp đầu tiên có thể thất bại. Đừng bỏ cuộc! Tiếp đến, tìm kiếm sự hỗ trợ của một hai người khác, “Hãy đem theo một hay hai người nữa”, không phải để buộc tội nhưng để yêu thương hơn.

Và ngay cả cách tiếp cận này cũng có thể bất thành khi tình yêu thương của hai người trở lên cũng không đủ. Trong trường hợp này, “Hãy đi thưa Hội Thánh”. Ở một số tình huống, cả cộng đồng đều tham gia, một tình yêu lớn hơn có thể phục hồi người anh em ‘với bàn tay của một người mẹ!’. Nhưng đôi khi cả điều này vẫn không đủ, Chúa Giêsu nói, “Hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Cách diễn tả này, dường như rất khinh miệt, nhưng thực ra, mời gọi chúng ta đặt người anh em vào vòng tay của Thiên Chúa, vào lòng thương xót của Ngài. Vì chỉ một mình Ngài, Chúa Cha, mới có thể bày tỏ một tình yêu lớn lao hơn tình yêu ‘của tất cả chúng ta cộng lại’.

Anh Chị em,

“Hãy đi sửa lỗi nó!”. Rõ ràng, chúng ta có trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau. Thánh Vịnh đáp ca cho biết, chúng ta thuộc về đàn chiên Chúa, được tay Ngài dẫn dắt. Hãy ý thức, tất cả chúng ta đều là tội nhân được Chúa yêu thương vô điều kiện. Trong cuộc hành hương đến với Chúa, chúng ta được mời gọi hỗ trợ nhau. Đây là điều mà Phaolô, trong bài đọc hai, gọi là ‘món nợ yêu thương’ chúng ta nợ nhau. Một trong những cách chúng ta thể hiện tình yêu dành cho nhau là chỉ cho nhau con đường tốt nhất để tiến về phía trước. Đôi khi điều này có nghĩa là sửa lỗi lẫn nhau và cho phép người khác sửa mình. Nhưng tất cả phải xuất phát từ tình yêu và sự khiêm nhường. Nó cũng phải đến từ cầu nguyện. Hãy trở thành những con người cầu nguyện nếu chúng ta thực sự quan tâm đến nhau. Chúa Giêsu bảo đảm, Ngài sẽ ở giữa chúng ta, “Có Thầy ở đấy, giữa họ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết tìm kiếm người anh em chị em lầm lạc của con ‘với bàn tay của một người mẹ’, đừng để con kiếm tìm họ ‘với chiếc búa’ của một quan toà!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét