Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VÀ ÁN TỬ HÌNH

Mon, 18/09/2023 - Trầm Thiên Thu

ĐỨC  GIÁO  HOÀNG  PHANXICÔ  VÀ   ÁN  TỬ  HÌNH

Án tử hình là một tội. Bạn không thể sử dụng nó, nhưng trước đây thì không như vậy,” ĐGH Phanxicô nói trong một phiên hỏi đáp với các tu sĩ Dòng Tên hồi tháng 8-2023 trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Bồ Đào Nha. Làm thế nào ngài đi đến kết luận này, như ngài gợi ý, thể hiện sự đoạn tuyệt với các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội trong lĩnh vực này? Mặc dù ĐGH Phanxicô nổi tiếng là người thu hút sự chú ý bằng cách đưa ra những tuyên bố công khai, ngẫu hứng tương tự, nhưng đây không phải là một giáo huấn hoàn toàn mới đối với ngài, mà là một giáo huấn mà ngài đã cung cấp nền tảng vài năm trước.

Tháng 5-2018, ĐGH Phanxicô đã chỉ thị cho Bộ Giáo Lý Đức Tin sửa đoạn 2267 của Giáo Lý Công Giáo (GLCG) để phản ánh giáo huấn cập nhật của ngài về án tử hình. Đoạn đó, trước đây coi hình phạt tử hình có thể chấp nhận được về mặt luân lý (ngay cả khi trên thực tế nó chỉ có thể được áp dụng trong những trường hợp rất hiếm), giờ đây tuyên bố rõ ràng rằng “hình phạt tử hình KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN vì nó là sự tấn công vào quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người.”

Năm trước, trong bài phát biểu trước Hội Đồng Giáo Hoàng Thúc Đẩy Tân Phúc Âm hóa, ngài đã kêu gọi sửa đổi Giáo Lý bằng ngôn ngữ giống nhau, ngài đã bổ sung thêm một vấn đề cần cân nhắc khác: tính ưu việt của lòng thương xót đối với công lý.

Chúng ta phải làm gì trước lập luận mà ngài đưa ra nhằm bác bỏ lập trường lâu đời của Giáo Hội về vấn đề này?

Lập luận đầu tiên mà ĐGH Phanxicô đưa ra là hình phạt tử hình thể hiện sự tấn công vào “tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người,” do đó, theo bài diễn văn của ngài, “tự nó” là “trái ngược với Tin Mừng.” Nếu sự sống của những người phạm tội sát nhân ở cấp độ một thực sự là bất khả xâm phạm thì điều đó có nghĩa là án tử hình cấu thành một hành vi bất hợp pháp nghiêm trọng hoặc có bản chất xấu xa, như phá thai và an tử.

Đoạn sửa đổi đề cập việc phát triển xã hội học đã dẫn đến “nhận thức ngày càng tăng rằng phẩm giá của con người không bị mất đi ngay cả sau khi phạm tội rất nặng.” Nhưng nếu hình phạt tử hình chắc chắn chà đạp lên phẩm giá vốn có của con người, tức là nếu nó thực sự là tội lỗi, như ĐGH Phanxicô tuyên bố thì làm sao Giáo Hội, hoàn toàn tách rời khỏi bất kỳ tiến bộ nào được cho là trong ý thức đạo đức hiện đại của chúng ta, chỉ gần đây mới nhận ra?

Khi thảo luận về việc phá thai ở đoạn 2270, Giáo Lý nói đến “quyền sống bất khả xâm phạm của mọi sinh vật vô tội” (nhấn mạnh thêm). Sự phân biệt pháp lý giữa sự sống con người vô tội và có tội đã biến mất khỏi cuộc thảo luận của ĐGH Phanxicô về án tử hình.

Nếu chúng ta bỏ qua sự phân biệt đó khi nói đến đạo đức của việc xung đột vũ trang, điều đó cũng sẽ làm suy yếu giáo huấn lâu đời của Giáo Hội về cuộc chiến chính nghĩa. ĐGH Phanxicô dường như đã đi đến kết luận đó. Chẳng hạn, trong cuộc thảo luận qua hội nghị truyền hình vào tháng 3-2022 với Thượng phụ Chính Thống giáo Nga Kirill về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, ĐGH Phanxicô nhận xét: “Đã có lúc, ngay cả trong các Giáo Hội của chúng ta, khi người ta nói về cuộc thánh chiến hoặc cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ngày nay chúng ta không thể nói theo cách này được.” Ngài kết thúc việc kêu gọi hội nghị bằng cách tuyên bố dứt khoát: “Chiến tranh luôn là sai lầm [tội lỗi?], vì chính dân của Thiên Chúa phải trả giá.”

Lô-gích này chắc chắn dẫn đến chủ nghĩa hòa bình. Nếu vậy, liệu việc sửa đổi đoạn 2265 trong GLCG – về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan dân sự (ví dụ như chính phủ Ukraine) trong việc sử dụng vũ khí để đẩy lùi những kẻ xâm lược – có bị tụt hậu xa hay không?

Lập luận thứ hai mà ĐGH Phanxicô đưa ra nhằm hoàn toàn bác bỏ án tử hình cũng đặt ra những vấn đề luân lý quan trọng. Trong bài phát biểu trước cuộc họp do Hội Đồng Giáo Hoàng Thúc Đẩy Tân Phúc Âm hóa tổ chức, ĐGH Phanxicô nhận xét rằng, trong quá khứ án tử hình “dường như là hệ quả hợp lý của việc áp dụng công lý đúng đắn.” Ngài tiếp tục lập luận rằng điều mà nó bị bỏ qua là “tính ưu việt của lòng thương xót so với công lý” bởi “tâm lý thiên về pháp lý hơn là Kitô giáo.” Ngài quả quyết rằng tâm lý đó đã dẫn đến “việc đánh giá quá cao giá trị của luật pháp và ngăn cản sự hiểu biết sâu sắc hơn về Phúc Âm.”

Việc đóng khung vấn đề theo cách này có thể dự đoán trước sẽ khiến ĐGH Phanxicô bác bỏ không chỉ hình phạt tử hình mà cả các hình phạt khác do tư pháp áp đặt, bao gồm một hình phạt thay thế chung cho hình phạt tử hình, tù chung thân không ân xá, và thậm chí cả thời gian giam giữ kéo dài.

Trong lá thư tháng 3-2015 gửi Chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Chống Án Tử, ĐGH Phanxicô đã nêu rõ quan điểm về vấn đề đó khi viết rằng “tù chung thân, cũng như các bản án đó, do thời hạn của chúng, khiến cho việc tuyên án không thể thực hiện” đối với những người bị kết án theo kế hoạch cho một tương lai tự do, có thể bị coi là những bản án tử hình giấu kín vì với chúng, bên có tội không chỉ bị tước đoạt tự do mà còn bị tước đoạt niềm hy vọng một cách ngấm ngầm” (nhấn mạnh thêm).

Mặc dù điều này có thể nhường chỗ cho những mức án nhẹ hơn, nhưng tại sao lại áp dụng bất kỳ hình phạt nào nếu lòng thương xót thay vì công lý phải được xem xét hàng đầu?

Việc nhấn mạnh rằng chính quyền dân sự ưu tiên lòng thương xót hơn công lý dường như đã đi quá giới hạn. Suy cho cùng, việc hành động một cách nhất quán theo cách công bằng trong thế giới sa ngã này dường như đã đủ thách thức đối với chính quyền dân sự. Tất nhiên, luật pháp có những giới hạn của nó và không nên đánh giá quá cao giá trị của nó. Nhưng nó không kém phần quan trọng đối với điều đó.

Martin Luther King đã nắm bắt được điểm này một cách khéo léo trong bài phát biểu hồi tháng 12-1963 tại Đại học Western Michigan, khi trả lời những người lập luận rằng ông nên thay đổi trái tim và tâm trí hơn là thay đổi luật pháp. Ông tuyên bố: “Có thể đúng là luật pháp không thể khiến một người đàn ông yêu tôi, nhưng nó có thể giúp anh ta không hành hình tôi, và tôi nghĩ điều đó cũng khá quan trọng.

Tất nhiên, ĐGH Phanxicô đã đúng khi cho rằng Tin Mừng tiêu biểu cho sự chiến thắng của lòng thương xót trước công lý, nhưng lòng thương xót không xây dựng – thay vì giảm bớt – trên những đòi hỏi của công lý sao?

Các diễn biến gần đây trong giáo huấn của ĐGH Phanxicô, đặc biệt dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, đã có xu hướng kêu gọi cấm án tử hình hoàn toàn. Nhưng chúng được dựa trên cơ sở thận trọng. Tại sao không đơn giản tiến thêm một bước nữa và tuyên bố rằng, với hiệu quả cao hơn của hệ thống hình sự hiện tại của chúng ta, hình phạt tử hình “không thể chấp nhận được” ngày nay?

Các giám mục Hoa Kỳ đã đi đến kết luận đó từ vài thập niên trước. Tuy nhiên, các vấn đề chỉ gia tăng khi vấn đề được loại bỏ khỏi lĩnh vực phán đoán thận trọng và được coi là một nguyên tắc luân lý cơ bản.

LUIS E. LUGO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét