Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai


Thu, 15/02/2024 - Phạm Văn Trung

Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai

“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1: 2). Chính Thánh Thần tác động để Chúa Giêsu được tượng thai và làm người nơi cung lòng Mẹ Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Chính Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình” (Mc 1: 10). Hôm nay chính Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào sa mạc để bị Satan cám dỗ và bị thú dữ bủa vây trong 40 ngày.

1. Chúa Giêsu biểu lộ nhân tính và thần tính trọn vẹn của Ngài khi bị cám dỗ.

Làm sao Thiên Chúa lại có thể khiến Con Ngài phải chịu đau khổ như thế? Làm sao Thiên Chúa lại có thể khiến Con Ngài phải trực tiếp đối đầu với dự dữ như vậy? Những thực tế này lại không phải là một phần trong mục đích của cuộc đời Chúa Giêsu sao: mặc lấy xác phàm, thân phận con người, chấp nhận những cuộc chiến đấu của kiếp người và chiến thắng chúng? Việc Chúa Giêsu bị cám dỗ ở đây giúp chúng ta hiểu được nhân tính trọn vẹn của Ngài. Chúa Giêsu đói và chiến đấu cam go với cám dỗ. Ngài bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và lời nói như con người thường làm trong những tình huống căng thẳng. Khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu đồng thời biểu lộ thần tính của Ngài. Khả năng chống lại những cơn cám dỗ của Ngài được thể hiện rõ ràng là vượt xa hẳn phàm nhân. Ngài nắm chắc và hiểu sâu xa Lời của Thiên Chúa và thậm chí còn có quyền bảo Satan “Satan kia, xéo đi!” (Mt 4:10). Chúa Giêsu đã bị cám dỗ nhưng không sa ngã, vẫn vô tội, chiến thắng Satan, chứng tỏ chính Ngài là Đấng Thánh. Chúa Giêsu phải đối đầu với dự dữ, chịu đau khổ như bất cứ ai trong chúng ta để mỗi chúng ta đều có thể đến gần Ngài: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Hípri 4:15). Mỗi chúng ta phải vật lộn với cám dỗ hàng ngày và thường cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến, đó là điều bình thường. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nêu gương cho mỗi chúng ta về việc đối phó với cám dỗ. Trong những cuộc chiến đấu của mình, Chúa Giêsu đều dựa vào Lời của Thiên Chúa để nhận ra những thủ đoạn của kẻ thù và nhấn mạnh đến việc thờ phượng Thiên Chúa: “Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4:10).

Những cám dỗ này đưa ra một cái nhìn rất gần về cả nhân tính lẫn thần tính của Chúa Giêsu. Tôi có nhận ra nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu không? Hay tôi chỉ coi Ngài như một con người giống như bao phàm nhân đầy cố tật khác mà tôi thường gặp mỗi ngày? Hay tôi chỉ coi Ngài như là một vị thần linh cao vời xa xôi nào đó mà tôi không thể đến gần, và do đó không ảnh hưởng gì đến đời sống riêng tư của tôi? Tôi có tin và chạy đến Ngài như một con người gần gũi đầy cảm thông chia sẻ những cuộc chiến gay go mọi mặt của tôi: “Ngài đã thực sự trở thành một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi” không? (Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số22). Tôi có tin và chạy đến Ngài như một Đấng Thánh của Thiên Chúa quyền năng hoàn toàn mong muốn và có thể giúp tôi chiến thắng mọi cơn thử thách bằng cách dựa vào Chúa và Lời Ngài để đứng vững trước sự tấn công của Satan: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi” (Mc 1:10) không?

2. Hoang địa tâm linh

Trong trình thuật này, “hoang địa” và “dã thú” không chỉ hiểu theo nghĩa địa lý nhưng là những biểu tượng ẩn dụ của cõi lòng hoang dã và hỗn loạn của chúng ta khiến chúng ta sa ngã trong cuộc sống. Hoang địa và dã thú như vậy cũng là bất cứ nơi nào người ta không tìm gặp được Thiên Chúa. Đó có thể là gia đình, môi trường làm việc, cộng đồng, giữa bạn bè hoặc bất cứ nơi nào thiếu ân sủng dồi dào của Chúa. Muốn tìm và gặp được Thiên Chúa, chúng ta phải tìm cách tách mình ra khỏi những môi trường đầy hình ảnh, lời nói, và tiếng động không ngừng tra tấn tâm trí chúng ta. Quan trọng hơn nữa, cần có sự tĩnh lặng nội tâm để thoát ra khỏi những tư tưởng và cảm xúc lúc nào cũng đầy ắp trong tâm trí chúng ta. Đi vào sa mạc cô tịch đó và cởi mở tâm hồn để đón nhận sự hiện diện ân sủng của Chúa cho chính mình và trở thành kênh dẫn cho những người đang cần giúp đỡ. Đúng vậy, Chúa Giêsu ở một mình giữa dã thú, chiến đấu với những cám dỗ của Satan: “Ngài ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú” nhưng đồng thời “…có các thiên sứ hầu hạ Ngài” (Mc 1:13). Trong những thời khắc đen tối nhất của chúng ta, khi cô đơn và cần đến Thiên Chúa nhất, chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần “đẩy chúng ta vào tâm tình hoang địa”, nơi đó chúng ta được cứu thoát nhờ sự có mặt của Thiên Chúa, Đấng “đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền” (bài đọc thứ hai, 1Pr 3: 22).

Đoạn Tin Mừng năm câu ngắn gọn hôm nay tóm tắt mục đích của Mùa Chay. Chúa Giêsu ở trong một nơi cô tịch 40 ngày, rất dễ bị tổn thương, đương đầu với những cám dỗ, với toàn bộ nhân tính và thần tính của Ngài. Bây giờ chúng ta cũng bắt đầu cuộc hành trình đó. Thiên Chúa đến với chúng ta trong sự thân tình, mong muốn tạo dựng, chữa lành và nuôi dưỡng mối liên hệ cá nhân của Ngài với mỗi người chúng ta, đặc biệt là trong những thời điểm đen tối nhất của chúng ta. Khi nhiệt tâm tham gia Mùa Chay: tập sống trong chay tịnh, cầu nguyện và trao ban, chúng ta trải nghiệm được sự thân mật với Chúa trong hoang địa. Lúc này, cõi lòng của chúng ta sẽ được biến đổi và được dẫn đi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa - vững vàng trong cả đức tin lẫn ước muốn chia sẻ Tin Mừng đó như chúa Giêsu: sau 40 ngày đối đầu không ngừng nghỉ, Chúa Giêsu trở lại Galilê, rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai nghe Ngài: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15)

3. Cuộc đời chúng ta như cuộc đời Chúa Giêsu, đầy thử thách, nhưng Ngài đã chiến thắng.

Trình thuật ngắn gọn hôm nay cũng là lời nhắc nhở về bản chất sa ngã và những tác động xấu xa của tội lỗi đối với thế giới của chúng ta. Chúng ta được cho thấy mưu chước hấp dẫn nhưng thâm độc của Satan, khi hắn thử thách Chúa Giêsu. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta về sự có mặt của ma quỷ, nhưng chúng ta cũng được nhắc nhở rằng Satan không có quyền gì trên Chúa Giêsu. Thực ra, Chúa Giêsu đến để loan báo vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc này rồi ra sẽ tiêu diệt tội lỗi và Satan. Chúa Giêsu cũng tuyên bố rằng tất cả những ai: “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15) sẽ được chào đón vào vương quốc của Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu trải qua 40 ngày trong hoang địa để chịu Satan cám dỗ, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu thực sự đã trải qua đau khổ và cám dỗ như chúng ta. Cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc thử thách, đỉnh điểm là trên thập giá, nhưng đây lại là bằng chứng rõ ràng Ngài quen với thân phận và các hoàn cảnh nhục nhằn của chúng ta: “Bởi thế, Ngài đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Ngài đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Hípri 2:17-18).

Cuộc chạm trán của Chúa Giêsu với Satan, kẻ luôn chống lại Ngài, cho thấy Chúa Giêsu biết rõ kẻ thù của Ngài và có thể chống lại hắn.Việc Satan cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa gợi nhớ đến việc cám dỗ của Satan trong vườn Địa đàng. Ađam sa vào cám dỗ và mang tội lỗi vào trong tất cả mọi người, nhưng Chúa Giêsu có thể chống lại cám dỗ và đã trở thành nguồn ơn cứu độ. Qua Chúa Giêsu, lời tiên tri trong Sáng thế ký, Satan sẽ bị nghiền nát, được ứng nghiệm: “Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (Stk3:15). Thánh Phaolô nói rất rõ: “Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Côrintô 15:22).

Ngày tàn lụi của ma quỷ đã được định sẵn rồi. Triều Đại Thiên Chúa, được Chúa Giêsu khai mở, sẽ sớm chấm dứt sự thống trị của tội lỗi và Satan: “Như vậy, nhờ cái chết của Ngài, Ngài đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hípri 2:14-15) và: “Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá huỷ công việc của ma quỷ” (1 Ga 3:8).

 

4. Lời mời của Đức Vua: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

Vì tội lỗi của Ađam mà tất cả chúng ta sinh ra đã là tội nhân và do đó thuộc về thế gian tội lỗi này: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn” (Ep 2:1-3).  Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn công bố tất cả những ai ăn năn hối cải, từ bỏ tội lỗi và quay về với Ngài trong đức tin sẽ được cứu và được chào đón vào nước Trời: “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1:13-14 ).

Sống như những công dân của Nước Trời - những người đã hối cải và tin tưởng, chúng ta lắng nghe lời dạy của Thánh Phêrô: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1 Pr 2: 11-12) vì: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô” (1 Pr 3: 21).

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét