Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

MÙA CHAY - MÙA CANH TÂN ĐỀN THỜ TÂM HỒN

 Tue, 27/02/2024- Lm Xuân Hy Vọng

MÙA CHAY - MÙA CANH TÂN ĐỀN THỜ TÂM HỒN

 

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Mùa Chay là mùa đáp lời mời gọi cải hối tận tâm trở về với Chúa, bỏ đàng tội lỗi, dẹp mọi thói hư tật xấu. Mùa Chay cũng là thời điểm canh tân đền thờ tâm hồn của chính mình như Thánh Phao-lô Tông đồ khẳng định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong đền thờ ấy” (1Cr 3, 16).

 

Thật vậy, Chúa Giê-su đề cập đến Đền thờ đích thực, không phải bằng gạch đá, sỏi cát, bê tông cốt thép được trang trí nguy nga đồ sộ, cho bằng chính “thân thể của Ngài” (x. Ga 2, 21). Tuy đền thờ Giê-ru-sa-lem tráng lệ, đồ sộ, là trung tâm văn hoá-tôn giáo, nơi tôn nghiêm của dân Do Thái; nhưng họ đã biến nó thành nơi buôn bán, thương mãi, đổi trác, v.v…mà chẳng hề xem đấy là “nhà cầu nguyện, nơi thờ phượng Thiên Chúa” (x. Ga 2, 16).

 

Lịch sử kể lại thời Vua Marcus Ulpius Nerva Traianus, được biết đến với danh xưng Trajan (năm 53 – năm 117) là hoàng đế cai trị La Mã từ năm 98 đến năm 117. Dưới quyền thống trị của ông, thời kỳ bách hại và cấm đạo gay gắt diễn ra, cụ thể Thánh Giám mục Ig-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a bị bắt. Tại tòa xét xử, hoàng đế Trajan đã chế nhạo đạo Công giáo; hơn nữa, còn gọi Thánh Ig-nha-xi-ô là thằng quỷ xấu xa, nghe vậy, ngài khẳng khái đáp:

  • Tâu đức vua, chẳng có ai lại gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỷ dữ!

Nhà vua gặn hỏi:

  • Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư?

Thánh Giám mục Ig-nha-xi-ô trả lời:

  • Thưa phải, tâu đức vua! Tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người Công giáo, được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng chẳng có gì can hệ cho con người bằng việc trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

Nghe xong, hoàng đế Trajan tức tối ra phát quyết:

  • Ig-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a là người đã cậy mình mang Thiên Chúa trong người, nên phải điệu về Rô-ma để làm mồi ăn cho thú dữ!

 

Thánh nhân đã can đảm tuyên xưng danh Thánh Ki-tô, và chẳng hề xấu hổ khi mang trong mình Thiên Chúa, trở nên đền thờ bé nhỏ cho Ngài ngự. Thời bách hại, cấm cách dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã, người Công Giáo buộc phải chối bỏ danh Thánh Ki-tô, không thờ phượng Thiên Chúa nữa, mà tôn thờ hoàng đế như thiên hoàng vậy! Tuy nhiên, không ít Ki-tô hữu đã chịu tử đạo, đã kiên vững sống đạo, thà mất mạng sống thể xác này còn hơn phải chịu khổ hình đời đời nơi hoả ngục. Và điều này chứng thật rằng: các thánh tiền bối, tiền nhân đã một lòng giữ ‘Thập điều’ (Mười điều răn), nhất là điều răn quan trọng trước hết “Thờ phượng và kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự”. Ngoài Chúa ra, không còn chúa nào khác. Ngoài Chúa ra, không còn ông bụt bà thần nào khác. Chỉ khi sống trọn vẹn điều răn này, thì chúng ta mới có thể kiên vững giữ đúng những điều chúng ta cam kết với Chúa trong Mười điều răn (x. Xh 20, 1-17). Đây chẳng phải là gánh nặng, gông cùm đè trên đôi vai con người, mà là Mười giới răn, mười lời cam kết giữa Thiên Chúa với con người, và là giáo huấn soi đường dẫn lối hầu chúng ta không lầm đường lạc lối, không xa rời Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, ngày hôm nay, không ít người mang trong mình Chúa Ki-tô vẫn lạm dụng Đền thờ bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn: đến nhà thờ nhưng lo ra chia trí trong lòng. Thay vì tham dự Thánh lễ, thì chỉ ‘xem lễ’ hoặc ‘lễ gốc cây’, đi lễ nhưng ngồi xa xa phía ngoài hút thuốc, chuyện trò. Có người vào nhà nguyện/nhà thờ thì nói chuyện cười đùa, thay vì thinh lặng, trang nghiêm, tôn kính. Chưa hết, nhiều người đến nhà thờ đi lễ vì bố mẹ hạch hỏi, vì bạn bè, vì người khác, v.v…

 

Mùa Chay là thời gian mà Chúa thi ân ban cho ta cơ hội sám hối và canh tân đời sống. Mùa chay còn giúp chúng ta nhìn lại đền thờ tâm hồn của mình để xin Chúa thánh hoá, loại trừ những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng trở nên Đền thờ cho Chúa ngự trị.

 

Nguyện xin tẩy rửa tâm hồn chúng con

Bỏ thói tôn thờ tiền tài, vật chất

Xa lìa lối sống trọng tiền bạc hơn Chúa!

          Xin thanh tẩy tâm hồn chúng con

          Khỏi những dục vọng đam mê

          Làm vấy bẩn đền thờ Chúa ngự.

Xin gạn đục khơi trong lương tâm

Giúp chúng con chê ghét gian tham.

Thoát khỏi tính nết đố kỵ, kiêu căng.

          Xin tu bổ đền thờ thân xác chúng con

          Đã xuống cấp, suy tàn, bỏ bê,

          Biết kính trọng thân xác mình và của tha nhân. Amen!

 

Lm. Xuân Hy Vọng

 

LUẬT CHÚA TRUYỀN VÀ LUẬT TRẦN GIAN

 

Bôn ba khắp trốn tìm lời giải đáp cho những vấn nạn cuộc đời, anh Suzuki dừng chân trước một ngôi thánh đường nguy nga, tráng lệ, anh ngỡ ngàng với sự hồ hỡi sống vui tươi, thân thiện của giáo dân vùng Nam Mỹ. Đứng hồi lâu trước khuôn viên nhà thờ, anh tự hỏi mình: tôi là một người Công Giáo, nhưng tâm hồn tôi xa Chúa, dẫu rằng mỗi tuần đến tham dự Thánh lễ Chúa Nhật; biết bao lần tôi cầu nguyện nhưng tâm trí tôi cứ quanh quẩn bởi nhiều điều lo toan với cuộc sống vật chất; biết bao lần tôi phải đối diện với luật đời và luật đạo; và biết bao phen tôi vật lộn với chính sự ương hèn của chính mình, v.v...

 

Thưa quý bà và anh chị em, tâm tư của anh Suzuki phần nào cũng là nỗi trăn trở của chúng ta. Sống trong xã hội bị chi phối với nhiều luật lệ, nguyên tắc, dường như chúng ta bị cuốn vào guồng xoáy giữ luật hơn là sống tinh thần luật; xem trọng luật trần gian hơn luật Chúa truyền qua sứ vụ của Hội Thánh. Đáng buồn hơn nữa, chúng ta rơi vào chủ nghĩa duy luật, và trở nên cứng nhắc với những điều lệ mà quên đi phần cốt lõi của luật, đó là tình yêu và giải thoát. Thậm chí, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta trở nên ‘nô lệ’ của luật lệ, hoặc để cho những điều lệ xã hội trói buộc chúng ta.

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến luật Chúa truyền dạy qua Mười Điều Răn (x. Xh 20, 1-17). Nói đến điều răn, chúng ta thường nghĩ ngay đến những điều phải tuân giữ, những điều bắt buộc với ý nghĩ tiêu cực; trái lại, Mười Điều Răn cũng có thể được gọi là Mười Điều Cam Kết giữa Thiên Chúa và con người. Và khi nói đến cam kết, thì chắc hẳn phải có hai bên, và đôi bên đều tự nguyện giao ước và tuân giữ. Quý ông bà và anh chị đã thuộc nằm lòng Mười Điều Răn này, nhưng thiết nghĩ để sống đúng tinh thần của nó lại là một vấn đề khác. Thí dụ, nhiều năm qua đã biết bao lần chúng ta tham dự Thánh lễ với thói quen, hoặc với ý nghĩ: không đi thì Chúa phạt. Hoặc khi tham dự Bàn tiệc Thánh, chúng ta chỉ hiện diện với thân xác, còn tâm trí chúng ta đang lo nghĩ đến điều khác, hay đang suy tính...Dĩ nhiên, chỉ có Chúa và bản thân chúng ta mới biết những gì đang xảy ra trong tâm hồn hay trong tâm trí ta thôi, nhưng nếu ý thức lại thì ắt hẳn chúng ta cũng cảm thấy xấu hổ khi đến với Chúa với thái độ bất xứng này vì như Lời Kinh Thánh chép rằng: “dân này chỉ thờ Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (x. Mt 15, 8). Thiên Chúa mong muốn, mời gọi chúng ta sống cam kết tình yêu với Ngài, vui tươi tuân giữ giới răn yêu thương, quảng đại trao ban, hy sinh cho tha nhân và phụng sự Chúa. Đừng tần tiện thời giờ với Chúa, đừng chôn giấu tài năng, ơn sủng Chúa ban, nhưng hãy dâng lên Chúa tất cả thời gian, cơ hội để phụng sự Chúa và yêu mến tha nhân, cũng như quảng đại cho đi, dân hiến qua việc phục vụ cộng đoàn. Như thế, chúng ta đang sống tinh thần luật, sống những điều chúng ta đã và đang cam kết với Thiên Chúa.

 

Thứ đến, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy ưu tiên, chăm lo về phần thiêng liêng nữa “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 4b). Xã hội thực dụng ngày nay đưa chúng ta vào chỗ quy tất cả giá trị tinh thần ra vật chất, những gì có thể ‘cân, đo, đong, đếm’ được; hoặc nhiều lúc, chúng ta cứ để con thuyền đời sống thiêng liêng bị sóng gió, bảo tố ‘danh vọng, tiền tài, địa vị’, những gì có thể nhìn thấy, hay chóng qua đưa đẩy đến chỗ chìm sâu dưới đáy đại dương ‘hư vô’. Để khỏi rơi vào tình trạng bi đát này, chúng ta cần tỉnh thức, cải hối tận căn, sống theo tinh thần luật Chúa truyền dạy tóm lại trong giới răn yêu thương: Yêu Chúa – thương người. Thật vậy, chúng ta không phủ nhận điều này: vật chất cần thiết cho cuộc sống thân xác của con người chúng ta; tuy nhiên, nó không quyết định đời sống hạnh phúc trường tồn của chúng ta. Hơn nữa, nó chẳng phải là tiêu chuẩn đánh giá, khuôn vàng thước ngọc của giá trị tâm linh, đời sống thiêng liêng. Tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị, vật chất sẽ qua đi, nhưng giá trị tinh thần, đời sống đạo đức sẽ còn mãi, và được lưu truyền mãi mãi.

 

Giờ đây, chúng ta hãy đặt mình trước Chúa và tha nhân; trong thinh lặng, chúng ta nhìn lại thái độ, động lực thúc bách chúng ta sống theo luật Chúa truyền, hay chỉ giữ luật Chúa dạy? Chúng ta biết chăm lo, vun trồng đời sống đức tin hay chỉ chạy theo đời sống vật chất chóng qua? Trong niềm tín thác, tin tưởng và nhận mình là kẻ yếu hèn trước Chúa, chúng ta cùng xin Chúa ban cho chúng ta biết can đảm dứt bỏ những gì đang cản trở đời sống đức tin, cắt bỏ những gì khiến chúng ta xa lìa Chúa, xa lìa luật Chúa truyền dạy.

 

Trần gian này chọn đường thênh thang

Chúa dạy con đi qua con đường hẹp

Gian trần này chọn đường vinh quang

Chúa hy sinh bước trọn đường thập hình.

 

Trần gian này chọn đường huênh hoang

Chúa dạy con đi trong khiêm nhường

Gian trần này chọn đường lợi danh

Chúa đưa con bước trọn đường hy sinh.

 

Trần gian này chọn đường khinh chê,

Chúa dạy con bao dung nhân hiền

Gian trần này chọn đường âu lo

Chúa đưa con bước vào đường an vui.

 

Trần gian này chọn đường vinh hoa

Chúa dạy con đi qua thập hình

Gian trần này chọn đường hư vô

Chúa đưa con bước vào đường ơn thiêng.

 

Lm. Xuân Hy Vọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét