Fri, 23/02/2024 - Lm Anmai, CSsR
VỀ
GIÀ - VỀ GIÀ - VỀ
GIÀ
Cuộc đời con người chả ai nói trước
được điều gì cho đời mình. Đơn giản là sự sống, sự chết xem chừng ra của con
người hay con người sở hữu nhưng thực chất Chúa mới chính là Đấng cầm quyền
sinh tử của mỗi người.
Chả ai trong cuộc đời biết mình chết
già hay chết trẻ. Chết trẻ xem chừng ra không phải cần người chăm sóc hay cũng
chả phải áy náy về cái chuyện là mình cậy nhờ người khác hay làm phiền người
khác. Thế nhưng rồi dù muốn dù không con người khi về già hoàn toàn lệ thuộc
vào sự trợ giúp của người thân cận.
Ta thấy tuổi già thời nào
cũng là một thách đố cho từng người và cho cả những người thân. Khoa học và kỹ
thuật có tiến bộ đến đâu, có tìm ra những cách xoa dịu, chữa lành các tật bệnh
thế nào, cuối cùng vẫn bất lực trước cái chết, đều cảm thấy hoang mang, sợ hãi,
đau khổ khi phải lìa đời.
Đối với những người có
lòng tin, chấp nhận những quy luật của sự già nua trong sự bình an và tín thác
là tin tưởng rằng, một thời mới, một tuổi thanh xuân mới ở nơi Thiên Chúa đang
chờ đón.
Chính Chúa gieo vào lòng
mỗi người lòng khát khao sống và sống dồi dào.
Tuổi già và bao điều phiền
toái đi theo tuổi già không phải là dấu Chúa sa thải, bỏ rơi. Trái lại, những
ai đọc ra ý Chúa và khiêm tốn vâng phục, sẽ nhẹ nhàng chấp nhận sự chuyển biến
theo lẽ tự nhiên. Với lòng mến Chúa, họ dễ dàng chịu thử thách mà vẫn trung
thành, cảm thấy thanh thản bình an và càng hạnh phúc hơn vì ý thức mình được
Chúa yêu thương (x.Rm 8,35-37).
Có người già yếu chân tay hay nằm một
chỗ đó nhưng trí óc hoàn toàn minh mẫn. Có người lại không điều khiển được gì
cho bản thân cả ngay cái chuyện nhỏ nhất đó là vệ sinh hay ăn uống. Tất cả đều
nhờ sự trợ giúp của người khác. Và, cũng có người về già thì lòa và không còn
thấy bất cứ sự gì chung quanh. Với những người ấy thì ngày cũng như đêm mà đêm
cũng như ngày. Ăn uống cũng vậy, ai cho ăn gì thì cảm được chứ không thể nào thấy
được mình ăn gì. Người ta bảo cá thì mình biết cá và người ta bảo thịt thì biết
thịt.
Cái phận người nó là như vậy. Tôi lại
chợt nhớ đến lời mà Chúa Giêsu nhắn nhủ với Phêrô : Thật, Thầy bảo thật cho anh
biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về
già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng
muốn.” (Ga 21, 18)
Thật thế, chả phải mình Phêrô mà
nhiều người thân quen trong chúng ta cũng sống như kiểu Chúa nói với Phêrô vậy.
Có khi vừa mới cho ăn sáng đó nhưng
rồi lại hỏi là sắp đến giờ cơm chưa ? Có khi là chưa dâng Lễ nhưng lại bảo là
dâng Lễ rồi ... và dâng Lễ chỉ đọc như thói quen những câu thường đọc vì lòa
không thấy gì trước mắt nữa.
Như trường hợp cha già đó xem chừng
ra vẫn còn may mắn và tốt hơn giám mục nọ. Ở cái tuổi già đau bệnh, có thể nói
là sức khỏe của Đức Cha xuống thật nhanh. Khi có điều kiện vào thăm thì đã thấy
Ngài xuống. Gần đây, đâu đó người ta đưa hình ảnh của Đức Cha lên mạng thấy rằng
quả là trầm trọng. Dường như có thể nhận định là Đức Cha có khả năng nghe nhưng
hoàn toàn Ngài không nói lại. Cũng là một thiệt thòi lớn cho chính bản thân Đức
Cha và những người thân cận.
Những ngày còn lại của đời người của
những người già nua tuổi tác mà mất khả năng điều khiển quả là thiệt thòi và mất
mát lớn. Khi đó, dường như bữa cơm cho nó qua bữa cũng như là để chu cấp phần
năng lượng để nuôi cơ thể thôi chứ còn gì biết là ngon hay dở nữa.
Có người, có thể là vui nhưng dường như thiếu
tế nhị. Khi đi thăm những người như thế thì mình tìm ít ra những món mà có thể
người thân của mình có thể nạp được chứ không khéo thì mình đến thăm và chỉ thỏa
mãn cho bản thân mình.
Lần kia, một nhóm người xem chừng
ra hoành tráng lắm để đi thăm cha xứ cũ. Giờ đây già nua tuổi tác và không còn
tự khả năng lo cho mình nữa. Phải nói rằng lệ thuộc hoàn toàn vào người trợ giúp. Dù có muốn đi chăng nữa nhưng giới
hạn của cơ thể không cho phép Cha làm gì hơn.
Hôm đó, người ta háo hức mang cả một
giỏ thức ăn mà trong đó toàn ... chó. Họ xem chừng ra khá vất vả để chuẩn bị
cho bữa trưa để gọi là dùng bữa với Cha già nhưng rồi Cha già không thể nào hiện
diện với họ vì hoàn cảnh không cho phép. Có người chữa cháy : “Nói mấy ông rồi
! Mua cá gì đó nướng đến để cùng ăn với Cha già chứ thịt chó thì cơ bản Cha già
cũng không thích ăn mà giờ thì răng cỏ cũng chả còn để mà ăn ...”.
Con người mà, còn khỏe xem chừng ra
muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn và muốn đi đâu thì đi nhưng đến lúc nào
đó muốn đi cũng không được và thèm ăn gì đó cũng không thể vì hoàn cảnh không
cho phép.
Con người mà, còn chức còn quyền
còn đệ tử, hết tiền hết chức hết thầy tôi.
Những trải nghiệm trong cuộc sống, nhất
là trải nghiệm hay kinh nghiệm về những người già, những người không chức không
quyền và không tiền sẽ là trải nghiệm quý báu giúp con người được bình an và
thanh thản hơn. Về già, ai cũng thế mà ! Thế nhưng chuyện quan trọng nhất là
hành trang trước khi về già mình phải có và chuẩn bị đó chính là cách ăn nết ở
của mình để rồi sao đó khi về già mình vẫn còn ai đó chăm sóc mình khi tuổi già
sức yếu.
Tôi cũng lo nhưng lo chi cho mau
già. Trong tất cả mọi sự và mọi việc, nên chăng tín thác vào trong lòng bàn tay
của Chúa thì sẽ thấy nhẹ nhàng và bình an hơn.
Ở chung, ở cùng và ở với người già
sẽ giúp cho mình nhìn đời. Những người hung hăng hùng hổ chức quyền thế nào mà
thoát khỏi cái tuổi già đâu để rồi ở đó mà không biết cân chỉnh đời mình để khi
mình về già mình có chút gì đó gọi là tình đáp tình.
Lời Thánh Vịnh 70 thật là
hay cũng là nhắc nhớ thân phận mình :
“Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
lạy Thiên Chúa, xin đừng
bỏ rơi con,
để con tường thuật quyền
năng của Chúa
cho thế hệ này được rõ,
và dũng lực của Ngài, cho
thế hệ mai sau.”
(Tv 70, 18)
Lm. Anmai, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét