Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Lưu ý khi ăn các loại hạt dịp Tết

 

Thứ năm, 8/2/2024, VnExpress.net

Lưu  ý  khi  ăn  các  loại  hạt  dịp  Tết

Chọn các loại hạt có nguồn gốc rõ ràng, giới hạn khoảng 30-50 g mỗi ngày, không chạy nhảy, cười lớn khi ăn để tránh hóc.

Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết những loại hạt như đậu nành, hướng dương, lạc, bí ngô, hạt dẻ, hạt điều có lợi cho sức khỏe. Những loại hạt này còn chứa lượng lớn vitamin K, B, E, mangan, magie, phospho, sắt tốt cho sức khỏe của phổi.

Các axit béo không no trong thực phẩm hỗ trợ giảm cholesterol, mỡ xấu, cải thiện sức khỏe tim mạch. Vitamin E, omega-3 làm giảm quá trình oxy hóa trong cơ thể, kháng viêm, giảm các triệu chứng hen suyễn, trầm cảm, đẩy lùi dấu hiệu lão hóa... Các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid và axit phenolic trong những loại hạt hỗ trợ phòng ngừa ung thư.

Tuy nhiên, một số trường hợp ăn hạt khô ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt dưa có cấu tạo vỏ ngoài giòn, cứng. Thói quen cắn tách hạt khi ăn nếu không cẩn thận có thể nhai nuốt phải phần vỏ, làm tổn thương niêm mạc họng, khàn tiếng.

Quá trình bảo quản, chế biến không đúng cách khiến thực phẩm bám bụi bẩn, nhiễm nấm mốc. Lạc ẩm mốc rang lên ở nhiệt độ dưới 160 độ C, các bào tử nấm Aspergillus (một loại nấm mốc thường phát triển trên ngũ cốc) bị tiêu diệt nhưng độc tố aflatoxin không bị phá hủy. Chất béo trong hạt khô nhiễm nấm sẽ biến đổi thành các chất oxy hóa có hại, kích thích niêm mạc họng khi ăn.

Ngoài ra, để bảo quản lâu hơn, các loại hạt có thể bị tẩm ướp hóa chất hoặc nhuộm phẩm màu công nghiệp. Những yếu tố này cũng gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp. Người dùng có thể bị hắt hơi, ho, đau rát họng, khàn giọng, khởi phát cơn hen...

 


Ăn nhiều các loại hạt khô vào dịp Tết có thể gây ho, khàn tiếng. Ảnh: Freepik

Chuyên viên Thúy Hòa khuyến cáo chọn mua các loại hạt khô có xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng. Gia đình mua hạt chắc, mẩy, không bị nấm mốc hay biến đổi về màu sắc về rang, sấy khô. Trước khi chế biến nên rửa sạch hạt và phơi khô để loại bỏ bụi, cát. Khi ăn, nên dùng tay tách lấy nhân hạt thay vì cắn trực tiếp để tránh nuốt phải bụi, vỏ lụa hoặc vỏ cứng bên ngoài. Tránh ăn hạt kèm đồ uống lạnh, hút thuốc lá vì khiến họng bị kích ứng, gây ho nhiều, khàn tiếng.

Người có bệnh hô hấp, tiền sử mắc hen suyễn nên thay thế hạt nguyên vỏ bằng các sản phẩm tách sẵn vỏ. Không cười nói to hoặc chạy nhảy khi ăn để tránh hóc, sặc. Trường hợp dị vật rơi vào đường thở có thể gây khó thở, nguy hiểm tính mạng.

Mặc dù chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng mỗi người chỉ nên ăn 30-50 g hạt khô mỗi ngày. Ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân mất kiểm soát. Hạt đậu nành chứa chất xơ không hòa tan alpha-galactoside có thể gây chướng bụng, đầy hơi. Cellulose và lignin trong hạt hướng dương là những chất xơ cơ thể không thể tiêu hóa, dễ gây táo bón, tắc ruột nếu ăn lượng lớn. Lạc chứa hàm lượng protein, chất béo cao khiến cơ thể khó tiêu hóa và hấp thu.

Trịnh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét