BỆNH TẬT CÓ PHẢI LÀ MỘT “ƠN GỌI” CHĂNG?
Thứ hai - 06/02/2023 –
Thanhinh.net
BỆNH TẬT CÓ PHẢI LÀ MỘT
“ƠN GỌI” CHĂNG?
Theo thông lệ, từ “Ơn gọi”
thường được dùng để diễn tả một sứ mạng, ví dụ như: Ơn gọi Kitô hữu, Ơn gọi tu trì, Ơn gọi sống đời
gia đình,… Nhưng đã có bao giờ chúng ta nghĩ tới bệnh tật cũng là một Ơn gọi
chăng? Có lẽ câu chuyện về Tôi tớ Chúa Bertilla Antoniazzi, sẽ cho chúng ta một
ý niệm mới: Bệnh tật cũng là một Ơn gọi!
Mathilde De Robien
Theo thông lệ, từ “Ơn gọi” thường được dùng để
diễn tả một sứ mạng, ví dụ như: Ơn gọi
Kitô hữu, Ơn gọi tu trì, Ơn gọi sống đời gia đình,… Nhưng đã có bao giờ chúng
ta nghĩ tới bệnh tật cũng là một Ơn gọi chăng? Có lẽ câu chuyện về Tôi tớ Chúa
Bertilla Antoniazzi, sẽ cho chúng ta một ý niệm mới: Bệnh tật cũng là một Ơn gọi!
Hôm 19. 01. 2023 vừa qua,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận
các nhân đức anh hùng của 6 vị Tôi tớ Chúa sẽ được nâng lên bậc Đấng Đáng Kính.
Một trong số đó là Tôi tớ Chúa Bertilla Antoniazzi (1944-1964), một cô gái trẻ
đã sống một cuộc đời đau khổ với đức tin mạnh mẽ và sự tận hiến can trường.
Sinh ra tại Veneto, Ý,
trong một gia đình nông dân, và là con áp út trong gia đình có 9 người con,
Bertilla Antoniazzi được chẩn đoán mắc bệnh viêm nội tâm mạc (rheumatic
endocarditis) do thấp khớp khi mới 9 tuổi, khiến cô bé không thể đến trường.
Xen kẽ những tuần nhập viện và những khoảng thời gian ở nhà, cô bé đã can đảm đối
diện với bệnh tật, tự nhận mình có sứ mạng an ủi những người đau khổ, và dâng một
cách tỉ mỉ những đớn đau cho Chúa Kitô vì những lý do phổ quát.
Dù qua đời ở tuổi 20,
nhưng Bertilla đã để lại dấu ấn đối với những người xung quanh bởi lòng dũng cảm,
niềm vui sống, và khao khát chuyển cầu cho người khác.
Gia đình của Bertilla
Antoniazzi. Bertilla bé nhất, đứng giữa cha mẹ. Hình: Association AMIS DE
BERTILLA ANTONIAZZI
Năm 8 tuổi, Bertilla bị
cúm nặng, rồi bị nhiễm trùng đường ruột. Ngay sau khi hồi phục, cô bé bị đau khớp
dữ dội, và sau đó là rất khó thở. Bác sĩ đã đưa ra một chẩn đoán thật đau lòng:
Bertilla mắc chứng viêm nội tâm mạc thấp khớp, một bệnh ảnh hưởng tới tim gây
khó thở, và sức lực bị tàn phá khiến cô bé phải nằm trên giường hầu như cả
ngày.
Năm tháng trôi qua, tần
suất những lần nhập viện ngày càng thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Nhưng thay
vì chỉ đơn giản là chịu đựng, Bertilla đã quyết định thăng hoa và “sử dụng”
chính bệnh tật của mình. Trong một cuốn sổ ghi từ lần nhập viện đầu tiên vào
tháng 8. 1953, Bertilla đã ghi chép tỉ mỉ hàng ngày về những người mà cô bé đã
dâng hiến những đau khổ của mình để cầu nguyện cho. Khi lên 9 tuổi, ước muốn cầu
bầu của Bertilla chủ yếu tập trung vào những người thân trong gia đình, và đặc
biệt là cậu em trai, Egidio, người đã mất khả năng nghe và nói do ảnh hưởng của
việc điều trị y tế.
“Ơn gọi” của Bertilla
trong tư cách là một bệnh nhân: Cầu nguyện và An ủi
Ở tuổi 13, ước muốn chuyển
cầu của Bertilla mang chiều kích phổ quát hơn:
- vào các ngày thứ Hai, cầu
nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục,
- vào các ngày thứ Ba, cầu
nguyện cho các nhà truyền giáo và lương dân;
- vào các ngày thứ Tư, cầu
nguyện cho các tội nhân hấp hối được ơn hoán cải;
- vào các ngày thứ Năm, cầu
nguyện đặc biệt cho các linh mục;
- vào các ngày Thứ Sáu, đền
tạ những xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu,
- vào các ngày Thứ Bảy, cầu
nguyện cho những tội nhân đáng thương được ơn hoán cải;
- và vào các Chúa Nhật, cầu nguyện cho nước Nga trở lại.
Bertilla thời niên thiếu
(trái), cùng một người bạn, Hình: Association AMIS DE BERTILLA ANTONIAZZI
Năm 15 tuổi, Bertilla gia
nhập “Trung tâm tình nguyện đau khổ” do Chân phước Luigi Novarese thành lập.
Bertilla đã tìm thấy ý nghĩa và giá trị trọn vẹn của sự hiện hữu của mình, mà với
con mắt của thế trần, có vẻ như rất “cùng khổ,” “đáng thương,” hoặc “vô dụng,”
nhưng, sống trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, đã trở thành “một lời cầu nguyện
liên lỉ”.
Những người trong gia
đình thường nghe Bertilla thầm thĩ: “Tất cả vì tình yêu Chúa”. Lúc đầu, họ
không lưu tâm cụm từ này lắm, vì nghĩ rằng Bertilla lặp lại những lời ấy để có
thêm can đảm. Nhưng trên thực tế, Bertilla muốn làm tất cả và dâng hiến tất cả
vì tình yêu Thiên Chúa, và đó là một ơn gọi đích thực đối với cô.
Bertilla không chỉ cầu
nguyện không mệt mỏi, mà còn kiến tạo những mối tương quan rất sâu sắc với những
người xung quanh, nhất là với những bệnh nhân khác trong bệnh viện, qua việc
thường xuyên trao đổi thư từ. Ngoài ra, Bertilla cũng trở nên thân thiết với
người anh họ Aldo, người mắc bệnh đa xơ cứng. Trong một lá thư, Bertilla đã
thúc giục anh dâng sự đau đớn cho Chúa Giêsu: “Em khuyên anh, đừng để một giây
phút nào sự đau khổ của mình trôi qua mà không đặt nó vào bàn tay của Chúa
Giêsu. Anh sẽ thấy rằng Người sẽ dành cho anh sự nâng đỡ mà anh cần”.
“Bệnh tật” là một Ơn gọi
mà Bertilla say mê theo đuổi đến mức cô có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Vào tuổi
19, trong một lần cha xứ Antonio Rizzi, hỏi xem liệu cô có ý định trở thành một
nữ tu khi được khỏi bệnh không, Bertilla đã trả lời rằng “Con chưa bao giờ bận
tâm tự hỏi xem mình có ơn gọi trở thành một nữ tu hay không, bởi vì ơn gọi của
con là bị bệnh và con không có thời gian để nghĩ về bất cứ điều gì khác”.
Lời cầu xin tại Lộ Đức: sự
Thánh thiện hơn là sự chữa lành
Vào mùa thu năm 1963, các
bác sĩ đã chấp thuận cho Bertilla đến Lộ Đức, nhân chuyến hành hương do giám mục
Vicenza tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của ngài.
Bertilla hết sức ngạc
nhiên, vì dường như bệnh tim không gây ra bất kỳ vấn đề nào cho mình trong suốt
cuộc hành hương, và Bertilla được an ủi bằng việc cầu nguyện với Đức Mẹ và tham
dự các buổi cử hành khác nhau.
Một ngày sau khi từ Lộ Đức
trở về, Bertilla viết cho người chị gái: “Em thú thật với chị, em rất vui vì có
thể chịu đau khổ một chút vì Chúa Giêsu, vì sự hoán cải của những người tội lỗi,
và em tin chắc rằng Đức Mẹ, Đấng quá tốt lành, sẽ cho em trở thành một vị
thánh, như em đã nài xin tại hang đá của Mẹ”.
Việc Đức giáo hoàng Phanxicô công nhận các nhân đức anh hùng của Bertilla - bước đầu tiên trong tiến trình phong thánh - cho thấy rằng lời cầu xin của Bertilla đã được Đức Mẹ lắng nghe.
Bertilla khi trưởng
thành, trong bệnh viện Vicenza, Hình: Association AMIS DE BERTILLA ANTONIAZZI
Bertilla qua đời ngày 22.
10. 1964, tại bệnh viện công Vicenza. Và rồi, 50 năm sau, vào ngày 08. 02.
2014, cũng tại nơi này, Đức Giám mục Beniamino Pizziol, Giám mục Vicenza, đã mở
án phong thánh giai đoạn cấp giáo phận điều tra các nhân đức anh hùng của
Bertilla Antoniazzi. Rất nhiều lời chứng được đưa ra, thuật lại những ơn đặc biệt
được cho là do sự can thiệp của cô gái trẻ. Trường hợp nổi bật nhất là việc chữa
lành cho Lorena Vona, một bé gái sinh non ở Crotone, Calabria, đã được chữa
lành một cách kỳ diệu. Chính Sơ Pialuigia, chị gái của Bertilla, đã đề nghị bố
mẹ của em bé hãy cầu xin sự cầu bầu của Bertilla.
Lời nguyện cho việc phong
thánh đối với Tôi Tớ Chúa Bertilla Antoniazzi:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã ban cho Tôi Tớ
Chúa là Bertilla Antoniazzi được cảm nghiệm và thông phần mầu nhiệm đau khổ với
Chúa từ thuở ấu thơ, biết biến giường bệnh thành nơi động viên và hy vọng cho
các bệnh nhân, cho đội ngũ y bác sĩ, và cho những thành viên trong gia đình của
mình.
Nhờ lời chuyển cầu của
Tôi Tớ Chúa, chúng con cầu xin cho tất cả những ai đang đau khổ về thể xác cũng
như tinh thần. Xin khơi dậy trong tâm hồn họ cùng một niềm khao khát Thiên Chúa
đã mang lại cho Tôi Tớ Chúa sức mạnh, để không ai trong số họ bị sức nặng của
thập giá đè bẹp, và bệnh tật sẽ trở thành cơ hội đặc biệt để làm chứng cho tình
yêu của Thiên Chúa.
Nhờ lời chuyển cầu bầu của
Tôi Tớ Chúa, nếu đẹp lòng Chúa, xin ban cho chúng con ơn mà chúng con nài xin với
hy vọng rằng Tôi Tớ Chúa sớm được kể vào hàng ngũ Các Thánh. Amen.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ:
aleteia.org (04. 02. 2023)
(Nguồn: WHĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét