Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

LUẬT DẠY NGƯỜI XƯA RẰNG...THẦY BẢO CHO ANH EM BIẾT

 

Fri, 10/02/2023 - Lm Xuân Hy Vọng

LUẬT DẠY NGƯỜI XƯA RẰNG...THẦY BẢO CHO ANH EM BIẾT

Phụng vụ Chúa Nhật VI Thường Niên hôm nay khá dài và rất nhiều bài học đáng giá cho đời sống đức tin cũng như đời sống luân lý của chúng ta. Như quý ông bà, anh chị đã biết, bất cứ quốc gia nào cũng phải có Hiến pháp; tất cả các hội dòng, tu viện đều có Hiến Chương và các tổ chức hành chính luôn có luật lệ nhằm quản lý và giúp con người sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.

Với ý nghĩa ấy, đoạn trình thuật Phúc Âm theo thánh Mát-thêu chương 5 mà chúng ta vừa được công bố được gọi là Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5-7). Khi đề cập đến luật, hiến pháp, hiến chế hoặc hiến chương bất kỳ, theo thói thường, chúng ta hay rơi vào tình trạng ‘giữ luật’ hơn là ‘sống theo luật’; thái độ ‘đối phó, lách luật, vụ lợi, hình thức...’ hơn là ý thức ‘luật giúp con người được thăng tiến’, ‘luật phục vụ cho con người’ và ‘sống theo tinh thần luật’. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khẳng định “Con người làm chủ ngày Sa-bát” (x. Mc 2, 27). Luật lệ được ban bố vì lợi ích cho cộng đồng, cho mỗi cá thể con người trong cộng đồng ấy. Thông thường, luật thường biểu đạt dưới ‘câu chữ’ và ‘tinh thần’. Nhiều người trong chúng ta quá coi trọng ‘câu chữ’ mà quên đi cốt lõi của tinh thần luật, và hậu quả là: chúng ta trở nên cứng nhắc, khắc khe, rơi vào ‘chủ nghĩa duy từ ngữ’. Mặc khác, khá nhiều trong chúng ta giải thích luật quá dễ giải, nhân nhượng, hời hợt, bỏ qua những điều nhỏ nhặt nhưng quan trọng, cốt yếu.

Đối chiếu với thực tại trên, là môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta cần khắc ghi trong tâm khảm của mình một điều rõ ràng là: “Thiên Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (x. Hc 15, 20), và “chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho biết lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Người nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2, 10). Vì vậy, công chính không phải chỉ nhờ ‘việc sống theo luật định’ mà tiên vàn nhờ lòng tin vào Thiên Chúa, ơn huệ Chúa ban, kế đến ăn ở ngay lành dựa trên lòng tin ấy. Chúa Giê-su nói rất mạnh và đanh thét “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20). Không phải chúng ta chỉ tránh sống đạo hình thức kiểu các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, mà hơn nữa cho dù các kinh sư cũng có những người sống theo luật Mô-sê thật tình đấy chứ, nhưng từ đây sống như vậy không đủ nữa để được hạnh phúc trọn hảo, bởi Đấng Cứu Độ (Mê-si-a) đã đến làm cho luật Cựu ước được hoàn hảo, trọn vẹn (x. Mt 5, 17). Từ đây điều cần kiếp là phải tin vào Người, sống theo như Người dạy mới vào Nước Trời. Tất cả từ đây phải được Ki-tô hoá!

Thế thì, Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì, đặc biệt trong trình thuật Phúc Âm hôm nay? Đó là: đức công chính của người môn đệ (Mt 5, 20); đừng giận ghét (Mt 5, 21-26); thái độ với tha nhân quyết định giá trị việc thờ phượng (Mt 5, 23-26); chớ ngoại tình (Mt 5, 27-30); đừng ly dị (Mt 5, 31-32); đừng thề thốt (Mt 5, 33-37). Những điều này đều bắt đầu bằng câu: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng...còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết...” Đây là cách nói phản đề nhằm đưa ra những trường hợp điển hình về sự Công chính mới, sự công chính được Chúa Giê-su kiện toàn như thế nào. Điều luật cũ (Luật Mô-sê và các Tiên Tri, Luật Cựu ước) vẫn còn nhưng Chúa Giê-su đòi chúng ta phải đi sâu vào nội tâm và kiểm soát cả đến ước vọng và những động lực thầm kín nhất của con người chúng ta khi thực thi lề luật. Là con người, những gì tốt đẹp nhất hay xấu xa nhất của chúng ta đều phát xuất từ tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư, động cơ sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta trước khi diễn đạt qua ngôn từ và hành động! Vì vậy, Chúa Giê-su muốn chúng ta sống dựa trên nền tảng: lòng tín thác, tin tưởng, tình mến, lòng bác ái, và biết làm chủ những ước vọng sâu kín nhất của bản thân để khỏi trở nên nô lệ cho đam mê chóng qua, ảo vọng trần đời, nô lệ cho thú vui mà đôi mắt thân xác phàm trần mang lại…

Thứ đến, Chúa Giê-su khẳng định: thái độ đối với tha nhân quyết định giá trị việc thờ phượng (x. Mt 5, 23-26). Chúng ta thường dễ quan tâm đến bổn phận thờ phượng, mà lơ là bổn phận tha thứ và yêu thương. “Để của lễ lại” là kiểu nói để diễn tả ý muốn giảng hoà, tha thứ, chứ không phải hành động hoãn việc thờ phượng, vịn lẽ chưa dàn xếp xong. Nếu làm như vậy, đó chính là dấu chỉ không sẵn sàng giảng hoà, hay thái độ ‘mặc kệ, chuyện gì đến sẽ đến’, hoặc ‘chuyện ta, ta làm, chuyện người, người lo’...Mặc khác, việc thờ phượng, đời sống cầu nguyện, đời sống đức tin chính là lý do thúc bách chúng ta phải sớm tha thứ cho anh em. Nếu không, chúng ta chẳng may sẽ đắm chìm trong tình trạng lương tâm bị ray rứt trước Thiên Chúa, bao lâu chưa được Người tha, bởi vì mình chưa tha cho anh chị em (x. Mt 5, 25-26). Về việc chớ ngoại tình (Mt 5, 27-30), đừng ly dị (Mt 5, 31-32), đừng thề thốt (Mt 5, 33-37), Chúa Giê-su dùng cách nói rất mạnh mẽ “móc mắt, chặt tay”, qua đó Người muốn dạy chúng ta biết mặc lấy ý chí cương quyết, dứt khoát với tội lỗi, không chần chừ, không chiều theo những thèm muốn tội lỗi, và biết kiểm soát con mắt thân xác cũng như đôi mắt tâm hồn luôn được tinh tuyền, thánh thiện. Hơn nữa, phải mặc lấy lòng đơn thành, có nói có, không nói không (x. Mt 5, 33-37). Ở đây “có có, không không” chúng ta có thể hiểu theo 3 cách, đó là: 1) Nói đúng sự thật khách quan; 2) Bụng nghĩ sao, miệng nói vậy (thành thật); 3) Nhắc lại tiếng có hoặc không để quả quyết hoặc phủ nhận điều mình nói một cách trịnh trọng (theo kiểu người Do thái). Nếu là trường hợp thứ 3 thì Chúa có ý nói: chúng ta không cần thề thốt, tức là nại đến điều linh thánh, chỉ cần quả quyết một cách nghiêm chỉnh là đủ.

Đối diện với Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy quay về với lòng mình và thầm nguyện trong giây lát. Ước gì chúng ta trở nên môn đệ đích thật của Chúa trong mỗi ngày sống, làm việc, phục vụ và làm chứng cho lòng từ bi vô bờ bến của Chúa cũng như sự công chính, công minh của Ngài qua việc tuân giữ các luật Chúa truyền với cả lòng tri ân, hiểu biết và tình mến vì “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy...và lời anh em nghe đây không phải của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (x. Ga 14, 23-24). Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét