Mon, 27/02/2023 - Trầm
Thiên Thu
VẤN ĐỀ XÁC – HỒN
Con người sinh ra ai cũng
có hai phần thể xác và linh hồn. Cơ thể là “vật chứa” linh hồn, mà linh hồn lại
chính là sinh khí của Thiên Chúa. (x. St 2:7) Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Tinh thần
thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:28) Thế nên cũng
nhiêu khê lắm!
Cuộc đời là cõi trầm luân
Bồi hồi chợt nhớ thì thầm
Mùa Chay
Nhớ đêm nhớ cả ban ngày
Nhớ nô-tỳ-kiếp đắng cay
gian trần
Sầu lòng chứ chẳng bi
quan
Dẫu phận sang hèn cũng
hóa bụi tro
Trăm năm nào phải là thơ
Nhập nhòa mơ ước, thực –
hư cuộc đời
Xác và hồn cứ giằng co
không ngừng. Suy tư về cuộc đời mà thấy nẫu cả lòng. Chay tịnh nên tím rịm tâm
hồn. Thế nhưng Kitô hữu chúng ta không buồn não nuột, phàm nhân chúng ta lại vẫn
cảm thấy vui mừng trong Đức Tin, vì Thánh Phaolô nói: “Trong Đức Kitô, một khi
đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần.” (Ep 1:13) Hoa hạnh phúc chợt nở tươi
trên miền đất khô cằn tội lỗi!
1. VẤN ĐỀ
XÁC PHÀM
Cơ thể con người có vẻ giản
dị và nhỏ bé, nhưng thực ra đó là một kỳ công và là một thế giới bí ẩn! Bạn đã
biết gì về cơ thể của mình?
– Nếu các mạch máu được mắc
nối tiếp thì sẽ dài 96.558,6 km. Cơ thể có hàng triệu tế bào phải được máu bơm
vào.
– Lông mi và lông mày chỉ
“sống” được vài tháng, nhưng tóc lại có thể tồn tại 2-8 năm rồi mới rụng, lâu gấp
10 lần so với lông mi và lông mày.
– Khi nói, chúng ta không
cần rung dây thanh âm, gọi là nói thầm. Chỉ khi nói lớn mới cần rung dây thanh
âm.
– Mắt màu đen sẫm phản ứng
nhanh hơn mắt màu khác (xanh, nâu,…), vì tốc độ chuyển xung động thần kinh ở mắt
đen chạy lên não nhanh hơn.
– Xương người có lực nén
mạnh hơn bê-tông hoặc cẩm thạch. Đó là nhờ chất can-xi (thực sự là kim loại) kết
hợp với phốt-pho và ô-xy để thành chất rắn giống như bê-tông.
– Con người có 2 loại mắt
(nghĩa là 3 mắt). Thực ra ai cũng có “mắt” thứ ba ở trung tâm não, gọi là “tùng
quả tuyến” (pineal gland, vì nhìn như trái tùng). Nó liên quan mắt thứ ba – có ở
nhiều loại cá, ếch và thằn lằn. Giống như mắt thật, tùng quả tuyến phản ứng
theo các thay đổi của ánh sáng. Nhưng thay vì chuyển hình ảnh lên não, nó sản
sinh chất melatonin – loại hormone làm ảnh hưởng tâm linh và kết hợp với thời kỳ
dậy thì.
– Móng tay ở ngón giữa mọc
nhanh nhất, móng tay ở ngón út mọc chậm nhất. Trung bình mỗi năm móng tay dài
thêm gần 4 cm. Nếu bạn cắn móng tay thì nó sẽ mọc nhanh hơn khoảng 20% đấy!
– Các hạch (ở bên họng)
thuộc hệ bạch cầu, chúng giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Nhưng đôi khi
chúng bị cắt bỏ vì chúng nhiễm trùng, gọi là cắt a-mi-đan.
– Người Hàn quốc có ít
“tuyến mùi” hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Do vậy mà họ ít có mùi “hôi
khét” hơn.
– Dấu vân tay được người
Trung quốc dùng để nhận dạng từ hàng ngàn năm trước. Nhưng đó là mục đích của
con người, không là của Tạo Hóa. Thật ra dấu vân tay giúp dễ cầm (nắm giữ), kể
cả các “đường chỉ” ở lòng bàn tay. Mồ hôi tiết ra ở các “đường chỉ” trong bàn
tay giúp nắm chặt hơn.
– Nhịp đập của tim là tự
nó, không nhờ sự giúp đỡ của não hoặc cột sống, vì khi lấy tim ra thì nó vẫn
“nhảy nhịp”. Mỗi cơ tim đều tự đập được.
– Mỗi sợi tóc trên đầu đều
được kết nối với một “cơ ngỏng” (erector muscle), do vậy mà khi có gì bất ngờ,
chúng ta thấy rờn rợn muốn dựng tóc gáy. Có khi nó khiến chúng ta giật mình.
– Mỗi ngày chúng ta sản
sinh hơn 290 lít nước bọt (nước miếng, nước dãi). Nếu không có nước bọt, bạn
không thể nói hoặc ăn. Nước bọt giúp chuyển hóa tinh bột thành đường và giúp chữa
lành các vết thương trong miệng. Nước bọt là một loại biệt dược.
– Một phụ nữ bình thường,
mỗi chu kỳ có khoảng 400 trứng rụng xuống, nhiều trứng thoái hóa trước độ tuổi
dậy thì hoặc còn “non”, mặc dù có hàng chục ngàn trứng dự trữ. Mỗi chu kỳ chỉ
có khoảng 2 trứng khả dĩ thụ tinh. Nhưng ở nam giới, mỗi lần phóng tinh có đến
300 triệu tinh trùng. Nếu vợ chồng quan hệ 8 lần/tháng, mỗi trứng “đương đầu” với
khoảng 2,4 tỷ tinh trùng, nhưng chỉ có 1 tinh trùng “gặp” 1 trứng, vậy là xảy
ra “cuộc chạy đua nước rút” rất kịch liệt với tỷ lệ chọi quá cao, phải thực sự
là tinh binh mới khả dĩ đoạt giải quán quân. Mỗi tháng nam giới có sức chứa khoảng
hơn 2 tỷ tinh trùng, như vậy sức chứa nam lớn hơn sức chứa nữ.
Thật là kỳ công của Thiên
Chúa! Bác học Thomas Alva Edison (1847-1931, Hoa Kỳ) đã nói: “Chức năng chính của
cơ thể là đưa não đi khắp nơi.” Đó là một hành trình kỳ lạ nhất!
2. VẤN ĐỀ TÂM
LINH
Con người có vẻ “to lớn”
nhưng rất yếu đuối, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thật vậy, con người không vác
nổi một vật có trọng lượng bằng thể trọng của mình. Còn loài kiến, nó bé tí
nhưng lại có thể chuyển một vật nặng gấp thể trọng của nó nhiều lần.
Chúa Giêsu so sánh: “Đèn
của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng thì toàn thân anh cũng sáng.
Nhưng khi mắt anh xấu thì thân anh cũng tối.” (Lc 11:34) Và Ngài nhắn nhủ: “Đừng
lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng
sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc.” (Lc 12:22-23)
Chúa Giêsu nói vậy vì
Ngài biết chúng ta rất “nặng lòng” với vật chất và “nặng nợ” với cuộc đời này,
dù vẫn biết chúng ta không vĩnh cư ở thế gian này. Thế mà… lạy Chúa, phàm nhân
yếu hèn quá!
Thánh Phaolô nói: “Anh em
được liên kết với thân thể Đức Kitô, anh em đã chết đối với Luật Môsê. Giờ đây,
anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Đấng đã được Thiên Chúa cho sống
lại từ cõi chết, để chúng ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa. Vì trước đây, khi
chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà
hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết.
Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối
với cái vẫn giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh
thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật.” (Rm 7:4-6) Chúng ta chỉ là bụi
tro, chẳng đáng gì, thế mà lại được là chi thể trong Nhiệm thể Đức Kitô. Kỳ diệu
và tuyệt vời quá!
Thánh Phaolô nói thêm:
“Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh,
Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ,
thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc
sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.
Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy
sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng
lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?” (1
Cr 12:27-30).
Quả đúng như vậy: “Thần
Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12:7) Thế mà
chúng ta lại cứ so đo, kèn cựa nhau đủ kiểu, đủ mức, mà quên rằng “chỉ có MỘT
Thiên Chúa, MỘT niềm tin, MỘT phép rửa,” (Ep 4:5) dù “có nhiều đặc sủng khác nhau,
nhưng chỉ có MỘT Thần Khí,” (1 Cr 12:4) và “có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng
vẫn chỉ có MỘT Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người,” (1 Cr 12:6) đặc biệt nhất
là điều này: “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy
mãi đến muôn đời.” (Dt 13:8).
Thánh Phaolô cũng nhắc nhở
mọi người: “Dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân
thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và
trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm
vóc viên mãn của Đức Kitô.” (Ep 4:12-13)
Trong các thư, Thánh
Phaolô nhiều lần đề cập Nhiệm thể Đức Kitô. Chẳng hạn: “Hội Thánh là thân thể Đức
Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.” (Ep 1:23)
Thật vậy, chúng ta chỉ có thể nên trọn trong chính Đức Kitô Giêsu mà thôi. Vì
chính Ngài đã xác định: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
KHÔNG AI ĐẾN VỚI CHÚA CHA MÀ KHÔNG QUA THẦY.” (Ga 14:6)
Xác phàm là nhục thể, là
cát bụi, nhưng nó vẫn có một vị trí nhất định, vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã
“hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14) Thánh GH Gioan Phaolô
II đã có Thần Học Cơ Thể (Theology of Body – có người dịch là Thần Học Thân
Xác).
Suốt gần 30 năm sau khi
Thánh GH Gioan Phaolô II giải thích thần học về cơ thể trong 129 cuộc yết kiến,
giáo huấn của ngài tiếp tục gợi hứng trong Giáo Hội các cảm xúc sôi nổi, thậm
chí là gây tranh luận và chia rẽ. Thế nhưng chứng cớ có thể tìm thấy tại Đại hội
Thần Học Cơ Thể trong tuần cuối tháng 7/2010. Có 450 linh mục, tu sĩ, thần học
gia, giáo lý viên và giáo dân tụ họp tại thành phố Blue Belle, để thảo luận về
mọi khía cạnh trong giáo huấn của ĐGH Gioan Phaolô II về bản năng giới tính con
người (human sexuality) và bản chất bí tích (sacramental nature) của cơ thể con
người.
Hội nghị này được Viện Thần
học Cơ thể tổ chức, nhóm phi lợi nhuận này đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho
những người muốn dạy hoặc hiểu cách nhìn của ĐGH Gioan Phaolô II về tình dục.
Nhóm này có sự bảo trợ của ĐHY Justin Rigali (GP Philadelphia), ĐHY George Pell
(Úc) và 9 giám mục khác thuộc Ủy Ban Giám Mục. Tổ chức này được David Savage
thành lập năm 2004, với sự hợp tác của phát ngôn viên kiêm tác giả Christopher
West và Matthew Pinto, những người sáng lập nhà xuất bản Ascension Press và
website CatholicExchange.com.
Xác phàm thực sự quan trọng
vì nó được Thiên Chúa tạo nên: “Thân xác con người là để phụng sự Chúa, vì Chúa
làm chủ thân xác.” (1 Cr 6:13) Không chỉ vậy, thân xác còn là đền thờ Chúa Thánh
Thần. (1 Cr 6:19) Chúng ta có trách nhiệm phải tôn trọng và bảo vệ thân xác vì
là chi thể trong Nhiệm thể Đức Kitô. Đó cũng là bảo vệ sự sống vậy!
Cũng nên lưu ý: Thân xác
như con ngựa chứng, chúng ta phải “tra hàm thiếc” và dùng “dây cương” để kiềm
chế nó, nhất là trong Mùa Chay Thánh này.
Thánh Phaolô nói: “Anh em
là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.” (1 Cr 12:27) Hiến Chế Tín
Lý (Lumen Gentium, số 7) cũng xác nhận Giáo hội là Nhiệm thể Đức Kitô: “Qua việc
thông truyền Thánh Thần của Người cho các anh em của Người, tụ tập từ mọi dân tộc,
Chúa Giêsu làm cho họ thành thân thể của Người một cách mầu nhiệm.” Vì thế,
chúng ta phải cố gắng sống xứng đáng là những chi thể trong Nhiệm thể Đức Kitô.
Mỗi chi thể trong Nhiệm
Thể Đức Kitô phải được thể hiện rõ nét, đặc biệt là trong mỗi gia đình. Mỗi
thành viên là một chi thể của “thân thể gia đình.” Đó là hình bóng của Nhiệm Thể
Đức Kitô. Một chi thể đau thì cả thân xác cũng nhức, mỗi chi thể khỏe thì cả
thân thể đều mạnh. Răng không thể trách môi dựa vào mình. Nếu không có môi thì
răng sẽ bị lạnh và rụng hết. Các chi thể khác cũng tương tự. Hệ-lụy-dây-chuyền
này là hệ lụy tất yếu, không thể tách rời.
Cuộc sống là sống CHO, sống
CÙNG, sống VỚI, chứ không thể mỗi người là một ốc đảo. Quy luật tự nhiên còn vậy
huống chi là Nhiệm Thể Đức Kitô. Hãy luôn ghi nhớ: “Mọi người đều là anh em với
nhau.” (x. Mt 23:28; Pl 2:5) Đó là quy luật đơn giản nhưng là hệ lụy tất yếu vậy!
Thiết tưởng cũng nên “đặt
vấn đề” một chút về các chi thể. Chúng
ta biết rằng tình nghĩa phu thê được Thiên Chúa chúc lành là kết hợp qua Bí
tích Hôn phối, nhưng cũng có kèm theo sự ràng buộc vĩnh viễn: “Sự gì Thiên Chúa
đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19:6; Mc 10:9) Chính đôi bên
đã thề hứa chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh: Vui hoặc
buồn, sướng hoặc khổ, khỏe mạnh hoặc bệnh hoạn, giàu có hoặc nghèo khổ,… Lời thề
đó được tuyên thệ công khai trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Thế nhưng trong
thực tế, chúng ta vẫn thấy có những người Công giáo ly thân, thậm chí là ly dị.
Như vậy, lời thề đó chỉ là “công thức,” vô giá trị trước mặt Thiên Chúa sao?
Đó là vấn đề quan ngại. Vả
lại, có điều quan trọng cần lưu ý: Trong thời cuối, ma quỷ “đánh mạnh” vào vấn
đề gia đình. Và xã hội ngày nay cho chúng ta thấy rằng trước đây những chuyện rắc
rối về hôn nhân chỉ xảy ra ở những nơi phố thị, nhưng bây giờ ở vùng quê cũng
thấy nhiều trường hợp rắc rối về hôn nhân. Các giá trị gia đình đang bị ma quỷ
làm đảo lộn.
Mùa Chay là cơ hội thuận
tiện để sám hối, trở về và chấn chỉnh. Mặc dù thân xác là bụi tro nhưng vẫn còn
mãi sau khi được sống lại, còn linh hồn là “viên ngọc bích mầu nhiệm” và đặc biệt
là bất tử. Một lần không chỉ là trăm năm mà là vĩnh viễn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng
và giàu lòng thương xót, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng
con khỏi mọi sự dữ. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét