BỆNH
SỞI BỆNH
SỞI BỆNH SỞI
(Bác sĩ Nguyễn Ý Đức)
Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Mấy tuần lễ vừa qua, dư luận bên Việt nam có nói nhiều tới dịch
bệnh sởi ở một số tỉnh miền Bắc.
Vào dịp mùa Hè này, chúng tôi có ý định đưa mấy cháu nhỏ về thăm
ông bà ngoại.
Xin bác sĩ cho biết chúng tôi phải làm gì trước khi đi và
về bên đó thì cần để ý những việc gì để không bị bệnh sởi. Và chúng tôi bây giờ
cũng không nhớ bệnh sởi là gì và do đâu mà có, vì từ ngày sang Mỹ tới giờ chưa
gặp trường hợp sởi nào cả.
Cảm ơn bác sĩ.
Tuân Phạm.
Chào ông Tuân.
Đúng
như ông nói, từ mấy tuần lễ vừa qua, bệnh Sởi tại Việt Nam đã là đề tài được
dân chúng cũng như truyền thông báo chí nhắc nhở khá nhiều. Và bà con đồng
hương sống ở ngoại quốc đều cũng e ngại, theo dõi.
Theo
báo trong nước, tính từ đầu năm đến nay đã có 3.930 trường hợp mắc sởi được xác
định trong số 13.580 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh và thành
phố. Số tử vong là 25 bệnh nhân. Các bệnh viện dành cho trẻ em ở Hà nội đều “quá tải”, vì bệnh nhân “vượt tuyến”, đổ xô về bệnh viện lớn,
không tin tưởng điều trị ở các bệnh viện gọi là “tuyến đầu”, gây ra tình trạng “nhiễm
chòng chéo” phổi, não, cho nên tử vong cao, rất thương tâm. Nói chung thì
đã có những nhận xét khá gay gắt đối với giới chức đầu não về ngành y tế ở Việt
Nam vì “quản lý” thiếu sót, yêu cầu
từ chức. Mới ngày 3 tháng 5 vừa qua, giới chức này cho hay là hai yếu tố chính
khiến dịch sởi bùng phát mạnh là do “biến
đổi khí hậu và lơ là trong chích ngừa, tỷ lệ chích ngừa không đạt!!!”. Thực
ra, thì Sởi hoành hành nhiều ở miền Bắc, nơi có khí hậu lạnh thích hợp cho sự
sống của virus gây bệnh hơn là ở miền Nam nắng ấm. Nhưng đây không phải là yếu
tố chính. Đa số ý kiến cho rằng thiếu “tuyên
truyền” về ích lợi của chích ngừa bệnh Sởi cũng như nhiều “sự cố”
xảy ra trong quá khứ về vaccine ngừa sởi có lẽ là nguyên nhân chính khiến các
bà mẹ không “tham gia” cho nên số
bệnh sởi gia tăng. Và cũng có ý kiến cho là “
chích ngừa không đạt”, vì ngân quỹ dành để mua vaccin đã bị “ chia chác” đó đây, vaccine thiếu hụt.
Chúng tôi xin cùng với quý vị tìm hiểu về bệnh nhiễm này và cách
phòng ngừa bệnh. Xin ông cũng như bạn đọc chia xẻ các hiểu biết căn bản về bệnh
sởi cũng như ích lợi của việc chích ngừa một số bệnh truyền nhiễm cho bà con
trong nước. Bà con mình ở nhà cũng cần biết các “thông tin” này lắm, vì công việc “tuyên truyền” kiến thức y học ở Việt Nam mình cũng rất giới hạn,
tắc trách. Chứ không như ở bên đây, cũng như ở miền Nam trước 1975.
Sởi tiếng Anh gọi là Measles là bệnh truyền nhiễm thường thấy ở trẻ
em do một loại virus gây ra. Bệnh cũng có thể thấy ở người trưởng thành,
nhưng với tỷ lệ thấp hơn.
Trước đây, Sởi rất phổ biến nhưng ngày nay bệnh đã được kiểm
soát bằng chích ngừa. Tại Hoa Kỳ, trước khi có vaccin ngừa sởi, khoảng từ 3 tới
4 triệu người bị bệnh sởi với từ 400 tới 500 tử vong mỗi năm. Nhưng kể từ khi
vaccin sởi được sản xuất và chích ngừa, số bệnh nhân sởi ở Hoa Kỳ vào năm 2012
chỉ còn có 55 trường hợp. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác trên thế giới,
bệnh sởi vẫn còn rất phổ biến và lây lan nhanh rộng thành dịch, nhất là nếu
không được chích ngừa. Chẳng hạn như ở Việt Nam, Trung Hoa, Phi Luật Tân trong
thời gian vừa qua.
Dấu hiệu của bệnh gồm có ho, chẩy nước mũi, đỏ mắt, đau họng,
sốt và nổi nhiều nốt ban đỏ trên da.
Ban da xuất hiện tại chân tóc trước, rồi lan dần xuống
mặt, cổ, thân mình rồi xuống chân. Khi ban tới chân thì bệnh nhân cũng hết sốt.
Các vết ban đỏ không đau, ngứa hoặc không sinh mủ và sờ mịn như
nhung. Sau đó ban lặn cũng theo thứ tự từ trên đầu xuống chân để lại những vết
lốm đốm như vằn như da báo. Đặc điểm khác nữa của sởi là những đốm Koplik màu
trắng viền đỏ xuất hiện ở khẩu cái trong miệng. Các điểm này xuất hiện và
biến mất rất nhanh trong vòng từ 12 tới 24 giờ.
Sởi rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành vào 4
ngày trước khi nổi ban da và 4 ngày sau khi nổi ban da.
Virus sởi có nhiều ở họng và mũi bệnh nhân. Khi bệnh nhân ho,
hắt hơi hoặc nói, virus bay ra không khí và người khác có thể hít các virus này
và bị bệnh. Ngoài ra, virus sởi cũng bám vào các vật dụng mà bệnh nhân dùng và
có thể sống được vài giờ trong không khí. Người khác sờ vào các dụng cụ này rồi
vô tình đưa tay có virus vào miệng mũi hoặc mắt là mắc bệnh. Virus sởi rất
thích thời tiết lạnh và có thể sống trong không khí lạnh lâu hơn là thời tiết
nóng. Đó cũng là lý do mà trong thời gian vừa qua, sởi phát triển mạnh ở miền
Bác VN hơn là miền nam.
Bình thường, sởi lành tính và bệnh nhân qua khỏi dể dàng. Tuy
nhiên trong nhiều trường hợp, Sởi có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng
tai, viêm phổi và phế quản, viêm não và có thể đưa tới tử vong. Phụ nữ đang
mang thai cần phải hết sức cẩn thận tránh bệnh sởi vì khi bị bệnh này, có thể
bị hư thai, sanh non hoặc con thiếu cân.
Về điều trị, cũng như các bệnh khác do virus gây ra, không có
thuốc đặc trị bệnh sởi và kháng sinh đều không có tác dụng. Kháng sinh chỉ dùng
khi có nhiễm trùng chéo như bị bội nhiễm phổi với các loại vi khuẩn (bacteria).
Do đó, điều trị bệnh đều nhắm vào việc hỗ trợ, với thuốc giảm
sốt paracetamol, Ibuprofen, bù nước mất qua sốt và đổ mồ hôi, nghỉ ngơi, theo
dõi bệnh tình, nhất là khi bệnh nhân sốt cao, ho nhiều, rối loạn nhịp thở vì
bội nhiễm gây ra sưng viêm phổi. Đây là tình trạng xảy ra tại Việt Nam trong
thời gian vừa qua vì trẻ bị bệnh dồn về mấy bệnh viện ở thành phố lớn như Hà
Nội, bị nhiễm phổi, suy hô hấp và đưa tới tử vong cao. Ngoài ra, một số bệnh
nhân cũng có thể thiếu sinh tố A, cho nên dễ bị Sởi. Cho nên nhiều bác sĩ cũng
cho bệnh nhân dùng thêm sinh tố A, với liều lượng cao trong vài ngày.
Nếu đã bị bệnh sởi thì không bao giờ bị bệnh trở lại, vì cơ thể
đã tạo ra sự miễn dịch với bệnh. Tại Hoa Kỳ, đa số cư dân sinh trước năm 1957
đều được miễn dịch với sởi, vì trước đó họ có thể đã bị bệnh rồi.
Phòng ngừa sởi với vaccin là phương thức tránh bệnh hữu hiệu
nhất. Trẻ em và một số người lớn đều cần được chích ngừa hai lần với vaccin tam
- liên, kết hợp ba bệnh Sởi, Quai bị và “Ban
Đỏ ( Measles, Mumps và Rubella) vào tháng thứ 12 tới tháng thứ 15 sau
khi sanh và chích thêm mũi thứ hai vào 4 tuần lễ sau đó để tăng cường sự miễn
dịch.
Cũng nên nhắc lại là các bà mẹ đã được chích ngừa sởi hoặc đã bị
bệnh sởi đều có tính miễn dịch vĩnh viễn với sởi. Khi có thai, tình miễn dịch
này được chuyển sang thai qua nhau thai, cho nên khi sanh ra, các cháu sơ sanh
được bảo vệ với sởi được nhiều tháng.
Vaccin ngừa sởi là loại còn sống nhưng đã được làm giảm độc
tính, cho nên có một số giới hạn.
Không chích ngừa sởi nếu:
- đã bị dị ứng với vaccin ngừa sởi hoặc với neomycin, gelatin vì
vaccine được chế biến có các chất này;
- đang có thai hoặc dự trù sẽ có thai trong vòng 4 tuần lễ;
- suy giảm miễn dịch như bị ung thư, bệnh AIDS hoặc
- điều trị kéo dài với steroids.
Xin nói thêm là, vaccin sởi tại Hoa Kỳ được cấp bằng sáng chế
vào năm 1963, năm 1971 vaccin kết hợp ba bệnh sởi, quai bị mumps và ban đỏ
rubella vào năm 1971. Tới năm 2000, bệnh sởi coi như bị xóa sổ tại Hoa Kỳ nhờ
chích ngừa. Tuy nhiên, lâu lâu cũng còn một số ca được khai báo và đa số là do
người du lịch từ nước ngoài bị bệnh rồi về Hoa Kỳ.
Trở lại câu hỏi của ông là phải làm gì khi mang cháu nhỏ về thăm
gia đình thì chúng tôi nghĩ rằng:
- Với ông, tuổi chắc cũng đã cao, trước đây đã từng ở VN, thì
thường cũng đã được chích ngừa hoặc bị bệnh sởi rồi, cho nên cũng đã có tính
miễn dịch với bệnh sởi. Về bên nhà, ông chỉ cần đừng tiếp xúc gần với bệnh nhân
và áp dụng các phương pháp vệ sinh cá nhân, như rửa tay sạch sau khi thăm viếng
các cháu bị bệnh. Trước khi đi, ông cũng nên hỏi bác sĩ gia đình coi có cần
chích ngừa bệnh viêm gan do virus A và B không, vì bên đó các bệnh này cũng khá
phổ biến đấy.
- Với các cháu bé, sanh tại Hoa Kỳ thì bên đây các trường học
cũng đã đòi hỏi các cháu chích ngừa một số bệnh nhiễm, trong đó có bệnh
measles, trước khi vào mẫu giáo, cho nên các cháu được bảo vệ an toàn. Ông nên
coi lại sổ chích ngừa của các cháu coi xem đã chích đầy đủ một số bệnh truyền
nhiễm chưa, và khi về Việt nam, xin ông nói với các cháu không nên tới gần
người bệnh để phòng ngừa nhiễm bệnh khác của bệnh nhân như viêm sưng phổi...
Cầu chúc ông và gia đình có chuyến đi được mọi sự hạnh thông,
bình an trở về miền đất nhiều tự do dân chủ này.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Tác giả: Câu Chuyện Thày
Lang, Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, MD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét