Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Kỷ niệm 39 năm...



Kỷ niệm 39 năm thụ phong Giám Mục của
 Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần (ngày 30.4.1975)

(Tinvui.org)



Lúc 5g00 rạng sáng ngày 30.04.2014, tại nhà nguyện Tôma Tòa Giám mục Long Xuyên đã diễn ra thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cách riêng cho Đức cha GB. Bùi Tuần và cho giáo phận nhân dịp kỷ niệm 39 năm Đức cha được thụ phong Giám mục. Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí đơn sơ và sốt sắng, do Đức cha Chính tòa Giuse Trần Xuân Tiếu chủ tế, có sự hiện diện dự lễ của Đức cha GB khả kính, có sự đồng tế của Đức cha Phụ tá Giuse, cha Tổng Đại diện, quý cha Tòa Giám mục, quý cha nhà thờ Chánh Tòa, quý sơ, các dự tu Nhà Têrêxa, dự tu sinh viên ngoại trú, và những người thân quen tham dự.
 

Tại nhà nguyện Tôma nhỏ bé của chủng viện Tôma trước kia, vào đúng ngày 30.4.1975, ngày mà lịch sử đất nước đang xoay chiều, thì Đức cha cố GB được thụ phong Giám mục. Nhờ ơn Chúa, chúng ta thấy ngài đã là bậc cao niên nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn và thường xuyên gửi đến chúng ta những bài viết đậm chất suy tư và sâu lắng. Dù Đức cha GB đã nghỉ hưu, không còn trực tiếp chăn dắt giáo phận nữa, nhưng qua những lời cầu nguyện và các bài viết trong âm thầm của ngài, Giáo phận Long Xuyên vẫn đang ngày càng tiến bước mạnh mẽ trên hành trình đức tin.

  
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Giuse đã kể lại về thánh lễ truyền chức giám mục của Đức cha GB. như sau: “Thánh lễ phong chức do Đức cha Micae chủ phong, Đức cha André Jacques phụ phong, cha Antôn Thành và tôi là hai linh mục giúp lễ. Số người tham dự chỉ có chừng 100 người, phần đông là các cha, các thầy, một số nữ tu và giáo dân. Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí trầm lắng, không kèn không trống, không đàn hát, không rước kiệu, không quay phim, không tiệc tùng, không diễn văn chúc mừng. Có lẽ ít có một lễ tấn phong giám mục nào lại đơn giản đến vậy”. 

Tuy thánh lễ được tổ chức đơn giản trong bối cảnh hoang mang lúc bấy giờ, nhưng lại đầy ắp sự sốt sắng, như Đức cha nói: 
“có lẽ là sốt sắng hơn bao giờ hết, vì đã không chú ý đến vẻ bề ngoài”. Qua sự kiện đó, Đức cha nhớ đến hình ảnh của hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Các môn đệ lúc đầu cảm thấy hoang mang, hụt hẫng, thất vọng, vì Chúa đã chết. Chúa đã hiện ra với họ, giải thích cho họ về Kinh Thánh, “đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30). Lúc ấy lòng hai môn đệ bừng cháy lên, quay trở lại Giêrusalem và “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35). Rồi là hình ảnh các môn đệ tập họp với nhau trong hoang mang và lo sợ, “các cửa đều đóng kín”, thế nhưng Chúa Phục Sinh hiện ra giữa họ và ban bình an. Giáo phận Long Xuyên cũng giữa lúc chồng chất sự hoang mang, Chúa đã gửi đến cho giáo phận một vị giám mục như là sự ban bình an của Chúa.

Về Đức cha GB, Đức cha nói lên bốn con đường nổi bật trong cuộc đời của ngài. Đó là con đường 
sống điều răn mới, hòa nhập xã hội mới và coi tất cả là anh em; đó là tập trung vào Chúa Kitô trong những người anh em hèn mọn, hòa nhập với xã hội mới, với đồng bào, quan tâm và giúp đỡ những người nghèo khổ, yếu hèn, vì “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta” (Mt 25, 45); đó là con đường thập giá, để đến vinh quang Phục Sinh, Chúa Kitô đã vác thập giá, đã chịu khổ nạn và chịu chết, và Đức cha GB đã vâng theo ý Chúa đón nhận Giáo phận Long Xuyên như đón nhận cây thập giá của Chúa Kitô; sau cùng đó là làm chứng cho Chúa, coi nhiệm vụ truyền giáo là cấp bách nhất, và kết quả không phải là con số người theo đạo hay những ngôi nhà thờ được xây dựng, mà là bằng tình cảm đối với những người vô thần.


Kết thúc bài giảng, Đức cha mời gọi mọi người tiếp tục tạ ơn Chúa, cầu nguyện cho Đức cha GB được hồn an xác mạnh, và cầu nguyện cho giáo phận luôn đi đúng với những con đường mà ngài đã đề ra.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét